| | | | |
Vietnamese
English
DANH MỤC MENU
LIÊN KẾT
THÔNG TIN CẦN BIẾT
BỘ ĐẾM TRUY CẬP
 
Hôm nay: 29,230
Tất cả: 99,803,248
 
 
Bản in
Người cuối cùng của Tiểu đội "thép"
Tin đăng ngày: 20/4/2015 - Xem: 1465
 

Là người phụ nữ duy nhất vượt qua trận oanh tạc ngày 31-10-1968 của máy bay Mỹ tại Truông Bồn, để sau này trở thành chứng nhân về những chiến công, sự hy sinh anh dũng, quả cảm của đồng đội. Không tự nói về mình, cũng không đòi hỏi, dẫu cuộc sống thường nhật còn nhiều nhọc nhằn, vất vả, bà vẫn lặng lẽ góp phần nhỏ sức mình cho những điều tốt đẹp bình dị. Bà là Trần Thị Thông, Tiểu đội trưởng Tiểu đội 2 - Đại đội 317, đơn vị làm nhiệm vụ bảo vệ tuyến đường 15 đi qua xã Mỹ Sơn (Đô Lương, Nghệ An).

Bà Thông, ông Diên vẫn nhớ như in những năm tháng anh dũng bên đồng đội.
Bà Thông, ông Diên vẫn nhớ như in những năm tháng anh dũng bên đồng đội.

Ký ức một thời

Năm tháng đã lùi xa, nhưng bà Trần Thị Thông vẫn rưng rưng mỗi khi nhắc về những kỷ niệm thời thanh niên xung phong (TNXP). Trong sâu thẳm, bà vẫn chưa nguôi đớn đau, tiếc thương những người đồng đội đang độ tuổi đôi mươi chịu nhiều thiệt thòi. "Bữa ấy đi làm nhiệm vụ, vẫn nụ cười tươi rói. Đêm trước, có người tâm sự rằng đang chờ cưới, có người đã có giấy báo nhập học. Vậy mà... Do chị em thường tâm sự với nhau, nên đến giờ tui vẫn có cảm giác tim những chị em ấy còn đập bên tai mình", bà Thông nghẹn lòng.

Trong ngôi nhà ở phường Đông Vĩnh (TP Vinh), ký ức bà kéo tôi cùng trở về với những kỷ niệm, những việc làm kiên cường của các TNXP ngày ấy. Nào là phải lấy bẹ chuối xếp ra đường làm cọc tiêu cho xe ô-tô đi đường trong đêm tối; những ngày ăn khoai cầm hơi, lấp hố bom, mặc áo trắng đứng hướng dẫn đoàn xe. Rồi cả chuyện cứu hàng, cứu thương binh, dập lửa... Có chị em tóc bị cháy xém, đến khi về đơn vị mới phát hiện ra. "Địch muốn cắt đứt đường giao thông của ta, nên đã cho hàng trăm lượt máy bay oanh tạc. Truông Bồn hứng chịu gần 3.000 quả bom và hàng trăm quả rốc-két đó. Nhiệm vụ của chị em sẽ nguy hiểm hơn, nhưng không ai sợ, lúc nào cũng vững tâm làm nhiệm vụ", bà Thông hồi tưởng.

Buổi sáng 31-10-1968 ấy đã găm đậm nhất vào ký ức bà, bởi trận bom đã cướp đi những nữ đồng đội bà rất mực yêu quý. Buổi đó, đang làm nhiệm vụ thì máy bay bổ vào, chúng đến quá bất ngờ khiến không ai kịp trú ẩn. Sau loạt bom, gần như toàn bộ những người trong khu vực bị vùi lấp. Các đồng đội, dân quân làm nhiệm vụ gần đó ùa sang cứu, thì chỉ thấy một nòng súng nhô lên khỏi mặt đất. Họ đã mau chóng bới đất, đá tìm được bà Thông và mau chóng đưa về nhà bà Nguyễn Thị Thởm, ở làng Mỹ Thái gần đó cứu chữa. Nhưng 13 con người tuổi xuân đang phơi phới đã anh dũng hy sinh. Cuối chiều tỉnh lại, bà gọi: "Doãn ơi", "Nhung ơi"... Nhưng các đồng đội vĩnh viễn không thể nghe thấy tiếng bà.

