Tôi được biên chế vào ngành Giáo dục từ năm 1996 và đã đi dạy được 18 năm (trong đó có 2 năm tập sự theo QĐ của SGD&ĐT), 16 thâm niên theo cách tính của BHXH tỉnh.
Hiện tại tôi bị thoái hóa nặng đốt sống cổ rất đau mỏi. Tôi muốn xin thôi việc và đóng BHXH tự nguyện thì cần làm những thủ tục gì tại BHXH? Chế độ đóng góp cụ thể như thế nào?
Luật sư tư vấn:
Điều 57 Luật Bảo hiểm xã hội 2006 quy định: “Người lao động khi nghỉ việc mà chưa đủ điều kiện để hưởng lương hưu theo quy định tại Điều 50 và Điều 51 hoặc chưa hưởng bảo hiểm xã hội một lần theo quy định tại Điều 55 và Điều 56 của Luật này thì được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội”.
Khoản 1 Điều 79 Luật Bảo hiểm xã hội 2006 quy định: “1. Người lao động đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc sau đó đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện thì thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc được cộng với thời gian đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện để làm cơ sở tính hưởng chế độ hưu trí và chế độ tử tuất.”
Như vậy, trường hợp chưa đủ điều kiện hưởng lương hưu và chưa hưởng bảo hiểm xã hội một lần thì người đang tham gia bảo hiểm bắt buộc mà ngừng đóng bảo hiểm xã bắt buộc có thể bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, tham gia tiếp bảo hiểm xã hội tự nguyện để đủ điều kiện hưởng chế độ hưu trí.
Về mức đóng bảo hiểm tự nguyện được quy định tại khoản 2 điều 5 và điều 100 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2005:
Khoản 2 điều 5 quy định:
2. Mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp được tính trên cơ sở tiền lương, tiền công của người lao động. Mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện được tính trên cơ sở mức thu nhập do người lao động lựa chọn nhưng mức thu nhập này không thấp hơn mức lương tối thiểu chung.
Điều 100 quy định:
1. Mức đóng hằng tháng bằng 16% mức thu nhập người lao động lựa chọn đóng bảo hiểm xã hội; từ năm 2010 trở đi, cứ hai năm một lần đóng thêm 2% cho đến khi đạt mức đóng là 22%.
Mức thu nhập làm cơ sở để tính đóng bảo hiểm xã hội được thay đổi tuỳ theo khả năng của người lao động ở từng thời kỳ, nhưng thấp nhất bằng mức lương tối thiểu chung và cao nhất bằng hai mươi tháng lương tối thiểu chung.
2. Người lao động được chọn một trong các phương thức đóng sau đây:
a) Hằng tháng;
b) Hằng quý;
c) Sáu tháng một lần.
Điều 28 Quyết định số 1111/QĐ-BHXH quy định về hồ sơ tham gia BHXH tự nguyện bao gồm:
“Điều 28. Đối tượng tham gia BHXH tự nguyện
1. Đăng ký lần đầu hoặc đăng ký lại sau thời gian dừng đóng:
1.1. Thành phần hồ sơ:
1.1.1. Tờ khai tham gia BHXH tự nguyện (mẫu A02-TS) kèm theo 02 ảnh màu cỡ 3 x 4 cm (01 ảnh dán trên tờ khai tham gia BHXH, BHYT; 01 ảnh lưu cùng hồ sơ tham gia để xây dựng cơ sở dữ liệu);
1.1.2. Sổ BHXH đối với người đã tham gia BHXH trước đó.”\
Điểm 2.2 Điều 38 Quyết định số 1111/QĐ-BHXH quy định: “2.2. Người tham gia BHXH tự nguyện, người tự nguyện tham gia BHYT: Nộp hồ sơ cho đại lý thu tại xã hoặc nộp cho BHXH huyện nơi cư trú.”
Như vậy, bạn liên hệ với cơ quan BHXH huyện nơi bạn cư trú để được hướng dẫn chi tiết.
Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Công ty luật TNHH Đức An, Hà Nội
Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ banbandoc@vietnamnet.vn (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ).