Dùng vũ lực trên Biển Đông - "nước cờ thấp" của Trung Quốc
6/8/2015 10:15:42 AM

Trung Quốc tiếp tục là tâm điểm chú ý của thế giới với những động thái mới liên quan đến vấn đề Biển Đông như công bố sách trắng quốc phòng năm 2015 (26/5) hay phát biểu phản bác ý kiến của các quốc gia tại Đối thoại Shangri-la (29-31/5). Phóng viên Báo Nghệ An có cuộc trao đổi với Thiếu tướng Lê Văn Cương - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược Bộ Công an để có cái nhìn bao quát và xâu chuỗi theo dòng thời gian về chính sách an ninh nói chung của Trung Quốc. 

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc công bố sách trắng 2015.
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc công bố sách trắng 2015.
 
Phóng viên: Thưa Thiếu tướng, được biết kể từ năm 1998 đến nay thì đây là lần thứ 9 Trung Quốc công bố sách trắng quốc phòng. Xin Thiếu tướng cho biết những điểm khác biệt cơ bản của sách trắng quốc phòng Trung Quốc 2015 so với những năm trước?
 
Thiếu tướng Lê Văn Cương: Sách trắng quốc phòng là cương lĩnh, là định hướng cho chính sách an ninh của mỗi quốc gia và quốc gia nào cũng có, không riêng gì Trung Quốc. Tuy nhiên, việc Trung Quốc công bố sách trắng quốc phòng thu hút được sự quan tâm của cộng đồng quốc tế là bởi 2 lý do. Thứ nhất, ở vị thế một quốc gia lớn trong khu vực và trên thế giới, Trung Quốc dĩ nhiên có vai trò lớn đối với đảm bảo an ninh, ổn định chung. Như vậy, mỗi một động thái của Trung Quốc đều có thể tác động đến hiện trạng khu vực. Thứ hai, lần này, sách trắng quốc phòng của Trung Quốc có những thay đổi rõ rệt trong mục tiêu trọng tâm. 
 
Trước đây, trọng tâm quốc phòng của Trung Quốc là xây dựng lực lượng lục quân thì nay đã chuyển sang xây dựng lực lượng hải quân và không quân. Dung lượng sách trắng quốc phòng khoảng 10.000 chữ thì có khoảng 2.000 chữ dành cho phần xây dựng lực lượng vũ trang, trong đó phần viết về hải quân đã chiếm đến 1.000 chữ. Đáng chú ý là nhiệm vụ, chức năng của hải quân được chuyển từ phòng vệ gần bờ thành phòng vệ biển xa. Tuy nhiên, điều khiến các nước e ngại là liệu Hải quân Trung Quốc có thực sự chỉ “phòng thủ” hay sẽ “tấn công”? Vả lại, trong bối cảnh ranh giới chủ quyền đang tranh chấp như hiện nay thì động cơ phòng thủ có khả năng là không minh bạch.
 
Một chi tiết đáng chú ý khác là Trung Quốc chọn công bố sách trắng quốc phòng chỉ 3 ngày trước khi diễn ra Đối thoại Shangri-la 2015, nên theo đánh giá của nhiều chuyên gia thì động thái này giống như một “nắm đấm” giương lên dằn mặt các quốc gia trong khu vực và trên thế giới.
 
Phóng viên: Như vậy là Trung Quốc đã chính thức lên tiếng mở ra khả năng về việc sử dụng vũ lực trên Biển Đông. Nhiều phương tiện truyền thông đại chúng quốc tế thời gian qua cũng nhắc đến sự kiện Thiên An Môn ngày 4/6/1989. Theo Thiếu tướng, có sự liên quan nào giữa hai sự kiện có khoảng cách thời gian tương đối dài nói trên?
 
