Nhấp ngụm chè, bà thong dong kể lại: Mỹ đánh vào vùng Bến Thủy ngày 5- 8- 1964, cả thị xã Vinh đi sơ tán, riêng bà xin ở lại phục vụ chiến đấu. Khi đó cậu con trai thứ tư của bà là Trần Văn Quỳnh mới được 8 tháng tuổi đành phải gửi về quê Thanh Đồng nhờ mẹ chăm hộ. Không còn vướng bận, xem nhẹ cái chết, bà như con thoi lao giữa trận địa để khâu nối từng bộ phận cung ứng thực phẩm, tìm mua nguyên liệu, sắp xếp người chế biến, người mang hàng tới trận địa pháo phòng không, binh trạm vận tải, phà Bến Thủy, cảng Bến Thủy...
Với chiếc xe đạp Thống Nhất, bà ngược Hưng Nguyên, Nam Đàn, ra Nghi Lộc, Diễn Châu, xuống Cửa Lò, Cửa Hội... để tìm mua gạo, rau xanh, nước mắm. “Nghĩ đến các chiến sỹ đang phải nhịn đói đánh giặc, mấy chị em chúng tôi liều mình băng dưới mưa bom, bão đạn để tìm thức ăn về phục vụ... Lúc đó chỉ mong đi tới đâu kiếm được chút rau, cân thịt là mừng lắm rồi, có nghĩ đến chết chóc mô chú”, bà Liên nhớ lại.
Bài toán nhu yếu phẩm phục vụ hàng ngàn suất ăn mỗi ngày là một trăn trở khôn nguôi trong bà, sau nhiều đêm suy nghĩ, bà đã nảy ra sáng kiến mà lúc bấy giờ khó ai có thể nghĩ ra, đó là đi về các HTX mua lại những con bò gầy yếu, không còn sức cày kéo để về vỗ béo. Dưới chân ngọn núi Quyết xanh tươi, một đàn bò hàng trăm con tung tăng gặm cỏ dần béo lên, chúng cũng biết vào hầm trú ẩn khi bom đạn rền vang. Sau đàn bò, bà mạnh dạn nuôi lợn, có thời điểm đàn lợn của bà lên tới 500 con, trong đó có 200 con lợn nái; tận dụng hố bom, bà còn nuôi cá, lươn... Chính nguồn thực phẩm tươi sống dồi dào ấy đã giúp bà Liên cải thiện bữa ăn cho hàng ngàn công nhân, bộ đội tại “ngã ba lửa” Bến Thủy. Ngoài ra, bà còn thuê người khai hoang đất trồng lúa và mía. Lúa để giã thành gạo nuôi quân, mía để đổi lấy hàng tấn đường để bà làm bánh, kẹo, nước giải khát.
|
Anh hùng Lao động Hoàng Thị Liên. |
Với bà, nhớ nhất là những cái Tết truyền thống trong “mưa bom, bão đạn”. Dù khó khăn, thiếu thốn trăm bề, nhưng, thịt mỡ, dưa hành và bánh chưng xanh nhất quyết không thể thiếu trong thực đơn những ngày Tết Nguyên đán. Gạo nếp được lựa chọn loại ngon nhất để làm bánh chưng; bò, lợn, cá được chọn những con béo nhất để mổ thịt; đường được chế biến thành nước giải khát, bánh, kẹo,... tất cả đều hướng đến một cái tết truyền thống ấm áp, no đủ. Lúc bấy giờ, ai cũng rưng rưng xúc động, thầm cảm ơn bà Liên khi cầm trên tay miếng kẹo ngọt ngào, miếng bánh dẻo thơm...
Quăng quật, chao đảo dưới “mưa bom, bão đạn”, bà Liên cùng 6 chị em khác vẫn can trường ngày đêm phục vụ, bảo đảm 3.000 suất ăn cho cảng Bến Thủy, 800 suất ăn cho phà Bến Thủy, 1.500 suất ăn cho nhà máy điện Vinh, 250 suất ăn cho nhà máy sửa chữa ô-tô B230. Đấy là chưa tính những thời khắc phà tắc, hàng trăm chiếc xe phải sơ tán, tổ ăn uống Bến Thủy còn phải lo đủ bữa ăn cho các đơn vị bộ đội nằm chờ vượt sông. “Ngày đó, tui cùng mấy chị em phục vụ ăn uống cho các chiến sỹ làm nhiệm vụ bảo vệ vùng Bến Thủy, cũng như nhiều cán bộ đi B mà có nghĩ gì đâu. Chỉ mong họ được ăn, được uống để có sức chiến đấu thôi. Giờ ngồi nghĩ lại mỗi ngày phục vụ hàng ngàn suất ăn quả thật là phi thường”, bà Liên nói.
Để ghi nhận công lao của bà, năm 1985, Đảng, Quốc Hội, Nhà nước đã phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng Lao động cho bà Hoàng Thị Liên. Với bà, hôm nay vẫn còn đọng mãi ký ức về lớp lớp chiến sỹ vào chiến trường thuở nào. “Chiến tranh đi qua, người về gặp lại bà vui mừng khôn xiết; nhưng tủi hơn khi biết đa số các anh đã anh dũng ngã xuống, mãi mãi gửi lại tuổi thanh xuân nơi chiến trường vì cuộc sống yên bình hôm nay”- nữ anh hùng nghẹn ngào nhớ lại.