Toàn cảnh thảm kịch kinh hoàng người di cư vào châu Âu
9/7/2015 9:01:14 AM

Bức ảnh thi thể của một cậu bé 3 tuổi có tên Aylan Kurdi bị trôi dạt, nằm trơ trọi trên bờ biển trong một làn sóng nhập cư vào châu Âu được lan truyền trên mạng xã hội và truyền thông thế giới ngày 2/9 vừa qua đã gây chấn động dư luận toàn thế giới. 
  
Chính quyền tỉnh Mugla ở Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, bé trai xấu số là Aylan Kurdi, một trong số 17 người tị nạn từ Syria tìm cách đến đảo Kos ở Hi Lạp bằng thuyền. Trong số 17 người tị nạn có 12 người đã không may mắn thiệt mạng khi con tàu bị đắm, trong đó có cả mẹ và anh trai 5 tuổi của Kurdi. 
  
Bức ảnh gây chấn động trên do phóng viên ảnh Nilufer Demir của hãng thông tấn Dogan của Thổ Nhĩ Kỳ chụp lại và được chia sẻ nhanh chóng trên mạng xã hội cũng như được đăng tải trên trang nhất của nhiều tờ báo trên toàn thế giới, đặc biệt là Anh và các quốc gia châu Âu.

Bức ảnh đau lòng trên như “chạm nọc”  về sự kinh hoàng của làn sống di cư tới châu Âu mà người dân nhiều quốc gia ở Trung Đông và Bắc Phi đang phải hứng chịu chỉ vì muốn thoát kiếp lầm than khi đất nước của mình đang bị xung đột dày xéo. 
  
Nhiều bức ảnh ghi lại những cảnh tượng khủng khiếp của người tị nạn đã được đăng tải rộng khắp trên các phương tiện thông tin đại chúng toàn thế giới, khiến ai xem cũng cảm thấy đau lòng và đã "thức tỉnh" các nhà lãnh đạo của các quốc gia châu Âu. Những bức ảnh trên đã lột tả được phần nào những nỗi cơ cực mà những người “đi tìm miền đất hứa” phải trải qua trong những chuyến hành trình phiêu bạt kéo dài nhiều tháng ròng. 

Hàng nghìn người Trung Đông và Bắc Phi đang bằng mọi giá chạy khỏi đất nước để đến châu Âu với hy vọng thoát khỏi cảnh xung đột đẫm máu, cảnh đói nghèo cơ cực. Họ không ngại vượt qua đoạn đường dài, thậm chí phải đổ máu và đánh đổi cả tính mạng, "quằn quại" vượt qua thử thách để thực hiện ước mơ thay đổi cuộc sống, để thực hiện khao khát được đặt chân tới "miền đất hứa" của mình.  
  
Họ phải chen chúc, lênh đênh trên những con thuyền gỗ nhỏ vô cùng thô sơ, thậm chí cả xuồng cao su băng qua Địa Trung Hải suốt một hành trình dài. Không có chỗ nằm, không có nước uống , không có lương thực, đói, khát, thậm chí cả nước mắt , đổ máu và cả tính mạng là những gì mà những người di cư phải trả giá trên hành trình tới đất nước trong mơ. 
  
Theo thống kế, mỗi năm có tới hàng nghìn người tị nạn đã không thể vượt qua được sự khốn khó trên những con thuyền di tản, không vượt qua được sóng gió thiên tai và thảm họa, đã buộc phải bỏ mạng khi chưa chạm tới ước mơ. Tổng số người bị chết trong năm nay trên tuyến đường biển này lên hơn 2300 người. 
  
Nhưng đó mới chỉ là bước khởi đầu để đến với miền “đất hứa”, khi thuyền của họ đã cập bến an toàn, họ lại tiếp tục phải đối mặt với lực lượng chức năng của quốc gia mà họ muốn đến và phải sống chui sống lủi để thoát được sự truy quét của  cảnh sát nước sở tại vì nhập cư trái phép. Bắt bớ, khống chế, xua đuổi là những gì họ tiếp tục phải hứng chịu sau khi vượt qua được những thử thách ban đầu của chuyến hành trình dài. Thiếu ăn, không có chỗ ở, lang thang là những điều họ sẽ phải trải qua khi mới bước chân tới miền đất của hy vọng. 
   
