KỶ NIỆM 70 NĂM CÁCH MẠNG THÁNG TÁM VÀ QUỐC KHÁNH 2/9 (1945- 2015): Những liệt nữ Thành Vinh
8/19/2015 2:13:47 PM
Mỗi lần đến Nhà an dưỡng Tỉnh ủy Nghệ An - nơi nuôi dưỡng các cán bộ lão thành cách mạng - tôi thường đến trò chuyện với bà Nguyễn Thị Nhuận, mà nhiều thế hệ chị em phụ nữ ở TP. Vinh quen gọi bà một cách thân thiết là  “chị Nhuận”. 
 
Chị Nhuận từng là bạn tù, bạn chiến đấu của chị Nguyễn Thị Minh Khai, được chị Minh Khai và em ruột là chị Nguyễn Thị Quang Thái giác ngộ, bố trí vào làm việc ở nhà máy tơ để xây dựng phong trào trong chị em công nhân. Rồi chị bị địch bắt, bị giam cùng phòng với chị Nguyễn Thị Minh Khai tại Nhà lao Vinh. Trong tù, chị Nhuận được chị Minh Khai bồi dưỡng thêm văn hóa, phương pháp tuyên truyền, vận động cách mạng; ra tù tiếp tục hoạt động, làm Bí thư Hội Phụ nữ giải phóng Thị xã Vinh, làm giao thông cho Xứ ủy Trung Kỳ. Chị cải trang thành cô hàng xén đi bán hàng rong để chuyển tài liệu cho các cơ sở cách mạng.
 
Một lần bị mật thám săn đuổi ráo riết, chị phải vào Nhà ga Vinh lẫn vào đám đông để trốn. May mắn chị được một người xếp ga tốt bụng che chở, trốn thoát. Sau lần đó người xếp ga ngỏ lời với chị. Chị từ chối khéo vì muốn dành trọn trái tim cho Đảng. Nhưng anh vẫn tha thiết kết bạn trăm năm và mong muốn góp phần giúp đỡ, che chở, bảo vệ chị lúc khó khăn nguy hiểm. Chị vận động anh tham gia cách mạng và đồng ý kết tóc xe tơ. Oái oăm thay, đúng vào ngày cưới, khi chị bước lên xe hoa thì bọn mật thám ập đến bắt. Vào tù, chị bị địch tra tấn bằng những ngón đòn hiểm độc, sau này mất khả năng sinh đẻ. Không moi được thông tin gì, không đủ bằng chứng buộc tội, sau một thời gian giam cầm, chúng phải thả chị ra. Tuy không còn khả năng sinh con nhưng 2 người chấp nhận nuôi con nuôi và sống với nhau đầm ấm, hạnh phúc…
Nữ chiến sỹ cách mạng  Nguyễn Thị Minh Khai.
Nữ chiến sỹ cách mạng Nguyễn Thị Minh Khai.

Câu chuyện của bà Nguyễn Thị Nhuận thực sự lay động trái tim tôi, cho tôi hiểu thêm cái tên “Thành phố Đỏ” người ta trân trọng dành cho Vinh, thành phố quê hương. Cái tên gọi gắn với những tên tuổi lẫy lừng quê ở Vinh hoặc từng học tập, lao động, lập thân lập nghiệp, hoạt động, tranh đấu trên mảnh đất này: Hồ Chí Minh, Phan Bội Châu, Lê Hồng Phong, Trần Phú, Nguyễn Thị Minh Khai, Phạm Hồng Thái, Lê Hồng Sơn, Lê Viết Thuật, Lê Mao… Mảnh đất không chỉ những người trai chí lớn mà cả những người con gái chân yếu tay mềm đã “tỏ mặt anh thư” không quản gian khổ hy sinh, quyết vùng lên gánh vác nhiệm vụ nặng nề, vất vả, hiểm nguy mà Đảng, cách mạng giao phó. 

