Giá xăng đã giảm mạnh trong thời gian qua, nhưng giá cước vận tải hành khách trên địa bàn Nghệ An hầu như chưa có sự điều chỉnh nào đáng kể. Tính từ đầu tháng 8 đến nay, giá xăng RON 92 đã 2 lần được điều chỉnh giảm. Cụ thể là ngày 4/8, giá xăng giảm 820 đồng/lít, xuống mức giá bán lẻ là 19.300 đồng/lít và gần đây nhất là chiều 19/8, giá xăng RON 92 giảm 768 đồng/lít, đưa giá bán lẻ mới không cao hơn 18.536 đồng/lít...
Theo khảo sát của chúng tôi, ngày 24/8 (thời điểm sau khi giá xăng đã được điều chỉnh giảm được gần 1 tuần), các hãng taxi trên địa bàn gần như vẫn “án binh bất động” ngoài hãng taxi Vạn Xuân có giảm giá mức “nhỏ giọt”. Ông Nguyễn Xuân Đạt, Giám đốc Công ty cổ phần TM&DL Hạ Vinh cho biết: “Bắt đầu từ ngày 14/8, chúng tôi áp dụng giá cước mới. Theo đó, giá cước của xe KIA 4 chỗ giảm từ 10.600 đồng/km xuống 10.500 đồng/km, còn xe VIOS giảm từ 11.600 đồng xuống 11.500 đồng/km. Việc giảm giá cước của hãng Vạn Xuân trong thời điểm này, chúng tôi mong muốn vừa để hỗ trợ khách hàng nhưng vẫn phải đảm bảo hoạt động của doanh nghiệp. Trong 4 lần giá xăng tăng mạnh, doanh nghiệp vẫn giữ nguyên giá cước nên khi xăng giảm giá lần này, chúng tôi cũng phải cân nhắc kỹ, cân đối các khoản chi phí mới quyết định giảm giá mở cửa là 2.000 đồng, sau đó giảm 100 đồng/km”.
|
Bảng niêm yết giá vé tại Bến xe Vinh không có sự điều chỉnh nào từ hơn 6 tháng nay, dù giá xăng giảm. |
Tại Bến xe Vinh, các nhà xe vẫn giữ nguyên giá vé mặc cho giá xăng liên tục giảm. Nhiều hành khách tỏ ra băn khoăn khi giá vé vẫn giữ nguyên so với trước. Bà Nguyễn Thị Lý, khách quen của nhà xe Trung Trầm (tuyến từ Thị trấn Hòa Bình - Tương Dương về Vinh), thắc mắc: “Xăng giảm giá nên tôi cứ tưởng là giá vé xe cũng đã giảm, nhưng vé xe vẫn giữ nguyên 90.000 đồng”. Theo khảo sát của chúng tôi, các tuyến nội và ngoại tỉnh như Vinh - Dùng; Vinh - Quỳ Hợp, Vinh - Đà Nẵng, Vinh - Hà Nội... giá vé vẫn giữ nguyên.
Tính từ đầu năm đến nay, giá xăng loại RON 92 được điều chỉnh 10 lần, trong đó có 6 lần giảm và 4 lần tăng. Tổng cộng, qua 4 lần tăng, giá xăng RON 92 tăng thêm 5.040 đồng/lít; qua 6 lần giảm giá, xăng đã giảm được 4.388 đồng/lít. Như vậy, giá xăng đã về gần với mức giá thấp nhất của đầu năm 2015 (thời điểm 6/1 là 17.570 đồng/lít). Tuy nhiên, hiện tại trên địa bàn tỉnh vẫn chưa có doanh nghiệp vận tải nào thực hiện giảm giá cước. Có rất nhiều lý do được các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách đưa ra để biện hộ cho việc “phớt lờ” giá xăng giảm như: lượng khách hàng không nhiều, thời điểm xăng tăng họ vẫn giữ giá, nên xăng giảm để bù lại, phải chịu nhiều loại phí… Ông Phan Hữu Mân, Chủ nhiệm HTX vận tải Bình Minh phân trần: “Từ tháng 8/2014, khi giá xăng giảm xuống mức chỉ trên 17.000 đồng/ lít, chúng tôi đã giảm giá vé để tương ứng, với mức giảm rất lớn, cụ thể như giá vé tuyến Vinh - Hà Nội giảm từ 250 nghìn đồng xuống còn 180 nghìn đồng/vé; tuyến Vinh - Sài Gòn giảm từ 700 - 600 nghìn đồng/vé… Chúng tôi vẫn duy trì áp mức giá cước ấy cho đến nay, mặc dù giá xăng đã rất nhiều lần tăng, giảm. Lần giảm giá xăng trong tháng 8 này, giá xăng vẫn đang ở ngưỡng trên 18.000 đồng/lít, tức là chênh cao hơn 1.000 đồng/lít so với giá xăng thời điểm chúng tôi điều chỉnh mức giá vé (tháng 8/2014), nên chúng tôi khó có thể tiếp tục giảm giá vé thời điểm hiện tại. Với mức giá vé đã được điều chỉnh hợp lý như hiện nay, chúng tôi cũng cam kết sẽ không tăng giá vé ngay cả những ngày nghỉ lễ, trước mắt là trong dịp nghỉ lễ 2/9 tới”.