Thiếu tướng Lê Văn Cương: Có liên quan hay không, còn phải xem xét lại bản chất của vấn đề. Về sự kiện Thiên An Môn ngày 4/6/1989, bản chất của nó là một cuộc biểu tình của tầng lớp trí thức trẻ, chủ yếu là sinh viên. Thực ra thì sự kiện Thiên An Môn là đỉnh điểm của một phong trào biểu tình kéo dài mấy tháng trời. Như vậy, đây là một cuộc xung đột nội bộ chứ không có yếu tố địch - ta và nguyên nhân sâu xa là do “độ vênh” giữa tốc độ phát triển của chính trị và kinh tế. 
 
Chúng ta nhớ lại đó là thời điểm mà Trung Quốc đã bắt đầu chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng kinh tế thị trường, mở cửa với quốc tế. Tuy nhiên, về chính trị thì đây mới chỉ là một nền dân chủ sơ khai, không thể nào so sánh với những nền dân chủ hoàn thiện có mấy trăm năm phát triển ở phương Tây được. Vậy thì, việc một bộ phận trong xã hội Trung Quốc có những tư tưởng, nhu cầu nhanh hơn tốc độ phát triển về chính trị là điều có thể hiểu. Đó là những hệ luỵ tất yếu khi một quốc gia bước vào giai đoạn chuyển đổi và là điều xảy ra ở rất nhiều nước trên thế giới. 
 
Tuy nhiên, đánh giá về sự kiện Thiên An Môn một cách khách quan, tôi cho là có hai góc nhìn như sau:
 
Thứ nhất, về phía trí thức trẻ Trung Quốc, nhu cầu của họ không sai nhưng cách biểu hiện thì có phần cực đoan. Cực đoan bởi không tuân thủ pháp luật, một phần cũng do hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện và chưa có luật biểu tình như ở các nền dân chủ “già dặn” hơn. Hơn nữa, việc biểu tình của họ gây ảnh hưởng đến trật tự xã hội: phong toả các cơ quan, công sở, khiến nhịp sống - lao động của cả xã hội bị đình trệ hàng tháng trời. Đó là những điều mà người biểu tình có nhận thức và ý thức pháp luật tốt không bao giờ làm. 
 
Thứ hai, về phía chính quyền Trung Quốc, cách thức, giải pháp mà họ lựa chọn cũng là một giải pháp cực đoan. Chính bản thân ông Đặng Tiểu Bình đã viết trong di chúc của mình như thế này: “Về sự kiện Thiên An Môn, tôi không thanh minh mà hãy để hậu thế phán xét. Chỉ là trong thời điểm bức bách ấy, tôi không thấy có giải pháp nào khả dĩ hơn”. Trên thực tế, xét tương quan lực lượng biểu tình vài trăm nghìn người so với quân đội cả triệu người được trang bị vũ khí, khả năng đi đến kịch bản xấu nhất là đảo chính rất khó có thể xảy ra. Thế nên việc lựa chọn một biện pháp cực đoan là dùng vũ lực trấn áp, hay nói như một số kênh truyền thông nước ngoài là “thảm sát”, tôi nghĩ rằng điều này bộc lộ điểm yếu của chính quyền Trung Quốc đương thời trong khi những giải pháp nhân văn hơn là hoàn toàn có thể.
 
Nhìn lại việc Trung Quốc công bố sách trắng quốc phòng - hay nói rộng hơn ra là mưu đồ bá quyền trên Biển Đông bằng vũ lực - và sự kiện Thiên An Môn, không hoàn toàn giống nhau nhưng có những sự tương đồng nhất định. Vấn đề Biển Đông vượt ra ngoài lãnh thổ Trung Quốc, nói nôm na là có yếu tố địch - ta, còn sự kiện Thiên An Môn là chuyện nội bộ của Trung Quốc. Nhưng tựu chung vẫn là sự nhất quán của Trung Quốc trong quan điểm, chính sách quốc phòng, an ninh, đó là đều chọn vũ lực làm biện pháp giải quyết xung đột. Nhưng đó chỉ là về phần chính quyền Trung Quốc, còn lại thì có nhiều điểm khác.
 
Phóng viên: Cụ thể là những điểm khác gì thưa Thiếu tướng?
 
