Du nhập vào thị trường Việt Nam chỉ hơn 10 năm nhưng thực phẩm chức năng đang chiếm lĩnh thị trường và phát triển một cách chóng mặt. Tuy nhiên, những sản phẩm chức năng có thực sự là “thần dược” như quảng cáo hay không đang là thách thức đối với người tiêu dùng.
Theo tổng hợp từ Sở Y tế, hiện toàn tỉnh có hơn 1.400 cửa hàng, ki-ốt bán thuốc và dược liệu. Và theo thống kê, hầu hết các điểm trên đều có bán thực phẩm chức năng. Đối với Thành phố Vinh, ngoài 340 quầy thuốc có tiêu thụ mặt hàng trên thì còn có rất nhiều các điểm bán lẻ và các quầy mỹ phẩm sẵn sàng cung cấp cho các “thượng đế” đủ các chủng loại thực phẩm chức năng dán mác “hàng xách tay chất lượng cao”. Đề cập đến vấn đề này, ông Lê Hồng Lĩnh, Trưởng phòng Quản lý hành nghề y dược, Sở Y tế cho biết: “Thực phẩm chức năng dùng hỗ trợ cho cơ thể tạo nên tình trạng thoải mái và giảm bớt nguy cơ mắc bệnh. Tuy nhiên, nhiều người tiêu dùng vẫn chưa hiểu đúng về thực phẩm chức năng, đồng thời một số doanh nghiệp vì nhiều lý do đã quảng cáo thực phẩm như “thần dược” có thể chữa bệnh hiệu quả gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng”.
Tại một cửa hàng Mỹ phẩm Hàn Quốc trên đường Nguyễn Văn Cừ, các sản phẩm bày bán đều được quảng cáo là hàng “xịn”, được xách tay từ xứ sở Kim Chi về tiêu thụ. Sau khi tư vấn cho khách hàng về các dòng mỹ phẩm, nhân viên ở đây còn nhiệt tình tư vấn: “Nếu muốn đẹp toàn diện thì cần bổ sung dưỡng chất đầy đủ từ bên trong”. Khách hàng còn được giới thiệu hai mặt hàng đang “hot” là viên nén sữa dê và nghệ sữa ong chúa. Theo lời quảng cáo thì đây được xem là sản phẩm làm trắng sáng và chữa bệnh tàn nhang nhanh và hiệu quả. Mức giá được đưa ra là 1,1 triệu đồng/100 viên nang nghệ sữa ong chúa và 680 nghìn đồng/120 viên nén sữa dê. Trước băn khoăn của chúng tôi về chất lượng sản phẩm, khách hàng được trấn an rằng đây là mặt hàng được đích thân chủ cửa hàng “xách tay” từ Hàn Quốc mang về nên cứ yên tâm sử dụng.
Tìm đến một quầy bán thuốc đối diện với chợ Hưng Dũng, tại đây, ngoài thuốc chữa bệnh còn có khá nhiều các loại thực phẩm chức năng được bày bán. Sản phẩm ở đây chủ yếu có tác dụng hỗ trợ điều trị bệnh và bồi bổ sức khỏe. Các mặt hàng đa dạng về chủng loại và mức giá cũng chênh lệch nhau khá lớn, từ 300 – 500 nghìn đồng đối với hàng bình dân và lên tới hơn 4 triệu đồng đối với hàng cao cấp hoặc hỗ trợ điều trị các bệnh như tai biến, tim mạch. Nguồn gốc các sản phẩm chủ yếu được nhập về từ Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc… Theo chia sẻ của chủ quầy thuốc thì khách hàng thường thích những sản phẩm được sản xuất từ nước ngoài hơn là nội địa, cho dù giá của chúng có đắt hơn từ 1,5 đến 2 lần với cùng một loại.
Thị trường thực phẩm chức năng đa dạng và phong phú là vậy, nhưng liệu người tiêu dùng có thể tin tưởng những sản phẩm mình mua về là xứng đáng với số tiền lớn mình bỏ ra? Trước thắc mắc trên, ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Chi cục Quản lý thị trường chia sẻ: “Thực phẩm chức năng hiện nay "thật giả lẫn lộn" rất khó lường. Trong năm 2014, Chi cục đã phát hiện và xử lý 4 vụ nhập lậu mặt hàng này, tịch thu 190 lọ và 100 hộp thực phẩm chức năng không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Còn trong 6 tháng đầu năm nay đã xử lý 5 vụ kinh doanh thuốc tân dược trái quy định và 1 vụ nhập lậu vô chủ với 24 lọ Collagen AFC 1.200mg, 50 lọ viên uống giảm cân Best slim. Tổng trị giá hàng vi phạm hơn 56 triệu đồng”.
Việc nhập lậu các mặt hàng này càng ngày càng có nhiều thủ đoạn tinh vi. Nhiều trường hợp giấu hàng trong xe tải hoặc xe khách và ngụy trang cẩn thận. Ngoài dạng viên hay trà đóng gói, các đối tượng còn vận chuyển các chất dung dịch được pha chế từ các thành phần không rõ ràng với số lượng lớn. Tháng 1/2015, lực lượng QLTT đã phát hiện đối tượng trú tại TP. Đà Nẵng và Quảng Trị vận chuyển 3 bịch chứa 30 lít dung dịch Cellpack và 20kg Vitamin đóng trong bao thiếc và nhiều hộp thuốc chức năng như Omega3... Những mặt hàng này đều không rõ nguồn gốc xuất xứ nhưng khi vào được thị trường nội địa, ngay lập tức được "hô biến" thành hàng Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc... với những lời giới thiệu về công dụng bằng tiếng Việt rất hấp dẫn.
Không chỉ bày bán tại các điểm bán lẻ, nhiều sản phẩm chức năng được bán thông qua hình thức hội thảo, bán hàng đa cấp. Theo số liệu từ Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có 30 đơn vị đăng ký tổ chức hội thảo, hội nghị giới thiệu thực phẩm với gần 150 sản phẩm các loại. Tại đây, sau khi giới thiệu sản phẩm, nhân viên tham gia hội thảo sẽ bán trực tiếp cho khách hàng với nhiều hình thức khuyến mãi như giảm giá hoặc tặng kèm quà. Nếu đúng theo quy định thì khi quảng cáo các sản phẩm thực phẩm chức năng cần phải truyền tải thông tin “Sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh” đến khách hàng, nhưng trên thực tế, hầu như khách hàng đều không được khuyến cáo điều đó. Ngược lại, công dụng của thực phẩm chức năng còn được thổi phồng khiến người tiêu dùng hiểu nhầm.
Sự việc gần đây nhất là khi Công ty Phát triển khoa học và công nghệ Toàn Cầu lợi dụng hội thảo tổ chức bán hàng trái phép tại xã Đồng Văn (Thanh Chương). Công ty này đã quảng cáo và bán thực phẩm chức năng khi chưa có sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền khiến nhiều người dân bị lừa đảo. Qua tìm hiểu được biết, nhiều công ty đăng ký hội thảo, hội nghị giới thiệu mặt hàng thực phẩm chức năng tại Sở Công Thương nhưng không đăng ký tại Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm. Và các doanh nghiệp này vẫn lén lút tổ chức đến tận địa bàn các thôn xóm, phường, xã nên việc giám sát gặp rất nhiều khó khăn.
Do vậy, trước “ma trận” sản phẩm chức năng đang được bày bán, người tiêu dùng nên sử dụng những sản phẩm thực phẩm được Cục An toàn thực phẩm cấp Chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm và được xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm.
THANH QUỲNH