Khi nhắc đến nghề làm đẹp nói chung, thợ làm tóc nói riêng, người ta hay nghĩ đến những người phụ nữ. Tuy nhiên, trên thực tế, những nhà tạo mẫu tóc nổi tiếng phần lớn lại là đàn ông. Nhà thiết kế tóc trẻ Nguyễn Đình Giáp - chủ salon “Tóc mới” trên đường Nguyễn Trãi (TP. Vinh) là một minh chứng
Xuất thân từ một gia đình thuần nông ở Hưng Thịnh (Hưng Nguyên), sau khi tốt nghiệp THPT (năm 2002), Nguyễn Đình Giáp đã chọn học nghề để tự mưu sinh. Đang phân vân chưa biết chọn nghề nào cho phù hợp, Giáp được anh trai gợi ý xuống TP. Vinh giúp việc tại salon tóc của mình. Hàng ngày, chứng kiến sự sáng tạo độc đáo từ những suối tóc dài mềm mại của người phụ nữ qua bàn tay khéo léo của người thợ đã trở thành những bộ tóc vic, tóc đầm đầy cá tính, những mái tóc sóng nước, xoăn cụp, xoăn 2 lọn bồng bềnh rất quyến rũ, hay những kiểu tóc mào gà, tóc nấm đầy tinh nghịch của nam giới lứa tuổi teen, Giáp thấy rất thích thú. “Tập một thời gian thấy quá khó cũng định bỏ cuộc, nhưng được anh trai động viên nên tôi lại cố thêm một thời gian nữa. Không ngờ, sau mấy tháng trời miệt mài luyện tập, một kiểu tóc cũng ra đời bởi những lát kéo chưa thuần thục, nhưng lại nhận được cái gật đầu khuyến khích của anh trai làm tôi sung sướng đến khó tả. Nghề tóc đã gắn bó với tôi cho đến giờ” - Giáp bộc bạch.
|
Nguyễn Đình Giáp (trái) truyền nghề cho nhân viên. |
Để có được chỗ đứng trong làng tạo mẫu tóc như hôm nay với Giáp quả không dễ dàng chút nào. Nhớ lại những ngày đầu học nghề, Giáp chia sẻ: “Để có những lát cắt sắc, đẹp, người thợ cần phải có cơ tay khỏe và giữ thăng bằng tốt. Hàng ngày, tôi phải luyện tập bằng cách giữ kéo vuông góc với mặt đất khi nó được móc nối bởi một sợi dây và một cái chai đầy nước treo lủng lẳng. Trong 2 tháng chăm chỉ luyện tập, chỉ với một động tác giữ thăng bằng và tạo ra những lát cắt trong không khí, cho dù mỏi rũ rượi cũng phải cố gắng, từ 1 tiếng, 2 tiếng rồi kéo dài cả buổi. Sau đó phải luyện cổ tay cho mềm, dẻo, bằng cách cầm chai nước xoay đi xoay lại hết ngày này qua tháng khác. Khi cổ tay đã mềm hơn, đường kéo đã đi đúng định hướng, thì người thợ mới được thực hành trên đầu manơcanh. Không có nhiều tóc nhân tạo và đầu manơcanh để luyện, nên tối về nhà đưa đầu gối của mình lên và tưởng tượng đó là “đầu tóc”, tập đưa từng đường kéo cho gọn, cho đúng góc độ.
Sau 4 năm vừa làm thợ vừa học việc ở salon của anh trai, Giáp đã tích lũy được một ít vốn trong tay. Không vội mở hiệu tóc như những người khác, Giáp muốn nâng cao tay nghề để khẳng định mình và thực hiện giấc mơ cháy bỏng đã ấp ủ bấy lâu là mở một salon tóc có bề thế để thỏa sức sáng tạo. Vì thế, Giáp đã chọn tiếp cận những sáng tạo mới trong thiết kế tóc qua các lớp đào tạo bài bản của những nhà thiết kế đã từng đạt giải Cây kéo Vàng trong nước cũng như nước ngoài như Văn Đặng, Đặng Thìn, Đức Quyết… Năm 2009, Giáp quyết định vào Sài Gòn tham gia khóa đào tạo sơ cấp nghề 6 tháng tại Trường Dạy nghề sáng tạo.
Trong thời gian đi học, Giáp đã xin vào làm không công tại các salon gần trường với lý do “Để tạo ra một kiểu tóc vừa lòng khách hàng không đơn giản chút nào. Phải biết phân luồng nghề nghiệp, tuổi tác, tính cách, vóc dáng và đặc biệt là khuôn mặt để tư vấn cho khách. Vì thế mình phải có sự trải nghiệm và đúc rút kinh nghiệm từ chính khách hàng của mình” – Giáp cho biết. Sau một thời gian nắm rõ kỹ thuật cắt tạo mẫu tóc, trên nền tảng đó Giáp đã thỏa sức sáng tạo rất nhiều mẫu tóc được các thầy trong trường đánh giá cao. Tay nghề của Giáp dần được khẳng định, tốt nghiệp loại giỏi giúp Giáp tự tin trở về quê hương để lập nghiệp.
Tháng 6/2010, trở về Vinh, sau khi nhận lời mời của salon Phúc Vân trên đường Nguyễn Văn Cừ để truyền nghề cho cả chủ và thợ, Giáp trở lại salon của anh trai để làm việc nhằm tích lũy thêm vốn. Và salon “Tóc mới” trên đường Nguyễn Trãi đã ra đời sau đó 1 năm với sự chung sức của người vợ trẻ Nguyễn Thị Ánh Huyền – từng là học trò của Giáp. Từ đó đến nay, salon của Giáp thu hút rất nhiều khách hàng ở nhiều lứa tuổi.
Với phương châm không ngừng học hỏi để nâng cao tay nghề, sau 1 năm mở salon, Giáp tiếp tục theo học lớp uốn, nhuộm, cắt của LK I – HAIR ACADEMY và được chứng nhận tay nghề giỏi. Đến nay, ngoài tạo mẫu tóc hợp thị hiếu khách hàng, Giáp đã đào tạo trên trăm học viên đến từ các huyện trên địa bàn tỉnh và giúp họ tự tin mở hiệu hành nghề có thu nhập ổn định, như: Phạm Trình (khu vực Trường Đại học Vinh); Thanh Hợp (khu vực Trường kỹ thuật 3); Hoàng Bình (Nghi Xá, Nghi Lộc); Quý (Nam Đàn); Đức (Con Cuông)… Còn salon “Tóc mới” thường xuyên tạo việc làm và truyền nghề cho 4 – 5 nhân viên, với thu nhập 3 triệu đồng/người/tháng.
Từ đam mê sáng tạo cùng với sự nỗ lực học hỏi không ngừng đã giúp Giáp trở thành một nhà tạo mẫu tóc được nhiều khách hàng lựa chọn và đặt niềm tin vào tay nghề khi tuổi đời còn rất trẻ.
Lê Hoa - Baonghean.vn