Tác động nặng nề từ thiên tai
Nằm ở vùng Bắc Trung bộ, với chiều dài bờ biển 82km, tỉnh ta chịu rất nhiều thiên tai bởi tác động của biến đổi khí hậu. Theo tổng hợp kết quả quan trắc nhiệt độ tại một số trạm quan trắc trên địa bàn, trong 5 thập kỷ (từ năm 1961 - 2010), nhiệt độ trung bình ở tỉnh ta có xu thế tăng với mức khoảng 0,90C; trong khi đó, lượng mưa trung bình năm có xu thế giảm, làm gia tăng tính cực đoan của thời tiết, tác động xấu đến tự nhiên, kinh tế - xã hội. Nhiệt độ tăng cao, nắng nóng kéo dài dẫn đến nguy cơ cháy rừng. Chỉ 3 năm từ 2001 - 2013, đã xảy ra 247 vụ cháy rừng gây thiệt hại 547,38 ha rừng, làm suy giảm hệ sinh thái động, thực vật. Đồng thời, hiện tượng mưa lớn kéo dài đã gây ra lũ, lụt, lũ ống, lũ quét, xói lở bờ sông, trượt lở đất đá dẫn đến hư hỏng các công trình giao thông, thuỷ lợi, công trình công cộng, thiệt hại lớn về tài sản và con người, ảnh hưởng kinh tế - xã hội.
|
Ươm giống trồng rừng tại Ban Quản lý rừng phòng hộ Thanh Chương. Ảnh: V.Đ |
Đề án “Điều tra, đánh giá và phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá các vùng miền núi Việt Nam" đã chỉ ra trên địa bàn tỉnh có 57 điểm xảy ra lũ ống, lũ quét, tập trung tại các huyện Kỳ Sơn (22 điểm), Tương Dương (13 điểm), Quế Phong (5 điểm)... Điển hình, ngày 26/5/2009, lũ quét tại các xã Yên Na, Yên Hoà, Yên Tĩnh, Yên Thắng (Tương Dương) làm 6 người chết và 2 người bị thương; năm 2007, lũ quét ở xã Nậm Giải (Quế Phong) làm chết 13 người, sập 10 ngôi nhà, phá hủy toàn bộ hoa màu của dân trong phạm vi rộng từ 100 - 300m, dài 7km dọc sông Nậm Giải. Toàn tỉnh có tất cả 290 điểm xói lở bờ sông, tập trung chủ yếu các huyện Quỳ Châu (143 điểm), Nghĩa Đàn (72 điểm)... Mức độ, quy mô xói lở lớn xảy ra ở các huyện Tương Dương (18 điểm), Kỳ Sơn (11 điểm).
Điển hình như đoạn bờ sông từ cầu Mường Xén (Kỳ Sơn) đến xã Tam Quang (Tương Dương) theo Quốc lộ 7 chạy sát theo bờ sông Cả có tới 29 điểm xói lở bờ sông có chiều dài từ 45 m đến 2.000 m, xói lở sâu vào bờ từ 1,5-10 m. Nhiều đoạn xói lở ăn sâu vào nền đường Quốc lộ 7. Các điểm trượt lở đất đá trên địa bàn tỉnh là rất lớn, với tổng cộng 1.298 điểm, tập trung chủ yếu các huyện Kỳ Sơn (353 điểm), Tương Dương (303 điểm), Quế Phong (257 điểm), Quỳ Châu (132 điểm)... Quy mô các điểm trượt lở rất đáng lo ngại, như điểm trượt lở nằm ở vách phải taluy dương đường Quốc lộ 7 (km 174) thuộc xã Lưu Kiền (Tương Dương). Khối trượt này có quy mô đặc biệt lớn, hình phễu ngược với chiều rộng ở chân khối trượt 230m, rộng ở đỉnh trượt 60m, chiều dài thân trượt 330m, bề dày thân trượt khoảng 30 - 40m. Năm 2011, khối lượng vật liệu đất đá của khối trượt phải xúc ủi là 110.000 m3...
Theo tính toán, chi phí trung bình hàng năm đối với các thiệt hại lũ lụt so với tổng thu nhập bình quân khoảng 20% (trong đó, sản xuất nông nghiệp chiếm 9,5%, nhà ở chiếm 10%, sức khỏe chiếm 0,5%); thời tiết nắng nóng hàng năm gây hạn hán trên đất canh tác lên đến hàng chục nghìn ha và ảnh hưởng từ rét đậm, rét hại trong nhiều năm qua cũng rất lớn. Ví dụ như trong các tháng 1,2/2008 xuất hiện đợt rét đậm, rét hại kéo dài trên 38 ngày, làm chết 34.975 ha lúa, 2.012 ha mạ, 7.808 ha lạc, 12.554 con trâu bò... Từ đầu năm đến 30/4/2011 có 18 đợt không khí lạnh, mạnh, gây ra 4 đợt rét đậm, rét hại kéo dài đã gây thiệt hại nặng nề cho sản xuất nông nghiệp vụ Xuân 2011, với trên 2.292,81ha lúa thuần, 1.861,77ha lúa lai; 233,23ha ngô và rau màu; 63ha cây công nghiệp và cây ăn quả lâu năm...
