Sau 2 năm thực hiện Nghị quyết T.Ư 4: Cụ thể hóa bằng hành động
8/26/2014 7:24:26 AM
Qua 2 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 gắn với thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, bên cạnh giải quyết được nhiều vấn đề đặt ra thì vẫn còn đó những việc cần tiếp tục có sự chỉ đạo quyết liệt, tăng cường kiểm tra, giám sát của cấp ủy các cấp để Nghị quyết này tiếp tục phát huy hiệu quả.
Đồng tâm khắc phục yếu kém
 
Về nhiều địa phương thời gian gần đây, chúng tôi cảm nhận rõ những bước chuyển sau 2 năm triển khai Nghị quyết Trung ương 4 “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” ở cấp phường, xã. Ở xã Nghi Phú (Thành phố Vinh), nội dung được tập trung vào việc chỉnh đốn tác phong làm việc, thái độ của công chức đối với người dân. Nghi Phú đã gắn trách nhiệm cá nhân với tập thể trong thực hiện chức trách được giao, chấp hành nghiêm giờ giấc sinh hoạt, giờ giấc làm việc, cải cách hành chính; công việc của người nào thì người đó chăm lo, phụ trách lĩnh vực nào tham mưu lĩnh vực đó một cách sâu sát hơn. Điều này tạo ra những chuyển biến tích cực, nhất là tại bộ phận “một cửa”, đã tiếp công dân đúng giờ, đúng lịch, thái độ nhã nhặn nên từ phía người dân lời khen đã nhiều hơn chê. “Bây giờ có việc gì lên trụ sở xã không còn ngần ngại, bởi không còn cảm giác cầu cạnh. Nhiều việc được giải quyết nhanh vì khi nào cũng có lãnh đạo UBND xã trực ký xác nhận, khác với trước đây có khi phải đi lại 2 - 3 lần do lãnh đạo đi vắng. Cán bộ, công chức có trách nhiệm hơn trong việc giải quyết những yêu cầu của dân” - bà Trần Thị Tăng ở xóm 23 chia sẻ. Nghi Phú cũng tập trung nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, cử cấp ủy trực tiếp tham gia sinh hoạt chi bộ ở xóm để vừa định hướng và giải quyết kịp thời những vấn đề phát sinh hay khó khăn, vướng mắc tại cơ sở. Trong công tác đảng, Nghi Phú chăm lo phát triển đảng viên, xây dựng TCCSĐ vững mạnh. Tất cả cán bộ trong diện quy hoạch thời gian qua đều được xã Nghi Phú gửi đi đào tạo chuyên môn và chính trị; xã kết nạp được 58/60 đảng viên theo chỉ tiêu Đại hội Đảng bộ xã khóa XXIV đề ra. Vì vậy, năm 2013 Đảng bộ Nghi Phú được công nhận Đảng bộ Trong sạch, Vững mạnh. 
Còn ở xã Thanh Chi, Thanh Chương, Nghị quyết Trung ương 4 đã đi vào cuộc sống bằng những minh chứng, việc làm cụ thể mà theo Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Duy Minh nêu lên “ba cái được”. Trước đó, xã đã để xảy ra chuyện “rùm beng” trong việc thực hiện chính sách xã hội, nhiều cán bộ xã bị xử lý kỷ luật, lòng tin của người dân bị giảm sút nghiêm trọng. Nguyên nhân do quy chế hoạt động của cấp ủy thực hiện thiếu nghiêm túc, thiếu kiểm tra thường xuyên, chặt chẽ dẫn đến sai sót không được phát hiện, xử lý. Nguyên tắc tập trung dân chủ “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách” không được đảm bảo. Chính vì vậy, việc thứ nhất được xã Thanh Chi tập trung sau kiểm điểm Trung ương 4 là bổ sung quy chế hoạt động của cấp ủy, trong đó phân công nhiệm vụ, trách nhiệm cụ thể cho Ban Thường vụ phụ trách, các đồng chí trong cấp ủy phụ trách đơn vị xóm, bao gồm lãnh đạo, chỉ đạo cũng như nắm bắt và giải quyết các vấn đề phát sinh từ cơ sở.