Nguyễn Thị Dần - dân quân Làng Đỏ bắn rơi máy bay F4H của Mỹ.
Nguyễn Thị Dần - dân quân Làng Đỏ bắn rơi máy bay F4H của Mỹ.
Cuốn “Lịch sử Thành phố Vinh”, tập I, chương III “Các cuộc vận động cứu nước và cao trào cách mạng 1930 - 1931 ở Vinh - Bến Thủy”, trang 90 ghi những dòng trân trọng về họ: “Đặc biệt Vinh là nơi đã sản sinh, đào tạo nhiều cán bộ phụ nữ mà tên tuổi của họ đã đi vào sử sách như Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Thị Duệ, Nguyễn Thị Bảy, Nguyễn Thị Quang Thái, Lê Thị Vi (Vi Nình), Nguyễn Thị Lan (Hộ Độ)... Cùng với sự ra đời của các tổ chức cách mạng và sự thành lập Đảng, phụ nữ Vinh - Bến Thủy đã đứng lên (và cùng đi đầu) trong sự nghiệp đấu tranh đòi giải phóng và đòi quyền bình đẳng cho giới  mình…”.
 
Đa số trong số họ có gia đình, có con thơ, so với đàn ông họ phải chịu đựng nhiều hơn, hy sinh nhiều hơn; vậy mà lao tù không khuất phục được họ, tra tấn bằng cực hình và cả bằng đòn cân não không làm họ lung lay. Chị Vi Nình (Lê Thị Vi), người làng Yên, làm giao thông cho Xứ ủy Trung kỳ, nhận truyền đơn, báo “Chỉ đạo” từ đồng chí Lê Viết Thuật - cán bộ lãnh đạo Xứ ủy - đến các cơ sở bí mật của Đảng chẳng may bị địch bắt. Chúng dùng mọi cực hình tra tấn, treo ngược lên xà nhà đến thối thịt nhưng chị vẫn cắn răng chịu đựng không tiết lộ nơi ở của đồng chí Thuật, bí mật của Đảng. Chị tố cáo nhà tù của chúng bằng những vần thơ tả thực sắc sảo, đanh thép:
 
Tay khóa, chân cùm, thân ê ẩm
Áo bê, quần bết, dạ đớn đau
Nhìn mớ cơm tù rùng mình mãi
Với đàn muỗi đói thức đêm thâu.
 
Chị Nguyễn Thị Quang Thái mới 16 tuổi đã cùng chị gái tham gia cách mạng, từ trong lao tù, chị tỏ rõ lập trường, quyết tâm, và gửi gắm niềm khao khát cháy bỏng trong bài thơ “Dốc lòng tranh đấu”:
 
Quyết chí xông pha dù máu đổ 
Dốc lòng tranh đấu mặc đầu rơi
Ngọn cờ vô sản bao giờ phất
Chín suối hồn ta mỉm miệng cười.
 
Vào nhà lao, mới được chị Minh Khai bổ túc thêm văn hóa, tập hát, tập làm thơ mà chị Nhuận đã có những vần thơ “Gửi chị Minh Khai” đầy trân trọng cảm phục, lời thơ rất đẹp, rất ấn tượng:
 
Thân gái xông pha chốn dặm trường
Nào khi đạp tuyết với dày sương
Một bầu nhiệt huyết hai vai nặng
Trao tấm anh thư dễ mấy phường?
 
Tôi nghĩ: Người nữ chiến sỹ cộng sản bị giam cầm nơi ngục tù, kiên quyết đấu tranh giữ vững khí tiết, giữ vững tinh thân đã quý; họ còn học hát, làm thơ lại càng quý hơn. Điều đó nói lên trong “thép” luôn lấp lánh “tình”, làm ngời sáng thêm phẩm cách liệt nữ của họ. Cái tình ấy là tình thương yêu giai cấp, tình yêu quê hương, đất nước, tình yêu đôi lứa. Và, như nhà văn Bá Dũng, nguyên Phó Bí thư Thành ủy Vinh viết trong Tập san Phụ nữ Thành Vinh, chào mừng 65 năm Ngày Phụ nữ Việt Nam: “Ngoài sự hy sinh và lòng dũng cảm tuyệt vời, trong hoạt động cách mạng cũng như trong lao tù đế quốc, trong đời thường, các chị còn có những mối tình đẹp đẽ và thủy chung hiếm có”.
 
