Xác định cải thiện môi trường kinh doanh, đẩy mạnh thu hút đầu tư là nhiệm vụ quan trọng để đẩy nhanh phát triển kinh tế, xã hội. Bởi vậy, thời gian qua, các cấp, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh tích cực cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh… Nhờ vậy, chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và cạnh tranh cấp huyện (DIC) đã có chuyển biến rõ nét.
Chuyển biến ở cơ sở
Những năm gần đây, từ lãnh đạo tỉnh đến cán bộ các cấp ngành, địa phương đổi mới tư duy, vào cuộc mạnh mẽ với nhiều giải pháp đồng bộ để cải thiện chỉ số PCI và cả chỉ số cạnh tranh cấp huyện DIC. Nếu như chỉ số cạnh tranh PCI cấp tỉnh gồm nhiều yêu cầu, điều kiện thì chỉ số cạnh tranh cấp huyện (gọi là DCI) thường liên quan đến việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong việc xác định địa điểm, đền bù, giải phóng mặt bằng (GPMB), đăng ký kinh doanh, cấp giấy phép… để triển khai các dự án, công trình. Trong đó đền bù, GPMB nhanh là yếu tố quan trọng mà doanh nghiệp mong đợi.
Huyện Nghi Lộc, một trong những địa phương bị thu hồi nhiều diện tích đất để triển khai các dự án trong KCN Nam Cấm trước đây và nay là Khu kinh tế Đông Nam. Theo ông Lê Văn Đức, Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch huyện, để nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh theo đề án của tỉnh, huyện thường xuyên tổ chức rà soát các loại quy hoạch, kế hoạch để công bố công khai; định kỳ chủ động gặp gỡ đối thoại để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, hỗ trợ các doanh nghiệp kê khai, nạp thuế… Mới đây nhất, khi thực hiện chuyển đổi ruộng đất theo Chỉ thị 08 của BTV Tỉnh ủy, huyện chỉ đạo các địa phương sắp xếp đất 5% quy hoạch dồn tập trung về một số vùng dành quỹ đất sạch cho các KCN nhỏ, Cụm CN. Song song với cải tiến quy trình thủ tục tại Trung tâm giao dịch một cửa nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp khi đăng ký kinh doanh, xuất phát từ yêu cầu giải phóng mặt bằng ngày càng lớn, huyện bố trí thêm nhân lực để lập hồ sơ đền bù GPMB. Vì vậy, hầu hết các dự án trên địa bàn đã rút ngắn thời gian bàn giao mặt bằng.
Ở Nghĩa Đàn, những năm gần đây có khá nhiều dự án đầu tư nên diện tích thu hồi đất khá lớn. Để triển khai đề án nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, huyện tổ chức rà soát, đối chiếu, từ đó đề ra 24 đầu việc liên quan để xử lý. Sau khi rà soát lại quỹ đất, công bố các quy hoạch theo quy định, huyện xác định nhiệm vụ trọng tâm là triển khai xây dựng quỹ đất sạch để bàn giao cho các dự án. Nhờ xác định đúng trọng tâm nên trong vòng 3 năm, huyện đã tổ chức hỗ trợ, đền bù cho 29 dự án lớn, thu hồi và bàn giao cho nhà đầu tư trên 2.000 ha đất. Song song với bàn giao đất cho các dự án lớn, huyện cũng quy hoạch được các khu công nghiệp Nghĩa Long, Nghĩa Đàn (tại xã Nghĩa Hội) để thu hút các nhà đầu tư vào triển khai; kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động Hội đồng đền bù, GPMB cấp huyện; chủ động rà soát rút ngắn được 1/3 thời gian và 9/46 thủ tục so với quy định để giảm thời gian chờ đợi cho các doanh nghiệp. Ông Lê Nguyên Chất, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Nghĩa Đàn cho biết: Mối quan hệ phối hợp giữa giới doanh nghiệp và lãnh đạo huyện Nghĩa Đàn khá tốt và cởi mở. Khi có vướng mắc, hội đều có thể gặp gỡ và trao đổi với lãnh đạo huyện để tháo gỡ. Mặc dù đăng ký kinh doanh cho doanh nghiệp thuộc thẩm quyền của tỉnh nhưng huyện vẫn bố trí cán bộ hỗ trợ, hướng dẫn tư vấn...
Tại huyện Yên Thành, nhờ cải thiện môi trường đầu tư, 5 năm qua, huyện đã huy động trên 17.605,5 tỷ đồng đầu tư cho xây dựng hạ tầng, trong đó nguồn vốn ngân sách trên 2.376 tỷ đồng, chiếm 13,5%; vốn đầu tư của doanh nghiệp đạt trên 616 tỷ đồng, chiếm 3,5%. Huyện đã thu hút được các dự án may mặc của Nhật Bản, Nhà máy chế biến tinh bột sắn - thuộc Công ty máy động lực & máy nông nghiệp Việt Nam (hoạt động ổn định từ 2013), Công ty cổ phần Tây Nghệ - Yên Thành. Được biết, phía nhà đầu tư Nhật Bản chuẩn bị xây dựng thêm 2 nhà máy sản xuất linh kiện điện tử và chế biến đồ gỗ cao cấp ở Yên Thành.
