Học theo Beckham, Quốc Vượng đi bán... rượu
11/28/2014 2:40:44 PM

Trong lúc các cầu thủ ĐTVN đang miệt mài với AFF Cup 2014 thì cựu tuyển thủ Việt Nam một thời - Lê Quốc Vượng - đã quyết định tạo cho mình bước ngoặt là... đi bán rượu để mưu sinh.


Quốc Vượng trong vai trò là nhân viên marketing rượu.
Từ ngôi sao sân cỏ đến anh công nhân bốc vác

Tôi gặp Lê Quốc Vượng lần đầu tiên khi cầu thủ này cùng đội U.23 chuẩn bị cho SEA Games 22 năm 2003 trên sân nhà. Lúc ấy, Vượng mới rời HAGL và “tiếng tăm” của anh nổi như cồn khi dám cùng một số cầu thủ khác tố cáo đồng đội là Việt Thắng và Lương Trung Tuấn chơi cá độ.

Đối diện với một Lê Quốc Vượng trong quán café khá ồn ào mang tên Nắng Sài Gòn ở Hà Nội, dễ cảm thấy cái “chất” đàn ông đậm đặc trong con người này, có gì đó bạo liệt, liều lĩnh nhưng cũng lì lợm không biết sợ.

Ngay sát SEA Games, Quốc Vượng nổi đình nổi đám khi tố cáo Như Thành “có dấu hiệu làm độ”. Ấy thế mà, Vượng lại dính vào một vụ bán độ với tư cách là chủ mưu, điều đó thật bất ngờ. Bất ngờ là bởi Vượng lúc ấy được ví như một Thonglao của Việt Nam, tới mức trước SEA Games 24 năm 2005, khi Vượng bị chấn thương, người hâm mộ Việt Nam tin chắc, Quốc Vượng mới là nhân tố thành công của U.23 Việt Nam chứ không phải Công Vinh, Văn Quyến hay Tài Em.

Vượng bị bắt, gia đình của Vượng ở thành phố Vinh xáo trộn. Lúc ấy, người ta mới ngỡ ngàng hiểu rằng, từng ấy năm làm cầu thủ chuyên nghiệp, tiền thưởng không thiếu, nhưng Vượng lại chẳng mang về đồng nào cho gia đình, căn nhà của bố mẹ Vượng ở Vinh vẫn tồi tàn như ngày nào Quốc Vượng học bóng đá.

So với những đồng đội cũng bị khởi tố và tạm giam sau vụ án “bán độ ở Bacolod”, còn đường trở lại của Quốc Vượng là gian truân nhất, một phần bởi Vượng là đối tượng bị giam lâu nhất. Nhiều người muốn “cứu Vượng”, từ Thể Công, Xuân -Thành Hà Tĩnh, Thanh Hóa…, nhưng Vượng đều không theo nổi. Vì cái đầu gối đã “bể” không theo được môi trường bóng đá đỉnh cao và quan trọng là, Vượng có vẻ như không đủ tự tin để trở lại khi đối diện với quá nhiều định kiến.

Cú đau nhất là Vượng được “hứa” lót tay 5 tỉ đồng từ bầu Thụy khi còn làm Xuân Thành - Hà Tĩnh nhưng cuối cùng không đòi được, rồi năm 2012 bị Thanh Hóa cắt hợp đồng, nghe đâu Vượng cũng “hụt” tầm gần 2 tỉ đồng.

Giải nghệ, không nghề nghiệp, thỉnh thoảng mang giày bata vào sân phủi đá thuê kiếm tiền lặt vặt qua ngày. Cuộc sống của Quốc Vượng bất đắc nhất là sau khi lấy vợ và sinh con.

Cũng may, một lần nữa, tiếng tăm của Vượng lại cứu Vượng khi một công ty có tiếng ở TP Vinh là Văn Minh nhận Vượng vào làm trong vai trò là một… công nhân bốc vác. Thật ra, việc của Vượng là nhiều trong một, vừa là công nhân bốc vác, khi là nhân viên ghi vé nhưng thỉnh thoảng khoác áo phủi công ty Văn Minh thi đấu khắp nơi.

