Bộ Tài chính công bố trên 500 sản phẩm sữa trong nước và nhập khẩu đã áp giá trần, song theo khảo sát của PV Báo Giao thông, giá bán lẻ nhiều sản phẩm vẫn ngang nhiên vi phạm.
|
Giá bán buôn đã giảm, giá bán lẻ nhiều mặt hàng sữa vẫn cao |
Vượt “trần” 15 - 45 nghìn đồng/hộp
Ngày 8/9, tại shop đồ dùng cho trẻ em ở 133 Thái Hà (Hà Nội), vẫn có nhiều mặt hàng sữa nhập ngoại bán vượt giá trần quy định. Như sữa dê Dairy Goatlact 1 loại 400 gr dành cho trẻ từ 0-6 tháng ở đây có giá 300 nghìn đồng, trong khi theo công bố của Sở Tài chính Hà Nội (tại Công văn 3460), giá bán lẻ tối đa của sản phẩm này chỉ là 273 nghìn đồng/hộp.
Hay các loại sữa Celia nhập khẩu ở cửa hàng này đều bán vượt giá bán lẻ tối đa quy định từ 15 - 45 nghìn đồng/hộp, như Celia Develop 3 loại 900 gr 407 nghìn đồng (cao hơn 45 nghìn đồng); Celia Expert 1 loại 400 gr 209 nghìn đồng (vượt 15 nghìn đồng); Celia Expert 32 loại 900 gr 405 nghìn đồng (vượt 17 nghìn đồng)…
"Dù có hơn 500 sản phẩm sữa đã đăng ký giá bán buôn với mức giảm từ 1 - 31%, tuy nhiên, sữa đến tay người tiêu dùng với giá rẻ hơn mới là mục tiêu thực sự của quy định áp giá trần sữa. Để có được điều này, cần sự vào cuộc quyết liệt, kiên trì của cơ quan chức năng”. Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long
Tại một cửa hàng sữa ở ngõ 52 Phạm Hùng, một số sản phẩm bán thấp hơn giá bán lẻ tối đa quy định nhưng cũng khá nhiều loại lại có giá cao hơn. Cùng là sữa dê Dairy, như Goatlac số 3 loại 900 gr là 513 nghìn đồng (thấp hơn 3 nghìn đồng), nhưng Goatlac 2 loại 900 gr lại 530 nghìn đồng/hộp (cao hơn 4 nghìn đồng).
Giá bán Dielac Alpha 123 loại 400 gr hộp giấy của Vinamilk lên tới 100 nghìn đồng, cao hơn giá bán lẻ tối đa là 83 nghìn đồng.
Hay tại shop Quỳnh Hoa ở gần Cầu Diễn, giá bán Friso Gold số 1 loại 900 gr lên đến 500 nghìn đồng trong khi Công ty TNHH Friesland Campina đăng ký giá bán buôn tối đa cho sản phẩm này là 406 nghìn đồng, tức giá bán lẻ tối đa không được phép vượt 467 nghìn đồng/hộp.
Sữa Friso Gold 2 loại 900 gr của shop này 495 nghìn (cao hơn 35 nghìn đồng so với giá bán lẻ tối đa); sữa Friso Gold số 3 loại 1,5 kg 670 nghìn đồng/hộp (cao hơn 38 nghìn đồng). Nhân viên bán hàng cho biết, cửa hàng không quan tâm lắm đến giá trần sữa, họ chỉ tính toán giá sữa bán lẻ dựa trên giá nhập và chi phí kinh doanh để đảm lợi nhuận phù hợp.
Quản lý không xuể?
Theo anh Nguyễn Tùng, cán bộ kinh doanh của Công ty TNHH Friesland Campina, các hãng sữa không thể can thiệp vào giá bán lẻ của các cửa hàng, mà chỉ có thể đưa ra giá bán buôn và giá khuyến nghị bán lẻ để khuyến khích cửa hàng không bán vượt mức giá đó. Chính vì vậy, không chỉ có chuyện một vài mặt hàng sữa bán vượt giá trần, mà còn có thực trạng cùng một sản phẩm sữa, nhưng các đại lý, cửa hàng, siêu thị... bán chênh nhau tới vài chục nghìn đồng.
Như cùng là sản phẩm Friso, vẫn có nơi bán cao hơn vài chục nghìn đồng/hộp như tại cửa hàng Quỳnh Hoa nêu trên. Hoặc cùng là sữa Abbott Grow số 3 loại 900 gr, nhiều đại lý chỉ bán 255 nghìn đồng, thì tại siêu thị Ocean Mart, Big C, thậm chí Metro đều 267 - 269 nghìn đồng/hộp.
Theo ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Tài chính, cơ quan này đã triển khai hai đoàn kiểm tra giá sữa bán lẻ ở khu vực miền Trung, miền Nam và đã xử lý hành chính một số cửa hàng vi phạm.
Bộ Tài chính cũng đã có công văn gửi Sở Tài chính các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát giá bán lẻ của các tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi trên địa bàn, xử lý nghiêm vi phạm và công bố công khai trên phương tiện thông tin đại chúng.
Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nghi ngại, với số lượng siêu thị, cửa hàng bán sữa nhiều như hiện nay, nếu thiếu sự quyết liệt và sự vào cuộc của các cơ quan chức năng khác, việc quản lý giá sữa bán lẻ khó có thể đếm xuể các ngóc ngách của thị trường.