Bến phà Anh Hùng
10/29/2014 9:16:51 AM

Bến Thuỷ vốn là một tên gọi riêng, để chỉ cái Bến nước trên bờ sông Lam, đoạn nằm trên quốc lộ 1A. Nhưng, về sau thì Bến Thuỷ không còn nguyên nghĩa ban đầu ấy nữa, mà nó là một khu vực rộng lớn ở cả hai bờ Bắc và Nam bến nước. Ngày nay, hai từ Bến Thuỷ được ghép vào với hàng chục những tên gọi khác tạo thành một quần thể các tên gọi có chung là Bến Thuỷ. Hàng chục cơ sở kinh tế, văn hoá được gắn thêm hai từ Bến Thuỷ ở sau, mà không thể kể ra ở đây hết được. Trở về với vùng sông nước trong câu chuyện ở đôi bờ Bến Thuỷ, chúng tôi muốn nói về một bến phà đã từng được hai lần phong là Anh Hùng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

           Năm  1954, Hoà bình lập lại, quốc lộ 1A thông đến cây số 728. Nhiều chiếc cầu mới mọc lên, nhiều bến phà bị giặc mỹ phá hoại cả đôi bờ, nay lại được kè đá, tu sửa, mở rộng bến cho xe lên xuống dễ dàng Bến Thuỷ lại đông vui nhộn nhịp. Những ngày đầu tiên ấy có chừng 20 công nhân giao thông được điều về Bến Thuỷ. Phương tiện chẳng có gì ngoài hai chiếc phà gỗ do ngành giao thông tự đóng. Một chuyến phà sang sông trong con nước bình lặng cũng phải mất một giờ đồng hồ. Đó là chưa kể mùa mưa lũ, nước trên ngàn đổ về, những người lái phà vất vả lắm mới cho phà vào bến an toàn. Những ngày cạn nước, phà chở nặng ra vào bến cũng chẳng dễ dàng gì. Nhưng! Vượt lên tất cả vì những chuyến sang sông

Những năm đầu của kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, bến phà Bến Thuỷ như “đứa con cưng” của ngành giao thông vận tải của quê nhà. Lúc bấy giờ, đất nước hãy còn nghèo, nhưng Bến phà vẫn được trang bị thêm phương tiện để rút ngắn hơn nữa thời gian của mỗi chuyến sang sông.Những ngày gần kề trước sự kiện 5/8/1964, bến phà được đầu tư  khang trang hơn nhiều. Phố xá bến bờ như thay áo mới, những đoàn xe và những đoàn quân nối đuôi nhau sang sông chi viện kịp thời cho trận tuyến miền Nam. Một đội ngũ gần 40 công nhân, với 3 chiếc phà có trọng tải mỗi chiếc 18 tấn và 3 chiếc ca-nô áp tải, bình quân mỗi ngày đêm có đến 273 chiếc xe sang sông. Những đoàn quân và những đoàn xe ấy có dịp dừng lại ở đây trước lúc giáp mặt với quân thù, như để được truyền tiếp thêm chiến công cho những người chiến sỹ Xô - viết Anh Hùng.

Chỉ tính từ ngày 5 tháng 8 năm 1964 đến cuối năm 1968 khi Đế quốc Mỹ buộc phải đình chỉ cuộc ném bom miền Bắc lần đầu, máy bay Mỹ đánh vào bến phà 2.912 trận. Trong vòng gần 4 năm, cứ  một ngày giặc Mỹ đánh hai trận vào bến phà, với tổng số 11 nghìn 377 quả bom các loại. Chỉ với hai dãy con số ấy chúng ta đủ hình dung được tính chất ác liệt của toạ độ sang ngang này. Vậy mà, trên bến phà này năm xưa, một ngày đêm có đến gần 250 chuyến xe sang sông. Chừng ấy thời gian trên bến nước này, chỉ có 4 chiếc xe ô tô bị đạn bom mỹ bắn cháy. Như vậy, tính ra giặc Mỹ phải dùng đến 2844 quả bom mới phá hoại của ta một chiếc ô-tô tải.

