Giông tố trong lòng người
Ông Võ Xuân Huyện, Chủ tịch UBND huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi báo cáo với Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải về thiệt hại của đảo, giọng ông như thất lạc giữa những con số: 500 hec ta hành và hoa màu bị cát biển vùi lấp, 18 tàu dánh cá dù đã neo đậu vào cảng vẫn bị sóng nhấn chìm, cầu cảng cá Lý Sơn- chiếc phao cứu sinh của hai vạn dân trên đảo đã bị sóng “hớt” mất phần chữ T, chỉ còn đường dẫn ra cầu cảng.
Dọn dẹp cây đổ trên đường phố Quảng Ngãi sáng ngày 30/9 (Ảnh: T.Đ)
Sóng mạnh đến mức, những cọc sắt to bằng nắm tay vẫn bị “bóp” cong queo! Nhưng đau thương nhất là 29 ngư phủ, công dân của đảo, đi trên hai tàu đánh cá vào cách đảo 8 hải lý lúc 8h sáng ngày 29/9 nhưng đến chiều 30/9 vẫn bặt tín vô âm. “Chắc họ đã chết cả rồi”, ông Huyện nói trong vô vọng.
Hai tàu này đánh cá khu vực Hoàng Sa, hay tin có bão thì chạy thục mạng. Họ hy vọng bão vào Quảng Trị như dự báo chứ nếu biết bão vỗ mặt Quảng Ngãi như thực tế thì việc gì họ phải cắm cổ chạy vào… tâm bão để phải trả giá!
Bây giờ, những người đàn bà trên đó lại dõi mắt khơi xa với hy vọng nhỏ nhoi là chồng con họ bị trôi dạt đâu đó. Trời đất đã yên hàn nhưng trong lòng người, giông tố lại nổi lên!
Hòn đảo xinh từng đẹp là thế, mà giờ như đi lạc vào miền hoang đảo nào đó: Không lá cây ngọn cỏ, những ngôi nhà tan nát, những mảnh vườn vùi dập sau mưa. Không biết đến bao giờ Lý Sơn mới phục sinh cái màu xanh từng quyến rũ bao du khách.
Ở làng Phước Thiện
Làng Phước Thiện, bên hông khu đô thị mới Vạn Tường, nằm sát nách Nhà máy lọc dầu Dung Quất, mặt hướng ra biển, như vừa trải qua một trận rải thảm của B52 thời chiến tranh. Không một ngọn cây nào còn lá!
Nhiều gia đình chỉ còn mấy tấm tôn rách (Ảnh: T.Đ)
Vì là nằm sát biển bên bão vỗ trực diện khiến Phước Thiện là địa phương chịu trận nặng nhất của cơn bão- chỉ đứng sau đảo Lý Sơn. Trưởng thôn Phước Thiện, Tiêu Viết Thanh thở dài: “Thôn có trên 1.100 ngôi nhà thì có đến 800 nhà bị bão “bóc” mất tôn hoặc là đánh sập. May nhờ có Trường Dạy nghề Dung Quất mà trú chứ không chết sạch rồi”.
Bà Nguyễn Thị Đào là vợ của người xấu số duy nhất trong bão số 9 ở làng Phước Thiện, ông Bùi Phước Tình (58 tuổi), kể trong nước mắt: “Hai vợ chồng vừa ăn xong gói mì tôm thì bão tới, ông bảo tui đi trước vô núp trong Bệnh viện Dung Quất. Tui vừa bước ra sân đã nghe đánh ầm. Nhìn lại thấy cả tấm vách nhà đã đè lên người ổng rồi”.
Làng Phước Thiện chỉ có một mình ông Tình tử nạn, song bão vẫn đang thổi liên hồi kỳ trận vô những ngôi nhà nghèo. Bây giờ, cứ một ngôi nhà “lành” thì đùm 3-4 gia đình “rách”, trong lúc các phương tiện sản xuất hầu như bị sóng đánh chìm.
Một số vùng, trẻ em vẫn phải sử dung mì tôm sống vì không điện, không nước (Ảnh: T.Đ)
Tỉnh Quảng Ngãi đã cấp 1 tấn mì tôm cho làng nhưng đó chỉ là hạt muối đang bỏ vào biển cả mà thôi.
Chủ quan + Dự báo sai = Thảm họa!
Trong cuộc “giao ban nóng” sáng sớm ngày 30/9, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Phạm Đình Khối “nổi nóng”: “Chúng ta không thể chấp nhận kiểu dự báo như bên khí tượng vừa rồi. Bệnh chủ quan cộng với dự báo sai đã đưa đến những hệ lụy ghê gớm”.
Hệ lụy đó là, rất nhiều người dân cứ nghĩ bão sẽ vô Quảng Trị như “dự báo” của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương chứ không nghĩ bão sẽ đáp úp Quảng Ngãi. Thế là cứ “tà tà”. Trên 1 ngàn gia đình làng Phước Thiện, đến khi bão thốc vào nhà mới chạy giạt vô Trường Dạy nghề Dung Quất. Họ đi tay không còn bỏ lại tất cả, giao phó cho ông trời. Vì vậy, mới núp bão một buổi đã “la làng” khắp nơi vì đói!
Cũng cứ nghĩ Quảng Ngãi chỉ “chịu ảnh hưởng” như “nhà khí tượng” đã dự báo nên rất nhiều tàu đánh cá cắm cổ chạy vô các cảng của Quảng Ngãi. Chạy nhanh thì thoát, chạy chậm như 2 tàu ở Lý Sơn thì vĩnh viễn không bao giờ cập cảng được nữa! Tệ đến mức, bão đã kết thúc lúc 2h30 chiều 29/9 mà bản tin đọc lại của “nhà khí tượng” trên VOV lúc 16h vẫn cứ nói: “Bão sẽ đổ bộ vô Quảng Nam-Quảng Ngãi tối nay!”.
Dự báo luôn luôn sai số, song sai đến mức ấy thì không còn là “dự báo” nữa mà là quan liêu vậy. Trả giá cho sự quan liêu ấy dĩ nhiên là người dân chứ không ai khác.
Trần Đăng - Báo Dân Trí