Sống thay đồng đội

Sau đợt điều trị, bà Thông bình phục, được đơn vị đưa về phục vụ trong đội may mặc. Xưởng may ngày đó đặt ở phường Đông Vĩnh (TP Vinh), cạnh nhà cụ Lê Văn Đèo. Khi đó, con cái cụ Đèo đều có nhiệm vụ ngoài chiến trường. Bà Thông thường sang giúp đỡ hai cụ già những việc lặt vặt. Hai cụ cũng quý bà như con. Rồi cụ Đèo ốm nặng, phải đánh điện cho các con. Đầu năm 1970, ông Diên đang ở mặt trận Quảng Trị trở về, may thay cụ Đèo tỉnh lại. Trong lần trở về này ông đã gặp lại người quen, chính là bà Thông - người TNXP mà mình đã từng gặp và làm quen trên đường ra mặt trận. Hai lần gặp gỡ đã trở thành định mệnh gắn kết giữa ông bà. Hai người thư từ, rồi gửi gắm hy vọng cho nhau. Cuối năm 1970, ông Diên xin nghỉ phép về cưới bà Thông. Rồi ông lại vào chiến trường. Sau năm 1975, gia đình nhỏ của ông bà mới được đoàn tụ.

Từng nhiều lần bị thương trong chiến trường nên trở về đời thường, cuộc sống của hai ông bà gặp nhiều khó khăn. Nhất là những vết thương không thôi hành hạ mỗi khi trái gió trở trời. Lại còn cả một thời gian dài bà Thông bị mất chế độ, cuộc sống đã khó khăn lại khó khăn hơn. Ông Diên tâm sự: "Dẫu biết đất nước khi đó còn khó khăn, nhưng tôi nghĩ là những người có trách nhiệm đã không làm đến nơi đến chốn. Đi hỏi thì họ giải thích mù mờ lắm!". Không chờ đợi, ông Diên, bà Thông vẫn gắng gỏi vươn lên, vượt mọi khó khăn, nuôi nấng con cái nên người.

Bệnh tật nhiều, hiếm hoi lắm bà Thông mới có dịp gặp lại đồng đội ở những tiểu đội khác để tâm sự về thời TNXP. Sự hy sinh anh dũng của Tiểu đội 2 cũng không được nhắc đến nhiều. Và những chiến công của bà Thông sẽ chìm vào dĩ vãng, nếu không có một ngày, vào năm 1997, bà tận mắt xem trên ti-vi một bộ phim tài liệu, nói về Tiểu đội 2 - Tiểu đội "thép". Điều ngạc nhiên lớn nhất: Người còn sống duy nhất được nhắc đến lại... không phải bà Thông. Những cựu TNXP xem phim, biết chuyện gọi điện đến hỏi bà. Dư luận khi đó chỉ ra có hai người trong phim không phải của Tiểu đội 2. "Cũng may dịp đó nhà báo Giao Hưởng đi viết bài. Anh ấy không biết bà Thông nhà tôi đâu. Anh ấy về huyện Diễn Châu tìm hiểu, nghe các cựu TNXP ở đó nói bà Thông nhà tôi mới là người còn lại của Tiểu đội 2. Anh Giao Hưởng đã trở vào nhà tôi để tìm hiểu sự thật", ông Diên kể.

Cùng với dư luận, kết nối với nhân chứng Nguyễn Thị Thởm, ở làng Mỹ Thái, các giấy tờ gốc và nhiều cựu TNXP, nhà báo Giao Hưởng đã tìm ra sự thật. Từ đó bà Thông mới được nhiều người biết đến. Về sơ suất của bộ phim tài liệu, được giải thích rằng: do vội vàng làm hồ sơ truy tặng tập thể tiểu đội "thép" ở trọng điểm Truông Bồn danh hiệu Đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Vậy là sau 29 năm, tên tuổi của người Tiểu đội trưởng A2 mới được nhắc nhớ, trả lại cho bà niềm vinh dự. Nhưng cũng phải mãi đến năm 2008, thủ tục vinh danh tập thể Anh hùng Lực lượng vũ trang cho tiểu đội của bà Thông mới được hoàn tất. Do đau yếu nhiều, gia cảnh nghèo, bà Thông không có điều kiện đi lại, nhiều nhà hảo tâm đã tìm đến bà, đưa bà về thăm di tích Truông Bồn cũng như tìm lại những người mà một thời bà gắn bó.

