Trong những năm qua, kinh tế thương mại dịch vụ nắm giữ vai trò then chốt trong quá trình phát triển kinh tế đô thị TP Vinh. Tại đại hội Đảng bộ TP Vinh với định hướng phát triển kinh tế giai đoạn 2015-2020 cũng xác định rõ cơ cấu kinh tế TP vẫn tiếp tục phát triển theo hướng tăng tỷ trọng thương mại dịch vụ, giảm dần tỷ trọng Công nghiệp, nông nghiệp. Theo đó, kinh tế thương mại dịch vụ cần phải giải quyết hàng loạt những vấn đề về quy hoạch và xây dựng hạ tầng, công tác quản lý , xây dựng đội ngũ doanh nhân trong quá trình hướng tới các mục tiêu trung tâm kinh tế vùng.
Đề án phát triển hệ thống chợ và phố chuyên doanh được thực hiện từ năm 2007 đã tạo sự chuyển biến mới trong hoạt động thương mại trên địa bàn TP Vinh. Trên cơ sở kết quả thực hiện đề án Quy hoạch, xây dựng, phát triển hệ thống chợ và phố chuyên doanh, năm 2012, Ban thường vụ Thành ủy Vinh chỉ đạo tiếp tục thực hiện với định hướng đẩy nhanh việc phát triển chợ gắn với việc chuyển đổi mô hình: tổ chức, quản lý, khai thác, kinh doanh chợ trên địa bàn Thành phố đảm bảo phù hợp, hiệu quả cao hơn. Theo đó, việc quy hoạch mạng lưới chợ được điều chỉnh bổ sung. Năm 2014, UBND tỉnh Nghệ An đã có quyết định về việc xếp hạng 20 chợ trên địa bàn Thành phố Vinh. Việc kêu gọi và thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng, khai thác chợ là một trong những giải pháp tích cực của Thành phố nhằm đẩy nhanh tiến độ xây dựng mạng lưới chợ. Cùng với đó, TP tập trung chấn chỉnh những bất cập tồn tại đưa công tác quản lý các chợ theo các mô hình ban quản lý theo đúng quy định của nhà nước và ngày càng đi vào nề nếp, hiệu quả hơn.
Ông Tô Thanh Nhân- Trưởng ban quản lý chợ Vinh: ”Công tác quản lý chợ Vinh theo mô hình ban quản lý chợ theo đúng quy định NN từ quản lý nguồn thu, quản lý công chức và các vấn đề khác….
Có thể nói, cùng với cơ chế thu hút đầu tư của TP, nắm bắt những cơ hội tiềm năng tại TP Vinh, trong những năm qua, hàng trăm doanh nghiệp và tổ chức kinh tế đã đầu tư các dự án thương mại dịch vụ tại TP Vinh. Cuối năm 2010, siêu thị Big C ra đời đã đánh dấu một bước tiến mới trong phương thức bán lẻ hàng hóa, tạo điều kiện thúc đẩy hệ thống bán lẻ trong tỉnh phát triển. Cùng với các trung tâm thương mại lớn như: Chợ Vinh, Chợ Ga Vinh, các siêu thị Metro, BigC, MaxiMax, Intimex, Điện máy Hoà Bình … năm 2014, Thành phố Vinh được sự đầu tư của chuỗi siêu thị điện lạnh hàng đầu với sự có mặt của siêu thị Trần Anh và siêu thị điện máy HC. Nhiều công trình thương mại trọng điểm, các trung tâm thương mại như: Trung tâm thương mại chung cư cao cấp BMC, trung tâm thương mại VICENTRA được xây dựng. Các tuyến phố chuyên doanh được hình thành và phát triển nhanh như: đường Nguyễn Thị Minh Khai chuyên doanh các mặt hàng điện thoại di động, thiết bị viễn thông, công nghệ thông tin: đường Phan Đình Phùng kinh doanh các mặt hàng vật liệu xây dựng, đường Trần Phú chuyên kinh doanh các mặt hàng trang trí, nội ngoại thất…
Chị Nguyễn Thu Hương- Chủ của hàng tạp hóa : “Đường phố khang trang, vỉa hè được xây dựng rộng rài, sạch đẹp, nhân dân đi lại mua sắm thuận lợi kinh doanh cùng tiến triển hơn nhiều so với trước đây”
Chỉ trong vòng 5 năm lại nay, Các dự án đang xây dựng khu phố thương mại Vinh trên trục đường ven Sông Lam gồm các trung tâm thương mại lớn gắn với hệ thống siêu thị cao trên 30 tầng, tổ hợp các khách sạn cao cấp, khu văn phòng cao trên 20 tầng tạo thành một khu thương mại du lịch mang tầm khu vực. Hiện nay khu vực thành Phố Vinh có 85 khách sạn, trong đó 1 khách sạn 5 sao, 2 khách sạn 4 sao, 7 khách sạn 3 sao. Các ngành dịch vụ, thương mạị tín dụng tiền tệ cũng phát triển mạnh nhất từ trước đến nay với hệ thống Ngân hàng Quốc doanh như Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT, Ngân hàng Đầu tư phát triển, Vietcombank, Vietin Bank. Ngoài ra tại TP Vinh đã có mặt của gần 40 Ngân hàng thương mại cổ phần với hàng trăm phòng giao dịch tập trung ở thành phố Vinh, TP Vinh đang từng bước hình thành trung tâm dịch vụ tài chính, ngân hàng của khu vực. Ước tính năm 2015 tổng vốn huy động đạt 38.300 tỷ đồng, tổng dư nợ cho vay đạt gần 73 nghìn tỷ đồng. 20 cơ sở kinh doanh dịch vụ bảo hiểm phát triển khá ổn định, hỗ trợ tích cực các hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp. Bên cạnh đó, mạng lưới bưu chính viễn thông ở TP Vinh cũng đã phát triển đứng thứ 4 toàn quốc, phủ kín khu vực và đảm bảo chất lượng dịch vụ, đáp ứng đầy đủ nhu cầu thông tin, liên lạc.
