Nhiều ngân hàng thương mại đồng loạt tăng lãi suất huy động có thể tạo làn sóng đẩy lãi suất cho vay lên cao, khi đó nỗ lực kéo giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ sẽ không hiệu quả.
Hàng loạt ngân hàng (NH) thương mại đã tăng lãi suất huy động các kỳ hạn thêm khoảng 0,2%-0,5%/năm. Theo các NH, huy động vốn từ đầu năm có dấu hiệu chững lại trong khi tăng trưởng tín dụng tốt buộc NH phải đẩy lãi suất nhằm thu hút tiền gửi từ người dân.
Lãi suất đảo chiều
Tại NH Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1-2 tháng là 4,5%/năm, kỳ hạn 3 tháng là 5%/năm và kỳ hạn 12 tháng ở mức 6,5%/năm, tăng từ 0,2%-0,5%/năm so với trước đây. NH TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) cũng điều chỉnh tăng lãi suất các kỳ hạn ngắn thêm 0,5%/năm. Lãi suất huy động thấp nhất thị trường kỳ hạn 1 tháng là 4%/năm thuộc về NH TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), NH Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank).
Hàng loạt ngân hàng thương mại đã tăng lãi suất huy động các kỳ hạn thêm 0,2%-0,5%/năm. Ảnh: TẤN THẠNH
Nhiều NH cổ phần cũng điều chỉnh tăng lãi suất huy động. Tại NH Phát triển TP HCM (HDBank), lãi suất kỳ hạn 1 tháng tăng từ 4,7%/năm lên 5%/năm, các kỳ hạn từ 6-11 tháng tăng lên 5,7%/năm và tăng mạnh nhất là kỳ hạn 12 tháng, từ 6,5%/năm lên 7%/năm. NH TMCP Đông Á cũng điều chỉnh lãi suất ở hầu hết các kỳ hạn, trong đó tăng mạnh nhất là kỳ hạn 9 tháng, từ 5,6%/năm lên 6%/năm.
Tại NH Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), lãi suất tiền gửi tăng ở nhiều kỳ hạn, trong đó tăng cao nhất là kỳ hạn 12 tháng, từ 5,8%/năm lên 6,2%/năm. Hiện mức lãi suất huy động kỳ hạn 12-13 tháng cao nhất thị trường là 7,3%/năm áp dụng tại NH Xây dựng và NH Dầu khí Toàn cầu… Đây là tín hiệu đảo chiều sau nhiều tháng lãi suất huy động xuống mức kỷ lục.
Phó Tổng Giám đốc NH TMCP Phương Đông (OCB), ông Trương Đình Long, cho rằng tín dụng tăng trưởng tốt trong khi huy động tăng chậm là nguyên nhân các NH điều chỉnh lãi suất. Điểm đáng lưu ý lần này là sự vào cuộc của một số NH thương mại nhà nước vốn có mức lãi suất tiền gửi rất thấp. “Tâm lý người gửi tiền không chọn NH theo độ an toàn mà chỉ cần nơi nào có lãi suất cao hơn, nhất là các kỳ hạn ngắn 1-3 tháng nên việc tăng lãi suất của NH quốc doanh để cạnh tranh và kéo người gửi tiền là dễ hiểu” - ông Long nói.
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NH Nhà nước Chi nhánh TP HCM, cho biết dù lãi suất huy động có tăng nhưng các kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng vẫn từ 4,7%-5,3%/năm (trước đây từ 4,5%-5%/năm), thấp hơn trần cho phép của NH Nhà nước là 5,5%/năm. Nhiều NH có điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi các kỳ hạn từ 6 tháng đến 1 năm và từ 1-3 năm nhằm cân đối lại nguồn vốn khi lãi suất cho vay trung dài hạn những tháng gần đây tăng mạnh, chiếm 54% tổng dư nợ cho vay. “Diễn biến mới này cho thấy sự phục hồi sản xuất của doanh nghiệp (DN) sau nhiều năm bị đình trệ, DN chủ yếu vay vốn lưu động” - ông Minh nói thêm.
Mất cơ hội giảm lãi vay?
“Lãi suất huy động tăng dễ kéo lãi suất cho vay tăng theo bởi hiếm NH nào chấp nhận phần thiệt khi chi phí huy động vốn tăng” - lãnh đạo một NH nói. Một số NH khác thì cho rằng lãi suất cho vay không bị ảnh hưởng lớn bởi chỉ tăng ở các kỳ hạn ngắn, trong khi nhiều DN lo lắng sẽ thêm gánh nặng lãi vay. Trên thực tế, phần lớn DN nhỏ và vừa trong nước sử dụng đòn bẩy tài chính (vay nợ NH) rất cao nên lãi suất cho vay dù chỉ biến động thêm 0,5%-1%/năm cũng gây áp lực không nhỏ.
“Một giọt nước rơi vào ly đang vơi thì không sao nhưng rơi vào ly đầy sẽ tràn. Lãi suất cũng vậy, khi thị trường khởi sắc, sức cầu mạnh, lãi suất từ 12%-15%/năm với các DN là bình thường. Nay thị trường bị cạnh tranh gay gắt, đầu ra khó khăn, lãi suất 9%-10%/năm cũng là gánh nặng, nhất là với những DN có tỉ lệ nợ vay lớn” - ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright, phân tích.
Tăng lãi suất đang đi ngược mong muốn của cộng đồng DN và phục hồi nền kinh tế của Chính phủ. Ngay từ đầu năm, NH Nhà nước cho biết trong năm nay sẽ cố gắng giảm lãi suất cho vay dài hạn thêm 1%-1,5%/năm để hỗ trợ DN nhưng thực tế lại khác. “Từ đầu tháng 5 đến nay, NH Nhà nước đã hút ròng trên thị trường mở (OMO - thông qua phát hành trái phiếu) hơn 50.000 tỉ đồng. Nhiều NH thương mại bị hụt thanh khoản phải vay trên thị trường liên NH. NH Nhà nước thắt chặt tiền tệ buộc một số NH thương mại phải tăng lãi suất tiền gửi” - ông Tuấn dẫn chứng.
Theo các chuyên gia, lãi suất cho vay hiện ở mức thấp trong nhiều năm qua nhưng cần so sánh với lạm phát và tính chi phí vốn thực mà DN đang phải gánh. NH thường điều chỉnh lãi suất theo thị trường 3-6 tháng/lần. Khi đó, các khoản vay của DN và khách hàng cá nhân rơi đúng kỳ hạn điều chỉnh sẽ phải tăng theo.
Cần ổn định
Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, các DN kiến nghị nhiều nhất về lãi suất là cần ổn định trong trung - dài hạn hoặc suốt vòng đời của dự án. Hiện lãi vay dài hạn chỉ cố định năm đầu tiên, các năm sau thường thả nổi theo thị trường nên DN không mặn mà vay để đầu tư lâu dài. “Mong muốn của DN là đúng nhưng rất khó vì lãi suất còn phụ thuộc vào biến động lạm phát và tình hình kinh tế vĩ mô” - ông Minh nói.
|
Theo Thái Phương
NLĐ