 

Làm đường giao thông nông thôn  ở xã Châu Cường (Quỳ Hợp).
Làm đường giao thông nông thôn ở xã Châu Cường (Quỳ Hợp).
Thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, phát huy vai trò người đứng đầu trong mọi công việc của địa phương; tăng cường công tác kiểm tra, hàng tháng giao ban toàn thể cơ quan từ ban thường vụ đến thường vụ các đoàn thể nhằm đánh giá từng mặt, trên cơ sở đó điều chỉnh, chỉ đạo kịp thời. Thứ 2 là tập trung chỉ đạo giải quyết các vấn đề sai phạm trong việc thực hiện chính sách xã hội, vừa thu hồi tài chính từ các đối tượng hưởng chế độ sai, đồng thời làm hồ sơ giải quyết hưởng chế độ cho hàng chục đối tượng người có công, bảo trợ xã hội, người hưởng chế độ mai táng phí chưa được hưởng trước đây, không để xảy ra sai sót. Việc thứ 3 Thanh Chi đã làm được, đó là giải quyết tồn tại, hạn chế trong lăn đổi ruộng đất. Đến tháng 7/2013, Thanh Chi là 1 trong 17 đơn vị ở huyện Thanh Chương chưa hoàn thành công tác này, được huyện cho phép hoàn thành vào năm 2014. Thế nhưng, thông qua Nghị quyết Trung ương 4, Thanh Chi đã quyết tâm với mục tiêu chính trị cao là phấn đấu hoàn thành trong năm 2013. Để thực hiện được mục tiêu đó, xã đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng đồng chí trong cấp ủy, Ban chỉ đạo xuống từng xóm, hộ dân tuyên truyền nâng cao nhận thức về ý nghĩa cũng như không thể trông chờ ỷ lại vào Nhà nước để thực hiện cái trước mắt của người dân. Bằng cách làm đó, đến 31/12/2013, Thanh Chi đã hoàn thành công tác dồn điền, đổi thửa, tạo điều kiện cho người dân sản xuất, tăng thu nhập.

 

Cây bí xanh cho thu nhập cao trên đồng đất Thanh Lĩnh (Thanh Chương).
Cây bí xanh cho thu nhập cao trên đồng đất Thanh Lĩnh (Thanh Chương).
Bản Hạ Đông, xã Châu Cường, huyện Quỳ Hợp, vốn là một bản nghèo, tình trạng ô nhiễm môi trường từ các nhà máy, doanh nghiệp khai thác đá ảnh hưởng đến đời sống dân sinh trên địa bàn. Đồng chí Nguyễn Văn Sơn - Bí thư Chi bộ Hạ Đông, cho biết: “Bản đã có nhiều đổi thay, đó là nhờ sự quyết liệt trong việc thực hiện sau kiểm điểm theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 của cán bộ xã. Các đồng chí đã thường xuyên bám cơ sở, bám địa bàn để giám sát tình trạng ô nhiễm môi trường và kịp thời có ý kiến của các doanh nghiệp khắc phục; bên cạnh đó, chăm lo phát triển kinh tế, phát triển chăn nuôi, trồng các loại hoa màu”. Còn ở xã Châu Hội, huyện Quỳ Châu, thực hiện việc cần làm ngay sau kiểm điểm, Đảng ủy xã Châu Hội đã tranh thủ sự hỗ trợ của Nhà nước và nguồn ngân sách xã cùng với sự đóng góp của bà con dân bản để lãnh đạo thực hiện hoàn thành tuyến đường liên thôn từ trạm y tế xã lên Hội Nga vốn vô cùng lầy lội, ổ trâu ổ gà dày đặc. Cùng với đó, xã cũng tập trung xây dựng làng văn hóa bản Đơn - bản cuối cùng chưa được công nhận làng văn hóa thành đơn vị văn hóa. 
 
