Trong “biên niên” phát triển của Thành phố Vinh độ mươi năm lại nay, đường Nghệ An - Xiêng Khoảng nổi bật hẳn bởi quá trình đổi thay, đi lên. Phai dần ký ức làng quê một thuở, nay, đường tự tin với dáng vóc trẻ trung, tươi mới, tràn sức căng của một cửa ngõ vào nội đô và rộn ràng con đường du lịch đến thị xã biển Cửa Lò.
|
Đường Nghệ An - Xiêng Khoảng nhìn từ QL 46. |
Là một phần của Quốc Lộ 46, đường Nghệ An – Xiêng Khoảng được hình thành từ rất sớm. Đường là một nhánh tạo nên trục ngã ba Quán Bánh dằng dặc cảm giác xa ngái, dặm trường, vọng âm hưởng bước chân những lữ khách độc hành trên đường thiên lý Bắc – Nam mà ngả tạm túi vải, ghé vào những hàng, những mẹt gánh gồng lúp xúp rải rác quanh đây. Cũng nằm trong trục ký ức ấy, nhưng bấy giờ, đường Nghệ An – Xiêng Khoảng không nhộn nhịp giao thông, giao thương như mạn đường Mai Hắc Đế, mà vẫn bình lặng vẻ thôn dã kéo dài suốt hàng mấy thập kỷ, ao chuôm, ruộng đồng bì bõm.
Tên đường Nghệ An – Xiêng Khoảng mới được đặt năm 2012, nhân dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, 35 năm ngày ký Hiệp ước Hữu nghị hợp tác giữa nước CHXHCN Việt Nam và nước CHDCND Lào. Đồng thời đánh dấu mốc quan trọng tô thắm tình hữu nghị đặc biệt hai nước Việt - Lào cũng như tình đoàn kết giữa nhân dân hai tỉnh Nghệ An – Xiêng Khoảng.
|
Dãy cửa hàng bán chè, trà trên đường Nghệ An - Xiêng Khoảng. |
Sự kiện đặt tên đường cũng đánh dấu mốc trọng đại trong lịch sử phát triển và kiến thiết của đường Nghệ An – Xiêng Khoảng. Đường có chiều dài 5.200m, rộng 21m và quy hoạch mở rộng 36m, kéo dài từ ngã ba Quán Bánh đến hết xã Nghi Ân và được xem là tuyến đường dài nhất trong các tuyến đường được đặt tên các danh nhân tại Thành phố Vinh hiện nay. Với sự lan tỏa tốc độ, quy mô, kiến trúc xây dựng từ trung tâm thành phố, hòa cùng nhịp căng sôi động của trục ngã ba Quán Bánh, đường đã dần hình thành bộ mặt phố xá.
Nét tươi trẻ hiện rõ trên những kiến thiết nhà dân độ 5 năm trở lại nay, với tầng cao bề thế, rộn ràng giao thông, giao thương bất kể ngày đêm. Nào tiệm rửa xe, tạp hóa, salon ô tô, rồi nào hàng ăn sáng – trưa – tối…; dịch vụ rửa xe bốn mùa; kiôt xăng dầu tư nhân… đủ phong cách, kiểu dáng kiến trúc thì vẫn còn lưu nét chất phác từ những chủ cửa hàng – vốn là cư dân gốc đường này xuất thân nhà nông, hoặc công nhân xí nghiệp chè mấy đời đổi vận làm chủ cơ nghiệp riêng.
Đường trước tuềnh toàng vẻ thôn dã, rồi chuyển vận giao thương độ dăm, bảy năm về trước, mon men bắt đầu bằng những hàng trà. Dễ hiểu, trên đường tọa lạc xí nghiệp chè, quanh năm cành cạch thái, giã, hấp, sấy… lừng hương thanh nhã, nhưng nghiệp chè thì cũng tùng tiệm thế thôi, công nhân xí nghiệp mấy đời cũng vừa đủ sống. Sau nô nức kinh tế thị trường, nhiều công nhân về hưu nống ra mở quán, sau rốt, lác đác vài công nhân đương thời cũng mạnh dạn “chân trong, chân ngoài”, mong có thêm chút lãi lời cho cuộc sống gia đình. Cứ thế, hẳn một quãng mạn phố thuộc địa phận xã Nghi Phú (TP. Vinh) náo nức biển quảng cáo xanh đỏ, nào Đặc sản chè xứ Nghệ, nào Chè sạch Thái Nguyên, nào Đại lý chính thức chè Nghệ An… Dần dà, quãng đường Nghệ An – Xiêng Khoảng ấy trở thành địa chỉ quen của nhiều người nghiện cái thức nước mơ vàng, chát sánh mà ngọt hậu ấy.