Trước sự bùng nổ của thông tin về cuộc sống của người di cư vào châu Âu, các nhà lãnh đạo của các quốc gia trên lục địa này đã được dịp thể hiện lòng nhân ái bằng những nghĩa cử cao đẹp. Nhiều nguyên thủ châu Âu tuyên bố sẵn sàng giúp đỡ và chào đón những người di cư... 
  
Theo đó, Đức, Áo đã quyết định đồng ý đón thêm người di cư. Ngay sau đó, Anh cũng có tuyên bố đồng ý tiếp nhận thêm hàng nghìn người tị nạn từ Syria. Cảnh sát Áo cho biết chỉ trong buổi sáng ngày 5/9, đã có khoảng 2500-3000 người di cư từ Hungary vào Áo, sau khi Hungary bắt đầu cho phép những xe buýt chở người di cư từ thủ đô Budapest tới biên giới. 
  
Không đứng ngoài cuộc, Bỉ cũng nhanh chóng đưa ra động thái nhằm hỗ trợ người tị nạn. Thủ tướng Bỉ Charles Michel đã kêu gọi người dân Bỉ cũng như người dân châu Âu đoàn kết để giúp đỡ người xin nhập cư. Chính phủ Bỉ cũng đã ngồi lại thảo luận để đưa ra các biện pháp nhằm tăng cường hỗ trợ người xin nhập cư. Theo đó, kể từ ngày 7/9, chính phủ nước này sẽ đưa vào sử dụng tòa nhà dành cho người xin nhập cư đợi đăng ký tại Cơ quan quản lý người nước ngoài ở Brussels. Về phần mình, Thủ tướng Phần Lan Juha Sipila cũng không ngần ngại nhường ngôi nhà ngoại ô của mình để đón tiếp những người di cư. Ông cũng cho biết, Phần Lan dự kiến sẽ tiếp nhận khoảng 30.000 đơn xin nhập cư trong năm nay. 
  
Theo thống kê của Liên Hợp Quốc, từ đầu năm 2015 tới nay, đã có hơn 300.000 người tị nạn vào di cư băng qua Địa Trung Hải để tìm đường tới châu Âu, vượt xa con số 219.000 của năm 2014. Đây là thời điểm thế giới có nhiều người tị nạn hơn bất kỳ thời điểm nào trong lịch sử nhân loại. Nguyên nhân của tình trạng này là do các cuộc chiến tranh, nội chiến triền miên, nhất là ở châu Phi và khu vực Trung Đông cũng như nền kinh tế chênh lệch giữa các lục địa trên thế giới. 
  
Hàng triệu người đã phải bỏ nhà cửa để đi tị nạn để thoát khỏi cảnh nghèo đói và đổ máu do cuộc chiến ở Afghanistan, Iraq, Syria và Libya gây ra. Cuộc khủng hoảng mới nhất, kinh hoàng nhất hiện nay có lẽ là ở Syria. Theo  thống kê, số người  Syria phải đi tị nạn tới các nước khác hiện đã lên đến hơn 4 triệu người. Trong khi đó cũng có hàng nghìn người khác ở các cuộc gia không có xung đột nhưng vẫn muốn rời bỏ đất nước nghèo đói, kém phát triển của mình để đi tìm một mảnh đất khác để mưu sinh. 
  
Sẽ không ngoa, nếu cho rằng Mỹ là một trong những căn cớ chính gây ra cuộc khủng hoảng di cư toàn cầu này khi nước này chính là quốc gia trực tiếp hoặc gián tiếp khơi mào và nhúng tay vào cuộc xung đột, nội chiến ở các nước Trung Đông, gây ra cảnh đói nghèo, lầm than, chết chóc khiến người dân các nước trong khu vực này phải tìm đường trốn chạy khỏi chính nơi chôn rau cắt rốn của mình. 
  
