Mỹ - Cuba: Một quyết định thông minh và sáng suốt!
12/19/2014 8:09:43 AM

Tình hình thế giới năm 2014 với nhiều biến động nhanh đến khó lường và hầu hết đều theo xu hướng đối đầu, thì sự kiện ngày 17/12, Tổng thống Obama chính thức tuyên bố Mỹ và Cuba bình thường hóa quan hệ sau 53 năm đối đầu là một tín hiệu rất tích cực, đang được dư luận thế giới đặc biệt quan tâm. Dịp này, Báo Nghệ An đã có cuộc trao đổi xung quanh sự kiện này với  PGS -TS, Thiếu tướng Lê Văn Cương - Nguyên Viện trưởng viện khoa học chiến lược Bộ Công an. 

 

 

Người dân Cuba ra đường sau khi Chủ tịch Raul Castro tuyên bố Cuba và Mỹ  bình thường hóa quan hệ ngoại giao.
Người dân Cuba ra đường sau khi Chủ tịch Raul Castro tuyên bố Cuba và Mỹ bình thường hóa quan hệ ngoại giao.
 
 
PV: Thưa  PGS-TS, Thiếu tướng Lê Văn Cương, lệnh cấm vận của Mỹ đối với Cuba đã kéo dài suốt hơn 50 năm qua làm cho nền kinh tế Cuba bị kiệt quệ, ông có thể cho biết lý do sự ra đời của lệnh cấm vận này?
 
Thiếu tướng Lê Văn Cương: Căng thẳng giữa Mỹ và Cuba dẫn đến lệnh cấm vận diễn ra trong suốt 53 năm qua kể từ khi Fidel Castro - nhà lãnh đạo biểu tình chống chính quyền thân Mỹ giành chiến thắng trong cuộc cách mạng ở Cuba năm 1959. Sau đó ông tuyên bố Cuba là nước cộng sản và quốc hữu hóa nền kinh tế, trong đó có rất nhiều công ty của Mỹ đang sản xuất, kinh doanh tại Cuba và kết đồng minh với Liên Xô. Ngày 31/1/1961, Washington cắt đứt mọi quan hệ ngoại giao và áp dụng chính sách cấm vận toàn diện để chống lại Cuba vì đi theo phe Xã hội chủ nghĩa. Một nguyên nhân nữa khiến cho quan hệ 2 bên căng thẳng dai dẳng đến từ những hoạt động gián điệp giữa các quốc gia này bị phát giác và bị bắt bớ, tù đày, đặc biệt là những vụ ám sát hụt của CIA với nhà cách mạng Fidel Castro.
 
Đòn trừng phạt hơn nửa thế kỷ qua 7 đời Tổng thống Mỹ lên Cuba thực chất là dùng kinh tế để đạt được mục đích chính trị và an ninh, để khuất phục Cuba - một hòn đảo ngay trước cửa ngõ của Mỹ nhưng lại có tư tưởng chống Mỹ và coi Mỹ như kẻ thù. Hay cũng có thể nói thẳng ra rằng thông qua việc này, Washington muốn thay đổi chế độ chính trị của Cuba… 
 
P.V: Thưa Thiếu tướng, ông có thể cho biết cụ thể hơn về ảnh hưởng của việc cấm vận này lên đất nước và người dân Cuba như thế nào?
 
Thiếu tướng Lê Văn Cương: Vì Washington áp đặt lệnh bao vây cấm vận, nên hầu hết các nước đồng minh của Mỹ trên toàn thế giới như Anh, Israel, Canada, Nhật Bản… cùng áp dụng các lệnh này. Có thể nói rằng, cuộc bao vây cấm vận trong vòng 53 năm qua là nguyên nhân chủ yếu làm cho nền kinh tế Cuba kiệt quệ. Trước khi chịu sự áp đặt lệnh cấm vận, Cuba là một nền kinh tế mạnh ở khu vực Mỹ Latin và Caribe (năm 1960, Cuba và Argentina có nền kinh tế tương đương nhau). Thế nhưng, hiện nay thu nhập quốc dân đầu người của Cuba chỉ bằng 1/5 đến 1/6 của Argentina. Thống kê cho thấy, Cuba bây giờ là một trong những nước nghèo khó nhất khu vực Mỹ Latin. Có nhiều nguồn tin từ Cuba cho rằng, sau hơn nửa thế kỷ bao vây cấm vận, Mỹ đã làm cho đất nước láng giềng trên biển Caribe này thiệt hại khoảng hơn 500 tỷ USD, nhưng nguồn tin khác lại cho rằng phải trên 1.000 tỷ USD. Tuy chưa có con số chính thức, nhưng nền kinh tế Cuba bị kiệt quệ và nghèo khó thì cả thế giới đều biết.
 