Không chỉ các địa phương trên, quá trình tìm hiểu việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 ở nhiều xã cho thấy các vấn đề được các đơn vị xác định cần làm ngay đều sát thực tiễn cuộc sống, giải quyết được những vấn đề sát sườn của địa phương và nhiều việc đã thực hiện xong. Đó chính là giá trị của Nghị quyết Trung ương 4 khi đã thực sự đi vào cuộc sống. 
 
Còn nhiều việc... dở dang
 
Tuy nhiên, những chuyển biến trong thời gian qua còn chậm chạp, thậm chí có những vấn đề, nội dung dù được xác định là “cấp bách” cần làm ngay nhưng sau 2 năm vẫn đang dẫm chân tại chỗ, một số việc bị bỏ quên. Đồng chí Hoàng Thanh Tùng - Bí thư Đảng ủy xã Nghi Phú (Thành phố Vinh), thừa nhận: Công tác quản lý trật tự đô thị, vệ sinh môi trường chưa thực sự tốt. Việc cấp quyền sử dụng đất nông nghiệp cho người dân mới chỉ đạt 4%/80% mà thành phố giao. 
 
Đối với phường Hưng Dũng (TP. Vinh, theo đồng chí Nguyễn Đức Trung - Bí thư Đảng ủy phường, trong 6 nội dung cần làm ngay sau kiểm điểm, quá trình lãnh đạo của Đảng ủy, điều hành của UBND phường, hiệu quả trên từng nội dung còn hạn chế, nhất là công tác cải cách hành chính. Trong công tác xây dựng Đảng đặt ra yêu cầu nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp ủy, tuy nhiên ở mỗi quyết định của Đảng ủy đối với các hoạt động của địa phương, có lúc, có nơi còn chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Công tác giáo dục chính trị tư tưởng là nhiệm vụ thường xuyên nhưng trong quá trình học tập Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng, tỷ lệ đảng viên tham gia chỉ đạt 87%. Còn ở Thanh Chi (Thanh Chương) sau khi phát hiện việc sai phạm trong thực hiện chính sách xã hội đã xử lý kỷ luật một số cán bộ, cho nên nhiều vị trí chức danh được bố trí lại chưa đáp ứng yêu cầu trong lãnh đạo, chỉ đạo, phong trào ở địa phương theo đó cũng chưa thực sự ổn định. 
 