Giờ hai ông bà đều tuổi cao, sức yếu, vẫn chịu khó làm ruộng để có thêm thu nhập, đỡ đần con cháu. Bà Thông đưa tay lên quệt ngang mặt: "Con cái trưởng thành, bảo không cần làm. Ngồi yên sao nổi. Tôi còn khỏe thì vẫn phải sống tốt và làm việc. Sống thay cho những đồng đội ngày đó. Thi thoảng, tôi vẫn nhớ, nhìn ảnh mình ngày trẻ, và gọi tên họ đấy"!

 
 
 
Tác giả bài viết: Lê Trang 
Nguồn tin: Báo Nhân Dân
  Các bài mới:
Nghệ An tổ chức Đại hội Liên đoàn Quần vợt nhiệm kỳ 2023 - 2028(15/4/2023)
BHXH Việt Nam bổ sung tính năng hiển thị thời gian chưa đóng BHXH, BHTN trên ứng dụng “VssID - Bảo hiểm xã hội số”(16/3/2023)
Tham gia BHYT trước 01/7/2023: Người dân không phải đóng bù phần chênh lệch do tăng lương cơ sở(24/2/2023)
PHAN BỘI CHÂU - TẦM NHÌN VƯỢT THỜI ĐẠI(27/1/2023)
Diễn biến “nóng” vụ Xuân Bắc viết status "Cái tát của mẹ"(27/1/2023)
Lập xuân 2023 là ngày nào?(27/1/2023)
Lễ kỷ niệm 234 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa tại Nghệ An(27/1/2023)
Nghệ An: 129 lái xe vi phạm nồng độ cồn bị xử lý dịp Tết(27/1/2023)
  Tin thành phố Vinh:
Những tuyến đường hoa Tết rực rỡ ở thành Vinh (17/1/2023)
Cảnh sát giao thông TP Vinh xuyên đêm xử lý vi phạm nồng độ cồn (15/1/2023)
Nhiều tuyến đường ở TP. Vinh ách tắc cục bộ, CSGT căng mình điều tiết (14/1/2023)
Thành phố Vinh: Chất thải nguy hại chỉ được vận chuyển từ 22 giờ đến 5 giờ sáng hôm sau (12/1/2023)
TP. Vinh tập trung chỉnh trang đô thị đón Tết Quý Mão 2023 (7/1/2023)
Thành phố Vinh cần tạo điểm nhấn, đặc trưng riêng trong quá trình phát triển (28/12/2022)
Vụ sập sàn bê tông tại Trung tâm Thương mại đang thi công: Nhà thầu nói gì? (26/12/2022)
Bí thư Tỉnh ủy dự và chỉ đạo Hội nghị kiểm điểm Ban Thường vụ Thành ủy Vinh (22/12/2022)
Đẩy nhanh tiến độ dự án giao thông Vinh - Cửa Lò giai đoạn 2 (20/12/2022)
TP. Vinh: Vẫn còn tình trạng đùn đẩy trách nhiệm trong xử lý dự án chậm tiến độ (15/12/2022)
THÔNG TIN CẦN BIẾT
Lịch công tác UBND
Văn bản pháp quy
Văn phòng điện tử
Dịch vụ công trực tuyến
Album ảnh Nghệ An
Truyền hình TP Vinh
Liên hệ - Góp ý
Phiên bản Mobile
TRUYỀN HÌNH TP VINH
Loading the player...
LIÊN KẾT WEBSITE
 
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ THÀNH PHỐ VINH
Giấy phép số: 253/GP-TTĐT ngày 19/11/2010 do Bộ Thông tin và truyền thông cấp
Cơ quan chủ quản: UBND TP Vinh - Địa chỉ: Số 27 Đường Lê Mao – TP Vinh. 
Hotline: 02383.840.039; 02383. 842574    Mail: Vinhcity.ptth@gmail.com
Chịu trách nhiệm chính: Ông Trần Ngọc Tú – Chủ tịch UBND Thành phố Vinh


Thiết kế Website