* Đại biểu Nguyễn Bắc Son (Hà Nội), Bộ trưởng Thông tin - Truyền thông: Nhà báo cần nhìn lại mình để hạn chế những khiếm khuyết
Chúng ta sắp tiến tới kỷ niệm 90 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam. Đây là niềm tự hào của các nhà báo. Mỗi dịp đến ngày 21-6, đặc biệt là tiến tới kỷ niệm 90 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, chúng ta tự hào về truyền thống vẻ vang của nền báo chí Cách mạng nước nhà đã đồng hành cùng dân tộc, cùng sự nghiệp xây dựng phát triển của đất nước trong suốt cả thời kỳ vừa qua dưới sự lãnh đạo của Đảng. Chúng ta đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng bảo vệ Tổ quốc, và đặc biệt, hiện nay đã và đang đóng góp rất xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ hội nhập quốc tế hiện nay.
Như vậy, có thể nói, tất cả những thành tựu của đất nước ta trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, xây dựng phát triển đất nước, xây dựng con người mới đều có vai trò của báo chí. Ngày nay, không thể hình dung được nếu một ngày không tiếp cận với thông tin của báo chí. Đặc biệt những cán bộ, người làm công tác lãnh đạo, người làm công tác xã hội, doanh nghiệp, người dân, hoạt động báo chí không thể thiếu được trong đời sống xã hội hiện nay. Điều đó khẳng định vai trò của báo chí.
Chúng ta có quyền tự hào là báo chí cách mạng đóng góp lớn như vậy, nhiều như vậy. Bên cạnh những tự hào đó, chúng ta thấy có trách nhiệm nhiều hơn nữa để phát huy truyền thống này, trong hiện tại và tương lai đóng góp nhiều hơn cho đất nước.
Bản thân mỗi tờ báo, mỗi người làm báo, tất cả các nhà báo phải nhìn lại mình để gạt bỏ những hạn chế, khiếm khuyết trong thời gian vừa qua, để phấn khởi với những thành tựu, đón chờ sự ngưỡng mộ của nhân dân trong ngày thành lập báo chí này. Chúng ta thấy phải phấn đấu tốt hơn nữa để phát huy sức mạnh và trách nhiệm của mình để đóng góp cho nền báo chí Cách mạng nước nhà ngày càng phát triển
* Đại biểu Lê Như Tiến (Quảng Trị), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội: Báo chí nên tham gia sâu rộng hơn đến quá trình làm luật
Báo chí theo dõi Quốc hội còn ít tham gia vào hoạt động của Hội đồng Dân tộc, các ủy ban. Không trách báo chí vì họ không biết chương trình hoạt động để tham gia. Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội chính là “công xưởng” các hoạt động của Quốc hội. Nơi đó là xuất phát điểm đầu tiên, cũng như là điểm cuối của các văn bản. Báo chí nên tham gia vào đó.
Hội đồng Dân tộc, các ủy ban, các cơ quan như Văn phòng Quốc hội đầu mối nên tạo điều kiện thông tin cho báo chí. Thí dụ, một phiên thẩm tra, một hội nghị, hội thảo về công tác báo chí, hội nghị sửa luật về công tác báo chí. Hơn ai hết, các nhà báo phải tham gia bình luận, có quan điểm của mình. Hoặc tiểu ban về thuế của Ủy ban Tài chính - Ngân sách, khi tham gia vào một luật thuế nào đó, đặc biệt là thuế liên quan đến báo chí, thông tin truyền thông. Các nhà báo nên nắm được, phản ảnh để mình đóng góp vào dự thảo luật sao cho tốt. Bây giờ, rất nhiều dự án luật khi đưa ra thì đã trở thành luật rồi sẽ buộc phải thi hành. Sẽ tốt hơn nếu các nhà báo đóng vai trò phản ánh thông tin tới dư luận về hoạt đông xây dựng dự thảo các dự án luật. Hoặc giúp cho các đại biểu Quốc hội, khi quyết định bấm nút thông qua dự thảo luật, thông qua kênh thông tin đại chúng, họ sẽ thấy mình phải suy nghĩ, lựa chọn kỹ càng hơn để phù hợp với tình hình của đất nước, cũng là phù hợp với nguyện vọng của nhân dân.
|
|
|
|
* Đại biểu Vũ Tiến Lộc (Thái Bình), Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam: Báo chí cứu doanh nghiệp, nhưng cũng có thể đẩy doanh nghiệp “xuống mồ”
Báo chí là kênh cung cấp thông tin rất nhanh nhạy cho doanh nghiệp và các hội nông dân. Có câu chuyện của một người trồng cà-phê ở Tây Nguyên, hằng sáng anh vào mạng tiếp cận thông tin về giá cà-phê, trên cơ sở đó, nếu có giao dịch với doanh nghiệp, anh dựa vào giá được công bố trên mạng giao dịch đó để đàm phán. Người nông dân ngồi giữa Tây Nguyên có thể tiếp cận và nắm được công nghệ, thông tin báo chí, qua đó có vị thế bình đẳng hơn trong đối thoại với doanh nghiệp và các đối tác để bán sản phẩm của mình. Báo chí, đặc biệt, internet, đã xóa bỏ mọi rào cản để người nông dân có thể tiếp cận với thị trường thế giới.