Hiện nay, hầu hết các huyện đều xác định thu hút đầu tư là bước đột phá, vì vậy luôn đôn đốc các ban, ngành, các xã chủ động làm việc, nắm bắt và tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư, doanh nghiệp.
|
Sản xuất tại Công ty Minh Anh - Kim Liên (Khu Công nghiệp Bắc Vinh). |
Hiệu quả ở cấp tỉnh
Qua hơn 3 năm triển khai thực hiện Đề án “Cải thiện, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh” (UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 295/QĐ-UBND ngày 13/7/2012) và 1 năm triển khai thực hiện Đề án “Tập trung thu hút đầu tư vào tỉnh Nghệ An đến năm 2020”, các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, có nhiều chuyển biến tích cực. Số điểm tuyệt đối chỉ số PCI của Nghệ An tăng dần qua các năm, từ 49,76 điểm (năm 2007), 54,36 điểm (năm 2012) lên 55,83 điểm (năm 2013) và đến năm 2014, PCI có bước tiến với 58,82 điểm, tăng 18 bậc, xếp thứ 28/63 tỉnh, thành trong cả nước, nằm trong nhóm các tỉnh khá. Trong đó, có 7/10 chỉ số thành phần của chỉ số PCI năm 2014 tăng điểm so với năm 2013.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, đồng thời làm minh bạch, công khai hóa quy trình, thủ tục đầu tư, góp phần cải thiện môi trường đầu tư của tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 6/2015/QĐ-UBND ngày 21/1/2015 quy định trình tự thực hiện dự án đầu tư trực tiếp có sử dụng đất trên địa bàn tỉnh Nghệ An, quy định rõ các thủ tục đầu tư, thời gian giải quyết các thủ tục. Thời gian giải quyết các thủ tục đầu tư giảm từ 20% - 50% so với mục tiêu Chính phủ đặt ra. Nghệ An cũng tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư hàng năm, tổ chức các lớp bồi dưỡng, đào tạo doanh nhân, biên tập các quyển cẩm nang, tài liệu về môi trường đầu tư Nghệ An, thực hiện các hội nghị đối thoại doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn chuyên đề cho các doanh nghiệp, chỉ đạo giải quyết các vướng mắc, khó khăn cho nhà đầu tư.
Với những nỗ lực trong cải thiện chỉ số PCI, số lượng và quy mô các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh tăng dần qua các năm, tính đến nay, đã cấp cho 533 dự án mới/ 136,989,5 tỷ đồng vốn đăng ký, trong đó có 507 dự án đầu tư trong nước, tổng vốn đăng ký 131.870,8 tỷ đồng, 26 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tổng vốn đăng ký 256 tỷ đồng. Đặc biệt trong những năm gần đây, Nghệ An đã thu hút được nhiều dự án có quy mô lớn, ứng dụng công nghệ, kỹ thuật tiên tiến. Đặc biệt có những dự án lớn quan trọng làm tiền đề cho phát triển của tỉnh trong những năm tiếp theo như Dự án Xây dựng và kinh doanh hạ tầng Khu công nghiệp, đô thị và dịch vụ của VSIP Nghệ An; Dự án Xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu D, Khu công nghiệp Nam Cấm; Nhà máy Tôn Hoa Sen, Nhà máy chế biến sữa TH, Vinamilk... thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn, có tiềm lực đã quan tâm vào đầu tư tại Nghệ An như Tập đoàn Becamex, Massan, Samsung, Royal Food, FPT, BSE, Vinamilk, TH, Nhựa Tiền phong, ...
Các dự án đi vào hoạt động góp phần quan trọng chuyển dịch cơ cấu kinh tế, khơi dậy tiềm năng, lợi thế của địa phương, tăng nguồn thu ngân sách… Theo ông Vũ Duy Tuấn, cố vấn cao cấp của Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam tại Nghệ An, nâng cao chỉ số cạnh tranh, ngoài việc tập trung làm tốt công tác giải phóng mặt bằng còn nâng cao vai trò của Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ. Mặc dù đạt được những kết quả nhất định, song so với nhiều địa phương khác trong cả nước, chỉ số PCI của Nghệ An vẫn cần phải nỗ lực phấn đấu hơn nữa, một số chỉ số như tiếp cận đất đai, tính minh bạch, chi phí không chính thức... cần phấn đấu để được đánh giá, nhìn nhận tốt hơn. Bên cạnh đó tích cực nỗ lực đẩy nhanh các công trình quan trọng để chớp cơ hội đầu tư và giảm chi phí cho cả ngân sách và doanh nghiệp.
Nhóm P.V-Baonghean.vn