| | | | |
Vietnamese
English
DANH MỤC MENU
LIÊN KẾT
THÔNG TIN CẦN BIẾT
BỘ ĐẾM TRUY CẬP
 
Hôm nay: 8,597
Tất cả: 99,843,982
 
 
Bản in
Chủ động chăm sóc, bảo vệ lúa xuân
Tin đăng ngày: 23/4/2015 - Xem: 1169
 
Thời tiết diễn biến bất thường đang làm tăng nguy cơ phát sinh các loại bệnh trên lúa xuân; việc phòng trừ hiệu quả hay không sẽ có tính quyết định đến giai đoạn sinh trưởng quan trọng cũng như năng suất của lúa vụ xuân này.
 
Lúa bị bạc lá ở xã Hùng Tiến (Nam Đàn).
Lúa bị bạc lá ở xã Hùng Tiến (Nam Đàn).
 
Kiểm soát nguy cơ bệnh đạo ôn cổ bông
 
Vụ xuân năm nay, Thanh Chương gieo cấy 8.200 ha lúa; hiện có gần 2.000 ha đang bước vào thời kỳ chín sữa, diện tích còn lại đang trổ rộ. Huyện đã chỉ đạo tiến hành phun phòng bệnh đạo ôn cổ bông cho trên 3.000 ha lúa xuân, khi toàn huyện mới chỉ có gần 160 ha bị bệnh đạo ôn trên lá.
 
Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Thanh Chương - ông Lê Đình Thanh cho biết: “Đạo ôn cổ bông là loại bệnh cực kỳ nguy hiểm và chỉ có thể phòng chứ không có biện pháp trừ, nên từ ngày 3/4, huyện đã tổ chức cuộc họp bổ cứu sản xuất vụ xuân, trong đó đặc biệt quan tâm đến công tác phòng trừ sâu bệnh trên cây lúa. Từ đó chỉ đạo các xã khuyến cáo, đôn đốc người dân tiến hành phun phòng bệnh đạo ôn cổ bông và lem lép hạt trên hầu hết toàn bộ diện tích, đặc biệt ở những diện tích đã từng bị bệnh đạo ôn lá, có nguy cơ nhiễm bệnh cao”.
 
Tìm hiểu cụ thể thực hiện ở cơ sở, tại xã Thanh Đồng, trao đổi với chị Nguyễn Thị Thảo, người dân xóm 10 xã Thanh Đồng, được biết: Nhà có 2,4 sào lúa Nhị ưu 986, gần cuối tháng 3, khi đi thăm đồng, phát hiện thấy trên lúa xuất hiện bệnh đạo ôn lá, dù vết bệnh mới chỉ rải rác, nhưng chị đã kịp thời mua thuốc phun trừ theo đúng khuyến cáo của cán bộ nông nghiệp xã, nhờ đó đã khoanh và khống chế bệnh trong diện hẹp, không để phát sinh. "Bây giờ, trên khắp cánh đồng chưa thấy lúa nhà ai bị bệnh đạo ôn cổ bông, nhưng thời tiết cứ nắng mưa thất thường thế này, phải theo đúng khuyến cáo của xã, xóm, phun trừ ngay để không ảnh hưởng đến năng suất lúa"- chị Thảo nói.
 
Hiện tại, ngoài khoảng gần 40.000 ha lúa xuân đã trổ, thì diện tích lúa xuân còn lại dự kiến sẽ trổ tập trung trong khoảng thời gian từ 20/4 - 5/5. Theo báo cáo của Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV), hầu hết các địa phương đều đã tiến hành những biện pháp phòng bệnh đạo ôn cổ bông; nhưng đến thời điểm chiều 21/4, Phòng Nông nghiệp huyện Anh Sơn cho biết trên địa bàn có 2ha lúa xuất hiện đạo ôn cổ bông.
 
Tại Tân Kỳ, thời gian cuối tháng 3/2015, bệnh đạo ôn lá đã xuất hiện trên 800 ha/tổng số 4.500 ha lúa vụ xuân của huyện. Bởi vậy, vấn đề phòng bệnh đạo ôn cổ bông được huyện đặc biệt quan tâm. Theo ông Nguyễn Bá Thức - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Tân Kỳ: Toàn huyện cơ bản chỉ có một trà lúa trổ tập trung trong thời gian từ 20 - 25/4. Ngày 13/4, huyện đã tổ chức họp, chỉ đạo tất cả các xã triển khai một đợt phun phòng bệnh đạo ôn cổ bông, giao Trạm BVTV huyện phối hợp với các đơn vị cung ứng thuốc BVTV trên địa bàn tiến hành phổ biến kỹ thuật, giới thiệu và cung ứng các loại thuốc đặc hiệu cho người dân. Hiện tại, các xã đang đồng loạt tổ chức phun phòng, đặc biệt chú ý trên những diện tích đã từng bị nhiễm đạo ôn lá và những giống mẫn cảm với bệnh như BC15, AC5… 
 
