Vinh - Hưng Nguyên: Những ngày Cách mạng Tháng Tám
8/13/2015 3:42:21 PM
 Vinh - Hưng Nguyên có mối quan hệ mật thiết hữu cơ, là vùng địa chính trị quan trọng trong quá trình cách mạng giành độc lập cho Tổ quốc, giải phóng quê hương.
 
Trước Cách mạng, thị xã Vinh còn nhỏ bé nhưng là trung tâm chính trị - quân sự của chính quyền tay sai, có hàng ngàn quân Nhật đồn trú luôn tìm mọi cách đàn áp cách mạng, bắt bớ những người yêu nước. Tuy vậy, chúng đã bị bao vây bởi hệ thống làng xã của nhân dân Hưng Nguyên giàu lòng yêu nước, cách mạng. Vinh, Bến Thủy, Trường Thi còn là nơi sản sinh ra một bộ phận quan trọng của giai cấp công nhân Việt Nam giác ngộ cách mạng được nhân dân Hưng Nguyên nhiệt liệt hưởng ứng, trở thành vùng căn cứ địa quan trọng của các tổ chức cách mạng, đặc biệt là căn cứ địa của xứ ủy Trung kỳ và cấp ủy Việt Minh Nghệ Tĩnh tại xóm Rú, làng Phúc Mỹ, nay là xóm Châu Sơn, xã Hưng Châu, Hưng Nguyên.
 
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Sau khi Nhật đảo chính Pháp (3/9/1945), nhiều chính trị phạm cả Vinh và Hưng Nguyên được thả về. Tuy chưa bắt được liên lạc với tổ chức cách mạng, nhưng họ đã sớm cùng các đảng viên còn lại nắm quần chúng, tổ chức đấu tranh với địch chống đàn áp, cứu đói cho dân xây dựng phong trào, chờ thời cơ.
 
 ... Ngày 5 tháng 4 năm 1945, ông Võ Trọng Cư (Phù Xá), Nguyễn Xuân Thành (Phúc Mỹ) liên lạc được với đồng chí Nguyễn Xuân Linh trong Ban vận động Việt Minh Nghệ Tĩnh thành lập Ban vận động Việt Minh Hưng Nguyên do ông Võ Trọng Cư làm Trưởng ban. Tiếp theo, được sự giúp đỡ của Ban vận động Việt Minh Nghệ Tĩnh, Ban vận động Việt Minh Hưng Nguyên đã tổ chức hội nghị cử ra  Ban Chấp ủy Việt Minh toàn phủ gồm 9 người do ông Nguyễn Xuân Thành làm bí thư, các ủy viên gồm: Võ Trọng Ân, Đặng Đình Trung, Nguyễn Quang, Nguyễn Hiếu, Hoàng Em phối hợp hoạt động chặt chẽ với Việt minh thị xã Vinh.
 
Tại Thị xã Vinh, sau khi Nhật truất quyền Pháp, các quan lại viên chức, binh lính trong guồng máy cai trị của thực dân Pháp hoang mang, rối loạn. Chính quyền thân Nhật mới hình thành chưa ổn định, ta tranh thủ tuyên truyền, thuyết phục họ làm theo yêu cầu của Việt Minh. Một số hào lý với lính bảo an đã giác ngộ theo cách mạng. Trong thời gian này, chính quyền thân Nhật cũng chủ trương thành lập một số tổ chức quần chúng để nắm dân, chớp thời cơ, ta chủ trương đưa người vào các tổ chức ấy để hoạt động hợp pháp. Việt Minh Hưng Nguyên cử ông Đặng Đình Trung ra làm thủ lĩnh Thanh niên Phan Anh - một tổ chức thân Nhật và hướng cho Việt Minh các tổng, làng  khôn khéo bố trí các thanh niên yêu nước giác ngộ vào nắm các tổ chức này. Tại Vinh và các làng xã, ta cũng gài người vào lực lượng bảo an thân Nhật để chuyển thành lực lượng vũ trang của Việt Minh.
 
Lĩnh hội chỉ thị của Trung ương “Nhật Pháp bắn nhau và nhiệm vụ của chúng ta - chuẩn bị tổng khởi nghĩa toàn quốc”, ngày 8/8/1945 Việt Minh liên tỉnh Nghệ Tĩnh tổ chức hội nghị tại xóm Rú - làng Phúc Mỹ để bàn kế hoạch hưởng ứng cuộc tổng khởi nghĩa. Hội nghị có 40 đại biểu của Việt Minh các phủ, huyện của 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh do đồng chí Nguyễn Xuân Linh chủ trì. Hội nghị bế mạc thì có tin “Nhật Bản đang chuẩn bị đầu hàng đồng minh”, các đại biểu rất phấn khởi, khẩn trương về địa phương để lãnh đạo phong trào. Việt Minh Nghệ An chủ trương cướp chính quyền ở Hưng Nguyên trước làm hậu thuẫn cho Vinh. Ngày 15/8/1945, nhân tổ chức Thanh niên Phan Anh tiến hành mít-tinh lớn tại làng Phú Long (Hưng Long - Hưng nguyên) để hư trương thanh thế, ta chủ trương biến cuộc mít-tinh này thành cuộc mít-tinh của Việt Minh nên vận động nhân dân và thanh niên các làng đến dự rất đông.
 