Ở Châu Cường - Quỳ Hợp, quá trình kiểm điểm đã xác định rất rõ từng nhóm giải pháp nhằm giải quyết “3 vấn đề cấp bách”, đồng thời xác định 6 việc cần tập trung chỉ đạo xử lý sau kiểm điểm. Tuy nhiên, vẫn còn một số việc xử lý chưa dứt điểm. Như việc giải quyết nợ phụ cấp và lương cán bộ từ năm 2006 - 2010 do cấn trừ tiền vay xi măng. UBND xã yêu cầu Ban tài chính thực hiện rà soát số tiền còn nợ, họp các ban ngành đoàn thể, xóm trưởng thống nhất giao cho mỗi xóm hàng tháng thu các loại quỹ, nợ tồn đọng và nộp ngân sách về xã mỗi tháng 3,5 triệu đồng để trả nợ lương, phụ cấp, với số nợ lên tới 161 triệu đồng. Tuy nhiên, khi số quỹ này được thu đủ thì do trình độ nghiệp vụ còn hạn chế nên kế toán Vi Đức Mậu đã để xảy ra sai sót trong việc cân đối thu chi, khiến số quỹ thu về không được chi đúng cho việc nợ lương, và sự việc vẫn tiếp tục gây bức xúc. Đồng chí Sầm Phúc Thành - Bí thư Đảng ủy xã cho biết: “Ngay sau kiểm điểm, đảng ủy đã họp và nghiêm khắc kiểm điểm đồng chí Vi Đức Mậu, yêu cầu đồng chí có biên bản giải trình, và có phương án xử lý dứt điểm. Nếu đồng chí Mậu không giải trình được và không cân đối được nguồn thu chi này thì phải nghỉ việc ”. Khi được hỏi để xảy ra sai sót thời gian dài thế mà kế toán Mậu không nhận hình thức kỷ luật nào hay sao? Bí thư Thành trả lời: “Đảng ủy đã cảnh cáo rồi, tổ chức đang gia hạn từ giờ đến kỳ kiểm điểm TW4 của năm 2014 ”. Ở xã Châu Hội (Quỳ Châu) cũng vậy, vẫn còn những việc gây bức xúc trong quần chúng nhân dân. Trong việc giao đất giao rừng, do cán bộ không đủ năng lực trong việc chia đất, không có thiết bị máy móc nên đa số chỉ được thực hiện thủ công. Xã thống nhất chia 300 ha đất còn lại thuộc bản Khứm cho 69 hộ không có đất sản xuất theo phương pháp thủ công gọi là “chia quạ” và đó cũng là việc làm ngay, nhưng có thể gây những hệ lụy liên quan đến quy định trong Luật Đất đai. “Ngoài 69 hộ ở bản Hội Ba vẫn còn nhiều hộ thiếu đất sản xuất nhưng không được nhận đất rừng nên vẫn còn có đơn thư khiếu kiện” - ông Lang Văn Ngọ - Nguyên Bí thư đảng ủy xã Châu Hội (mới về hưu đầu tháng 6) chia sẻ.
 
Công tác cán bộ quyết định 
 
Có thể nói, quá trình tìm hiểu và trực tiếp trao đổi với nhiều lãnh đạo cấp ủy các cấp, chúng tôi thấy rằng: Quá trình kiểm điểm Trung ương 4 ở cấp phường, xã là nghiêm túc và việc xác định các nội dung cần làm ngay là chính xác, đúng trọng tâm, trọng điểm, xác định được những yếu kém của từng cơ sở cần giải quyết sau kiểm điểm. Tuy nhiên, quá trình thực hiện có nhiều lý do khách quan và chủ quan dẫn đến có một số việc chưa thể làm được theo đúng thời gian, tiến độ đề ra. Theo đồng chí Nguyễn Hoài An - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Vinh, thực tiễn ở Thành phố Vinh, qua kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 tại một số cơ sở, cho thấy, có địa phương đã hoàn thành các công việc đã đề ra, đồng thời bổ sung thêm những nhiệm vụ mới phát sinh trong thực tiễn; có địa phương hoàn thành ở mức độ vừa phải, có địa phương thì vừa mới chạm vào nội dung “cần làm ngay”. Nguyên nhân do có những việc đặt ra khó. Công tác cán bộ đặt ra việc xây dựng đội ngũ cán bộ cơ sở mạnh, nhưng đội ngũ cán bộ xã do không được đào tạo chính quy, chủ yếu là tại chức, vì vậy muốn nâng cao trình độ, chất lượng đội ngũ cán bộ cần phải có thời gian. Một nội dung khó nữa là công tác quản lý đất đai, có những vụ tranh chấp đất đai hoà giải không xong và việc ra tòa cũng không tiến hành được. Về công tác quản lý trật tự đô thị được phân cấp, giao trách nhiệm cho các xã, phường quản lý, nhưng do cán bộ cơ sở ở trong dân nên cả nể, chưa quyết liệt. Bên cạnh đó, năng lực của cấp ủy, chính quyền trong việc điều hành tổ chức thực hiện những việc đặt ra kém, cho nên các công việc, nhiệm vụ chuyên môn hàng ngày lấn át nên đã “quên” đi công việc của Nghị quyết Trung ương 4. 
 
