Nhiều đại biểu Quốc hội đã đặt câu hỏi xoay quanh việc nợ xấu lại gia tăng trong thời gian gần đây, bên cạnh những băn khoăn về năng lực xử lý nợ xấu của VAMC. Thống đốc Nguyễn Văn Bình đã có giải trình trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội về những vấn đề này tại phiên trả lời chất vấn chiều ngày 29/9.
Vì sao nợ xấu gia tăng?
Báo cáo trước Thường vụ Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho biết đến nay, tổng nợ xấu đã được xử lý là 249.000 tỷ đồng, giảm đáng kể so với con số 464.000 tỷ đồng vào tháng 9/2012. Sau 3 năm đã giải quyết được 53,6% số nợ xấu.
Trả lời đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) về câu hỏi vì sao tới nay, số nợ xấu vẫn tăng so với cuối năm 2013, cụ thể tới tháng 7/2014, nợ xấu ở nhóm 5 (nhóm có nguy cơ mất vốn) đã tăng lên 4,7% so với 3,9% vào tháng 12/2013? Thống đốc cho biết, thông thường nợ xấu có xu hướng tăng vào trong năm và sẽ giảm vào ngày 31/12 hàng năm, thời điểm các ngân hàng đã hạch toán các khoản vay, khoản nợ và tiến hành trích lập quỹ dự phòng.
Một nguyên nhân khác khiến nợ xấu ở nhóm 5 cũng gia tăng, đó là do NHNN đã áp dụng quy định mới từ Quyết định số 02 và Thông tư số 09 để siết chặt và nâng tầm phần loại nợ chặt chẽ hơn so với thông lệ quốc tế. Quy định này có tính chặt chẽ hơn, phản ánh chính xác hơn chất lượng tín dụng và thực trạng nợ xấu, do đó nợ xấu mới gia tăng hơn.
Cũng theo Thống đốc, đến nay, các TCTD đã tham gia tích cực vào quá trình giải quyết nợ xấu. Trước đây các TCTD thường che giấu nợ xấu để ít phải trích lập dự phòng, từ đó dùng để chia cổ tức, thưởng. Thời gian qua NHNN đã giám sát chặt chẽ vấn đề này và phần lớn các TCTD đã thực hiện tốt.
Hậu xử lý nợ xấu khi không dùng ngân sách Nhà nước
Trả lời xung quanh việc hoạt động của Công ty Quản lý Tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) sau một năm thành lập và hậu xử lý nợ xấu, nhất là khi không dùng ngân sách nhà nước để xử lý nợ, theo Thống đốc, việc ra đời của VAMC để xử lý nợ xấu của các ngân hàng, được phía nước ngoài đánh giá là “cứu cánh” hợp lý nhất trong bối cảnh hiện nay của nền kinh tế Việt Nam. Đến nay VAMC đã mua được tổng cộng khoảng 86.000 tỷ đồng nợ xấu.
Thống đốc nói: “Ngay từ đầu chúng ta đã có chủ trương không sử dụng ngân sách Nhà nước (NSNN) để xử lý nợ xấu. Đây là điều khác biệt cơ bản giữa VAMC với công ty xử lý nợ nước ngoài…”.
Chính vì không sử dụng NSNN nên nhiều đại biểu Quốc hội còn băn khoăn về năng lực xử lý nợ xấu của VAMC. Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho rằng, trong bối cảnh không có nguồn lực tài chính hiện thực thì không thể “mua đứt bán đoạn” các khoản nợ phát sinh trong nền kinh tế. Do vậy, phải tìm ra được cơ chế để làm sao tạo điều kiện không những cho các TCTD mà cho cả khách hàng vay vốn của ngân hàng để có khả năng vượt qua được giai đoạn khó khăn.
Khi VAMC mua lại một khoản nợ xấu, theo quy định hiện hành, TCTD phải trích lập ngay 100% giá trị của khoản nợ xấu đó. Nhưng với tình hình khó khăn hiện nay, các TCTD rất khó thực hiện được việc trích lập này. Do vậy, khi mua lại nợ xấu, các TCTD được trích lập các khoản nợ xấu đó trong vòng 5 năm. Ngược lại, sau khi mua lại các khoản nợ này đổi lại bằng trái phiếu của VAMC, trong trường hợp TCTD có nhu cầu về thanh khoản được chiết khấu trái phiếu tại NHNN với tỉ lệ nhất định để tạo thêm thanh khoản chung cho TCTD, cho nền kinh tế.