Thiếu tướng Lê Văn Cương: Thứ nhất, các quốc gia đang có tranh chấp với Trung Quốc trên Biển Đông không giống với lực lượng biểu tình ở Thiên An Môn. Khác ở chỗ, các quốc gia này đều phản ứng dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế và đối thoại hoà bình, tôn trọng hiện trạng khu vực. Một số quốc gia (trong đó có Việt Nam) đã đệ đơn kiện Trung Quốc lên toà án quốc tế Liên Hợp quốc, tức là chúng ta đưa vào một bên thứ ba - trung lập, khách quan và có tiếng nói - để giải quyết mâu thuẫn.
 
Thứ hai, cộng đồng quốc tế đã và đang lên tiếng, can thiệp vào vấn đề này một cách tích cực. Đơn cử như trong Đối thoại Shangri-la, nhiều quốc gia, trong đó có Mỹ và Australia đã trực tiếp yêu cầu Trung Quốc ngừng các hành động phi pháp, đơn phương khiến căng thẳng leo thang trong khu vực. Thậm chí, Mỹ còn đang xem xét việc điều quân đến Biển Đông để tạo thế đối trọng với Trung Quốc. Đó cũng là một lợi thế rất lớn không chỉ cho các quốc gia đang xảy ra tranh chấp mà còn góp phần để hướng diễn biến tình hình không tuột dốc về “hố đen” vũ lực của Trung Quốc, duy trì được nền hoà bình, an ninh khu vực. 
 
Phóng viên: Nhưng sau cuộc Đối thoại Shangri-la vừa rồi, có vẻ như ý định dùng sách trắng quốc phòng, hay nói cụ thể hơn là dùng vũ lực “hăm doạ” của Trung Quốc đã thất bại khi vấn đề Biển Đông trở thành điểm nóng của hội nghị với vô số ý kiến “chĩa mũi dùi” vào Trung Quốc. Thiếu tướng nghĩ như thế nào về việc này?
 
Thiếu tướng Lê Văn Cương: Có thể nói Hội nghị Shangri-la vừa rồi là một thất bại đối với Trung Quốc. Lần đầu tiên họ cử một đô đốc hải quân đến dự hội nghị, tức là bản thân họ lường trước được phản ứng của cộng đồng quốc tế đối với vấn đề Biển Đông. Đã lường được như vậy nhưng rốt cuộc họ cũng không đưa ra được một câu trả lời xác đáng nào cho những chất vấn của hội nghị. Điều này không hề có lợi cho uy tín, vị thế của Trung Quốc trên trường quốc tế. Có lẽ họ nên xem xét lại chính sách an ninh, quốc phòng của mình, nếu không muốn bị tẩy chay. 
 
Một sự kiện Thiên An Môn tại Thủ đô Bắc Kinh - dù rằng vẫn còn là ẩn số - nhưng cả thế giới này chưa hề quên dù 26 năm đã trôi qua. Điều đó chứng tỏ rằng giải quyết bằng vũ lực không “nhanh gọn, dứt điểm” như họ nhầm tưởng. Và trên Biển Đông cũng vậy, nhất là khi bối cảnh, mức độ phát triển bây giờ đã khác xưa, với hệ thống luật pháp quốc tế mà cụ thể ở đây là Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC) với sự chứng nhân, thừa nhận của cả cộng đồng quốc tế. 
 
Phóng viên: Cảm ơn Thiếu tướng về cuộc trò chuyện!
 
Thục Anh - Baonghean.vn (Thực hiện)
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ THÀNH PHỐ VINH
Giấy phép số: 253/GP-TTĐT ngày 19/11/2010 do Bộ Thông tin và truyền thông cấp
Cơ quan chủ quản: UBND TP Vinh - Địa chỉ: Số 27 Đường Lê Mao – TP Vinh. 
Hotline: 02383.840.039; 02383. 842574    Mail: Vinhcity.ptth@gmail.com
Chịu trách nhiệm chính: Ông Trần Ngọc Tú – Chủ tịch UBND Thành phố Vinh