Bao nhiêu năm chờ đợi, để rồi mẹ tìm được con trong hình hài này (ảnh gia đình cung cấp).
92 tuổi, mẹ VNAH Lê Thị Xân (trú phường Hà Huy Tập, Tp Vinh, Nghệ An) không còn giữ được minh mẫn như trước. Mọi việc nhớ nhớ quên quên, nhất là khi người chồng ra đi sau 13 năm tai biến phải nằm một chỗ. Mẹ ở với người con trai út, thỉnh thoảng, những người con khác lại đón mẹ về chơi, chăm sóc. Ký ức chắp nối, rời rạc nhưng nhắc đến 3 người con trai tòng quân diệt Mỹ, mẹ vẫn rưng rưng nước mắt nhớ thương.
Mẹ sinh 7 người con, 5 trai, 2 gái. Năm 1964, chỉ ít ngày sau khi Mỹ ném bom bắn phá miền Bắc, người con trai cả Đặng Thọ Pháp (SN 1943) khi đó đang là giáo viên dạy Nga Văn ở trường cấp 2 khoác ba lô lên đường. 1 năm sau, người con trai thứ 2 Đặng Thọ Lộc (SN 1946) nối tiếp bước anh. Năm 1967, người con trai thứ 3 Đặng Thọ Trung (SN 1949) cũng xung phong lên đường đánh Mỹ.
1 năm sau, mẹ nhận được giấy báo từ của anh Pháp. Nỗi đau chưa kịp lắng xuống thì người con thứ 2 mãi mãi nằm lại ở chiến trường Quảng Trị. Mẹ khóc hết nước mắt vì thương con nhưng vẫn cố gắng rắn rỏi để động viên người con trai thứ 3 hoàn thành nhiệm vụ. Đất nước hòa bình, mẹ cứ nghĩ anh sẽ về nhưng ngờ đâu biên giới Tây Nam dậy sóng. Anh nằm xuống ở mảnh đất gần tận cùng của đất nước.
Mẹ Thi đang kể chuyện về hai người con liệt sỹ cho PV
Thương con, mẹ quyết tìm để đưa về sum họp với gia đình. Sau nhiều năm lặn lội, mẹ tìm thấy anh Lộc ở Vĩnh Linh (Quảng Trị), anh Trung yên nghỉ ở núi Bà Đen (Tây Ninh) nhưng anh Thọ nằm đâu mẹ chưa tìm thấy. Giờ phút lâm chung, chồng mẹ nắm lấy bàn tay nhăn nheo của vợ, của những đứa con mà trăn trối “cố tìm thằng Pháp…”. Ông đi, mang theo cả nỗi đau canh cánh trong lòng về người con trai cả ra đi vì nghĩa lớn.
Ròng rã nhiều năm, có sức là mẹ cứ đi, hết nghĩa trang này đến cánh rừng khác mà con mẹ vẫn không thấy đâu. Mẹ không còn nước mắt để khóc. Giờ mẹ cũng chẳng còn sức để đi, đành giao phó lại cho con, cháu. Mấy chục năm nhà có “kỵ”, mẹ cũng không thể đưa anh Lộc, anh Trung về nhà. “Ừ, thôi, hắn ở trong đó, có anh, có em, có đồng đội…”, mẹ bảo thế. Nhưng rồi, có khi mẹ lại nhìn trân trân ra cửa rồi cất giọng yếu ớt, bảo “thằng Hùng đi kêu anh bây về ăn cơm. Ờ, quân nớ đi mô mà mãi chưa về”. Mẹ mang xấp ảnh cũ ra xem, bàn tay nhăn nheo lần trên từng bức ảnh đã nhòe mờ để tìm các con….
Hơn nửa thế kỷ trôi qua, mẹ vẫn đợi con về
Rời nhà mẹ Xân, chúng tôi đến thăm mẹ VNAH Phạm Thị Thi. Mẹ quê Nam Định, về làm dâu xứ Nghệ. Chồng mẹ là tự vệ thành phố Vinh, liên miên ở ngoài trận địa. Mẹ một tay quán xuyến nuôi 8 đứa con. Năm 1968, ông hi sinh, mẹ tưởng mình không còn đứng vững nhưng rồi tự mình đứng dậy, nuôi con thay chồng. 1 năm sau cái chết của chồng, mẹ tiễn người con trai Hồ Văn Lập lên đường ra trận. Năm ấy, anh vừa tròn 18 tuổi.
“Thằng Lập nhỏ con nhưng nhanh nhẹn lắm. Đi bộ đội, đơn vị phát lương hắn dành hết gửi về cho mẹ nuôi các em. Năm 1972 mẹ nhận được giấy báo tử. Hắn hi sinh ở ngã ba Dầu Giây, xa lắm phải không con? Mẹ già rồi, mẹ muốn vào đó đưa hắn về mà cái chân không đi được”, mẹ đưa bàn tay xương xẩu, run run lên khuôn mặt đã chằng chịt vết hằn của thời gian, của khổ đau, của vất vả đời người.
Hãy yên lòng mẹ ơi, các con của mẹ dẫu chưa về nhưng luôn ấm lòng bởi tình cảm tri ân của bao thế hệ.
Năm 1972, con trai thứ hai của mẹ là anh Hồ Văn Xuân (SN 1953) lên đường nhập ngũ đền nợ nước, trả thù nhà. 1 năm sau, anh nằm xuống trong một trận chiến ở Hòn Đất (Kiên Giang). Sau nhiều năm, mẹ đã tìm được nơi anh nghỉ. “Có bữa mẹ nằm mơ, thấy thằng Lập bảo “mẹ đừng đưa con về, để con ở đây với anh em. Tên thằng Lập cũng được khắc trên nhà bia tưởng niệm ở Bà Rịa Vũng Tàu”, đôi mắt mẹ như phủ một lớp khói sương.
Tháng Bảy về, các con cháu, các thế hệ quân nhân lại quây quần bên mẹ, sớt chia cùng mẹ nỗi đau đã ngót nửa thế kỷ. Mẹ cười móm mém, hiền từ dẫu các con của mẹ vẫn đang nằm lại ở phương xa. Mẹ bảo, phải gắng sống, để đợi con về….