Sở GDĐT Nghệ An vừa ban hành văn bản hướng dẫn các cơ sở phương thức tuyển sinh lớp 6. Tuy nhiên, bài toán tuyển sinh vẫn còn nan giải.
Bài toán khó
Theo thống kê, Nghệ An có khoảng 16/444 trường THCS có số học sinh (HS) lớp 5 đăng ký vào lớp 6 nhiều hơn chỉ tiêu. Những năm trước đây, mặc dù Bộ GDĐT chủ trương không tổ chức thi tuyển vào lớp 6, nhưng các trường này vẫn tổ chức các hình thức kiểm tra năng lực, thực chất là thi.
Năm nay, do chỉ thị cấm tổ chức thi tuyển vào lớp 6 của Bộ GDĐT, Sở GDĐT Nghệ An đã ban hành văn bản yêu cầu các Phòng GDĐT xây dựng kế hoạch tuyển sinh theo phương thức xét tuyển, trình UBND huyện, thành, thị phê duyệt. Các trường xây dựng phương án tuyển sinh dựa trên kết quả đánh giá HS tiểu học theo quy định tại Thông tư 30/2014/TT-BGDĐT ngày 28.8.2014 và Thông tư 32/2009/TT-BGDĐT ngày 27.10.2009 của Bộ GDĐT.
Trên địa bàn Nghệ An có một số trường THCS những năm vừa qua có tỷ lệ “chọi” cao như THCS Đặng Thai Mai (Thành phố Vinh) 7:1 (7 thí sinh dự thi lấy 1); THCS Lý Nhật Quang (Đô Lương), THCS Bạch Liêu (Yên Thành), Trường THCS Hồ Xuân Hương (Quỳnh Lưu) trung bình 3,4:1.
Bà Nguyễn Thị Kim Chi - GĐ Sở GDĐT Nghệ An - cho rằng theo quy định của Bộ GDĐT, các tiêu chí xét tuyển chỉ có thể là điểm số, kết quả đánh giá xếp loại học lực, hạnh kiểm của 5 năm tiểu học, cộng thêm các tiêu chí khác như khen thưởng về các thành tích trong một số cuộc thi. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là giả sử sau khi đã xét tất cả các tiêu chí mà số lượng HS đạt đủ các tiêu chí vẫn cao hơn chỉ tiêu tuyển sinh thì sẽ giải quyết như thế nào?
Một thực tế là hiện nay tỷ lệ HS tiểu học được xếp loại giỏi rất cao. Năm học 2013 - 2014 toàn thành phố Vinh có 1.900 học sinh lớp 5 được xếp loại giỏi, trong khi chỉ tiêu của Trường THCS Đặng Thai Mai thì chỉ có 250 học sinh. Ông Thái Khắc Tân - Trưởng Phòng GDĐT TP.Vinh - cho biết sắp tới sẽ xây dựng phương án tuyển sinh trình thành ủy, UBND TP và Sở GDĐT phê duyệt, rồi mới thực hiện.
Ông Nguyễn Minh Hạnh - PCT UBND huyện Đô Lương - nói: “Đây quả là một bài toán khó, thời gian gần đây chúng tôi đã suy nghĩ, bàn bạc rất nhiều nhưng chưa có giải pháp nào. Bởi vì số HS xếp loại giỏi ở tiểu học hiện nay rất lớn, vừa qua lại đánh giá theo tiêu chí “đạt” hay “không đạt” nên rất khó”. Một lãnh đạo huyện khác chia sẻ: “Nghĩ mãi, không có cách gì, anh em chúng tôi đang nói vui là không khéo phải bốc thăm hay đo chiều cao, cân nặng để tuyển sinh”.
Tiêu cực bùng phát?
Trao đổi với lãnh đạo ngành giáo dục, một số ý kiến thẳng thắn chỉ ra nguyên nhân của sự vướng mắc nói trên là do một số địa phương vẫn âm thầm duy trì hệ thống trường chuyên mặc dù Bộ GDĐT đã có quy định phải xóa bỏ. “Trước đây là trường chuyên, còn ngày nay thì gọi là trường điểm, trường chất lượng cao. Rượu vẫn thế, chỉ có bình là mới thôi”, ông Thanh Bình - PV báo GTVT thường trú tại Nghệ An - thẳng thắn.
|
Bà Nguyễn Thị Kim Chi, Giám đốc Sở GD - ĐT Nghệ An trao đổi về phương thức tuyển sinh lớp 6. Ảnh: Q.Đ |
Còn ông Trần Minh Dương - một phụ huynh trên địa bàn TP - phân tích: “Như trường THCS Đặng Thai Mai đóng trên địa bàn phường Hưng Phúc nhưng con em của phường cũng không được học tại trường, mà trường tổ chức tuyển những HS giỏi của nhiều địa bàn khác”.
Một số phụ huynh đề xuất nên xóa bỏ mô hình trường chuyên trá hình này, điều chuyển giáo viên giỏi đi các trường khác để bảo đảm công bằng giáo dục. Một phụ huynh khác cảnh báo nếu xét tuyển vào lớp 6 như hiện nay, sẽ bùng phát tiêu cực, “chạy” thành tích trong đánh giá, xếp loại HS tiểu học. Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Kim Chi - GĐ Sở GDĐT Nghệ An - cho biết sẽ tiếp thu, nghiên cứu để có hướng tham mưu xử lý phù hợp.