Năm 2015 được đánh giá là năm bước ngoặt trong tiến trình hội nhập của Việt Nam. Theo đó, lao động trong khối các nước Đông Nam Á sẽ được tự do tìm kiếm việc làm ở các nước trong khu vực. Với tỉnh Nghệ An, đây sẽ là cơ hội lớn cho khoảng 2 triệu lao động tìm kiếm việc làm có thu nhập cao cũng như các doanh nghiệp có điều kiện để nâng cao sản phẩm.
Năm nay, có 8 ngành nghề lao động trong khối ASEAN được tự do di chuyển gồm: kế toán, kiến trúc sư, nha sĩ, bác sĩ, kỹ sư, y tá, vận chuyển và nhân viên ngành du lịch. Ngoài ra, nhân lực chất lượng cao (các chuyên gia, thợ lành nghề), trong đó, có nhân lực được đào tạo chuyên môn hoặc có trình độ từ đại học trở lên được di chuyển tự do hơn. Nắm bắt cơ hội này, nhiều trường dạy nghề trên địa bàn tỉnh đã định hướng đào tạo các ngành nghề theo chuẩn khu vực và quốc tế.
Ông Nguyễn Duy Hồng - Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề kinh tế - công nghiệp thủ công nghiệp Nghệ An cho rằng: Hội nhập Quốc tế đòi hỏi đội ngũ SV ra trường phải có tay nghề và các trường nghề bắt buộc phải nâng cao chất lượng đội ngũ, cơ sở vật chất và chất lượng đào tạo.
Tỉnh Nghệ An có lợi thế lớn, đó là nguồn lao động dồi dào và cơ cấu lao động trẻ, chất lượng lao động đang từng bước được nâng lên. Với trên 2 triệu lao động, đây là cơ hội để lao động Nghệ An tìm được việc làm phù hợp khi Việt Nam tham gia cộng đồng kinh tế ASEAN. Còn về phía các doanh nghiệp đây là thời điểm để các DN hội nhập sâu hơn với thế giới. Đặc biệt khi nền kinh tế có tính cạnh tranh cao sẽ tạo điều kiện để doanh nghiệp tự đổi mới chính mình, nâng cao về nguồn lực con người, nguồn lực vốn, nguồn lực điều hành, quản trị của doanh nghiệp.
Khi Việt Nam chính thức gia nhập Cộng đồng Kinh tế Asean 2015, nền kinh tế Việt Nam nói chung, Nghệ An nói riêng sẽ chứng kiến rất nhiều thay đổi. Đầu tiên đó là nguồn lao động của Nghệ An có đáp ứng được thực tế công việc hay không khi lao động qua đào tạo nghề của tỉnh mới đạt 46%, trong đó lao động đào tạo trình độ Trung cấp nghề, Cao đẳng nghề hiện mới chỉ chiếm 16,3%. Và nếu nguồn lao động của Nghệ An không có tay nghề cao, kinh nghiệm và kỹ năng thực hành không đáp ứng được các nhà tuyển dụng, các DN lớn thì không những không tìm được việc làm tốt mà còn đánh mất cả cơ hội việc làm tốt ngay trong nước. Vì thế, các trường nghề cần phải chú trọng khâu đào tạo ngay từ bây giờ.
Đồng chí Hồ Đức Phớc - Bí thư Tỉnh ủy cho biết: Hiện nay, nguồn nhân lực của tỉnh khá dồi dào. Mỗi năm Nghệ An có 22 nghìn SV vào ĐH. Việc tăng cường hợp tác giữa các doanh nghiệp với nhà trường sẽ tạo điều kiện cho đào tạo nghề chuyên sâu hơn, đồng thời đáp ứng được nhu cầu việc làm. Có nghĩa là trình độ, chất lượng sản phẩm có chất lượng hơn, các em sẽ làm việc thành thạo hơn hiệu quả hơn, năng suất tốt hơn.
Nền kinh tế Việt Nam mở cửa sẽ tạo ra một cuộc cạnh tranh và những doanh nghiệp dịch vụ yếu thế bắt buộc phải có những điều chỉnh để tạo thế cân bằng với các tập đoàn nước ngoài. Và sức ép cạnh tranh mọi mặt sẽ ngày càng gay gắt và khốc liệt, nếu doanh nghiệp Việt không nắm bắt, khả năng bị đào thải sẽ là rất lớn. Vì thế, thách thức đạt ra đối với các doanh nghiệp Nghệ An là không hề nhỏ. Bởi thế, để tồn tại và phát triển, các doanh nghiệp Việt từ bây giờ cần phải liên kết với nhau, tạo những cơ hội đầu tư để cùng vượt qua thử thách cho tất cả doanh nghiệp trong nước tăng sức mạnh cạnh tranh. Phía người lao động cần trang bị kiến thức để có trình độ tay nghề, kỹ năng mới… thích ứng với hội nhập.
(truyenhinhnghean.vn)