Ông Nguyễn Duy Tuấn- Cố vấn VP thương mại công nghiệp Việt Nam VCCI tại Nghệ An:
“Hiện tại TP Vinh có một số dịch vụ là trung tâm vùng như Khách sạn, ẩm thực,…Tuy nhiên vẫn còn một số vấn đề cần giải quyết đó là một số hàng hóa dịch vụ tại chỗ chưa phát triển. Phân phối du nhập hàng hóa chậm...
Cùng với cung ứng sản phẩm hàng hóa bán lẻ, địa bàn TP Vinh là nơi tập trung hệ thống phân phối hàng hóa chủ yếu là các mặt hàng nhiên liệu xăng dầu, sắt thép vật liệu xây dựng, thuốc chữa bệnh, hàng hóa tiêu dùng…Nhìn chung hệ thống phân phối trên địa bàn trong đã có bước phát triển khá, đạt được những kết quả quan trọng. Tổng mức tiêu thụ hàng hóa liên tục tăng trên 20% năm. Thương nhân tham gia thị trường ngày càng đa dạng và phong phú. Phương thức hoạt động, công nghệ quản lý và điều hành kinh doanh đang trên đà phát triển theo hướng văn minh, hiện đại và chuyên nghiệp.
Tuy nhiên, có một thực tế đó là trong quá trình hoạt động của các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp trong lĩnh vực thương mại dịch vụ chưa quan tâm nhiều đến công tác thông tin thị trường. Chất lượng công tác thông tin, dự báo thị trường phân tích diễn biến cung cầu, giá cả thị trường chưa cao. Hoạt động xúc tiến thương mại chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp, TC kinh tế. Ứng dụng thương mại điện tử tạo ra các kênh phân phối văn minh, hiện đại chưa nhiều; Liên kết giữa các cá thể và các lĩnh vực để phát triển chưa nhiều. Hạ tầng thương mại nhất là số chợ cần quan tâm đầu tư về cơ sở vật sao cho đảm bảo về mỹ quan, trật tự đô thị, vệ sinh môi trường và công tác phòng cháy chữa cháy.
TP Vinh có rất nhiều lợi thế để phát triển kinh tế thương mại dịch vụ. Nằm trên trục giao thông huyết mạch Bắc - Nam về cả đường bộ, đường sắt, đường thủy và đường hàng không, thành phố Vinh nắm giữ vị trí trọng yếu trên con đường vận chuyển trong nước từ Bắc vào Nam. Đồng thời rất thuận lợi cho việc giao lưu kinh tế - văn hóa trong khu vực và quốc tế. Từ Vinh có thể trao đổi hàng hoá với nước bạn Lào qua cửa khẩu Nậm Cắn, Thanh Thuỷ của Nghệ An hoặc cửa khẩu Cầu treo của tỉnh Hà Tĩnh, hoặc thông qua đường biển qua cảng Cửa Lò với các nước khác. Theo quy hoạch đến năm 2020, TP Vinh là đô thị trung tâm quốc gia và là trung tâm kinh tế văn hóa vùng Bắc trung Bộ. TP Vinh vừa là trung tâm bán buôn bán lẻ hàng hóa phục vụ sản xuất tiêu dùng trong tỉnh. Thu hút phát luồng hàng hóa từ Nghệ An đi các tỉnh khác. Vừa là trung tâm phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí văn hóa thể thao của dân cư trong tỉnh và giao lưu của du khách vãng lai. TP sẽ phải có những định hướng có tầm nhìn và triển khai nhiều giải pháp đồng bộ. Trước mắt TP Vinh sẽ nâng cấp hệ thống tài chính thương mại tại khu vực địa bàn Lê Lợi, Quang Trung kết hợp hình thành trung tâm tài chính cấp 2. Tiếp tục nâng cấp hệ thống chợ, hình thành các trung tâm thương mại lớn. Tiếp tục xây dựng hình thành các phố chuyên doanh.
Ông Trần Quang Lâm- trưởng phòng kinh tế TP Vinh. “Một số giải pháp phát triển TMDV TP Vinh: Triển khai quy hoạch mới theo QH tổng thể TP Vinh. Đẩy mạnh tuyên truyền trong ND và các DN. Tăng cường quản lý NN. XD các đề án dịch vụ chất lượng cao. Nghiên cứu ban hành cơ chế CS NN thu hút đầu tư…”
Trên cơ sở nghị quyết 26 của BCT, các đề án quy hoạch phát triển thương mại dịch vụ của tỉnh, nghị quyết đại hội Đảng bộ TP Vinh khóa 23, TP Vinh sẽ rà soát lại công tác quy hoạch theo không gian và loại hình dịch vụ để từ đó thu hút đầu các trọng điểm. Đánh giá việc thực hiện cơ chế chính sách đầu tư để có hướng triển khai giai đoạn tiếp theo hiệu quả hơn. Tăng cường công tác quản lý tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng. Xây dựng đội ngũ doanh nhân có năng lực và văn hóa kinh doanh văn minh, hiện đại. Phấn đấu tiến tới các mục tiêu phát triển TP Vinh là trung tâm thương mại dịch vụ và nắm giữ vai trò dẫn dắt sự phát triển kinh tế của khu vực Bắc Trung Bộ.
Thanh Loan