Ảnh hưởng do lốc, tố cũng thực sự đáng báo động. Ngày 14/6/2007, lốc tố xảy ra trên địa bàn huyện Quỳ Hợp đã làm chết 10 người (7 người chết do lốc xoáy, 3 người chết do sạt lở đất), sập đổ 72 nhà, tốc mái 1.178 nhà, đổ 1.067 ha lúa, 1.273 ha hoa màu, 935 ha rừng, 3.096 cây ăn quả... Từ tháng 2 - 6/2010 đã xẩy ra lốc xoáy, mưa đá ở các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Anh Sơn, Tân Kỳ; Yên Thành, Diễn Châu, Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Quỳ Châu. Đáng kể nhất là đợt lốc xoáy kèm theo sét làm 3 người chết, 8 người bị thương ở xã Long Thành, Tăng Thành, Nhân Thành (Yên Thành); xã Diễn Minh, Diễn Lợi (Diễn Châu), làm tốc mái 1.660 ngôi nhà và nhiều diện tích lúa và hoa màu bị đổ gãy...
Nhận thức để hành động
Nhân ngày Khí tượng thế giới năm nay (23/3), Tổ chức Khí tượng Thế giới đã đưa ra thông điệp "Khí hậu: Nhận thức và hành động", trong đó nhấn mạnh: "Biến đổi khí hậu là nỗi lo chung của nhân loại. Biến đổi khí hậu tác động đến tất cả các ngành kinh tế - xã hội, từ nông nghiệp đến du lịch, cơ sở hạ tầng đến y tế. Biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến các nguồn tài nguyên chiến lược như nước, lương thực, năng lượng. Biến đổi khí hậu cản trở, thậm chí đe dọa sự phát triển bền vững không chỉ riêng đối với các quốc gia đang phát triển. Cái giá của sự bị động rất cao và sẽ còn cao hơn nữa nếu chúng ta không hành động một cách quyết liệt ngay từ bây giờ". Đưa ra thông điệp "Khí hậu: Nhận thức để hành động", Tổ chức Khí tượng Thế giới mong muốn các quốc gia, các tổ chức, cá nhân cần phải có nhận thức đúng về biến đổi khí hậu và có những hành động quyết liệt để ứng phó.
|
Diễn tập chống tràn tại đê xã Nam Trung - Nam Đàn. Ảnh: Huy Cường |
Ở Nghệ An, từ ngày 27/4/2011, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1395/QĐ-UBND.ĐC phê duyệt Kế hoạch hành động ứng phó biến đổi khí hậu giai đoạn 2011 - 2015 có tính đến đến năm 2020. Trong đó, chỉ đạo các sở, ngành và các địa phương tập trung tăng cường các công tác: Kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm môi trường, cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; xây dựng, cải tạo, nâng cấp công trình tưới tiêu thuỷ lợi, ngăn mặn, giữ ngọt, phòng chống thiên tai, tránh trú bão cho tàu thuyền; bảo tồn, phát triển rừng phòng hộ, rừng ngập mặn ven biển, phục hồi rừng phòng hộ đầu nguồn, tăng cường công tác quản lý, phòng chống cháy rừng; xây dựng phương án, chuẩn bị các nguồn lực ứng phó với các thảm hoạ thiên tai do biến đổi khí hậu; đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; xây dựng chiến lược sản xuất sạch hơn trong công nghiệp; bảo vệ, nâng cao chất lượng, trồng rừng phủ xanh đất trống đồi trọc nhằm nâng cao khả năng phòng chống thiên tai, suy thoái đất; trồng, bảo vệ rừng ngập mặn chống xâm thực, xói lở bờ biển và tăng cường hấp thụ khí nhà kính, bảo tồn đa dạng sinh học; xây dựng các công trình tích trữ nguồn nước ứng phó hiệu quả với hạn hán, lũ lụt. Xây dựng các công trình phòng, chống sạt lở, xói lở đất, bờ biển, xâm nhập mặn; lồng ghép yếu tố biến đổi khí hậu trong công tác quy hoạch sử dụng đất, tài nguyên nước, phát triển kinh tế - xã hội nhằm thích ứng và ứng phó biến đổi khí hậu; tạo nguồn lực tài chính bền vững cho công tác quản lý về biến đổi khí hậu... Đồng thời, tập trung cao độ cho công tác tuyên truyền để toàn thể cộng đồng có nhận thức đúng về biến đổi khí hậu, tác động của biến đổi khí hậu, để có giải pháp thích ứng, ứng phó về biến đổi khí hậu.
Kế hoạch hành động nói trên của UBND tỉnh đã được các sở, ngành và các địa phương tập trung thực hiện. Qua đó, việc ứng phó với thiên tai do biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh đã kịp thời, nhuần nhuyễn hơn những năm trước đây, phần nào giúp giảm thiểu được những thiệt hại về người và tài sản. Tuy nhiên, tác động của biến đổi khí hậu khiến diễn biến khí hậu trên địa bàn tỉnh vẫn rất phức tạp, khó lường, nên những khuyến cáo Tổ chức Khí tượng thế giới đưa ra nhân ngày Khí tượng thế giới 2015 là rất kịp thời và cần được coi trọng. Chính vì vậy, các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh cần tiếp tục gia tăng kiến thức về biến đổi khí hậu, ứng dụng các kiến thức đó vào công tác ứng phó thiên tai để giảm thiểu rủi ro, qua đó góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội.