Tại Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học năm 2014, đoàn Nghệ An có 6 đề tài tham gia, nhưng chỉ có duy nhất 1 đề tài ở lĩnh vực Khoa học xã hội và đã đạt giải nhì lĩnh vực, giải ba toàn cuộc. Tác giả của đề tài là 2 nữ sinh trường THPT Chuyên Phan Bội Châu.
Đó là Đề tài “Nhu cầu của học sinh về ứng xử của thầy, cô giáo trong trường trung học phổ thông” của 2 em Phạm Thị Thanh Huyền - lớp 12C1 (chuyên Văn) và Phan Phương Trầm - lớp 11D5 (chuyên tiếng Anh). Tìm hiểu được biết cả 2 em đều sở hữu thành tích học tập, rèn luyện đáng nể.
Tuy khác tuổi, khác lớp, cũng không gần nhà nhau (Huyền sống ở phường Hưng Phúc (TP. Vinh) còn Trầm ở Thị trấn Hưng Nguyên), nhưng 2 em lại chơi rất thân với nhau. Ngoài điểm chung lớn nhất là sự say mê học tập, rèn luyện, Huyền và Trầm còn thường xuyên trò chuyện, chia sẻ với nhau những cảm nhận, những quan điểm về cuộc sống, về các vấn đề xã hội. Cũng chính vì vậy mà khi nhà trường phát động phong trào nghiên cứu khoa học, 2 em đã trăn trở, bàn luận và chọn đề tài “Nhu cầu của học sinh về ứng xử của thầy, cô giáo trong trường trung học phổ thông”. Đề tài được thực hiện từ tháng 6/2014 và đạt giải Nhất tại cuộc thi cấp trường và cấp tỉnh.
|
Phạm Thị Thanh Huyền (phải) và Phan Phương Trầm tại TP. Bắc Ninh trong những ngày diễn ra vòng chung kết Cuộc thi Khoa học kỹ thuật quốc gia. |
Em Phan Phương Huyền chia sẻ: “Theo quan sát của chúng em thì thời gian ở trường của một học sinh THPT chiếm khoảng 40 - 50%/ngày. Vì vậy, sự tiếp xúc, giao lưu giữa thầy, cô giáo và học sinh là rất lớn. Những ảnh hưởng, tác động của thầy, cô đến học sinh quyết định tới nhiều mối quan hệ trong nhà trường. Học sinh không chỉ tiếp thu kiến thức mà còn tiếp thu từ thầy, cô cách ứng xử, những kinh nghiệm, quan điểm sống. Tuy vậy, trong một xã hội ngày càng chú trọng vật chất và những giá trị ngoại lai đang xâm nhập, thì truyền thống “tôn sư trọng đạo” đang có dấu hiệu bị biến tướng, mối quan hệ giữa thầy, cô giáo và học sinh không tránh khỏi những tiêu cực phát sinh...
Là học sinh của Trường THPT chuyên Phan Bội Châu - ngôi trường nổi tiếng về truyền thống hiếu học, truyền thống “Tôn sư trọng đạo” của xứ Nghệ, mỗi chúng em luôn được sống trong tình cảm yêu thương, đùm bọc, quan tâm, chia sẻ của thầy, cô nên càng cảm nhận, hiểu hơn ai hết những nhu cầu, mong muốn của lứa tuổi học trò về ứng xử của thầy, cô giáo đối với chúng em trong những giờ học, giờ chơi, trong các hoạt động tập thể và trong các mối quan hệ hàng ngày. Làm thế nào để thầy, cô cảm nhận, thấu hiểu những mong muốn, nhu cầu của học sinh trong ứng xử, để tình cảm và mối quan hệ thầy trò ngày càng gần gũi, bền chặt hơn, để “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui” là lý do thôi thúc chúng em thực hiện đề tài này”.
Để làm rõ thực trạng “nhu cầu của học sinh về ứng xử của thầy, cô giáo”, 2 bạn đã tiến hành khảo sát, lấy ý kiến đối với 900 học sinh ở 10/90 trường THPT thuộc các vùng, miền khác nhau trong tỉnh, trong đó có 3 trường ở TP. Vinh (THPT chuyên Phan Bội Châu, THPT Lê Viết Thuật, THPT Huỳnh Thúc Kháng), 4 trường vùng nông thôn, điều kiện khó khăn (THPT Nguyễn Trường Tộ, THPT Lê Hồng Phong, THPT Quỳnh Lưu 3, THPT Diễn Châu 5), 2 trường thuộc địa bàn miền núi (THPT Quế Phong, THPT Tân Kỳ) và 1 trường THPT ngoài công lập là trường THPT Đinh Bạt Tụy...
