Bộ GTVT vừa kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ xóa bỏ 2 trạm thu phí Đèo Ngang và Nam Hải Vân đồng thời dịch chuyển vị trí 4 trạm thu phí khác nhằm đảm bảo khoảng cách giữa các trạm.
Hiện nay, trên các tuyến Quốc lộ có 86 trạm đang và sẽ thu phí khi các dự án hoàn thành đưa vào khai thác. Trong đó, 72 trạm do Bộ GTVT quản lý, còn lại 14 trạm do UBND các tỉnh ký hợp đồng với nhà đầu tư.
Giữ nguyên hiện trạng 80/86 trạm thu phí
Về khoảng cách các trạm thu phí, Vụ trưởng Vụ Tài chính (Bộ GTVT) Đỗ Văn Quốc cho biết, trong tổng số 86 trạm thu phí BOT trên hệ thống quốc lộ, có 53 trạm có khoảng cách đến trạm liền kề trên 70km, 9 trạm có khoảng cách 60-70km và 24 trạm có khoảng cách dưới 60km.
Bộ GTVT đề xuất giữ nguyên trạng 53 trạm thu phí có khoảng cách đến trạm liền kề trên 70km và 9 trạm có khoảng cách giữa các trạm từ 60-70km.
Đối với 18 trạm thu phí có khoảng cách giữa các trạm dưới 60km sau khi rà soát, Bộ GTVT cũng kiến nghị tiếp tục giữ nguyên trạng nhằm tránh các khu đông dân cư, khu đô thị… do trạm đã nằm trong phạm vi dự án và đã được UBND các tỉnh, Bộ GTVT và Bộ Tài chính thống nhất.
“4 trạm thu phí hoàn vốn cho công trình đặc thù cầu lớn, hầm đường bộ không thể di chuyển gồm trạm Bắc Hải Vân (thu phí hầm Phước Tượng), trạm thu phí cầu Đồng Nai, trạm cầu Cổ Chiên và trạm cầu Việt Trì mới; 3 trạm do ảnh hưởng bởi phạm vi khu đô thị gồm trạm Tiên Cựu của dự án Quốc lộ 10 Quán Toan-Cầu Nghìn, trạm thu phí Km150+200 hoàn vốn cho dự án Quốc lộ 18 đoạn Hạ Long-Mông Dương, trạm Km56+450 trên Quốc lộ 51… nên không thể di chuyển”, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết.
Xoá bỏ 2 trạm, dịch chuyển 4 trạm
Hai trạm thu phí được Bộ GTVT đề xuất Thủ tướng Chính phủ xóa bỏ là trạm Đèo Ngang tại Km590 Quốc lộ 1 (Hà Tĩnh) và trạm thu phí Nam Hải Vân.
“Do 2 dự án BOT hầm Đèo Ngang và tuyến tránh Hà Tĩnh cùng một nhà đầu tư và thời gian thu phí tại trạm Đèo Ngang không còn dài nên Bộ GTVT đang đàm phán với nhà đầu tư xoá bỏ trạm này theo phương án kéo dài thời gian thu phí tại trạm Cầu Rác để hoàn vốn phần còn lại cho dự án BOT hầm Đèo Ngang”, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho biết.
Tương tự, trạm thu phí Nam Hải Vân được quyết định đầu tư năm 2007 sẽ được xóa bỏ đầu năm 2016, dùng trạm thu phí Hòa Phước để hoàn vốn cho cả 2 dự án BOT Hòa Cầm-Vĩnh Điện và dự án BOT đoạn Km947-Km987 (Quốc lộ 1) do cùng một nhà đầu tư.
Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cũng thông tin, việc xoá bỏ 2 trạm thu phí này Bộ GTVT đã thoả thuận với nhà đầu tư và được chấp thuận. Tuy nhiên, khi xoá trạm này nhập vào trạm kia thì phải kéo dài thêm thời gian thu phí, đồng nghĩa với việc nhà đầu tư phải kéo dài thêm thời gian trả nợ ngân hàng nhưng nhà đầu tư vẫn chấp nhận để đảm bảo khoảng cách tối thiểu.
“Việc sáp nhập này cũng giúp cho lái xe bớt được một khoản tiền khi qua 1 trạm thu phí”, Thứ trưởng cho hay.
Bên cạnh đó, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ dịch chuyển 4 trạm thu phí, trong đó 3 trạm nằm trên tuyến Quốc lộ 1 là trạm Đức Phổ tại Km1108+200, Bàn Thạch tại Km1350+200, Ninh Anh tại Km1408+200 và 1 trạm Bảo Lộc tại Km108+557 (Quốc lộ 20). Các trạm này sau khi dịch chuyển đều đảm bảo khoảng cách với trạm kế tiếp ít nhất là 68km.
(Theo VGP)