Nhiều trường đại học đã công bố điểm chuẩn và danh sách trúng tuyển chính thức đợt xét tuyển đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) đợt 1. Theo đó, điểm chuẩn nhiều trường tăng cao, có ngành tăng 4-5 điểm…
Các trường tăng điểm chủ yếu là những trường công lập. Điểm đặc biệt của năm nay là hầu hết các trường công lập đều không tuyển chỉ tiêu nguyện vọng bổ sung.
Kinh tế, kỹ thuật, ngân hàng tăng mạnh
Ngày 24/8, trường Đại học Kinh tế TPHCM đã thông báo điểm trúng tuyển và danh sách thí sinh trúng tuyển Khóa 41, hệ đại học chính quy năm 2015. Theo đó, đối với ngành Ngôn ngữ Anh, chuyên ngành tiếng Anh thương mại, trường lấy 31,67 điểm (tuyển sinh khối D1; trong đó môn tiếng Anh nhân hệ số 2); đối với các ngành còn lại, trường lấy 23,25 điểm (tuyển sinh khối A, A1 và D1; các môn thi không nhân hệ số).
Trường hợp các thí sinh cùng mức điểm 23,25, trường áp dụng tiêu chí phụ là môn Toán từ 7,0 điểm trở lên, điểm chuẩn nêu trên đã tính điểm cộng của các thí sinh thuộc diện ưu tiên đối tượng, ưu tiên khu vực. So với năm trước, trường này tăng 2,25 điểm, đồng thời phải sử dụng thêm tiêu chí phụ môn Toán để loại cả trăm thí sinh có điểm số bằng điểm nhau.
ĐH Ngân hàng TPHCM cũng tăng từ 2- 3 điểm, thậm chí, ngành Ngôn ngữ Anh của trường này tăng đến 3,5 điểm so với năm trước. Điểm cụ thể gồm: nhóm ngành kinh tế- kinh doanh-quản lý lấy 21,75 điểm; ngôn ngữ Anh 22,31 điểm; luật kinh tế 21,69 điểm.
Tương tự, ĐH Công nghiệp TPHCM, ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM, ĐH Mở TPHCM… là những trường có nhóm ngành kinh tế cũng tăng điểm mạnh. Ở ĐH Công nghiệp TPHCM, các ngành như Kế toán, Marketing, Tài chính - Ngân hàng năm trước lấy 14-15 điểm, năm nay lấy 19 - 20 điểm; ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM năm trước lấy 14-15 điểm, năm nay lấy 18-19,25 điểm; ĐH Mở TPHCM năm trước ngành Kinh tế lấy 15,5 điểm, năm nay lấy 20,5 điểm, các ngành còn lại cũng tăng từ 3-4 điểm…
Ở khối ngành kỹ thuật, ĐH Bách khoa TPHCM và ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM cũng có mức điểm cao hơn so với năm 2014. ĐH Bách khoa TPHCM có ngành cao nhất là nhóm Máy tính - Công nghệ thông tin lấy 25,5 điểm (tối thiểu, thí sinh mỗi môn phải từ 8,5 điểm trở lên). Các ngành cao điểm tiếp theo như Nhóm ngành điện - điện tử lấy 24,75 điểm; Nhóm ngành cơ khí - cơ điện tử, Nhóm ngành kỹ thuật địa chất - dầu khí và Nhóm ngành hóa - thực phẩm- sinh học lấy 24,5 điểm…
Còn trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật, điểm chuẩn trường này công bố (tất cả các ngành đều nhân hệ số môn Toán, đã cộng điểm ưu tiên) áp dụng cho các thí sinh thuộc tất cả các khu vực, các nhóm đối tượng có mức điểm thấp nhất là 26,5 điểm (ngành Kinh tế gia đình), cao nhất là ngành công nghệ kỹ thuật cơ điện tử, 31,5 điểm. Các ngành có mức điểm từ 28- 30 điểm khá nhiều.
Khối xã hội, sư phạm điểm cao chót vót
Theo thông báo điểm chuẩn của ĐH Sài Gòn, so với năm 2014, đa phần các ngành đều tăng điểm, trong đó, có nhiều ngành tăng 3- 4 điểm, đặc biệt là khối sư phạm, trong đó, ngành sư phạm Văn tăng đến 7 điểm (có nhân hệ số).