Đồng chí Nguyễn Xuân Linh và đồng chí Võ Trọng Ân thảo sẵn diễn văn. Khi mít-tinh bắt đầu, thì lực lượng tự vệ (chuẩn bị sẵn từ trước) lên cướp khán đài để đại diện Việt Minh lên diễn đàn, vạch trần chế độ thực dân phát xít Pháp - Nhật, kêu gọi nhân dân và thanh niên đứng lên lật đổ chính quyền tay sai, giành lại chính quyền về tay nhân dân, truyền đơn và cờ đỏ sao vàng tung ra, tài liệu Việt Minh được phân phát tại chỗ. Quần chúng hô vang các khẩu hiệu: “Đả đảo thực dân Pháp, đả đảo phát xít Nhật”, “Việt Nam độc lập muôn năm”, “Ủng hộ Việt Minh” và kéo đi tuần hành các ngả đường. Bọn phản động không làm gì được phải rút chạy. Đồn lính Nhật đóng gần đó với đầy đủ khí giới cũng đành chịu bó tay trước khí thế của quần chúng.
 
Nhạy bén trước những biến chuyển hết sức mau lẹ và mới mẻ, nhiều làng xã chưa có lệnh cấp trên vẫn chủ động cướp chính quyền thắng lợi. Việt Minh các làng Yên Dũng, Lộc Đa, Đức Thịnh, Đức Quang (gần Vinh) dẫn đầu phong trào Hưng Nguyên. Ngày 19/8/1945, Hưng nguyên hoàn thành việc cướp chính quyền cấp phủ. Thi hành lệnh của Ủy ban khởi nghĩa, chỉ trong khoảnh khắc, từ khắp các xóm làng, từ các ngả đường từng đoàn quần chúng và lực lượng vũ trang rầm rập kéo tới phủ đường phong tỏa bọn nha lại, khống chế bọn bảo an và các lực lượng khác của địch. Tri phủ Nguyễn Tiên Đơn xin đầu hàng vô điều kiện, nạp toàn bộ ấn tín, hồ sơ tài liệu cho cách mạng và cầu khẩn xin được khoan hồng. Ông Ngô Mậu thay mặt Ủy ban cách mạng tiếp nhận. Đúng 17h ngày 19/8/1945, Ủy ban cách mạng lâm thời Hưng Nguyên do ông Ngô Mậu làm Chủ tịch cùng 5 thành viên (phụ trách tư pháp, quân sự, tuyên truyền, cổ đông, tài chính) ra mắt nhân dân.
 
Tại Vinh, nơi còn có lực lượng quân Nhật, rút kinh nghiệm từ Hưng Nguyên và các địa phương,  Ủy ban khởi nghĩa Nghệ Tĩnh đã nhóm họp nhận định: Mặc dầu quân Nhật đã đại bại, nhưng chúng còn vũ khí trong tay, nếu vũ trang cướp chính quyền không tránh khỏi đổ máu. Vì vậy chủ trương dùng lực lượng quần chúng biểu tình thị uy gây thanh thế, kết hợp tuyên truyền kêu gọi chúng đầu hàng giành lấy chính quyền.
 
Sáng 21/8/1945, nhân dân các khu phố và các làng xã ngoại thành Vinh bao gồm các tầng lớp: công nhân, nông dân, trí thức, học sinh, dân nghèo thành thị, lực lượng vũ trang cách mạng trang bị gươm giáo, gậy gộc, súng ống chỉnh tề dương cao cờ đỏ sao vàng hô vang các khẩu hiệu, rầm rập tuần hành thị uy dọc các đường phố, cuối cùng tập trung  tại sân vận động thị xã do ông Chu Văn Biên chỉ huy phát lệnh tổng khởi nghĩa; một mặt, ông Nguyễn Tài đại diện cho Việt Minh vào gặp chỉ huy quân Nhật yêu cầu miễn can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam. Tướng Nhật lúc bấy giờ là Oada chấp nhận mọi yêu cầu của ta và còn hứa giúp Việt Minh 500 khẩu súng và 1 vạn viên đạn.
 
Lực lượng cách mạng được phân công bao vây chiếm giữ các công sở của chính quyền bù nhìn. Đội tự vệ chiến đấu thành Vinh do ông Trần Xuân phụ trách tiến vào chiếm dinh tỉnh trưởng và sở mật thám. Tỉnh trưởng Đặng Văn Hứa cùng với các cơ quan chức năng, bộ chánh, án  sát chờ sẵn trước sảnh đường, tuyên bố đầu hàng cách mạng.  Đúng 12h ngày 21/8/1945, Chính phủ cách mạng lâm thời tỉnh Nghệ An (tên gọi lúc bấy giờ) do ông Lê Viết Lượng làm Chủ tịch đã ra mắt đồng bào, tuyên bố xóa bỏ bộ máy chính quyền thực dân, phong kiến, thiết lập chính quyền cách mạng. Ông Nguyễn Tài là Phó Chủ tịch Chính phủ cách mạng lâm thời tỉnh Nghệ An kiêm chức Thị trưởng Thị xã Vinh đầu tiên của chế độ mới...
 
Ngày nay, nhiều làng xã của huyện Hưng Nguyên (trước cách mạng) đã trở thành phường xã của Thành phố Vinh như: Hưng Bình, Hưng Chính, Hưng Lộc, Hưng Thủy, Hưng Hòa, Hưng Đông, Hưng Tây, Hưng Vĩnh, Hưng Dũng đã và đang góp sức xây dựng Vinh trở thành đô thị loại I hướng trung tâm phát triển vùng Bắc Trung bộ...
 
Nguyễn Đình Võ-Baonghean.vn
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ THÀNH PHỐ VINH
Giấy phép số: 253/GP-TTĐT ngày 19/11/2010 do Bộ Thông tin và truyền thông cấp
Cơ quan chủ quản: UBND TP Vinh - Địa chỉ: Số 27 Đường Lê Mao – TP Vinh. 
Hotline: 02383.840.039; 02383. 842574    Mail: Vinhcity.ptth@gmail.com
Chịu trách nhiệm chính: Ông Trần Ngọc Tú – Chủ tịch UBND Thành phố Vinh