Hiện nay nhậu thịt gà rừng và nuôi gà rừng làm cảnh đang là “mốt” của nhiều người, nhất là các “đại gia” lắm tiền, nhiều của. Chính điều này đã tạo nên cơn sốt săn gà rừng chưa từng có ở các vùng rừng xứ Nghệ.
Theo chân người đi săn
Hải, tay bẫy có thâm niên ở Quang Thành, huyện Yên Thành đồng ý dẫn tôi “mần” chuyến săn gà rừng. Đồ nghề Hải mang theo cũng khá công phu: Chú gà mồi; băng đĩa cassette; 10 chiếc bẫy giò và vô số bẫy bộng, bẫy lối mòn; thức ăn, nước uống khá đầy đủ...
|
Một chú gà mồi đang dụ gà rừng đến.
|
Nơi chúng tôi đến là vùng rừng tổng đội TNXP 6 (đây là vùng giáp ranh giữa 3 huyện Yên Thành, Nghĩa Đàn, Tân Kỳ). Thật không ngờ, phía Tây Bắc của huyện lúa này lại có vùng rừng núi nguyên sinh và hùng vĩ đến vậy!
Chúng tôi đến một thung lũng có rất nhiều cây bụi rậm. Tại đây, Hải chui vào bụi đặt bẫy lối mòn. Theo Hải thì loại bẫy này phải có kinh nghiệm để xác định được lối mòn gà rừng thường xuyên đi qua để đặt bẫy. Gà rừng đi qua, đạp phải bẫy sẽ bị treo giò.
Đặt xong hơn 10 chiếc bẫy lối mòn, Hải tiếp tục dẫn tôi luồn sâu vào rừng chọn khoảng đất trống bên con suối nhỏ làm điểm đặt bẫy giò. Những chiếc bẫy này làm bằng dây phanh xe đạp nối với sợi dây dù làm thòng lọng.
Đồng loạt 10 chiếc bẫy này được Hải cột với cành cây rừng, vít đinh cắm xuống đất, phủ là khô lên trên. Sau đó đặt gà mồi ở giữa. Con gà mồi này anh cũng bẫy được đem về nuôi và huấn luyện, nó có khả năng dụ gà rừng đến rất hay. Công đoạn cuối cùng là bật cassette phát tiếng gà rừng gáy để hỗ trợ cho gà mồi.
Hải cho biết loài “lâm cầm” này rất tinh khôn, chỉ cần một tiếng động nhẹ là chúng bay đi chứ không bao giờ bén mảng đến nữa. Vậy nên, khi đã đặt bẫy xong chúng tôi nấp sau bụi rậm nín thở chờ đợi...
|
Gà rừng làm mồi nhử có giá 6 triệu đồng của một thợ bẫy gà ở xã Quang Thành, huyện Yên Thành
|
Như hiểu được ý chủ nhân, con gà mồi, rướn cổ gáy vang cả một góc rừng, con gà mồi gáy vài đợt xong đứng im nghỉ ngơi. Tiếng gà rừng từ chiếc đài cassette dấu dưới gốc cây mở hết công suất tiếp tục gáy hỗ trợ y như thật.
Hơn 2 tiếng đồng hồ trôi qua không động tĩnh, tôi chán nản bảo Hải đi về nhưng anh ta rỉ tai: "Bẫy gà rừng là phải kiên trì. Trời tháng 6 nắng như thế này, chúng đi kiếm ăn nhưng dứt khoát sẽ đến đoạn suối này uống nước. Gà rừng vùng này nhiều chẳng kém gì ở rừng các huyện miền núi rẻo cao”.
Hải nói chưa dứt lời thì trong bụi rậm trước mặt có tiếng gà rừng gáy đáp lại. Sau tiếng gáy là một chú gà rừng đẹp mã, lông đỏ, chân chì, cựa dài nhọn, đôi tai trắng phau bay đến. Nó xù lông cổ nhìn chú gà mồi - kẻ xâm nhập lãnh thổ như muốn ra đòn nhưng nó vẫn giữ khoảng cách để thăm dò. Lúc đó con gà mồi, cũng rướn cổ gáy khiêu khích. Không chịu đựng được, chú gà rừng điên tiết lao vào. Bỗng... “phựt”, nó bị treo giò giãy phành phạch, kêu quang quác. Hải nháy mắt cười rồi chạy ra gỡ con gà rừng cho vào lồng.
Nhìn “chiến lợi phẩm” Hải reo lên: "Gặp may rồi anh ơi, con này thuộc hàng ngũ sắc bán phải gần 3 triệu đồng. Về thôi!".
Thu dọn loạt bẫy giò, chúng tôi quay trở lại thung lũng gỡ bẫy lối mòn và được thêm 2 con gà rừng mái nữa. Với giá bán gà rừng thịt hiện nay là 300 ngàn đồng/1kg. Vậy, Hải đã có 600 ngàn đồng, cộng với con gà trống ngũ sắc bán cho các đại gia nuôi làm cảnh có giá bán từ 2,5 -3 triệu đồng. Đó quả là một ngày may mắn của một anh thợ săn gà.