PV: Thưa Thiếu tướng, sau hơn 5 thập kỷ chịu đựng đòn trừng phạt của Mỹ, mặc dù bị kiệt quệ về kinh tế, song nền chính trị Cuba vẫn vững vàng, kiên gan ở bên nước Mỹ. Vậy, vì sao lần này Tổng thống Mỹ Obama lại có quyết định xóa bỏ cấm vận?
 
Thiếu tướng Lê Văn Cương: Thực ra, trong những năm qua, cộng đồng quốc tế đã có rất nhiều lần lên tiếng phản đối chính sách cấm vận hà khắc này của Mỹ đối với Cuba và cũng đã có những tín hiệu tích cựu từ phía Mỹ. Chúng ta đã biết, dưới thời của Bill Clinton, ông này đã  cho phép nới lỏng kiểm soát vận chuyển lương thực, dược phẩm cứu trợ nhân đạo và tạo cơ hội để người Mỹ gốc Cuba được chuyển 1.200 USD/năm về quê nhà. Nhưng khi "Bush con" - George W. Bush - một người của Đảng Cộng hòa theo trường phái "diều hâu" là ông chủ nhà trắng,  Mỹ một lần nữa tuyên bố thắt chặt lệnh trừng phạt Cuba, bao gồm tăng cường kiểm soát biên giới đối với khách du lịch và hàng hóa giữa 2 nước. 
 
Thế nhưng, dưới thời Tổng thống Obama, ông đã công khai từ bỏ chính sách trừng phạt Cuba và phê phán chính sách này là cứng nhắc và lỗi thời. Trong những lần nói chuyện trước người dân Mỹ, Tổng thống Obama cho rằng, cả người Mỹ và Cuba đều không được gì từ lệnh cấm vận này. Tuy nhiên, tôi cho rằng đằng sau quyết định này vẫn là bài toán lợi ích. Bởi ai cũng biết rằng, trên thế giới này, mọi quyết định cũng đều mang tính lợi ích quốc gia. Cho nên, đây cũng không phải là quyết định mang tính rủ lòng thương của ông Obama đối với 10 triệu người Cuba, mà quyết định mang tính chiến lược nào đó thì có lẽ còn phải chờ những nước cờ tiếp theo. Tuy nhiên, bằng cảm nhận của mình, tôi cho rằng nguyên nhân không phải là kinh tế. Khi bình thường hóa quan hệ, Mỹ cũng có thể thu được một số lợi ích nhất định, tuy nhiên nền kinh tế Cuba vẫn còn rất lạc hậu và thị trường cũng chỉ có 10 triệu dân, thì vài trò của Cuba trên bàn cờ kinh tế của Mỹ chẳng có gì ghê gớm cả.
 
Thế nên, đây có thể là quyết định mang lợi ích chính trị và an ninh đối với Mỹ. Và nếu đúng như vậy thì tôi cho rằng đây là một tính toán mới của Obama và những người cộng sự của ông ở Nhà trắng. Tôi nghĩ rằng, trong năm 2014 này, quan hệ giữa Mỹ và Nga đang đi xuống thấp chưa từng thấy kể từ sau thời chiến tranh lạnh và có thể nói rằng, Mỹ đã dồn Nga đến chân tường rồi, cận kề một cuộc chiến tranh hạt nhân mới. Mà việc Mỹ dồn Nga đến tận cùng như vậy, trong khi Nga lại có quan hệ đồng minh với Cuba trong 60 năm nay, phải chăng Mỹ nới lỏng những chính sách với Cuba để lôi kéo người láng giềng của mình ra khỏi liên minh với Nga. Bởi biết đâu, khi vào bước đường cùng Nga sẽ dùng Cuba như là căn cứ để nếu cần có thể "tác động" trực tiếp vào Mỹ.
 