Còn ông Phan Đình Khẩn, Chủ nhiệm HTX CP Dịch vụ kinh doanh vận tải hành khách Nghệ An, đơn vị đang có khoảng 100 hội viên là chủ các nhà xe hoạt động trên địa bàn 21 huyện, thành, thị, thì cho rằng, dù giá xăng giảm nhưng đây là thời điểm các hoạt động vận tải hành khách cực kỳ khó khăn, đặc biệt là các loại xe khách chạy tuyến nội tỉnh. Trong bối cảnh cung nhiều hơn cầu, các đơn vị kinh doanh vận tải tăng lên, các tuyến xe buýt nội tỉnh phát triển mạnh, trong khi nhu cầu đi lại của người dân vẫn không tăng. Mặt khác, trước đó vào đầu năm 2015, HTX đã đồng loạt giảm giá vé từ 4 - 14% các tuyến nội tỉnh và ngoại tỉnh. “Mặc dù thời gian gần đây xăng có giảm nhưng thuế, các loại phí bến bãi, môi trường, một số loại phí cầu, đường… cũng tăng lên nên nếu giảm giá vé nữa thì các nhà xe, đặc biệt là xe chạy tuyến nội tỉnh sẽ rất khó sống”, ông Khẩn nói.
Ông Vũ Hoàng Huynh, Giám đốc Công ty CP Bến xe Vinh khẳng định: Từ hơn 6 tháng nay, công ty chưa nhận được đề nghị giảm giá nào từ các doanh nghiệp vận tải. Hiện nay, công ty chưa mong đến việc các nhà xe sẽ giảm giá cước mà chỉ mong không tăng thêm trong dịp lễ. Thời điểm xăng giảm giá đúng vào dịp trước ngày nghỉ lễ 2/9 nên hy vọng các doanh nghiệp sẽ không có lý do để tăng giá trong ngày nghỉ lễ sắp tới để tạo điều kiện cho người dân đi lại thuận tiện...
Trao đổi về thực trạng các doanh nghiệp kinh doanh vận tải khách vẫn chưa điều chỉnh giá cước khi xăng dầu giảm liên tiếp trong thời gian qua, ông Hoàng Minh Quân, Trưởng phòng Quản lý giá và công sản - Sở Tài Chính, cho hay: “Mức giá cước vận tải được tự điều chỉnh theo quy luật của thị trường. Thông thường khi giá xăng, dầu giảm 10% các đơn vị vận tải cũng sẽ tự điều chỉnh giá cước phù hợp. Thời gian qua mặc dù giá xăng dầu có giảm, nhưng so với mức giá xăng lúc xuống thấp nhất (thời điểm các doanh nghiệp đã điều chỉnh giá cước) thì vẫn còn cao hơn. Có thể vì thế mà đến thời điểm này, chúng tôi vẫn chưa nhận được hồ sơ đăng ký giảm giá cước của đơn vị kinh doanh vận tải nào trên địa bàn tỉnh. Mặt khác, cái khó của địa phương là chưa có chủ trương của Chính phủ, Bộ Tài chính về việc tăng cường bình ổn giá nên chưa có căn cứ để tuyên truyền, vận động tới các doanh nghiệp kinh doanh vận tải điều chỉnh giá cước. Thời gian tới, khi có chỉ đạo từ cơ quan Trung ương về vấn đề này, sở sẽ chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan tiếp tục tăng cường công tác quản lý, bình ổn giá trên địa bàn, trong đó có giá cước vận tải bằng ô tô nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng cho khách hàng”.
Có thể thấy rằng, nếu buông lỏng việc quản lý giá cước vận tải khách sẽ hệ lụy lớn khi doanh nghiệp vận tải liên kết với nhau bằng cách không giảm giá vé để thu lời, gây bất lợi cho hành khách. Chính vì vậy, các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc, để cùng với các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách bàn bạc để có sự điều chỉnh hài hòa, hợp lý nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.
Đinh Nguyệt -Baonghean.vn
Hiện nay, Nghệ An có 80 đơn vị vận tải hành khách đăng ký hoạt động tại các bến, trong đó Bến xe Vinh có 48 đơn vị gồm 450 xe chạy 40 chuyến nội tỉnh, ngoại tỉnh, mỗi ngày bình quân có gần 400 chuyến xe ra vào Bến xe Vinh. Riêng tại Bến xe Vinh, lưu lượng khách mỗi ngày trên dưới 4.000 khách, trong đó gần 1.000 lượt khách lưu thông nội tỉnh. Bên cạnh đó, còn có nhiều tuyến xe buýt hoạt động nội tỉnh và tuyến Vinh - Hà Tĩnh, nhiều hãng xe taxi với hàng trăm đầu xe. Mỗi ngày có hàng nghìn lượt khách sử dụng dịch vụ ngoài bến như xe buýt, taxi... Việc giá cước vận tải không giảm theo giá xăng cũng đồng nghĩa với việc, mỗi ngày, quyền lợi của hàng nghìn khách hàng đang bị ảnh hưởng. . |