Bên cạnh chuyện mừng tuổi biến tướng, trở thành gánh nặng, đo lòng sĩ diện, làm hư con trẻ còn có những câu chuyện nhân văn, xúc động, mang ý nghĩa giáo dục sâu sắc.
Cô chú mừng tuổi cho con cháu ngày Tết đầu năm. (Ảnh: Anh Tuấn)
Khóc, cười chuyện mừng tuổi
Chiều mùng 1 Tết, hàng xóm trong khu dân cư ở một phường thuộc quận Long Biên, Hà Nội tập trung thành nhóm 3 - 4 gia đình đến thăm, chúc Tết từng nhà. Đến nhà một chị cạnh nhà tôi, chị mừng tuổi từng cháu. Một bé trai 7 tuổi chưa cám ơn chủ nhà đã vội bóc phong bao lì xì, thằng bé nói thật to với mẹ khiến ai nấy ngượng ngùng: “Con biết ngay mà, lại chỉ 20 nghìn thôi!”.
Chia sẻ trên Facebook cá nhân, chị Vũ Xuân Lan (TPHCM) cho biết, chị thường dạy con gái chị khi được mừng tuổi phải biết cám ơn và chúc lại người mừng tuổi những điều tốt đẹp. Đặc biệt, con gái chị không được mở phong bao trước khi khách về. Tuy nhiên, Tết này chị gặp phải 2 trường hợp là con của những người quen khiến chị Lan ngỡ ngàng. “Hai bé đó mới 3 tuổi, khi tôi đưa phong bao lì xì, nó bảo luôn: “Cháu không thích cái này, không lấy, nhưng đưa tiền mặt thì hai nhỏ cầm luôn cất vào túi”, chị Lan kể.
Ngày nay, phong tục mừng tuổi đầu năm tại không ít gia đình ở các thành phố lớn bị biến thành lối ứng xử “ngầm” của người lớn. Trở lại công việc ngày đầu năm, chuyện đầu tiên chị Nguyễn Thanh Xuân (Hai Bà Trưng, Hà Nội) chia sẻ là chị không ủng hộ mừng tuổi cứ phải nhiều mới tốt. “Đôi khi tôi cũng phải “cân não” để tránh tình huống người ta mừng con mình nhiều mà mình lại mừng ít. Tôi chẳng tính thiệt hơn trong chuyện lì xì nhưng đó không còn là nét văn hóa truyền thống tốt đẹp dành cho con trẻ mà trở thành việc có đi, có lại giữa người lớn”, chị Xuân nói.
Chị Xuân cho biết, mỗi dịp Tết, khoản tốn kém nhất của nhà chị là tiền mừng tuổi với khoảng chục triệu đồng.
“Mừng tuổi đầu năm là một nét đẹp văn hóa, chúng ta cần ứng xử có văn hóa với đồng tiền mừng tuổi để gìn giữ nét đẹp ấy cho các thế hệ hôm nay và mai sau. Cha mẹ cần dạy cho con hiểu tiền mừng tuổi là khoản tiền có ý nghĩa nên cần trân trọng và sử dụng vào những việc có ích”. - TS Nguyễn Kim Quý
|
Bên cạnh sự biến tướng, cũng có những cách mừng tuổi là sự chia sẻ với cảnh đời còn nghèo khó, giúp trẻ đến trường. Chị Trần Ngọc Tâm, (Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ, Tết này, lần đầu tiên chị biết có chuyện mừng tuổi đáng trân trọng. Đó là anh bạn là chủ doanh nghiệp tại Hà Nội, ngày mùng 2 Tết, anh đi tới mấy nhà công nhân khó khăn nhất trong công ty chúc Tết. Anh chuẩn bị phong bao lì xì là tiền học cho các cháu con mấy anh chị công nhân ấy với lời dặn các con lo học tốt để giúp đỡ cha mẹ. Tiền mừng tuổi đầy ý nghĩa đó khiến các công nhân xúc động.
Theo anh Thành, một doanh nhân tại Bình Dương, mừng tuổi là một dịp để anh chia sẻ với những người nghèo khó hơn, đặc biệt là công nhân. “Khi tính toán thưởng Tết cho nhân viên, tôi luôn nhắc đến tính công bằng, theo đúng đóng góp của họ. Nhưng lì xì cho các cháu con của nhân viên, tôi bỏ vào cả triệu đồng khi biết bố mẹ chúng nghèo, đó là chia sẻ, dù ít. Và hơi kỳ cục là tôi luôn bấm bao lì xì lại. Lúc lì xì tôi bảo các cháu về nhà mới được xem. Vậy là bố mẹ chúng cũng không cho con mở ra, tránh việc khó xử khi các bé tò mò mở bao lì xì. Với các cháu chắt trong nhà tôi cũng dặn như vậy. Tới giờ tôi vẫn thấy mình đúng và cứ thế làm theo”, anh Thành kể.
Người lớn cần làm gương
Theo tiến sĩ tâm lý Nguyễn Kim Quý (Cục Bảo vệ trẻ em, Bộ LĐ- TB&XH), trước đây, mừng tuổi mang ý nghĩa chúc trẻ mau lớn, mạnh khỏe đầu năm nên giá trị vật chất rất ít, nhưng nay bị biến tướng. “Điều này do người lớn tạo ra. Nhiều người xem mừng tuổi là một kênh “đút lót” nhằm đạt được các mục đích cá nhân, thăng quan tiến chức nên thường mừng tuổi con sếp với phong bì rất dày, giá trị vật chất cao. Những đứa trẻ được mừng tuổi nhiều thế dần có tâm lý trông chờ, tò mò xem được bao nhiêu tiền mà quên mất ý nghĩa truyền thống tốt đẹp của ngày Tết”, TS Kim Quý nói.
TS Nguyễn Kim Quý cho rằng, ngày nay văn hóa nhận tiền mừng tuổi của nhiều đứa trẻ cần phải xem xét lại. Có những đứa trẻ bóc phong bao lì xì ngay trước mặt khách, hý hửng mừng ra mặt khi được nhiều tiền nhưng nếu ít tiền thì mặt buồn thiu, có đứa trẻ còn bình phẩm: “Được tý thế này à?”, khiến khách không khỏi ngượng ngùng, khó xử. Hay nhiều đứa trẻ khi thấy khách đến đã ra mè nheo: “Bác mừng tuổi con đi để con nuôi heo đất!”. “Bố mẹ phải dạy cho con cái hiểu được rằng, mừng tuổi chỉ mang ý nghĩa tinh thần, chúc nhau những điều tốt đẹp đầu năm, chứ không phải quy ra giá trị vật chất. Vì thế cần đón nhận tiền mừng tuổi bằng sự trân trọng, đúng mực và tự nguyện”, TS Nguyễn Kim Quý chia sẻ.
Theo Phương Hiếu - Lưu Trinh
Tiền Phong