Săn tận diệt!
Hải tâm sự: “Trước đây gà rừng nhiều, có ngày tui mần được cả chục con nhưng bây giờ lắm người bẫy quá nên hiếm rồi. Xóm tui có hơn chục người đi bẫy gà chuyên nghiệp. Còn nghiệp dư thì không kể hết. Người dân ở khu vực này nhà nào cũng biết bẫy gà rừng".
Đi tắt qua cánh rừng khác trở về, chúng tôi nghe tiếng gà rừng gáy râm ran, nhưng theo Hải thì đó là gà mồi và tiếng gà trong castsete của các tay bẫy gà rừng.
Để tìm hiểu thêm về nạn săn gà rừng, chúng tôi ngược lên các huyện miền núi: Con Cuông, Tương Dương, Kì Sơn, Quế Phong... Ở các địa phương này nạn bẫy gà rừng còn nhiều hơn ở các vùng rừng ở miền xuôi. Bẫy gà giăng la liệt, nhiều người còn vào cả khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống và vườn quốc gia Pù Mát để bẫy gà rừng. Không những bẫy mà nhiều người con mang cả súng kíp, súng thể thao để đi săn gà rừng.
|
Gà rừng bị các đại gia đi xe hơi dùng súng thể thao bắt chết và bị thương.
|
Hà, một thợ săn ở vùng Bãi Phủ, Con Cuông cho biết: "Bọn tui đi vô rừng một ngày đêm như vậy cũng bắn được khoảng vài ba chục con gà rừng. Chiến lợi phẩm này nhập cho các quán ăn đặc sản cũng được trên 150.000 đồng/con (gà chết).
Tôi hỏi người đi săn gà ở Con Cuông nhiều không? Hà bảo: "Đếm không xuể, riêng xóm anh cũng có vài chục tay bẫy, tay súng chuyên nghiệp".
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay, săn bắn gà rừng không chỉ là nghề kiếm cơm của những người nông dân mà còn có một số “đại gia” cưỡi xe hơi, xách súng thể thao đi săn gà rừng làm thú tiêu khiển. Những đại gia này còn mang theo cả rượu Tây, bếp nướng điện từ và nhiều thứ khác cho một cuộc đi săn vài ba ngày...
Cảnh báo
Ông Vi Văn ở xã Môn Sơn, huyện miền núi Con Cuông chia sẻ: "Trước đây, ở các bản làng gà rừng nhiều vô kể, nó còn đến “giao lưu” với gà nhà. Mỗi sáng sớm mai thức dậy gà rừng gáy râm ran. Thế nhưng, con người săn bắn nhiều quá, nên bây giờ thợ săn phải vào tận trong rừng sâu mới săn, bắn được gà rừng".
|
Săn bắn gà rừng không chỉ là nghề kiếm cơm của những người nông dân mà còn có một số “đại gia”
|
Ông Văn thở dài: “Với tốc độ tận bắt, tận diệt như hiện nay thì chẳng bao lâu nữa các giống gà rừng quý hiếm có tên trong sánh đỏ ở các khu rừng sẽ bị tuyệt chủng. Hủy diệt môi sinh, đồng nghĩa với việc hủy hoại môi trường sống, rồi đây thảm họa thật khôn lường...”.
Nạn săn gà rừng đang gia tăng, không những làm cho loài “lâm cầm” này đứng trước nguy cơ tuyệt chủng, làm mất cân bằng sinh thái như lời cảnh báo của ông Văn mà nó còn kéo theo nhiều nguy cơ không an toàn cho các khu rừng. Bởi, nhiều đối tượng lợi dụng việc săn gà đã kết hợp săn bắn các loại động vật quý hiếm khác và khai thác trái phép lâm sản.
Tiếp nữa, săn gà rừng cũng là một nghề nguy hiểm, bởi đã có nhiều trường hợp bị rắn độc cắn hay bắn nhầm người khi đi săn gây tử vong ở các địa phương: Kì Sơn, Quế Phong, Quỳ Châu...
Được biết, trước nạn săn bắn gà rừng, Ban quản lý các khu rừng cũng đã phối hợp với ngành kiểm lâm Nghệ An có nhiều biện pháp ngăn chặn.
Thế nhưng trên thực tế, nạn săn bắn gà rừng vẫn diễn ra ngày một gia tăng, nhiều chợ, nhiều quán ăn trên địa bàn Nghệ An vẫn công khai bày bán gà rừng...
Thiết nghĩ, Ban quản lý các khu rừng và Kiểm lâm Nghệ An cần có biện pháp hữu hiệu nhằm ngăn chặn ngay nạn săn, bắn gà rừng để loài “lâm cầm” không bị tuyệt chủng.
(Theo Công an TP.HCM)