Nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao năng suất, sản lượng và đẩy mạnh quá trình phát triển kinh tế. Những năm gần đây, thành phố Vinh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, qua đó, hình thành nhiều mô hình liên kết đem lại hiệu quả kinh tế cao, từng bước thay đổi diện mạo của ngành nông nghiệp thành phố.
Đây là năm thứ 2 xã Nghi Ân được công ty Á Châu hỗ trợ trồng cây ớt cay Chỉ Thiên. Trong quá trình thực hiện mô hình bà con nông dân được công ty Á Châu hỗ trợ giống, phân bón, kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm. Sau hơn 2 tháng trồng chăm sóc, đến nay, gần 1 ha diện tích cây ớt cay Chỉ thiên ở xã Nghi Ân đã cho thu hoạch. Năng suất đạt từ 8 tạ - 1 tấn/sào, với giá bán 20 nghìn đồng/kg. Sau trừ chi phí mỗi sào ớt cho thu lãi 10-12 triệu đồng. Trồng cây ớt cay Chỉ thiên cho lợi nhuận cao gấp 2-3 lần so với cây trồng khác, đây là hướng phát triển kinh tế hàng hóa mang lại hiệu quả cao cho người nông dân.
Bà Phạm Thị Hương – xóm 8 xã Nghi Ân TP Vinh trao đổi:
“Chúng tôi được công ty hỗ trợ trồng cây ớt, năng suất hơn hẳn trồng rau màu khác. Mong muốn công ty tiếp tục liên kết để bà con sản xuất rau nhiều hơn.”
Năm 2014, UBND TP phối hợp với công ty cổ phần thương mại và sản xuất tinh dầu thiên nhiên ATC thực hiện mô hình trồng Nấm ở xóm Mỹ Hạ xã Hưng Lộc. Gồm Nấm Linh Chi, Nấm Bào Ngư, Nấm mộc nhĩ. Các hộ nông dân được công ty cung cấp giống, hướng dẫn kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm, UBND TP hỗ trợ 50% kinh phí. Đến nay, qua 1 năm triển khai công ty đã nhân rộng mô hình với 5 hộ tham gia.
Ông Nguyễn Hữu Sơn phó chủ tịch UBND xã Hưng Lộc cho biết:
“Đây là mô hình gắn kết nhà nông với doanh nghiệp, nhằm mục tiêu từ chỗ sản xuất manh mún sang sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa. Doanh nghiệp được chúng tôi tạo mặt bằng để sản xuất, nông dân được lợi nhuận từ sản phẩm. Chúng tôi sẽ khuyến khích nông dân tham gia mô hình nhiều hơn”
Những năm gần đây, để ngành nông nghiệp thành phố phát triển theo hướng hàng hóa và bền vững, thành phố Vinh đã có nhiều cơ chế chính sách thu hút các doanh nghiệp đầu tư. Các mô hình Nấm ở Hưng Lộc, Mô hình rau xanh ở Nghi Kim, Nghi Liên, Nghi Ân, mô hình trồng cây ớt cay ở Nghi Ân và trồng cây Bí đỏ Nhật Bản ở xã Hưng Chính đã đem lại hiệu quả kinh tế cao. Khi thực hiện mô hình, được doanh nghiệp hỗ trợ vốn đầu tư, hướng dẫn kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm, giúp các hộ dân sản xuất. Chính sự liên kết giữa nhà nông và doanh nghiệp đã hạn chế được rủi ro trong quá trình sản xuất. Đây là mô hình hợp tác cùng phát triển, có lợi cho cả doanh nghiệp và người nông dân, là một hướng đi đúng đắn trong giai đoạn kinh tế hội nhập hiện nay.
Anh Phạm Anh Ngọc – cán bộ kỹ thuật công ty Á Châu chia sẻ:
“Chúng tôi đã hỗ trợ bà con nông dân về mọi mặt để tạo điều kiện phát triển kinh tế để người dân tin tưởng vào doanh nghiệp. Đối với nông dân bà con chịu khó áp dụng KHKT vào cây trồng. Trong những năm tiếp theo công ty chúng tôi tiếp tục nhân rộng mô hình trên địa bàn TP.”
Thời gian tới, UBND TP cần tiếp tục kêu gọi các doanh nghiệp khác đầu tư vào ngành nông nghiệp thành phố. Liên kết phối hợp giữa nhà nông và doanh nghiệp để xây dựng các mô hình mới theo hướng hàng hóa sẽ giúp nông dân chuyển đổi ngành nghề với hướng đi phù hợp trong quá trình đô thị hóa. Đồng thời, tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập, đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp cho người nông dân.
Hoàng Loan