Trong tháng 3/2015, bệnh đạo ôn lá đã phát sinh, lây lan và gây hại nặng trên diện rộng. Toàn tỉnh có 8.500 ha lúa nhiễm bệnh, trong đó có hơn 1.100 ha nhiễm nặng và trên 100 ha bị "cháy" có tỷ lệ lá bị bệnh trên 70%. Cùng với thường xuyên bám đồng để theo dõi, xác định những diện tích cần phòng trừ, ngành Nông nghiệp đã phối hợp với các địa phương tập trung chỉ đạo nông dân sử dụng các loại thuốc đặc hiệu để phun trừ trên những diện tích có tỷ lệ lá bị bệnh từ 5% trở lên, khi lúa đang ở giai đoạn đẻ nhánh rộ đến tương đối sơ khởi (đòng đất) gặp điều kiện thời tiết thuận lợi cho bệnh phát triển. Số diện tích lúa được phun phòng trừ hiện đạt 9.500 ha, gồm ngoài những diện tích đã bị bệnh còn có những diện tích có nguy cơ cao, diện tích gieo trồng các loại giống dễ nhiễm bệnh. Nhờ đó, bệnh đạo ôn lá cơ bản đã được khống chế. Tuy nhiên, hiện thời tiết tiếp tục diễn biến khó lường, những trà lúa sắp trổ có khả năng gặp mưa, ẩm độ cao thuận lợi cho bệnh đạo ôn cổ bông phát sinh gây hại, đặc biệt trên những diện tích lúa đã nhiễm bệnh đạo ôn lá và các vùng bán sơn địa có biên độ nhiệt ngày đêm lớn. 
 
Để chủ động phòng trừ, hạn chế tối đa sự phát sinh và thiệt hại do bệnh gây ra, ngay từ đầu tháng 4, ngành BVTV đã phân công cán bộ phụ trách vùng phân trà và xác định chính xác diện tích và thời gian trổ của các trà lúa, đồng thời chủ động tham mưu và phối hợp cùng các địa phương để tổ chức chỉ đạo, hướng dẫn nông dân phun phòng bệnh trên những diện tích lúa trổ gặp điều kiện thời tiết bất lợi như âm u, có mưa, ẩm độ cao, sương mù nhiều bằng một trong các loại thuốc đặc hiệu như: Beam 75WP, Katana 20SC, Filia 525 SE...
 
Ông Phạm Thanh Long - Phó phòng BVTV cây nông nghiệp Chi cục BVT cho biết: Việc phòng trừ bệnh chỉ có hiệu quả khi được phun phòng sớm bằng các loại thuốc đặc hiệu. Nếu lúa trổ gặp thời tiết khô, nắng nóng thì không cần thiết tổ chức phòng trừ đạo ôn cổ bông. Nhưng từ ngày 21/4, gió mùa về đã làm trời dịu mát, âm u, việc phun phòng là rất cần thiết. Để đạt hiệu quả phun phòng cao nhất, chúng tôi khuyến cáo người dân phải phun khi lúa bắt đầu trổ và phun lại lần 2 khi lúa đã trổ hoàn toàn nếu điều kiện thời tiết tiếp tục thuận lợi cho bệnh phát sinh phát triển. Khi phun, cần đảm bảo đủ lượng nước thuốc tối thiểu 24 lít/sào và phun vào chiều tối hoặc sáng sớm để tránh thời gian lúa đang phơi mao. 
 
Như vậy, với diễn biến thời tiết ẩm, nhiệt độ hạ xuống thấp như hiện nay và đã xuất hiện bệnh đạo ôn cổ bông ở Anh Sơn; ngành Nông nghiệp khuyến cáo bà con nông dân thăm đồng thường xuyên hơn, dưới sự hướng dẫn của cán bộ khuyến nông để có biện pháp xử lý kịp thời, hạn chế thấp nhất ảnh hưởng của bệnh đối với năng suất lúa.
Phun thuốc phòng trừ đạo ôn cổ bông tại xã Thanh Đồng (Thanh Chương).  Ảnh:  P.V
Phun thuốc phòng trừ đạo ôn cổ bông tại xã Thanh Đồng (Thanh Chương). Ảnh: P.V
 
