Đường đã thảm nhựa, phẳng lì tít tắp, tràn căng sức sống như thiếu nữ đương tuổi trăng tròn vận lên người bộ quần áo thời thượng, ấy thế mà vẫn còn vương chút e ấp, dè dặt từ diện mạo phố hãy còn chưa rời xa phong thái ven đô. Bất kể những điều ấy, đường Phạm Đình Toái (TP. Vinh) vẫn để lại trong cảm nhận người dân nơi đây một tiềm năng đầy hứa hẹn…
|
Đường Phạm Đình Toái. |
Dễ đã 15 năm, con đường ngang nối từ đường Hà Huy Tập sang khu đô thị mới Nghi Phú được mang tên danh nhân xứ Nghệ - Phạm Đình Toái, con đường đã trải bao biến đổi để có được diện mạo hôm nay. Một thời gian dài, con đường thênh thang ấy trong quá trình giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. 5 năm về trước, trong trí nhớ của những người ở phố, đường hẵng còn loam nhoam đất hoang, ngổn ngang nhựa đường, máy trộn, xe lu… của công trình thi công dang dở. Thậm chí, thời điểm ấy, một đoạn đường tiếp giáp với đường V.I.Lê-nin được cắt giao cho Vinaconex 9 xây dựng khu đô thị Nghi Phú bị chặn lại. Người dân muốn đi từ đường Hà Huy Tập sang đường V.I.Lê-nin, phải chạy xuống đường Lý Tự Trọng vòng sang...
Bao bất tiện và bực bội rốt cuộc đã được bù đắp xứng đáng bằng chính vẻ thênh thang, dậy lên những niềm tin cho cư dân phố về một tương lai kiến thiết đàng hoàng. Đường Phạm Đình Toái còn đóng vai trò như “đường biên” giữa phường Hà Huy Tập và xã Nghi Phú, khi một mặt bên này đường thuộc địa phận khối 5, 6 và Yên Toàn của phường Hà Huy Tập, và bên kia đường lại đi qua hai xóm 18, 19 của xã Nghi Phú…
Đường Phạm Đình Toái nằm vắt ngang hai trục đường sôi động bậc nhất Thành phố Vinh là đường Hà Huy Tập và đường V.I.Lê- Nin, vì thế, âm hưởng nhộn nhịp từ đôi bên đã phần nào phả vào không gian khoáng đạt của con đường vẻ phố xá thấy rõ. Cũng đôi ba hàng ẩm thực cháo lòng, xáo bánh mướt, xôi sáng; cũng tiệm rửa xe, sửa xe; rồi thì các cửa tiệm cơ khí, lắp ráp cửa kính mà thi thoảng lóe lên những chùm hoa lửa hàn; gần đây còn xuất hiện cửa hiệu cắt tóc, gội đầu bình dân, xôn xao dần lên… Ngần ấy dịch vụ trên con đường dài ngót cây số, hẳn chưa nhiều nhặn gì để hình thành tuyến đường san sát chuyên doanh, nhưng cũng đã rộn rã không khí bán mua, nhãng đi vẻ đơn điệu, buồn tẻ của một con đường vắng nơi phố còn lắng vẻ làng.
Phạm Đình Toái (1813 - 1903) hay (1817 - 1901) (năm sinh và năm mất của ông, hiện tồn tại nhiều). Ông tự Thiếu Du, hiệu Song Quỳnh, còn có biệt hiệu là Chuyết Phu (người đàn ông vụng về), người làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Sau khi đậu cử nhân (năm 1843) ít lâu, ông được bổ làm quan ở nhiều nơi, từ Sơn Tây đến Quảng Ninh, Bình Định, Kinh đô, giữ nhiều chức vụ từ Huấn đạo, Tri huyện, Tri phủ, Án sát, Bố chánh, Quản đạo, đến Ngự sử viên ngoại lang. Hàm cao nhất là Tứ phẩm. Phạm Đình Toái là tác giả của “Quy khứ lai từ diễn ca”, “Tấn Đường Tống thi diễn âm”, “Quỳnh Lưu tiết phụ truyện”, “Đại Nam quốc sử diễn ca”. Với Đại Nam Quốc sử diễn ca, ông nổi tiếng là người có công uốn nắn, biên soạn trở thành một tác phẩm có giá trị trong kho tàng sử học Việt Nam, làm cho tác phẩm trở nên cô đọng, cổ kính mà lưu loát, hấp dẫn. |
Mấy năm lại đây, cư dân đường Phạm Đình Toái còn năng động mở mang thêm dịch vụ mới, đó là xây các phòng trọ cho thuê. Đối tượng khách hàng chính là sinh viên Trường Đại học Kinh tế Nghệ An. Từ đây, bắt đầu các dịch vụ được mở ra: quầy hàng tạp hóa, các cửa hiệu bán quần áo online…, góp thêm cho con đường sự nhộn nhịp tươi trẻ. Tên đường Phạm Đình Toái - một thời vẫn gây ít nhiều bỡ ngỡ cho cư dân thành phố, nay đã gần lại hơn trong trí nhớ mọi người.