Từ thu nhập của một cầu thủ 20-30 triệu đồng lúc khoác áo Thể Công, Thanh Hóa… trở về làm công nhân, lương của Quốc Vượng chỉ 5-6 triệu đồng. Nhưng đó là một khoản tiền cần thiết và trên hết, Vượng chẳng có sự lựa chọn nào.

Quốc Vượng vẫn còn tình yêu dành cho sân cỏ. 

Học Beckham, đi bán rượu

Hôm rồi, gặp Quốc Vượng bảnh bao ngồi xem đá bóng ở giải phủi Hà Nội. Hỏi ra mới biết, Vượng được mời thi đấu trong màu áo của MC Cop - một đội bóng phủi khá có tiếng.

Hỏi công việc thế nào, Vượng nói: “Các anh ở chỗ làm cũ cũng thương em nhưng đồng lương như vậy thì không đủ sống. Tới đây, em ra Hà Nội làm việc, chấp nhận xa vợ con nhưng đồng lương cũng cao hơn”. Hỏi làm việc gì, Vượng cứ ậm ừ, rồi bảo: “Anh yên tâm, em lớn rồi còn cả gia đình trên vai…”.

Hóa ra, Vượng được một công ty rượu ở Hà Nội mời về làm việc trong vai trò một nhân viên … marketing. Từ một anh chàng quần đùi áo số chạy hùng hục với trái bóng, giờ đây Vượng có vẻ ngoài khác hẳn: Quần áo lượt là đúng “chất” một nhân viên văn phòng. Một cách thật thà, Vượng nói: “Thật ra em nhận lời làm… nhân viên quảng bá rượu là vì quý cái tình người lãnh đạo công ty và quý cả… đồng lương anh ấy trả cho. Mức lương ấy ổn hơn chỗ cũ mà công việc thì cũng không đến mức quá vất vả. Khó là em chưa bao giờ học qua trường lớp quảng bá hay marketing nên cũng khá bỡ ngỡ”.

Từ tháng 11.2014, Vượng chính thức trở thành nhân viên… bán rượu. Đó là cách nói dân dã, còn chính thức là nhân viên quảng bá cho một thương hiệu rượu vodka ở Hà Nội.

Có sao đâu, chính Beckham cũng mới sang Việt Nam để bán rượu đấy thôi. Và Quốc Vượng cũng đâu kém bảnh bao khi khoác lên mình những bộ vest trong những chương trình quảng bá sản phẩm.

Thật ra, việc mời Quốc Vượng là một chiến lược khôn ngoan của công ty bởi lẽ dù đã chính thức giải nghệ, cái tên Quốc Vượng vẫn thỉnh thoảng được người ta nhắc đến, biết đến và tất nhiên điều này quá thuận lợi cho việc… bán rượu.

Khi được hỏi: “Bán rượu, liệu có sợ say?”, Vượng nói: “Rượu nào mà chẳng say nhưng em biết uống thế nào để bảo vệ và duy trì công việc mình làm. Những người như em, kiếm được công việc tốt thời buổi này không dễ dàng. Em đã có thời gian phung phí tuổi trẻ vào những việc không hay, bây giờ làm lại tuy có hơi muộn nhưng nếu cố gắng, mình sẽ có được những gì mình mong ước”.

Sau hành trình đầy gian khổ trên đường đời, hy vọng Quốc Vượng đã tìm cho mình một công việc phù hợp để cuộc đời sẽ như chính cái tên của anh…

Clip: Hình ảnh Quốc Vượng những ngày xưa:

 
 
 
Tác giả bài viết: Khánh An 
Nguồn tin: Báo Lao Động 
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ THÀNH PHỐ VINH
Giấy phép số: 253/GP-TTĐT ngày 19/11/2010 do Bộ Thông tin và truyền thông cấp
Cơ quan chủ quản: UBND TP Vinh - Địa chỉ: Số 27 Đường Lê Mao – TP Vinh. 
Hotline: 02383.840.039; 02383. 842574    Mail: Vinhcity.ptth@gmail.com
Chịu trách nhiệm chính: Ông Trần Ngọc Tú – Chủ tịch UBND Thành phố Vinh