Quy hoạch chung xây dựng TP Vinh: Cơ sở, cơ hội để thu hút đầu tư
3/4/2015 8:05:37 AM

Hội nghị gặp mặt các nhà đầu tư đầu xuân được tỉnh Nghệ An tổ chức lần đầu tiên vào năm 2009, nhằm tạo tiền đề thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Kể từ đó đến nay, Hội nghị đã trở thành sự kiện thường niên, thu hút nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia, cam kết đăng ký đầu tư vào Nghệ An.

Những thành quả chung đạt được

Tính riêng năm 2014, hoạt động xúc tiến đầu tư tại Nghệ An đã đạt được nhiều thành quả ghi đậm dấu ấn, với 187 dự án, tổng vốn đăng ký đạt 55.663 tỉ đồng được cấp mới và điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư, vượt 260% về số dự án và 432% về số lượng vốn đăng ký so với năm 2013.


Bộ mặt thành phố Vinh, Nghệ An ngày càng khang trang, hiện đại.

Năm 2014, tỉnh Nghệ An tiếp tục được lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành Trung ương quan tâm giúp đỡ thông qua nhiều chương trình làm việc, chỉ đạo, giúp tỉnh tháo gỡ khó khăn, phát triển kinh tế - xã hội theo tinh thần Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 30/7/2013 của Bộ Chính trị. Bên cạnh đó là sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị trong việc thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm khắc phục khó khăn về nguồn vốn, nhân lực, giải phóng mặt bằng, cải cách thủ tục hành chính…, nên Nghệ An đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận.

Thành quả có ý nghĩa động lực là trong năm qua, Nghệ An đã hoàn thành 24/27 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Tăng trưởng GDP đạt 7,24 %; thu nhập bình quân đầu người đạt gần 25 triệu đồng; thu ngân sách đạt 7.656 tỷ đồng; tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội đạt trên 36.000 tỷ đồng...

Công tác đối ngoại, xúc tiến đầu tư, thực hiện các dự án đầu tư cũng được đổi mới, triển khai mạnh mẽ. Chỉ tính riêng năm 2014, toàn tỉnh đã cấp phép mới cho 145 dự án, với tổng vốn đăng ký hơn 43.892 tỷ đồng và điều chỉnh tăng vốn cho 42 dự án, với vốn đăng ký hơn 11.771 tỷ đồng. Hầu hết các dự án mới đang hoàn thiện thủ tục sau cấp phép để triển khai công trình theo tiến độ đã đăng ký. Trong đó, có một số dự án lớn như xây dựng Nhà máy Xi măng Đô Lương (vốn đăng ký 10.325 tỷ đồng), Nhà máy Sản xuất Tôn Hoa Sen (2.300 tỷ đồng), Nhà máy Sản xuất ván sợi MDF (1.900 tỷ đồng), Trung tâm Công nghiệp thực phẩm của Tập đoàn Masan (1.200 tỷ đồng)… được triển khai với tiến độ nhanh.

Các Dự án Bệnh viện đa khoa 700 giường, Dự án Bệnh viện Ung bướu, Dự án Thuỷ lợi Bắc Nghệ An, Tiểu dự án phát triển đô thị Vinh… được đầu tư bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, vốn ODA, vốn vay của Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB)… cũng đang được quan tâm hỗ trợ rất lớn. Bên cạnh đó, các dự án lớn được tập trung phù hợp nhằm phát triển, triển khai Quy hoạch chung xây dựng thành phố Vinh đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 theo phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ.

Cơ sở, cơ hội thu hút đầu tư vào TP Vinh

Từ những thành quả đã đạt được sau các kỳ Hội nghị xúc tiến đầu tư các năm, việc hoàn thiện Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP Vinh, tỉnh Nghệ An giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cũng là cơ sở, cơ hội để thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh của thành phố Vinh và tỉnh Nghệ An.


Khởi công một trong những dự án thu hút đầu tư lớn năm 2014.

Theo đó, Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP Vinh, tỉnh Nghệ An giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 là đồ án nghiên cứu quy hoạch phát triển không gian đô thị Vinh có diện tích khoảng 250km2. Phạm vi quy hoạch bao gồm toàn bộ TP Vinh, thị xã Cửa Lò, một phần của huyện Hưng Nguyên và Nghi Lộc, được giới hạn phía Bắc đến đường Nam Cấm và sát biển Đông, phía Nam đến sông Lam và đường tránh thành phố Vinh, phía Tây đến xã Nam Giang và sông Kẻ Gai, phía Đông giáp sông Lam đến Cửa Hội và biển Đông. Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP.Vinh, tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn 2050 với mục tiêu sớm trở thành trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá xã hội và đầu mối giao lưu của tỉnh Nghệ An vừa được Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt.

Cùng với đó, dự báo quy mô dân số quy hoạch thành phố Vinh đến năm 2020 khoảng 667.000 người; trong đó có 78% dân số đô thị với tỷ lệ tăng từ 3,0% - 3,6%/năm. Đến năm 2030, dự báo có khoảng 900.000 người; trong đó, 90% là dân số đô thị, với tỷ lệ tăng 2,8% - 3,3%/năm từ 2020 - 2030.

Dự báo quy mô lao động đến năm 2030 đạt khoảng 450.000 người, chiếm 50% tỷ lệ dân số. Trong đó, ngành nông - lâm - ngư nghiệp chiếm tỷ lệ 5%; ngành công nghiệp và xây dựng chiếm tỷ lệ 40%; ngành dịch vụ là 55%. Đáp ứng đủ nhu cầu lao động tại chỗ cho các khu công nghiệp, khu chế xuất trong tương lại.