Phà Bến Thuỷ, những năm tháng chiến tranh, Đế quốc Mỹ đã mở nhiều đợt tập kích  quy mô nhất vào toạ độ này, hòng kiểm soát và phong toả hết mọi nẻo đường ra vào Vinh. Nhất là trục đường chính 1A. Ây thế mà, những đoàn voi ra trận, những cỗ pháo cỡ lớn  vẫn theo trục quốc lộ 1A, từ trung tâm thành phố, qua sông Lam đi vào chiến trường miền Nam. Rồi…263 ngày còn lại của năm 1972, với hơn 300 trận đánh ác liệt, giặc Mỹ đã dội xuống vùng Bến Thuỷ 13.183 đạn bom các loại, nhiều hơn 4 năm trước gần 3 nghìn quả. Nhưng, phà Bến Thuỷ vẫn kiên cường đưa hơn 10 vạn chiếc xe sang sông an toàn và bình quân một ngày đêm có gần 300 chiếc xe được chở trên những chuyến phà.

 Kể sao hết chiến công của những thợ phà gan góc, dũng cảm, mưu trí tuyệt vời ấy. Đến nay đã hơn 30 năm rồi mà người ta vẫn còn nhớ như in hình ảnh Ngô thị Mai – một nữ điều vận viên luôn luôn có mặt ở bến phà. Trong mọi tình huống cô đều xử lý nhanh gọn, bảo đảm an toàn và ít thiệt hại nhất. Người con gái ấy đã bao nhiêu lần bị bom vùi ở bến sông, vẫn đội đất đứng dậy hoàn thành nhiệm vụ của mình. Cũng chính chị là người dùng ánh sáng của những con đom đóm làm hoa tiêu cho phà cập bến và để đăng ký xe qua sông trong những đêm trời tối. Hình ảnh cô Tuấn cấp dưỡng trong đêm 12-5-1965, một mình một thuyền chèo ra tận chiếc tàu “Đoàn Kết” bị đánh chìm ngoài bến cảng, chị đã cứu được một số anh chị em bị thương đưa vào bờ.

Những tiêu biểu cho đội ngũ công nhân và thuỷ thủ ở Bến thuỷ là các anh Nguyễn Hữu Tùng và Nguyễn Trọng Tường.

Nguyễn trọng Trường là một trong 111 Anh Hùng được Quốc Hội và Chính phủ nước Việt nam tuyên dương Anh hùng Lao động ngành giao thông vận tải vào ngày 1-1-1967. Và, anh được đi dự Đại hội Anh Hùng chiến sỹ thi đua chống Mỹ cứu nước vào dịp đầu năm 1967 tại Hà Nội. Lúc bấy giờ anh Nguyễn trọng Trường vào độ tuổi 44.

Sáu năm sau, một tổ trưởng tổ lái ca nô phà Bến Thuỷ là anh Nguyễn Hữu Tùng được Quốc Hội và Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà tuyên dương Anh Hùng Lao Động. Người Anh Hùng thứ hai này kém hơn người Anh Hùng thứ nhất của Bến phà 20 tuổi.

Những năm tháng chiến tranh, trên mặt đất và dưới lòng sông Lam vùng phà Bến Thuỷ phải chịu đựng đến 3.129 trận đánh. Với 24.630 quả bom các loại. Trong cả 2 đợt đánh phá, có 11 đồng chí đã hy sinh và 99 đồng chí bị thương vì cho những chuyến phà thông xe.

Trong chiến công chung của quân và dân cả nước, có công sức đóng góp của công nhân, thuỷ thủ phà Bến thuỷ. Bến phà đã được Nhà nước và Chính phủ  2 lần phong tặng Anh Hùng; trao tặng 36 Huân chương các loại và hơn 400 bằng khen, 17 cờ thưởng xuất sắc các cấp.

Ngày nay, bến phà năm xưa đã đi vào sử sách, nhịp cầu treo Bến Thuỷ 1, Bến Thủy 2 đã nối đôi bờ tả, hữu sông Lam. Chắc hẳn, tôi và bạn sẽ chẳng bao giờ quên Bến phà Bến Thuỷ Anh Hùng./.

 

                                                                   Minh Nguyệt

 

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ THÀNH PHỐ VINH
Giấy phép số: 253/GP-TTĐT ngày 19/11/2010 do Bộ Thông tin và truyền thông cấp
Cơ quan chủ quản: UBND TP Vinh - Địa chỉ: Số 27 Đường Lê Mao – TP Vinh. 
Hotline: 02383.840.039; 02383. 842574    Mail: Vinhcity.ptth@gmail.com
Chịu trách nhiệm chính: Ông Trần Ngọc Tú – Chủ tịch UBND Thành phố Vinh