Sáng ngày 1/9, tại huyện Thanh Chương (Nghệ An), Tổng Công ty Xây dựng Công trình Giao thông 4 (Cienco 4) đã làm lễ thông xe kỹ thuật cầu Dùng và đường từ trung tâm huyện Thanh Chương đi khu tái định cư thủy điện Bản Vẽ (giai đoạn I).
Hình ảnh tại Lễ thông xe kỹ thuật cầu Dùng (Nghệ An)
Dự án cầu Dùng và đường từ trung tâm huyện Thanh Chương đi khu tái định cư thủy điện Bản Vẽ, do Cienco 4 trực tiếp thi công, có tổng mức đầu tư hơn 335 tỷ đồng, được chia làm 2 giai đoạn: giai đoạn I (khởi công vào ngày 18/01/2014). Dự án gồm cầu Dùng với chiều dài 350 m đã hoàn thành và đủ điều kiện thông xe kỹ thuật; 9 km phần đường đã được thảm nhựa theo tiêu chuẩn đường cấp IV đồng bằng. Tổng mức đầu tư giai đoạn I là 231,7 tỷ đồng. Giai đoạn II hoàn thiện dự án.
Dự án cầu Dùng và đường từ trung tâm huyện Thanh Chương đi khu tái định cư thủy điện Bản Vẽ là một công trình quan trọng, góp phần nối trung tâm huyện với đường Hồ Chí Minh, đến cửa khẩu Thanh Thủy, sang nước bạn Lào một cách thuận lợi và ngắn nhất. Đây là tiền đề để thúc đẩy kinh tế - xã hội huyện Thanh Chương nói chung và các xã có đường đi qua, nhất là tạo cơ hội phát triển toàn diện đối với 2 xã vùng tái định cư Thanh Sơn và Ngọc Lâm.
Với năng lực, kinh nghiệm và tâm huyết, những người thợ Cienco 4 đã thực hiện nhiều biện pháp đồng bộ và hiệu quả tại Dự án, nhiều thiết bị thi công tiên tiến, hiện đại được sử dụng… Nhờ vậy mà sau 7 tháng thi công Dự án đã hoàn thành. Đáng chú ý cầu Dùng trở thành cây cầu vượt sông xây dựng bằng bê tông cốt thép dự ứng lực đạt kỷ lục nhanh nhất từ trước đến nay (vượt tiến độ trước 15 tháng so với kế hoạch). Sự kiện này có ý nghĩa hơn khi cầu Dũng được thông xe đúng dịp kỷ niệm 69 năm Quốc khánh 2/9 và Lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh đồng chí Võ Thúc Đồng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An, người con yêu quí của quê hương Thanh Chương.
Việc hoàn thành cầu Dùng bằng bê tông cốt thép qua sông Lam là một kỳ tích đối với huyện Thanh Chương, thỏa lòng mong ước và khát vọng bao đời của người dân đôi bờ nhất là vùng Tả ngạn sông Lam. Mặc dù từ năm 1990 đã có cầu treo Dùng và năm 2.000 có cầu Rộ nối đường Hồ Chí Minh về quê Bác, nhưng các công trình này vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại của nhân dân cũng như hoạt động phát triển kinh tế phía Tây của huyện, nhất là từ khi thành lập Khu tái định cư thủy điện Bản Vẽ đến nay.