Không có vẻ thâm trầm, cổ kính như những ngõ nhỏ đặc trưng của phố cổ Hà Nội, cũng không quá ngoằn ngoèo, chằng chịt và vô danh như mê cung hẻm Sài Gòn, hàng trăm con đường nhỏ bé ở TP. Vinh vẫn kiêu hãnh mang trên mình những tên riêng để gợi nhớ vô số đặc trưng không kém gì lộ lớn. Đường Mạc Đĩnh Chi là một trong những con đường như thế…
Đường nối giữa hai trục sôi động là Ngư Hải và Đinh Công Tráng, thế nên, nhiều cư dân phố dự đoán, có lẽ chỉ độ dăm, bảy năm nữa, đường Mạc Đĩnh Chi sẽ thoát khỏi cái vẻ bình lặng nếu tương lai gần, các đường Ngư Hải và Đinh Công Tráng được quy hoạch thành đường 1 chiều. Bấy giờ, đường Mạc Đĩnh Chi sẽ trở thành lối ngang hữu ích, thuận tiện cho nhân dân thành phố, cùng với đó, nhịp sống rộn ràng phố xá đích thị sẽ ùa vào. Không biết dự đoán ấy có thành hiện thực hay không, nhưng người dân nơi đây vẫn có phần thấp thỏm chờ đợi cái ngày ấy, và nửa đùa, nửa thật bảo nhau tranh thủ “tận hưởng” nốt những tháng ngày yên ả trong nếp phố nhỏ xinh giữa lòng phố thị ồn ã.
|
Đường Mạc Đĩnh Chi. |
Thì chính cái tính cách gần gũi, thân thiện, rổn rảng ấy của cư dân phố đã làm nên đặc trưng thú vị của con đường Mạc Đĩnh Chi này. Có phải bởi đường nhỏ hẹp quá, nên sự thân tình xóm giềng ấy có điều kiện được bền chặt hơn? Đường nhỏ thật, đến mức, chỉ cần chạy một hơi vụt qua, cũng có thể đếm chính xác có 38 ngôi nhà giáp mặt nhau dọc đôi bên. Hầu hết là những ngôi nhà 2, 3 tầng bề thế, xen lẫn những ngôi mái bằng thấp hơn hẳn, nhưng vẫn không kém phần nổi bật bởi đã có hàng cây xanh rì bên cạnh đánh dấu. Trong ký ức của người dân phố, đường Mạc Đĩnh Chi từ ban đầu đã định hình là con đường nội khối nhỏ hẹp, là lối đi tắt liên thông giữa hai đường lớn, và bao thập kỷ trôi qua, dáng vóc con đường dường như vẫn không có nhiều thay đổi. Trước, đường có vài gốc bàng và cây ngô đồng ở phía cắt với đường Đinh Công Tráng, về sau, sự phát triển của loài cây này vẻ như không hòa hợp được với không gian xanh đô thị nên người ta đã chặt bỏ. Thay vào đó là hàng xoài thơm ngát, ríu rít cùng dây hoa vàng thắm thiết bám lấy bờ tường ốp gạch chân mộc, làm đẹp thêm cho những vòm cổng khiêm nhường.
Không giống những con đường lớn, đường Mạc Đĩnh Chi chẳng có hẻm nào cắt ngang mà chạy suốt một thôi sâu hút. Phần đa là nhà giáp mặt tiền, chỉ vỏn vẹn 2, 3 ngôi nhà có phần lùi sâu vào một chút, chẳng hiểu do kiến thiết ban đầu đã thế, hay những biến động xã hội nào đã khiến chủ nhân ngôi nhà thờ ơ với mặt đường tươi vui mà ở thụt hẳn vào trong, hưởng cái yên ả riêng biệt?
Cư dân đường này chủ yếu là lớp trung niên và cán bộ, viên chức về hưu, thế nên nếp sống có phần giản dị. Chỉ rộn rịp thoáng chốc ban sáng, ban trưa hoặc một đôi tiếng buổi tan tầm khi trẻ con đi học, người lớn đi làm về, còn thì thời gian dài trong ngày, đường lặng lẽ, im lìm, khác biệt hẳn với đường Đinh Công Tráng và Ngư Hải giáp cạnh. Cả những dịch vụ trên đường, cũng phảng nét nhẹ nhàng chứ không lồ lộ, xô bồ. Phong thái thâm trầm ấy khiến người đã quen với nhộn nhịp phố phường ắt sẽ có phần lạ lẫm.