Các doanh nghiệp lớn cũng vậy, thông tin qua báo chí rất quan trọng. Bắt đầu ngày làm việc của mình, bữa sáng của các nhà kinh doanh không chỉ là món ăn mà bắt đầu bằng kênh liên lạc thông tin qua các kênh báo chí phù hợp, mỗi người đều có một lựa chọn riêng để tiếp cận thông tin cho một ngày kinh doanh.
Qua báo chí, người dân và doanh nghiệp có thể góp phần xây dựng cơ chế chính sách, xây dựng luật. Mỗi lần Quốc hội chuẩn bị thảo luận các dự án luật, qua báo chí, doanh nghiệp và người dân có thể tham gia góp tiếng nói của họ.
Về định hướng phát triển, trong bối cảnh hội nhập, với nông nghiệp vấn đề trồng cây gì - nuôi con gì vẫn là vấn đề khắc khoải với nông dân. Báo chí cũng giúp cung cấp thông tin trong và ngoài nước, thông tin nhiều chiều, đặc biệt là thông tin chính thức từ các cơ quan nhà nước, để định hướng cho nông dân.
Có hai mặt tác động của báo chí với doanh nghiệp. Báo chí góp phần xây dựng những điển hình tốt, mô hình tốt. Báo chí là nơi có thể đưa lên thông tin về những điển hình tốt trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Báo chí là kênh quảng bá hình ảnh doanh nghiệp, góp phần đưa sản phẩm dịch vụ của doanh nghiệp tới người tiêu dùng, thị trường trong và ngoài nước.
Cũng có lúc quan hệ cơm không lành canh không ngọt, trong làng báo có nhưng con sâu bỏ rầu nồi canh, nhưng những hiện tượng ấy ít. Song, có nhiều trường hợp báo chí vô tình làm ảnh hưởng tới doanh nghiệp, thậm chí có thể giết chết một doanh nghiệp. Tôi nghĩ, doanh nghiệp Việt Nam hiện rất khó khăn, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), có đến 66-67% doanh nghiệp tư nhân không có lãi. Nhiều doanh nghiệp đứng giữa ranh giới tồn tại hay không tồn tại. Trong bối cảnh hội nhập, các doanh nghiệp lớn, tập đoàn xuyên quốc gia của các nước có thể chịu được. Vì hội nhập chính là cuộc chơi của họ, khiến họ càng mạnh lên. Nhưng khối SME sẽ là chịu thiệt thòi lớn nhất. Trong những lúc như vậy, một nhà báo, một cơ quan báo chí có thể chìa tay cứu doanh nghiệp, nhưng cũng có thể đẩy doanh nghiệp “xuống mồ”. Đó là lúc báo chí đưa tin không khéo, chưa nắm đầy đủ thông tin.
Tôi nghĩ điều quan trọng ở đây là việc bảo đảm cung cấp thông tin cho báo chí của doanh nghiệp. Tất nhiên, báo chí cần chuyên nghiệp hơn, cần có định hướng rõ ràng hơn trong phục vụ người dân, doanh nghiệp. Thông tin của báo chí cần chắt lọc hơn, có trách nhiệm hơn. Nhưng doanh nghiệp cũng cần cởi mở hơn với báo chí trong cung cấp thông tin cho báo chí.
Hội Nhà báo các cấp cũng cần nâng cao kỹ năng cho các nhà báo để làm việc cho doanh nghiệp. Bản thân doanh nghiệp cũng phải học cách làm việc với báo chí, sử dụng báo chí như một công cụ nâng cao năng lực của mình. Với tinh thần như vậy, Hội Nhà báo Việt Nam và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã ký kết thỏa thuận hợp tác giữa hai bên. Trên cơ sở thỏa thuận hợp tác giữa Hội Nhà báo và VCCI, Chi hội nhà báo tỉnh, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh thường xuyên gặp gỡ, chia sẻ hợp tác, kết nối thông tin với nhau.
Ngoài hội thảo, hội nghị có một số buổi gặp gỡ không chính thức. Ở một số địa phương có chương trình Cà-phê doanh nhân tổ chức hằng tháng, định kỳ, chủ động mời báo chí.
(Theo Báo Nhân dân)