Theo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), từ ngày 1/7 tới đây chỉ các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ mới được xem là doanh nghiệp nhà nước, thay vì 51% như hiện nay. Với sự thay đổi này, qua một đêm số lượng doanh nghiệp Nhà nước sẽ giảm đáng kể.
Cách tiếp cận “lạ”
Theo ông Nguyễn Hoàng Hải, Tổng Thư ký Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI), định nghĩa này rất “khác biệt” với thế giới. Nhìn ra các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia… những nước cũng còn nhiều doanh nghiệp nhà nước (DNNN) tại các lĩnh vực quan trọng như điện, nước, viễn thông, ngân hàng, hàng không… thì hầu như ít có dạng doanh nghiệp (DN) mà Nhà nước (NN) sở hữu 100% vốn điều lệ, thường ở mức từ 40 - 51%; nhưng những DN này phải công khai, minh bạch qua hình thức bắt buộc phải niêm yết trên thị trường chứng khoán. Với các nước kinh tế phát triển thì số DNNN còn rất ít và tỷ lệ cổ phần NN thường chiếm dưới 20%, những DN này cũng phải niêm yết.
“Quan niệm về DNNN giữa ta và thế giới có sự khác biệt căn bản. Với thế giới họ không cần NN nắm giữ 100% vốn điều lệ mà NN chỉ nắm giữ cổ phần chi phối từ 20% trở lên đến dưới 51% nhằm chi phối các quyết định quan trọng, nhưng họ rất khôn ngoan ở chỗ họ nhờ nhà đầu tư và người lao động với tư cách là cổ đông tham gia quản trị DN.
Với Việt Nam, khi nói rằng cổ phần hóa (CPH) để không còn DNNN nhưng thực chất mới chỉ là đổi mới quản lý DNNN chứ thực sự chưa phải là CPH triệt để, cho nên rất nhiều DN sau CPH mà NN nắm chi phối vẫn làm ăn không hiệu quả, thậm chí thua lỗ lớn và đang đi vào con đường giải thể phá sản…” - ông Hải phân tích.
Với khái niệm mới này, ngay sau khi Luật DN (sửa đổi) được thông qua, chuyên gia kinh tế Huỳnh Thế Du cũng cho rằng đây là một cách tiếp cận... lạ. “Theo cách hiểu thông thường mà thực tế cũng là vậy, nếu ai sở hữu DN trên 50% thì đã có quyền kiểm soát DN rồi. Hơn thế, đối với các DN đại chúng thì chỉ cần 20% là đủ…” - ông Du nêu quan điểm.
Giải pháp “giấu bụi dưới thảm”?
Trong một bài trả lời báo chí sau khi định nghĩa này được đưa vào Luật, TS Lê Đăng Doanh cho rằng đây là động thái “làm giảm trên danh nghĩa và pháp lý số DNNN”. Theo ông, về mặt pháp lý, sự quản lý trực tiếp của các Bộ, ngành sẽ chỉ tập trung vào số DNNN này, Quốc hội cũng chỉ thanh tra, giám sát sự quản lý đối với DNNN này. Tuy vậy, thực tế thời gian qua, sự quản lý đối với DNNN đã được CPH vẫn còn rất chi tiết, nặng nề và ít thay đổi so với trước khi CPH…
Theo Tổng Thư ký VAFI Nguyễn Hoàng Hải, nếu theo khái niệm về DNNN như các nước (tiêu chí về cổ phần NN về công khai, minh bạch, về số lượng DNNN) thì Việt Nam vẫn còn hàng ngàn DNNN, trong đó trên 50% DNNN CPH vẫn còn ở tình trạng là DNNN và phải cần tiếp tục một tiến trình bán hết CP của NN. “Với tiến độ hiện nay và nếu không có giải pháp mạnh thì có lẽ sau 50 năm nữa tiến trình CPH theo thông lệ thế giới mới kết thúc…”- ông Hải nhận định.
“Theo tôi nên đẩy nhanh tiến trình CPH ở tất cả các DN hay lĩnh vực mà NN không cần phải nắm giữ theo cách là bán toàn bộ phần vốn của NN hoặc nếu cần NN chỉ sở hữu một phần rất nhỏ theo kiểu đầu tư thụ động với đầu mối quản lý là SCIC. Khi đó DN này sẽ được giao một chỉ tiêu về hiệu quả rõ ràng. Chẳng hạn suất sinh lợi hàng năm bằng với tăng GDP danh nghĩa…”- ông Huỳnh Thế Du đề nghị.
Theo Thanh Thanh
Pháp Luật Việt Nam