Đồng chí Đặng Anh Dũng - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Thanh Chương cho rằng, việc xác định các nội dung cần phải giải quyết sau Trung ương là rõ ràng, phản ánh đúng thực tiễn cuộc sống, tuy nhiên, việc chỉ đạo thực hiện ở cơ sở lại không đều. Ở đâu người đứng đầu cấp ủy, chính quyền chắc chắn, năng động như Thanh Liên, Thanh Lĩnh, Đồng Văn..., thì các vấn đề đặt ra sau Nghị quyết Trung ương 4 cơ bản đều được tập trung thực hiện và trong quá trình đó những vấn đề mới phát sinh ở cơ sở đều được bổ sung và tiếp tục chỉ đạo giải quyết; nơi nào bí thư đảng ủy, chủ tịch UBND xã “non” thì các nhiệm vụ đặt ra cần làm ngay theo Nghị quyết Trung ương 4 phải thực sự cố gắng nhiều. Bên cạnh đó, thực hiện “Nghị quyết Trung ương 4” có nơi còn hô hào chung chung. Theo đồng chí Phan Đình Đạt - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Quỳ Hợp: “Để có thể hoàn thành những việc cần làm ngay, mỗi tổ chức cơ sở đảng và mỗi cán bộ đảng viên cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, xây dựng chi tiết phương án để giải quyết vấn đề đang gây bức xúc trong nhân dân. Tuy nhiên vì một số việc vượt quá thẩm quyền của cấp xã nên chưa thể hoàn thành. Nói là làm ngay nhưng có nhiều việc phải làm từ từ". 
 
Quá trình tìm hiểu, chúng tôi cũng đồng tình với suy nghĩ cho rằng, nguyên nhân dẫn đến có nhiều việc ở cấp xã chưa thể làm được còn do khách quan và không thể nóng vội, song có những nội dung nếu chúng ta thật sự quyết tâm, quyết liệt thì vẫn có thể làm được. Vấn đề chính là nằm ở cán bộ, đây là khâu then chốt. Vì vậy, cần phải đổi mới tư duy trong công tác cán bộ, trong đó chú trọng việc lực chọn cán bộ cho cơ sở đảm bảo cả về trình độ lẫn năng lực thực tiễn, uy tín. Đối với vùng miền núi, khó khăn, chú trọng cán bộ có uy tín, làm được việc. 
 
Như vậy, để Nghị quyết Trung ương 4 không “nhạt” dần thì hàng năm cấp ủy các cấp cần tăng kiểm tra, rà soát các việc đặt ra ở cơ sở để tiếp tục chỉ đạo làm cho Nghị quyết Trung ương 4 luôn luôn mới, tránh tình trạng quên việc; đồng thời thường xuyên bổ sung thêm các việc phát sinh trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành ở cơ sở, tránh tình trạng “nóng” khi kiểm điểm, “nguội” khi thực hiện. Bởi người dân không nhìn vào việc các tổ chức Đảng, đảng viên kiểm điểm nhau như thế nào trong nội bộ mà chỉ cần thấy qua Nghị quyết Trung ương 4, mỗi tổ chức Đảng, đảng viên làm được gì; đội ngũ cán bộ công chức có thật sự vì dân, những bức xúc trên địa bàn có thật sự được giải quyết hay không. Đó mới chính là thước đo hiệu quả của Nghị quyết của Trung ương ở từng tập thể, cá nhân. 
 
Bài, ảnh: Mai Hoa - Thanh Nga - Baonghean.vn
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ THÀNH PHỐ VINH
Giấy phép số: 253/GP-TTĐT ngày 19/11/2010 do Bộ Thông tin và truyền thông cấp
Cơ quan chủ quản: UBND TP Vinh - Địa chỉ: Số 27 Đường Lê Mao – TP Vinh. 
Hotline: 02383.840.039; 02383. 842574    Mail: Vinhcity.ptth@gmail.com
Chịu trách nhiệm chính: Ông Trần Ngọc Tú – Chủ tịch UBND Thành phố Vinh