Đối với khách hàng vay vốn của VAMC cũng có thêm thuận lợi khi các khoản nợ đã bán cho VAMC không được coi là nợ xấu nữa, như vậy khách hàng có điều kiện tiếp cận các nguồn vay mới của các TCTD để tiếp tục phát triển và phục hồi sản xuất. Các khoản nợ đã được bán cho VAMC sẽ được VAMC cơ cấu lại nợ về thời gian; cơ cấu mặt bằng lãi suất cho phù hợp với bản chất của khoản nợ đó, ví dụ những khoản cho vay dài hạn nhưng dùng vốn ngắn hạn, lãi suất trước đây cao nay cũng phải cơ cấu điều chỉnh lại…
Do đó, trong hoàn cảnh không có nguồn vốn ngân sách, đây là một cơ chế phù hợp để tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, giảm đi được nợ xấu trong một thời gian nhất định, Thống đốc Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh.
|
Nợ xấu gia tăng trở lại trong năm 2014. Ảnh minh họa |
Theo thống kê của các quốc gia trên thế giới, mỗi quốc gia thường sử dụng trung bình 20-30% GDP để xử lý nợ xấu, cá biệt có những nước sử dụng đến 60-70% GDP và ở những nước ít bị ảnh hưởng nhất cũng phải sử dụng đến 7 - 10% GDP để xử lý nợ xấu, nhưng tại Việt Nam không sử dụng % GDP nào cho việc này. “Do vậy, trong bối cảnh của Việt Nam, mô hình VAMC như vậy là chấp nhận được”, Thống đốc nói.
Thống đốc cũng cho rằng, nền kinh tế quốc gia còn khó khăn, ngân sách còn phải sử dụng cho nhiều mục đích cấp thiết, vì thế VAMC cũng chưa đòi hỏi việc sử dụng ngân sách trong thời gian này. Tuy nhiên, NHNN sẽ có những cơ chế để sử dụng công cụ của chính sách tiền tệ tốt hơn nữa để có thể xử lý nhanh hơn vấn đề nợ xấu.
Sẽ tăng vốn cho VAMC lên 2.000 tỷ đồng
Liên quan tới câu hỏi có cần luật riêng cho VAMC hoạt động? Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, theo các nước khác trên thế giới thì có bộ luật riêng cho công ty xử lý nợ xấu,để có thể xử lý nhanh, hiệu quả. Tuy nhiên, ở Việt Nam nếu xây dựng ngay một bộ luật riêng như vậy sẽ không có đủ thời gian. Do đó, cần phải tiến hành song song cả hai bước, vừa ngắn hạn vừa dài hạn.
“Chúng tôi cũng đã liệt kê các bộ luật hiện hành có những nội dung không phù hợp với việc xử lý nợ xấu thông qua VMAC để trình Chính phủ, Chính phủ sẽ báo cáo với Quốc hội để cân nhắc hướng điều chỉnh trong thời gian tới…”, Thống đốc nói.
Trước mắt, trong phạm vi thẩm quyền của Chính phủ giao, VAMC đã liệt kê tất cả danh mục các nghị định, văn bản mâu thuẫn để đề nghị Chính phủ xử lý, có hướng điều chỉnh phù hợp hơn trong thời gian tới.
Thống đốc cũng cho biết, VAMC cũng đang đề xuất với Chính phủ để nâng cao thêm năng lực tài chính cho VAMC. Từ mức vốn điều lệ 500 tỷ đồng so với mức 86.000 tỷ đồng VAMC đã mua thì năng lực tài chính của VAMC là hết sức yếu kém, dự kiến tăng vốn của VAMC lên 2.000 tỷ đồng đã được Chính phủ cơ bản nhất trí. Tuy nhiên, con số 2.000 tỷ đồng đối với con số nợ xấu VAMC dự kiến sẽ mua từ năm nay đến năm sau cỡ khoảng 200.000 tỷ đồng thì đây cũng vẫn là con số hết sức khiêm tốn.
Khổng Nhung-VNMedia