Đối với anh Phạm Hồng Hoàng - lái tàu bậc 3/3 của xí nghiệp đầu máy Vinh với hơn 20 năm kinh nghiệm trong nghề thì những chuyến tàu đặt lên vai anh trách nhiệm và áp lực vô cùng lớn. Một quyết định của anh có thể ảnh hưởng đến sự an toàn của cả đoàn tàu và hàng trăm tính mạng của hành khách trên tàu. Không chỉ phải đảm bảo tốc độ, sức ép về thời gian mà những tai nạn tàu hỏa khiến anh vô cùng bị ám ảnh, căng thẳng và nặng nề.
Anh Phạm Hồng Hoàng-Lái tàu xí nghiệp đầu máy Vinh tâm sự:
Mỗi lần cầm lái tôi thấy rất mệt mỏi và căng thẳng. Phải tập trung hết sức trên đường đi, nhất là qua những đoạn đường dân sinh người dân rất thiếu ý thức. Tôi cũng mong các cấp các ngành có các biện pháp để quản lý các quyến đường ngang này.
Tuyến đường sắt Bắc Nam đi qua địa bàn 10 phường, xã của thành phố Vinh. Trong tổng số 11km có tới 30 tuyến đường ngang nhưng chỉ có 7 tuyến đường ngang có rào chắn. Ngoài ra còn có gần 100 tuyến đường ngang dân sinh dưới 3m bất hợp pháp. Những đường ngang dân sinh bất hợp pháp chính là những hiểm họa khó lường, là điểm đen gây ra phần lớn các vụ tai nạn giao thông đường sắt thương tâm. Đây là vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn xã Nghi Liên giữa tàu NA1 và ô tô tải có biển kiểm soát 76C.030.03 ngày 21/6/2014. Tàu NA1 húc vào đầu xe tải làm xe tải bị lật nghiêng và nát bét phần đầu, lan can bảo vệ chắn giữa đường tàu và quốc lộ 1A bị đổ ngã. Một người trên xe tải bị thương phải đi cấp cứu tại bệnh viện. Vụ tai nạn làm ách tác giao thông tuyến đường sắc Bắc Nam và quốc lộ 1A trong nhiều giờ liền.
Ông Nguyễn Huy Liên-Xóm 13 xã nghi Liên, Thành phố Vinh cho hay:
Tuyến đường này rất hay xảy ra tai nạn do người dân thiếu ý thức và thiếu quan sát xung quanh. Tôi thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân xóm chúng tôi nâng cao ý thức khi đi qua đường sắt.
Còn đây là tuyến đường ngang ở xóm 18B xã Nghi Liên có doanh nghiệp bật lửa ga Trung Lai đóng chân. Hàng ngày vào giờ tan tầm, có hàng nghìn lượt công nhân qua lại. Tại đây mỗi năm xảy ra ít nhất 3 -4 vụ tai nạn giao thông đường sắt nghiêm trọng. Nguyên nhân là do tuyến đường này không có rào chắn, đèn tín hiệu; quan trọng hơn là tầm nhìn của người dân bị nhà cửa, xây cối lấn sát ra hai bên che khuất.
Ông Nguyễn Xuân Sơn-Xóm 18B xã Nghi Liên, thành phố Vinh trao đổi:
Đoạn đường này mỗi năm xảy ra 3 -4 vụ tai nạn chết người. Biết là nguy hiểm những người dân chúng tôi vẫn phải đi thôi, vì đây là con đường duy nhất dẫn vào xóm, không đi đường này thì không biết đi đường nào nữa.
Ngoài tuyến đường ngang qua xóm 18B, suốt dọc tuyến đường sắt đi qua địa bàn thành phố Vinh còn có hàng trăm đường ngang dân sinh khác. Lý do giải thích cũng khá đơn giản, vì hàng trăm hộ dân ở đây nằm ở phía trong đường sắt, vì vậy các hộ dân lại tự ý mở một tuyến đường ngang băng qua đường sắt để tiện bề... đi lại. Hiện nay chỉ có một số ít đường ngang được xây dựng rào chắn, trạm gác, đèn cảnh báo, còn những đường ngang còn lại đều tồn tại những bất cập với những hiểm họa tiềm ẩn hiện rõ hàng ngày. Nguy hiểm hơn, ở những đoạn đường dân sinh không có rào chắn, dù có tín hiệu báo tàu sắp đi qua nhưng một số người vẫn cố tình chen lấn, liều lĩnh băng nhanh qua đường sắt. Vì vậy không năm nào trên địa bàn không xảy ra những vụ tai nạn gây chết người xuất phát từ những hạn chế như thế này.
Ông Võ Đình Hoàng-Phó chủ tịch UBND xã Nghi Liên, thành phố Vinh cho biết:
Tuyến đường sắt đi qua địa phận xã Nghi Liên dài gần 4km. Trên địa bàn xã còn 8 đường ngang dân sinh không có rào chắn, mỗi năm đều xảy ra các vụ tai nạn đường sắt chết người. Chúng tôi cũng đã tuyên truyền, nâng cao ý thức cho người dân khi đi qua đường sắt. Chúng tôi cũng mong thành phố tích cực phối hợp với xã để có các giải pháp quản lý các đường ngang này có hiệu quả.
Một trong những nguyên nhân của các vụ tai nạn thương tâm có thể thấy do số lượng đường ngang nhiều nhưng không có rào chắn, tín hiệu cảnh báo tự động, bị che khuất tầm nhìn. Mặt khác do ý thức tự giác chấp hành các quy định về đảm bảo trật tự ATGT đường sắt của người tham gia giao thông còn hạn chế. Nhiều xe gắn máy, xe ô tô cố tình qua đường ray khi có tàu hỏa sắp đến. Ở nơi không có gác chắn tình trạng vi phạm diễn ra phổ biến, tràn lan. Đồng thời do việc buông lỏng quản lý của một số địa phương và chủ đầu tư các dự án giao thông đường bộ trong một thời gian dài đã dẫn đến tình trạng vi phạm, lấn chiếm hành lang ATGT đường sắt, mở các lối đi trái phép qua đường sắt. Mặt khác công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật về trật tự ATGT đường sắt chưa được thường xuyên, hiệu quả chưa cao, trong khi đó phương tiện tham gia giao thông đường bộ ngày càng tăng.
Ông Nguyễn Quốc Thắng-Trưởng phòng quản lý đô thị thành phố Vinh cho biết:
Sau khi khảo sát, thành phố sẽ chỉ đạo đóng cọc, biển báo; sơn sửa lại các vạch giảm tốc. Ở những đường ngang dân sinh dưới 3m cấm các loại ô tô đi qua.
Đi chậm và chú ý quan sát đó là cách phòng tránh tai nạn. Tuy nhiên không phải ai cũng làm được như vậy. Chưa kể thời tiết mưa bão thì việc quan sát hầu như không đáng kể. Hàng ngày người dân qua lại trên những tuyến đường này vẫn phải sống chung với nguy cơ tai nạn rình rập. Trong những vụ tai nạn giao thông đường sắt, gia đình nạn nhân đau đớn một thì người ngồi trên buồng lái đắng lòng hai. Đời lái tàu còn nhiều gian nan, vất vả, không biết đến bao giờ những người lái tàu như anh Phạm Hồng Hoàng mới chấm dứt những căng thẳng, ám ảnh, day dứt khi làm nhiệm vụ.
Hương Sen