Năm 2014, ngành ngôn ngữ Anh lấy 25 điểm, năm nay lấy 30,25 điểm (tăng 5,25 điểm); ngành giáo dục Chính trị 15 điểm (năm 2014) tăng lên 19 điểm; ngành Sư phạm Toán tăng từ 29 lên 31,5 và 33 điểm (tùy tổ hợp môn); ngành Sư phạm Lý từ 27 lên 31,75 điểm; ngành Sư phạm Hóa từ 29 lên 32,25 điểm; ngành Sư phạm Văn từ 24 lên 31 điểm, Sư phạm tiếng Anh từ 27 lên 31 điểm…
Ở trường ĐH Khoa học xã hội & Nhân văn TPHCM, đa số các ngành đều tăng từ 2-3 điểm, trong đó, ngành Báo chí tăng từ 22 lên 25,75 điểm đối với khối C; các tổ hợp khác lấy 23,75 điểm.
Ngoài ra, có nhiều ngành khác cũng có mức điểm chuẩn tăng đột biến như Tâm lý học (tổ hợp xét tuyển Văn - Sử - Địa) lấy 24,5 điểm (tăng 4,5 điểm so với năm trước); Quản trị du lịch và lữ hành lấy 25 điểm đối với khối C (tăng 4 điểm), các tổ hợp khác lấy 23 điểm; phần lớn các ngành còn lại đều tăng 1- 3 điểm so với năm trước.
Trường ĐH Mở TPHCM cũng có mức điểm tăng mạnh ở các khối ngành xã hội. Cụ thể, điểm chuẩn ngành ngôn ngữ Anh tăng mạnh nhất khi từ 20 điểm (năm 2014) lên 28,25 điểm, ngành ngôn ngữ Trung Quốc từ 19 điểm lên 27 điểm, ngôn ngữ Nhật từ 22 lên 28 điểm (các ngành này có nhân hệ số môn Anh văn). Đối với các ngành không nhân hệ số, mức điểm cũng tăng cao như Đông Nam Á học năm 2014 là 14,5 điểm thì năm nay lấy 20,5 điểm; ngành Xã hội học lần lượt là 14,5 điểm (năm 2014) lên 19,5 điểm; ngành Công tác xã hội từ 14,5 điểm lên 18,75 điểm.
Ông Nguyễn Minh Hà, Trưởng phòng Đào tạo cho biết, trung bình mức điểm vào trường năm nay tăng từ 3-5 điểm so với năm trước. “Nguyên do mức điểm tăng mạnh là đề thi năm nay tương đối dễ. Bên cạnh đó, thí sinh khi có điểm rồi mới nộp hồ sơ, cộng với việc được rút ra nộp vào nhiều lần nên liên tục đẩy mức điểm các trường lên cao…”.
Đại học Huế: Hồ sơ vượt chỉ tiêu, nhiều ngành vẫn “khan” thí sinh
Ngày 24/8, tin từ Đại học Huế cho biết, lượng hồ sơ đăng ký tuyển sinh nguyện vọng 1 (NV1) năm nay vượt cao so với chỉ tiêu đặt ra (khoảng 15.000 hồ sơ/hơn 12.000 chỉ tiêu), tuy nhiên, nhiều ngành học vẫn khan hiếm hồ sơ dự xét tuyển.
Lần đầu tiên sau 13 khóa tuyển sinh, Khoa Giáo dục Thể chất - Đại học Huế có lượng thí sinh đăng ký xét tuyển NV1 thấp một cách bất ngờ, chỉ có 37 hồ sơ so với 167 chỉ tiêu đặt ra. Tuy nhiên, trong số này, Khoa chỉ tuyển được 28 trường hợp đạt được mức điểm thi năng khiếu lớn hơn hoặc bằng 5.
Trường Đại học Nghệ thuật (Đại học Huế) cũng trong tình cảnh tương tự. Trường tuyển 180 chỉ tiêu, nhưng chỉ có 103 thí sinh đăng ký thi, bằng 1/3 so với các năm. Qua đó, tuyển được 85 thí sinh, ít nhất trong lịch sử tuyển sinh của trường từ khi thành lập.
Chung cảnh ngộ này còn có Phân hiệu Đại học Huế tại Quảng Trị. Phân hiệu này xét tuyển 380 chỉ tiêu, nhưng chỉ có 20 hồ sơ đăng ký.
Đại diện các khoa, trường năng khiếu thuộc Đại học Huế cho rằng, nguyên nhân “khan” thí sinh là do tham gia tuyển sinh chung với các trường đại học khác, nên không chủ động về thời gian nộp - nhận hồ sơ NV1.
Nguyên nhân khác là kỳ thi THPT quốc gia năm nay có một lượng lớn thí sinh thi ở cụm địa phương chỉ để xét tốt nghiệp, không đăng ký xét tuyển vào đại học, nên ảnh hưởng đáng kể đến lượng thí sinh vào các ngành năng khiếu.
Theo Tiền phong