Phố sôi động thêm lên mỗi ngày, nhưng vẫn có cảm giác rất rõ ràng, những đổi thay diễn ra từ tốn, chứ không biến động chóng mặt như nhiều tuyến phố khác. Có vẻ như vì đường Phạm Đình Toái vẫn còn nặng gánh giao thông nhiều hơn là không gian phố xá tấp nập, nên các dịch vụ mở ra nơi đây cũng theo kiểu dè dặt, cầm chừng. Lẽ ấy cũng dễ hiểu, vì phần đông cư dân hai bên mặt đường gốc gác vốn là cư dân làm nghề nông nghiệp, chăn nuôi, lao động phổ thông…, chỉ một số ít các hộ mới chuyển đến thời gian sau này là cán bộ, công chức nhà nước. Nếp sống bình lặng tỏa vào diện mạo phố, nên dẫu con đường đã định hình dáng vóc đô thị, thì âm hưởng ấy vẫn là thứ âm hưởng đồng vọng của hàng bao nhiêu thập kỷ thôn dã ven đô.
Tôi đã nhiều lần đi trên phố ấy, ban đầu, vì quá tầm tay ga xe máy mà nhỡ mất lối rẽ vào đường Lý Tự Trọng, rồi chặc lưỡi chạy quá lên tình cờ gặp đường Phạm Đình Toái. Từ thuở ban đầu bỡ ngỡ ấy, đến nay, đã không tính được bao lần ngược, xuôi suốt một thôi đường, nhiều khi vì có việc phải tắt sang đường V.I.Lê- nin cho tiện, lại chẳng hiếm khi, không có việc gì, cứ thong dong chiều chuộng tâm trí mình bằng những cảm nhận phố an nhiên như thế. Bao lần lại qua, mà lần nào cũng như nhất cái điều thích thú, rằng hễ trời tắt nắng mùa hạ thì đường nguội hẳn đi những nóng rẫy ban ngày, chỉ còn lại gió mát lưu luyến cảnh từ đồng bãi ùa sảng khoái vào mặt; hay cả những sáng cuối tuần se lạnh đầu đông, tẩn mẩn quàng thêm một vòng khăn ấm, chạy nhẹ trên đường mà nghĩ vớ vẩn đủ chuyện không đầu không cuối, là đủ êm đềm cho cả ngày dài.
Mặt tiền phố xá trẻ trung là thế, nhưng thảng hoặc trên đường đi, vẫn còn đập vào mắt những bãi đất hoang. Đường vẫn chưa rũ hết những vấn vương ven đô một thời, nhưng đừng thấy thế mà buồn, vì sự dùng dằng ấy, một phần đã tạo nên sự khác lạ trong cảm nhận phố, phần khác, cũng chính là những hứa hẹn về thị trường địa ốc trong tương lai không xa? Tôi thầm gọi đấy là “hứa hẹn phố”, và hẳn nhiều cư dân khác cũng có cảm nhận như tôi, khi mà niềm tin và thiện cảm dành cho con đường rộng rãi ấy ngày càng tăng lên, tỷ lệ thuận với mật độ dân cư từ nơi khác về sinh sống!
Bài, ảnh: Phương Chi - Baonghean.vn