Làn sóng nhập cư bùng nổ thời gian qua cho thấy khát vọng được sống trong hòa bình, tự do và ấm no của nhân loại luôn cháy bỏng.

Sau đây là những bức ảnh về  bi kịch của những người tị nạn đi tìm “miền đất hứa” ở châu Âu:

 

 Ảnh minh họa

Bức ảnh đầu tiên gây chấn động toàn thế giới về làn sóng tị nạn tới châu Âu mấy ngày vừa qua. Thi thể cậu bé Kurdi 3 tuổi bị trôi dạt vào bờ biển Bodrum, Thổ Nhĩ Kỳ khi con thuyền chở 17 người tị nạn, trong đó có cả gia đình em bị đắm khi tìm đường trốn chạy khỏi đất nước Syria đầy bất ổn.

 Ảnh minh họa

Một con thuyền chở hàng trăm người di cư chen chúc đang lênh đênh giữa đại dương.

 Ảnh minh họa

Một người di cư ở Gevgelijia , Macedonia đang trốn chui lủi dưới gầm một chiếc tàu hỏa đề tìm đường lẩn trốn sang Serbia . Bức ảnh chụp ngày 17/8 vừa qua.

 Ảnh minh họa

  Một cảnh sát Pháp đang cố gắng ngăn chặn những người di cư đi qua cửa khẩu ở thành phố Calais của Pháp để tìm đường sang Anh ngày 17/6.

 Ảnh minh họa

  Một người phụ nữ đang ôm ghì lấy đứa con còn ẵm ngửa của mình trên đường ray tàu hỏa khi bị cảnh sát Hungary khống chế và bắt giữ tại ga tàuở Bickse ngày 3/9.

 Ảnh minh họa

Những đứa trẻ đang khóc tức tưởi khi những người di cư đang bị cảnh sát chặn lại ở Macedonia hôm 21/8. Hàng trăm người tị nạn và người di cư đang tìm cách vượt qua biên giới từ Hy Lạp sang Macedonia hôm 21/8 đã bị cảnh sát cơ động và vòi rồng chặn lại trong chiến dịch ngăn chặn người nhập cư của nước này.Họ là những người tị nạn đang tìm cách thoát khỏi cuộc xung đột đẫm máu đang xảy ra ở Syria.

 Ảnh minh họa

Bức ảnh xúc động này ghi lại cảnh lực lượng cứu hộ đang giải cứu một chiếc thuyền của người tị nạn. Ít nhất 3 người, trong đó có một em bé đã thiệt mạng trong khi 93 người khác đã được cứu sống khi một chiếc thuyền gỗ chở hơn 100 người di cư bị mắc cạn và lật úp tại đảo Rhodes ở Hy Lạp hôm 21/4.

 Ảnh minh họa

Hàng trăm người tị nạn đang giơ tay xin thức ăn tại một ga tàu hỏa ở Milan ngày 11/6.

 Ảnh minh họa

Những người tị nạn đang nằm vạ vật trên một toa tàu hỏa đưa họ từ Macedonia , vượt biên giới Serbia ngày 30/8 vừa qua

 Ảnh minh họa

Cảnh sát đang giải tán đám đông người tị nạn bằng bột cứu hỏa tại đảo Kos , Hy Lạp.

 

(Ảnh CNN)

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ THÀNH PHỐ VINH
Giấy phép số: 253/GP-TTĐT ngày 19/11/2010 do Bộ Thông tin và truyền thông cấp
Cơ quan chủ quản: UBND TP Vinh - Địa chỉ: Số 27 Đường Lê Mao – TP Vinh. 
Hotline: 02383.840.039; 02383. 842574    Mail: Vinhcity.ptth@gmail.com
Chịu trách nhiệm chính: Ông Trần Ngọc Tú – Chủ tịch UBND Thành phố Vinh