Phương Trầm cho biết, với sự hỗ trợ của Hội đồng khoa học Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, trong vòng 6 tháng, 2 em đã trực tiếp đến tất cả các trường, phát phiếu khảo sát, trực tiếp trò chuyện với các bạn để làm phong phú thêm kết quả nghiên cứu. Đồng thời, 2 em đã khảo sát ý kiến 100 thầy, cô giáo để có cách nhìn khách quan về thực trạng và nguyên nhân của vấn đề này. “Trong quá trình khảo sát, chúng em cũng vấp phải sự e ngại, né tránh của một số bạn học sinh và cả một số thầy, cô giáo. Tuy vậy, chúng em đã kiên trì thuyết phục và dần nhận được sự hợp tác của thầy, cô và các bạn” - Phương Trầm chia sẻ.
|
Lãnh đạo sở GD-ĐT cùng em Phạm Thị Thanh Huyền (phải) và Phan Phương Trầm tại TP Bắc Ninh trong những ngày diễn ra VCK cuộc thi KHKT quốc gia dành cho học sinh trung học |
Theo kết quả khảo sát của đề tài, bên cạnh 540 học sinh (chiếm tỷ lệ 57%) cho rằng, trong trường THPT hiện nay, mối quan hệ giữa thầy, cô giáo và học sinh gần gũi, bình đẳng thì có 274 học sinh (30%) cho rằng quan hệ thầy trò hiện nay có khoảng cách, 33% thiếu tự tin và 25% không thoải mái khi tiếp xúc với thầy, cô giáo. Từ đó, các em đi đến nhận định rằng, điều này không những dẫn đến hiệu quả dạy học chưa cao mà còn tiềm ẩn nguy cơ của các hành vi ứng xử tiêu cực giữa thầy cô và học sinh. Nguyên nhân xuất phát từ cả 2 phía: Về phía học sinh là áp lực của học hành, thi cử, nhu cầu khẳng định cái tôi cá nhân ngày càng lớn...; về phía thầy, cô giáo thì vừa phải hoàn thành sứ mệnh truyền thụ tri thức, vừa phải vất vả mưu sinh nên một bộ phận nhỏ cố gắng làm tròn nhiệm vụ hơn là tìm hiểu, sẻ chia, quan tâm đến học trò của mình, một số không kiểm soát được bản thân, xử lý thiếu chuẩn mực, một số lại mang những quan niệm cũ, cách thức giáo dục cũ vận dụng ứng xử một cách bảo thủ...
Các em cũng khẳng định: “Đối với học sinh THPT thì nhu cầu được quan tâm là rất cần thiết, vừa là một đòi hỏi, vừa là một mong muốn và cũng là nguyện vọng chân chính của mỗi cá nhân. Học sinh càng lớn thì sự quan tâm của gia đình, bố mẹ càng ít đi, vì vậy hơn bao giờ hết, khi thời gian ở trường rất nhiều thì học sinh THPT luôn mong muốn nhận được sự quan tâm của thầy, cô giáo trong mọi hoạt động. Một lời nói quan tâm đúng lúc của thầy, cô thực sự có ý nghĩa rất lớn, một tấm thiệp, một lời khen, một lời chúc từ thầy, cô giáo vào ngày sinh nhật hay một câu hỏi thăm sau một tiết học cũng làm học sinh, dù là nam hay nữ, cảm thấy ấm lòng, bởi tất cả mọi người ai cũng đều mong muốn được coi trọng...”.
Từ đó, các em đã đề xuất những giải pháp để nâng cao hiệu quả mối quan hệ thầy trò trong trường THPT hiện nay. Đó là bản thân mỗi học sinh phải chủ động cải thiện mối quan hệ giữa giáo viên và học sinh thông qua nhiều con đường như trò chuyện trực tiếp, điện thoại hoặc qua mạng xã hội để chia sẻ với thầy cô những khó khăn, vướng mắc trong học tập, những rắc rối trong cuộc sống; tích cực tham gia các hoạt động cùng thầy, cô giáo trong nhà trường như: văn nghệ, thể dục thể thao, ngoại khóa... Về phía thầy, cô giáo cũng cần chủ động tiếp cận, gần gũi với học sinh trong vai trò là giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn để nắm bắt được tâm lý lứa tuổi, luôn khích lệ học sinh, tích cực tham gia các hoạt động tập thể với học sinh. Về phía nhà trường cần tăng cường giáo dục kỹ năng sống cho học sinh; tổ chức các hoạt động ngoại khóa, hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, các câu lạc bộ, diễn đàn... để thầy cô và học sinh có cơ hội, thời gian gần gũi và thấu hiểu nhau hơn...
Cô Trần Thị Thủy - Giáo viên môn Giáo dục công dân của Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, người hướng dẫn đề tài chia sẻ: “Ngoài giải Ba toàn cuộc, đề tài của Huyền và Trầm là 1 trong 3 đề tài được Trường Đại học Giáo dục, ĐHQG Hà Nội trao Giấy khen, phần thưởng. Dù vẫn còn “non” trong tư duy nghiên cứu, vẫn còn những nhận định mang nặng tính cảm quan của tuổi học trò nhưng điều đáng khen là Huyền và Trầm đã dám mạnh dạn lên tiếng về những mặt nhạy cảm của xã hội ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của các em. Khi các em dám nói lên tiếng nói của mình, tôi tin những người làm thầy, làm cô cũng sẽ nhìn nhận lại mình và cố gắng tiếp cận, thấu hiểu các em hơn để làm hài hòa, tốt đẹp hơn mối quan hệ giữa thầy cô và học sinh trong nhà trường hiện nay”.
Mai Anh