Ứng phó hiệu quả hiện tượng vàng lá
 
Từ ngày 12/4, sau đợt không khí lạnh tăng cường gây mưa rét trên địa bàn tỉnh ta, ở các địa phương hiện tượng lúa bị vàng lá, cháy lá đã xuất hiện và gây hại trên lúa vụ xuân ở hầu hết các giống lúa, nhưng tập trung nhiều ở các giống lúa thuần, đặc biệt trên những chân ruộng bị thiếu nước hiện tượng này xảy ra với mức độ nặng hơn. Theo thống kê của Chi cục BVTV, toàn tỉnh đã có gần 140.000 ha lúa xuân xuất hiện hiện tượng vàng và cháy lá.
 
Tại huyện Nam Đàn, hiện có khoảng 10% diện tích lúa đã trổ, gần 80% diện tích của trà chính vụ đang cúi ôm đòng trổ và phần diện tích còn lại đang ôm đòng. Anh Nguyễn Đình Hiển (xóm 1 xã Hùng Tiến) có 5 sào lúa thì có 2 sào nếp bị vàng lá. Anh cho hay, theo hướng dẫn của cán bộ khuyến nông, anh đã mua thuốc kích thích sinh trưởng về phun cho lúa, hiện tại ruộng lúa của gia đình anh đã xanh trở lại.
 
Theo ông Trần Văn Cường - Trưởng Trạm BVTV huyện Nam Đàn, từ ngày 12/4, trên một số diện tích lúa có hiện tượng trở màu và đến ngày 15/4 trở đi thì màu vàng trên lúa phát triển rất nhanh. Toàn huyện có 350 ha lúa bị vàng lá, tập trung trên các giống lúa thuần, đặc biệt là Khang dân 18 trên những trà ở giai đoạn cuối ôm đòng, những chân ruộng khô, thiếu nước. Tuy nhiên, qua kiểm tra, đánh giá của Chi cục BVTV tỉnh sau khi thực hiện nhiều biện pháp thử nghiệm, kết luận đây không phải là bệnh, không có vết bệnh và hiện tượng lây lan, mà theo nhận định chung, đó chỉ là hiện tượng vàng lá sinh lý do mẫn cảm với diễn biến bất lợi của thời tiết, khi chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm quá lớn. "Vì không phải là dịch bệnh, nên chúng tôi không khuyến cáo nông dân phun trừ, mà chỉ đề nghị các xã tập trung bơm đủ nước để cây lúa phục hồi và làm đòng. Đồng thời, với khoảng trên 300 ha bị vàng lá sinh lý nặng, có khả năng ảnh hưởng một phần năng suất, khuyến cáo bà con phun chất kích thích điều hòa sinh trưởng để cây lúa phát triển tốt" - ông Cường cho biết. 
 
Tại huyện Đô Lương, từ ngày 13 - 14/4, hiện tượng vàng lá cũng đã xuất hiện và lan nhanh trên 2.000 ha lúa xuân, tập trung nhiều trên những diện tích lúa gieo thẳng, những chân ruộng thiếu nước và những ruộng được người dân bón đạm, lân và ka ly mất cân đối.
 
Bà Trần Thị Tâm - Trưởng Trạm BVTV huyện Đô Lương cho biết: Có nhiều loại bệnh do vi rút, vi khuẩn gây ra, chẳng hạn như bạc lá vi khuẩn cũng gây vàng lá. Nhưng qua kiểm tra, chúng tôi xác định đây không phải là bệnh mà chỉ là hiện tượng vàng lá sinh lý. Năm nay, diện tích lúa bị vàng lá nhiều hơn, mức độ cũng nặng hơn những năm trước, nguyên nhân do diễn biến bất thường của thời tiết, ban ngày nhiệt độ có khi lên đến 400C, nhưng ban đêm lại mát, chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm quá lớn nên cây lúa bị "sốc" thời tiết. Trạm đã tham mưu huyện chỉ đạo các xã tập trung bơm đủ nước, bơm các loại thuốc điều hòa, kích thích sinh trưởng. Hiện đa số diện tích đã phục hồi, xanh trở lại, cơ bản không ảnh hưởng đến năng suất.
 
Nhận định của Chi cục BVTV tỉnh cũng cho biết nguyên nhân gây ra hiện tượng vàng lá trên lúa xuân trong thời gian vừa qua là do diễn biến thời tiết phức tạp, sau đợt không khí lạnh, thời tiết trở nên nắng nóng, nhiệt độ ngày đêm chênh lệch quá lớn, trong khi đó cây lúa đang ở giai đoạn làm đòng trổ là thời kỳ mẫn cảm với điều kiện ngoại cảnh.
 