Đường nhỏ mà cũng lắm dịch vụ tiện ích. Này thì dịch vụ làm đẹp, như tiệm làm móng tay, móng chân, đại lý hoa tươi Đà Lạt…; này thì ẩm thực dân dã với hàng bún đậu mắm tôm nức mũi; này thì các cửa hàng sửa chữa radio, cassette, đầu máy tivi có tấm bảng kẻ chữ trắng chân phương trên nền xanh thẫm, kiểu cách từ thập kỷ 90, rồi đến gian phòng khách gia đình được “cải tiến” thành hiệu sửa xe đạp… Đường chỉ dài cỡ vài, ba trăm mét, mà có hẳn một quán cà phê vườn rộng rãi, khuôn viên đẹp, nghe đâu thời gian gần đây, buôn bán có phần kém sụt, thưa khách, chủ đang có ý định bỏ hẳn.
Cả con đường có mỗi một hàng tạp hóa. Đó là gian phòng khách cũ được sắp gọn đồ đạc lại, ưu tiên hết cỡ cho việc bán buôn. Nhoài ra ngoài cánh cửa sắt xếp kèn kẹt, là tủ kính trưng bày đủ thứ, từ gói tăm xỉa răng đến chiếc khăn mặt, rồi nào dầu gội đầu, bàn chải đánh răng, bánh kẹo, bim bim, sữa, bỉm… Thế nên, cư dân đường này cũng chỉ cần một hàng tạp hóa thôi là đủ cung ứng cho ngần ấy nóc nhà. Sống ở đây, nhiều người bảo là sướng nhất đời, bởi đường ngay khu vực trung tâm thành phố, cái gì cũng gần, cũng trong tầm tay với mà vẫn nguyên vẻ yên bình của nếp sinh hoạt thôn quê.
Bốn mùa, đường Mạc Đĩnh Chi khoác lên mình những sắc diện riêng. Mùa xuân mơn mởn xôn xao sắc hoa đón Tết từ ban công những ngôi nhà tầng đẹp đẽ, mùa Hạ bỏng rát mặt đường lổn nhổn lớp áo cũ mấy chục năm xuống cấp, mùa Thu trở gió heo may khiến lòng người xuống phố dịu hẳn đi trong nỗi êm đềm phố thị, và mùa Đông, như cữ này về đêm, thì đường hiu hắt ánh đèn vàng từ hai đầu phố lớn tỏa sang, nhuộm mênh mang cả một không gian nhỏ bé, thân thương. Tôi đã nhiều lần đi trên phố ấy, thấy biêng biếc niềm tiếc nuối bởi quãng đường ngắn ngủi quá, không “đã” cái cảm quan êm ả của một ngày sống vội trôi qua. Có lần, dừng xe lại, tha thẩn ngước nhìn lên khoảng trời trên đầu, giữa lô xô tầng cao, mái thấp, vẫn vằng vặc một vầng trăng thượng huyền, như nhắn nhủ những cư dân phố đừng để lãng quên đi góc nhỏ tâm hồn làng mạc, quê hương. Nỗi niềm ấy, dường như ta chỉ có thể cảm nhận được ở những nếp phố nhỏ như này…
Bài, ảnh: Phước Anh -Baonghean.vn
Mạc Đĩnh Chi (1272 - 1346), người xã Lũng Động, huyện Chí Linh, nay là thôn Lũng Động, xã Nam Tân, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương. Mạc Đĩnh Chi mồ côi cha từ nhỏ, nhà nghèo, hai mẹ con phải đi vào rừng sâu hái củi để kiếm sống hàng ngày. Do có nghị lực phi thường, cộng với sự thông minh trác việt, chẳng bao lâu Mạc Đĩnh Chi đã nổi tiếng thần đồng nho học. Khoa thi Hội năm Giáp Thìn (1304), Mạc Đĩnh Chi đỗ Hội nguyên, thi Đình, ông được chấm đỗ Trạng Nguyên, nhưng khi vào ra mắt nhà vua, Vua Trần Nhân Tông thấy ông tướng mạo xấu xí, có ý không muốn cho ông đỗ đầu. Biết ý, ông đã làm bài “Ngọc tỉnh liên phú”. Đó là bài phú bằng chữ Hán để gửi gắm chí khí của mình. Vua Trần Anh Tông xem xong khen là thiên tài mới cho đậu Trạng nguyên, ban cờ hiển vinh quy bái tổ. Sau khi trở về kinh đô, nhà vua cho vời Trạng vào bệ kiến, hỏi việc chính trị, Trạng nói đâu ra đấy, vua rất hài lòng, ban cho Trạng chức Hàn lâm học sỹ, sau thăng dần đến chức Thượng thư, rồi Đại Liêu ban Tả Bộc Xạ (tương đương chức Tể tướng). Mạc Đĩnh Chi làm quan trải 3 triều vua: Trần Anh Tông (1293 - 1314), Trần Minh Tông (1314 - 1329), Trần Hiếu Tông (1329 - 1341). Ngày nay để tưởng nhớ công lao của ông, nhiều thành phố lớn trong cả nước đều có đường phố, trường học mang tên Mạc Đĩnh Chi. |