Đi và cảm cho hết những nhộn nhịp giao thương, làm sao quên được 2 ngôi chợ quê giữa lòng phố, rạo rực hẳn một mạn đường. Chợ Quán Bánh (hay còn gọi là chợ chiều Nghi Phú) và chợ Nghi Ân, nổi tiếng với mấy món quê tươi roi rói, sức bán – mua nhộn hẳn. Hai ngôi chợ có lịch sử lâu đời, đã “khắc cốt ghi tâm” trong lòng người quê – phố chốn này, để rồi hình thành thói quen mua quà tươi ngon đãi khách là ắt phải nhào ra chợ một tý mới an tâm, rồi sau mới tính toán đến siêu thị, cửa hàng, đồ ngoại nhập. Sức hút dân dã mà tươi mới ấy, bao đời nay vẫn vậy.
Cứ ra chợ, ắt nem xứ Nghệ giòn tan chực sẵn, ghém gắp bún lá, khẽ đụng đũa chút ruốc, chút mắm đỏ lừ màu ớt chỉ thiên; hoặc đơn giản chỉ cần lạng chả cá đã nhuyễn những gia vị đặm đà, cùng chút rau sống tươi mát đã dần vơi trên thúng của bà hàng rau, là đã thấy mình “tan chảy” trong thú ẩm thực thuần vị chốn chợ này. Tình quê son sắt với tình phố là ở đó, chứ đâu? Chỉ tiếc, bên cạnh những phong phú ẩm thực, thì hai khu chợ này vẫn vấp phải những điều cấn cá về trật tự đô thị. Cữ trưa, cữ chiều, giờ tan tầm, hẳn không ít người khó chịu bởi hàng loạt hàng quán cơi nới, soạn sửa nống cả lên vỉa hè, tràn xuống đường, cản trở giao thông.
Đi trên đường, dẫu từ ngã ba Quán Bánh nhìn lại, hay tít tắp giao lộ Xô viết Nghệ Tĩnh nhìn về, thì vẫn kiêu hãnh một dáng nét gợi cảm văn minh của cây cầu vượt Quốc lộ 46, vừa được hoàn thành và đưa vào sử dụng cách đây không lâu. Cây cầu vượt này là mảng sáng phát triển sôi động, hứa hẹn tạo sức căng đô thị mới và gợi nhiều hào hứng cho du khách thập phương trên hành trình du lịch tâm linh – nghỉ dưỡng Nam Đàn – Cửa Lò. Bên cạnh thực hiện nhiệm vụ “lễ nghi”, đưa đón khách trên trục mở du lịch ấy, cầu vượt với vẻ bề thế, tươi mới còn trở thành tuyến thư giãn thú vị, mà nếu kỳ công làm một tour quanh những kiến thiết đô thị Vinh hiện đại, hẳn những cây cầu vượt sẽ tạo nên sức hấp dẫn đặc biệt.
Đường Nghệ An – Xiêng Khoảng khởi sắc từng ngày, nhưng chưa lồ lộ chen chúc về mật độ như các tuyến phố nội đô, mà vẫn còn đó không gian thoáng đãng, gợi nhớ những mênh mông đồng bãi mấy mươi năm về trước. Dĩ nhiên, ấy là không gian quy hoạch, đang chờ đợi những dự án, công trình trọng điểm. Nay mai khi các dự án khu đô thị mới với các cao ốc hàng mấy chục tầng, các khu biệt thự liền kề hai bên đường được xây dựng, thì sắc diện con đường Nghệ An – Xiêng Khoảng sẽ còn khang trang hơn nữa. Hứa hẹn rằng, trong tương lai không xa, đường sẽ thành trục xương sống chính của đô thị Vinh cả về sức phát triển kiến thiết, kinh tế, du lịch…
Phước Anh – Ly Lâm-Baonghean.vn