Một đối tượng nữa mà Mỹ cũng rất khó chịu là Trung Quốc. Trong khi Nga đang khó khăn thì sẽ rất khó để "bao" được Cuba. Nhưng từ năm 2010 đến nay, đặc biệt trong 3 năm trở lại đây, Trung Quốc đã ào ạt đầu tư và viện trợ kinh tế cho Cuba. Điều này khiến giới chức Mỹ không thể xem thường, bởi nếu tiếp tục bao vây cấm vận và siết chặt vòng vây với Cuba, thì vô tình lại đẩy đất nước này ngày càng rơi vào vòng tay của Trung Quốc và Nga. Mà Cuba lại nằm trước cửa ngõ của Mỹ, việc đẩy một quốc gia trước cửa ngõ của mình vào vòng tay đối thủ thì theo tôi là một thất bại.
 
Vậy nên, việc ông Obama quyết định từ bỏ bao vây cấm vận xét trên mọi phương diện là một quyết định thông minh và sáng suốt. Và đằng sau đó là một tính toán mang tính chiến lược, 60 năm không "dẹp" được Cuba, thì tốt nhất là bình thường hóa, thông qua đó lôi kéo nước này gắn chặt với nền kinh tế Mỹ. Bởi khi người dân trên hòn đảo ở vịnh Caribe này thu được lợi ích từ việc bình thường hóa quan hệ, thì chắc chắn người ta sẽ có thái độ khác. Đây rõ ràng là một tính toán mang tính chất địa chính trị, địa chiến lược chứ không phải là địa kinh tế. Bởi những năm gần đây, với sự lớn mạnh và giàu có, Trung Quốc đã đổ rất nhiều tiền vào Cuba và có được ảnh hưởng rất lớn đối với người láng giềng của Mỹ. Và đương nhiên Mỹ không ngồi yên để cho việc này xảy ra được, không còn cách nào khác là phải kéo Cuba ra khỏi vòng ảnh hưởng của Nga và Trung Quốc.
 
PV: Vậy, quyết định của Tổng thống Obama sẽ có khó khăn gì, thưa ông?
 
Thiếu tướng Lê Văn Cương: Đương nhiên đây là quyết định được đón nhận không chỉ trong nước Mỹ hay Cuba, mà đây còn là sự đón đợi của cả cộng đồng thế giới. Ngay sau khi 2 nhà lãnh đạo cao nhất của 2 quốc gia này thông báo bình thường hóa quan hệ, hầu như tất cả các nước trên thế giới đều lên tiếng ủng hộ và đánh giá rất cao quyết định lịch sử này. Tuy nhiên, quỹ thời gian của Obama cũng chỉ còn 2 năm, để thực hiện được điều này thì cần phải thông qua Quốc hội, mà hiện nay, lưỡng viện Quốc hội Mỹ lại đang nằm trong tay của Đảng Cộng hòa và Đảng này lại do thế lực thân bảo thủ diều hâu chỉ đạo. Mà thế lực thân bảo thủ diều hâu này lại luôn có tư tưởng căng thẳng, nặng nề với Cuba, thì việc vượt qua lưỡng viện không phải là dễ dàng. Tôi chỉ hy vọng rằng, trong 2 năm tới đây, cả Thượng viện và Hạ viện sẽ hiểu được quyết định của Obama và thông qua nó một cách thuận lợi.
 
PV: Xin cảm ơn Thiếu tướng!
 
Cảnh Nam (Thực hiện)
Nguồn: Báo Nghệ An
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ THÀNH PHỐ VINH
Giấy phép số: 253/GP-TTĐT ngày 19/11/2010 do Bộ Thông tin và truyền thông cấp
Cơ quan chủ quản: UBND TP Vinh - Địa chỉ: Số 27 Đường Lê Mao – TP Vinh. 
Hotline: 02383.840.039; 02383. 842574    Mail: Vinhcity.ptth@gmail.com
Chịu trách nhiệm chính: Ông Trần Ngọc Tú – Chủ tịch UBND Thành phố Vinh