Đó là mối tình của 2 nhà cách mạng lớn Nguyễn Thị Minh Khai - Lê Hồng Phong, mối tình rất đẹp của chị Quang Thái và Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã được chép thành sách, đưa lên sân khấu, màn ảnh; mối tình của chị Nguyễn Thị Nhuận với người xếp ga như đã nói ở trên… Chị Nguyễn Thị Nghĩa, trong đường dây liên lạc giữa Trung ương với Xứ ủy Trung kỳ, được tổ chức bố trí làm “vợ lẽ” đồng chí Lê Doãn Sửu (Tỉnh ủy viên Vinh - Bến Thủy) để che mắt địch, là một nhiệm vụ khó khăn nan giải khi mà chị đã có bạn trai cùng chí hướng. Tin tưởng vào người yêu, vào mối tình thủy chung son sắt của mình, chị đã không mảy may từ chối vì chị biết - mặc dù không được tiết lộ với ai chuyện “đóng kịch” - anh sẽ  hiểu, sẽ thông cảm (Theo “Phường Bến Thủy, Lịch sử đấu tranh cách mạng”, Nhà Xuất bản Nghệ An, 1994). 
 
Sau cuộc biểu tình ngày 1/5/1930, tiếp đến sự kiện tên tri phủ gian ác Tôn Thất Hoàn bị trừng trị, bọn mật thám Pháp ráo riết lùng sục, một số chiến sỹ cách mạng bị bắt, trong đó có chị Nguyễn Thị Thiu. Trong ngục tù, bị kẻ thù tra tấn dã man nhưng không một lúc nào chị không nhớ tới người yêu, mặc dù trước đó chị đã phải từ chối ngỏ lời kết duyên của anh vì hoàn cảnh nước sôi lửa bỏng có thể nguy hiểm cho cả anh. Mãi sau ngày Cách mạng Tháng Tám, chị Thiu mới gặp lại người yêu, bấy giờ đã là Thường vụ Tỉnh ủy. Anh vẫn thủy chung chờ đợi. Chị lại phải từ chối, vì đã gần 40 tuổi lại bị kẻ thù tra tấn hiểm độc không còn khả năng sinh con mang lại hạnh phúc cho anh. Nhưng anh bảo: “Không sao! Miễn được sống bên nhau là hạnh phúc rồi…”. Dường như trời phù hộ cho tấm lòng thủy chung son sắt của họ, sau 2 năm kiên trì chạy chữa, chị đã sinh được con trai…
 
Những phẩm chất cao quý, sự hy sinh cống hiến to lớn của những nữ chiến sỹ cách mạng Thành Vinh được các thế hệ con cháu kế tục và phát huy mà điển hình là những o dân quân Làng Đỏ, đã “nhìn thẳng vào quân thù” bắn tan xác máy bay F4H, mệnh danh “Thần sấm” bằng súng 12 ly 7, được tuyên dương Anh hùng LLVT nhân dân, được thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất. Và, trong lửa đạn, thép gang lại lấp lánh tình, vẫn “Em hát giọng đò đưa, mênh mang đất trời xứ Nghệ ” như lời mở đầu bài ca “Cô dân quân Làng Đỏ” nói về họ…
 
ĐINH THANH QUANG-Baonghean.vn
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ THÀNH PHỐ VINH
Giấy phép số: 253/GP-TTĐT ngày 19/11/2010 do Bộ Thông tin và truyền thông cấp
Cơ quan chủ quản: UBND TP Vinh - Địa chỉ: Số 27 Đường Lê Mao – TP Vinh. 
Hotline: 02383.840.039; 02383. 842574    Mail: Vinhcity.ptth@gmail.com
Chịu trách nhiệm chính: Ông Trần Ngọc Tú – Chủ tịch UBND Thành phố Vinh