Về quy mô đất đai, tổng diện tích đất lập quy hoạch khoảng 250 km2. Trong đó, đất dân dụng khoảng 114,319 km2; đất ngoài dân dụng khoảng 69,419 km2; đất khác khoảng 66,27 km2. Như vậy quỹ đất sạch cho việc đầu tư rộng mở và chào đón nhà đầu tư được nhân lên gấp nhiều lần.

Không gian đô thị Vinh được chia thành 4 phân vùng, trong đó có 3 phân vùng phát triển đô thị và 1 phân vùng là khu vực liên kết. Cụ thể, Phân vùng thứ nhất: Khu vực đô thị trung tâm, gồm phố Vinh hiện hữu và mở rộng về phía Tây thuộc huyện Hưng Nguyên có chức năng là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, đầu mối về thương mại, du lịch, y tế, giáo dục và đào tạo, công nghiệp sạch và công nghiệp công nghệ cao và các khu đô thị mới. Phân vùng thứ hai: Khu vực đô thị Cửa Lò hiện hữu và mở rộng về phía Tây thuộc huyện Nghi Lộc có chức năng là đô thị du lịch biển, đồng thời phát triển các khu đô thị mới có trọng tâm về các lĩnh vực giáo dục đào tạo, thể dục thể thao, du lịch nghỉ dưỡng; Phân vùng thứ ba: Khu đô thị Quán Hành - Khu kinh tế Đông Nam có chức năng là trung tâm công nghiệp và đầu mối vận tải hàng hóa, đồng thời phát triển các khu đô thị mới; Phân vùng thứ tư là vùng đệm thuộc vùng nông thôn và vùng ven của các phân vùng phát triển. Chức năng chính của phân vùng này là khu vực nông thôn - nông nghiệp, khu vực dự trữ phát triển và hệ thống sông hồ, là không gian đệm giữa các khu vực đô thị.

Theo đó, nhiều công việc quan trọng sẽ triển khai sau khi công bố quy hoạch được điều chỉnh mới. Cùng với đó, sau khi tỉnh Nghệ An tổ chức công bố điều chỉnh quy hoạch chung TP. Vinh đến 2030 để nhằm quảng bá vị thế mới, ranh giới quy hoạch của thành phố đồng thời xúc tiến mạnh mẽ các hoạt động đầu tư. Quyết định số 52 của Thủ tướng Chính phủ về điều chỉnh quy hoạch chung TP. Vinh không chỉ là bước phát triển mới cho cả Nghệ An mà còn cho cả miền Trung. Trước mắt từ năm 2015 đến năm 2016, thành phố sẽ triển khai quy hoạch, phân khu, mời gọi thu hút đầu tư… Để bắt tay vào Đồ án điều chỉnh, UBND thành phố Vinh đã tổ chức hội nghị 25 phường, xã trong thành phố để lập Kế hoạch điều chỉnh quy hoạch phân khu 16 phường và quy hoạch chi tiết xây dựng 9 xã đã đến kỳ điều chỉnh. Giai đoạn 2, thành phố sẽ tiếp tục thực hiện quy hoạch thành phố theo Quyết định số 52 của Thủ tướng Chính phủ.

Một loạt công việc đang được xúc tiến, triển khai trong thời gian tới là mở mang đầu tư cơ sở hạ tầng, quy hoạch sử dụng đất, thiết kế đô thị, đặc biệt giữ gìn, bảo vệ môi trường hướng cho thành phố được phát triển theo mô hình “Đô thị đa cực sinh thái phi tập trung, nhất thể hóa giữa đô thị với nông thôn và tự nhiên”. Phát triển độc lập trên tinh thần kết nối đồng bộ 3 khu vực đô thị: Vinh - Hưng Nguyên; Cửa Lò; Quán Hành - Khu kinh tế Đông Nam bằng các trục giao thông chính.

Những trục đường trung tâm của thành phố sẽ là đường 72m nối TP. Vinh với TX. Cửa Lò, Đại lộ 32 sẽ là trục phân tải trung tâm thành phố lõi đang được mở rộng, đồng thời sẽ có thêm những tuyến đường mới được mở. Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao UBND tỉnh Nghệ An chỉ đạo lập kế hoạch, chương trình cải tạo chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị, kế hoạch đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng xã hội kỹ thuật, quản lý chặt chẽ các quỹ đất dự kiến để phát triển các công trình, các khu chức năng quan trọng của đô thị theo đúng quy hoạch. Đồng thời xây dựng cơ chế liên quan đến tài chính, đất đai để thực hiện các dự án hạ tầng kỹ thuật khung và thực hiện quy hoạch theo tiến độ và trình tự ưu tiên...

Việc triển khai Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP Vinh, tỉnh Nghệ An giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050, cũng là cơ hội tạo bước phát triển vững chắc và là cơ sở, cơ hội thu hút đầu tư cho thành phố Vinh nói riêng và tỉnh Nghệ An nói chung, nhằm phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh bền vững theo hướng phát triển và hội nhập trong các nước khu vực Đông Nam Á và thế giới.

 
Tác giả bài viết: Quang Hợp 
Nguồn tin: Báo Xây Dựng
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ THÀNH PHỐ VINH
Giấy phép số: 253/GP-TTĐT ngày 19/11/2010 do Bộ Thông tin và truyền thông cấp
Cơ quan chủ quản: UBND TP Vinh - Địa chỉ: Số 27 Đường Lê Mao – TP Vinh. 
Hotline: 02383.840.039; 02383. 842574    Mail: Vinhcity.ptth@gmail.com
Chịu trách nhiệm chính: Ông Trần Ngọc Tú – Chủ tịch UBND Thành phố Vinh