Cũng theo ông Phạm Thanh Long: Hiện tượng đó không phải do nguyên nhân từ các vi sinh vật như nấm, vi khuẩn hay vi rút gây mà, nên chúng tôi không hướng dẫn bà con sử dụng các loại thuốc phòng trừ bệnh để phun, ngoại từ phun phòng trừ các đối tượng bệnh hại khác cũng trên những diện tích này. Đối với những diện tích bị nặng, đặc biệt trên những chân ruộng khô nước, khuyến cáo tưới nước đảm bảo mức nước trên ruộng và có thể sử dụng một số loại phân vi lượng, phân bón lá giàu vi lượng (Zn, Cu, Mn...) để phun nhằm giúp lúa phục hồi nhanh hơn và trổ thoát; chú ý tuyệt đối không sử dụng phân bón lá, kích thích sinh trưởng trên những diện tích lúa đang nhiễm bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn... Đến nay, qua theo dõi, diện tích vàng lá sinh lý trên địa bàn toàn tỉnh không phát sinh gây hại nặng thêm, mà lúa đang xu hướng hồi phục.
 
Phú Hương-Baonghean.vn
  Các bài mới:
Nghệ An tổ chức Đại hội Liên đoàn Quần vợt nhiệm kỳ 2023 - 2028(15/4/2023)
BHXH Việt Nam bổ sung tính năng hiển thị thời gian chưa đóng BHXH, BHTN trên ứng dụng “VssID - Bảo hiểm xã hội số”(16/3/2023)
Tham gia BHYT trước 01/7/2023: Người dân không phải đóng bù phần chênh lệch do tăng lương cơ sở(24/2/2023)
PHAN BỘI CHÂU - TẦM NHÌN VƯỢT THỜI ĐẠI(27/1/2023)
Diễn biến “nóng” vụ Xuân Bắc viết status "Cái tát của mẹ"(27/1/2023)
Lập xuân 2023 là ngày nào?(27/1/2023)
Lễ kỷ niệm 234 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa tại Nghệ An(27/1/2023)
Nghệ An: 129 lái xe vi phạm nồng độ cồn bị xử lý dịp Tết(27/1/2023)
  Tin kinh tế:
Phường Cửa Nam (TP. Vinh): Huy động sức dân làm đẹp cho những tuyến đường (20/1/2023)
Nghệ An: Lao động tự do gồng mình kiếm thu nhập ngày cận tết (15/1/2023)
Giá xăng hôm nay có thể giảm (11/1/2023)
Nghệ An: Đào dáng rồng được chào giá cho thuê hàng trăm triệu đồng (10/1/2023)
Nghệ An: Mở đợt cao điểm chống buôn lậu và hàng giả dịp Tết Nguyên đán Quý Mão (2/1/2023)
Tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh năm 2022 đạt 21.152 tỷ đồng (26/12/2022)
Nghệ An kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT cho phép tổ chức một số chuyến bay charter đến Cảng hàng không quốc tế Vinh (21/12/2022)
Thủ tướng chỉ đạo các biện pháp bảo đảm thị trường trái phiếu doanh nghiệp lành mạnh, an toàn, hiệu quả (14/12/2022)
Đề xuất xây mới nhà ga T2 công suất 8 triệu khách/năm tại sân bay Vinh (12/12/2022)
Thành phố Vinh mở rộng gấp đôi, lộ diện trung tâm kinh tế đắt giá mới (6/12/2022)
THÔNG TIN CẦN BIẾT
Lịch công tác UBND
Văn bản pháp quy
Văn phòng điện tử
Dịch vụ công trực tuyến
Album ảnh Nghệ An
Truyền hình TP Vinh
Liên hệ - Góp ý
Phiên bản Mobile
TRUYỀN HÌNH TP VINH
Loading the player...
LIÊN KẾT WEBSITE
 
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ THÀNH PHỐ VINH
Giấy phép số: 253/GP-TTĐT ngày 19/11/2010 do Bộ Thông tin và truyền thông cấp
Cơ quan chủ quản: UBND TP Vinh - Địa chỉ: Số 27 Đường Lê Mao – TP Vinh. 
Hotline: 02383.840.039; 02383. 842574    Mail: Vinhcity.ptth@gmail.com
Chịu trách nhiệm chính: Ông Trần Ngọc Tú – Chủ tịch UBND Thành phố Vinh


Thiết kế Website