Nếu như ở Thành phố Huế có sông Hương núi Ngự, thỡ ở Vinh có sông Lam núi Quyết, là 2 thành phố của cả nước có núi giữa Thành phố. Thật là diệu kỳ của thiên nhiên ban tặng: Núi Quyết sừng sững hiên ngang và vững chãi, soi bóng xuống dòng Lam. Nơi đây, đang hình thành một khu du lịch sinh thái có quy mô và mang đậm nét văn hoá - lịch sử xứ Nghệ có tên gọi là Lâm viên Núi Quyết. Lâm viên núi Quyết được xây dựng trên cơ sở bảo tồn một di sản văn hoá - lịch sử đã có từ trên 220 năm. Đó là là Phượng Hoàng - Trung Đô, nơi đây thưở xưa Nguyễn Huệ Quang Trung đã chọn để đóng đô.
Núi Dũng Quyết có 4 chi: Long phủ (đầu rồng); Phượng Dực (cánh phượng); Kỳ Lân (con mèo) và Quy Bôi (con rùa). Người xưa gọi địa thế nơi đây là đất tứ linh. Bởi nó có đủ Long, Ly, Quy, Phượng. Đỉnh cao nhất là 101,5m, đỉnh thấp nhất là 53,5m. Ngay dưới chân Núi Dũng Quyết là dòng sông Lam trong xanh uốn lượn, tạo nên một khung cảnh thiên nhiên độc đáo. Đứng trên đỉnh núi Dũng Quyết, du khách có thể phóng tầm mắt ra bốn hướng. Bạn nhìn về hướng Tây là Kim Liên – Nam Đàn quê hương Chủ Tịch Hồ Chí Minh. Hướng Đông là Cửa Lò – khu du lịch biển đẹp và thơ mộng. Hướng Đông Nam có nhà thờ Đại thi hào Nguyễn Du và Núi Hồng – sông Lam. Phía Bắc là toàn cảnh thành phố Vinh đang được đô thị hoá nhanh chóng, với nhiều ngôi nhà cao tầng có kiến trúc hiện đại. Đỉnh núi Dũng Quyết cũng là nơi ghi dấu vị anh hùng Nguyễn Xí trong hành trình tiêu diệt quân xâm lược nhà Minh; hay việc xây thành đắp luỹ khi Trịnh – Nguyễn phân tranh và những kỳ tích của triều đại Tây Sơn. Ngày mùng 1 tháng 10 năm 1788, Nguyễn Huệ – Quang Trung đã xuống chiếu giao cho La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp tổ chức xây dựng Phượng Hoàng Trung Đô ở vùng giữa núi Dũng Quyết và Núi Kỳ Lân.
Thành ngoài của Phượng Hoàng Trung Đô được xây dựng bằng đất, đá ong hình tứ giác. Bao quanh phía ngoài thành có hào sâu, núi hiểm trở. Thành nội có toà lầu rộng 3 tầng là nơi dành cho vua Quang Trung thiết triều. Chỉ sau một năm, Phượng Hoàng Trung Đô được xây dựng xong. Vua Quang Trung đã dừng chân tại đây hai lần, là một chứng tích oai hùng thể hiện tầm nhìn chiến lược của Nguyễn Huệ – Quang Trung trong quá trình diệt giặc ngoại xâm, dành lại thanh bình cho dân tộc.
Sau ngày đất nước hoà bình thống nhất, Đảng bộ và nhân dân TP Vinh đã huy động hàng ngàn nghìn người dọn sạch bom đạn và trồng cây xanh trên núi Dũng Quyết.
Theo quy hoạch, khu du lịch Lâm viên – Núi Dũng Quyết có tổng diện tích hơn 155ha. Bao gồm nhiều hạng mục công trình như: khu công viên rừng, các khu vui chơi giải trí, khôi phục lại những di tích, hình tượng lịch sử văn hoá tiêu biểu từ thời xưa và qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống đế quốc Mỹ. Mục đích tôn tạo lại theo đúng quy mô giá trị của nó, nhằm góp phần giữ gìn di sản quý giá, chứng tích lịch sử hào hùng của ông cha để lại, phục vụ nhu cầu về tham quan, nghiên cứu, vui chơi, giải trí của du khách.
Lâm viên Núi Dũng Quyết với địa hình đa dạng, phong phú để du khách có thể đến bất kỳ nơi nào trên núi để thư giãn, hít thở khí trời trong lành trong một không gian yên tĩnh và nên thơ. Tại đỉnh núi cao nhất được xây dựng khu vực cột cờ, có lầu ngắm cảnh, có sa bàn Phượng Hoàng Trung Đô của vua Quang Trung.
Dưới chân núi Dũng Quyết, nơi có dòng Lam thơ mộng sẽ được bố trí với nhiều trò chơi mang đậm màu sắc dân tộc và nhiều trò chơi điều khiển bằng kỹ thuật hiện đại.
Để xây dựng nơi đây trở thành điểm du lịch hấp dẫn, hiện nay Thành phố Vinh đã và đang thực thi dự án xây dựng trung tâm văn hoá, du lịch với 37 hạng mục công trình gồm: Bia dẫn tích Phượng Hoàng Trung Đô trên toà Rồng cũ giữa kinh đô Phượng Hoàng. Vọng đài trên đỉnh Núi Dũng Quyết – nơi Lý Nhật Quang từng dựng vọng Hải Đài. Đường rải nhựa lên tận đỉnh núi. Đền thờ vua Quang Trung; nghênh phong Quán; Hòn non bộ; Công viên thuỷ cung; Siêu thị; Lầu thưởng Nguyệt sơn thuỷ hữu tình như trong truyền thuyết. Ngoài ra, tại đây còn có thêm một tuyến đường hơn 400 bậc từ sườn núi phía Đông phục vụ du khách đi bộ. Dự kiến, khu vực Lâm viên sẽ có một tuyến cáp treo dài gần 2.000 mét trên độ cao hơn 100 mét, được bắt đầu từ Vọng đài trên đỉnh núi, vượt qua sông Lam sang tận Nghi Xuân – Hà Tĩnh.
Dũng Quyết - Trung Đô, một tiềm năng quý hiếm - chưa được khai thác là hệ thống hang động ngầm trong lòng núi. Có hang động dài tới hàng cây số. Trong chiến tranh chống Mỹ, ta đã đưa một số tua bin nhà máy điện vào đây hoạt động. Trong hang có rất nhiều nhũ đá đẹp, nếu được đầu tư khai thác, nơi đây sẽ là điểm du lịch hấp dẫn. Tỉnh và thành phố đang có dự án xây, kè dọc sông Lam từ Bara Bến Thuỷ đến cảng sông và kho xăng dầu Hưng Hoà. Không lâu nữa nơi đây sẽ có hệ thống khách sạn và các bãi tắm nước lợ nên thơ.
Đón đầu của sự phát triển khu du lịch sinh thái, dưới chân núi Dũng Quyết đã hình thành các dịch vụ phục vụ du khách như nhà nghỉ, giải khát, cà phê v.v… Song các loại hình dịch vụ – du lịch này còn nhỏ lẻ, sơ sài, chưa thể hiện được nét độc đáo hay nét truyền thống để thu hút du khách.
Dũng Quyết – Trung Đô xứng đáng là danh sơn của Thành Vinh. Địa danh sơn thuỷ – hữu tình “Núi Quyết – sông Lam”. Với một di sản văn hoá - lịch sử đã có từ trên 222 năm, ngàn đời khắc đậm dấu ấn lịch sử Dũng Quyết – Trung Đô huyền thoại và hiện thực./.
Minh Nguyệt