Không thể phủ nhận V-League có được những điểm sáng hơn hẳn 14 năm ra đời giải bóng đá chuyên nghiệp quốc gia, đó là việc BTC giải đã đưa ra quy định hạn chế số lượng ngoại binh xuống còn 2 cầu thủ/trận đấu. Đây là điều rất tích cực, bởi việc giảm sử dụng cầu thủ ngoại không những hạn chế được ưu thế của những câu lạc bộ lắm tiền nhiều của, mà quan trọng hơn, các nội binh sẽ có cơ hội ra sân thử lửa ở V-League để tiến bộ. Và một điểm tích cực nữa không thể không kể đến, đó là quy định trên đã buộc các CLB chú trọng hơn vào công tác đào tạo trẻ. Nhiệm vụ mà từ lâu lắm rồi không ít đội bóng tham gia V-League đã bỏ ngỏ, dù rằng ai cũng biết đào tạo trẻ mới chính là cách để xây dựng một đội bóng bền vững nhất.
|
Ông Trần Mạnh Hùng - Chủ tịch CLB Hải Phòng kịch liệt chỉ trích PVF và BTC V-League tại buổi lễ gala trao giải. Ảnh: Intenet |
Một điểm sáng nữa, đó là việc năm nay các câu lạc bộ đã mạnh dạn sử dụng nhiều cầu thủ trẻ, trong đó phải kể đến 2 đội bóng SLNA và HAGL. Nếu như các cầu thủ trẻ của “lò” Sông Lam đã khẳng định được thương hiệu và đẳng cấp cũng như kinh nghiệm chinh chiến thì sự xuất hiện của HAGL quả là một luồng gió mới với những kỳ vọng mới. Dù rằng chiếc áo V-League dường như quá rộng đối với “những đứa trẻ nhà bầu Đức”, nhưng hiệu ứng mà họ tạo ra là vô cùng tích cực. Điều này có thể nhận rõ khi trong lượt đi của mùa giải, HAGL tới thi đấu ở sân vận động nào, thì ở đó sẽ diễn ra cảnh “vỡ sân” - một giấc mơ không dễ gì có được sau 15 năm giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam ra đời.
Tuy có những điểm tích cực ấy, nhưng thẳng thắn mà nói, V-League ở “tuổi trăng tròn” cũng chẳng lung linh như những gì dự thảo báo cáo tổng kết mùa giải đánh giá. Bản dự thảo có đoạn “Liên quan đến công tác an ninh an toàn và phòng chống tiêu cực, các trận đấu được đảm bảo tốt, hầu như không có sự cố mất an toàn…”. Tuy nhiên thực tế V-League có đạt được như vậy? Để trả lời câu hỏi này, xin được trở lại câu chuyện tranh suất trụ hạng của các CLB Đồng Nai, Cần Thơ HAGL để biết được công tác phòng, chống tiêu cựu ở V-league đảm bảo tốt đến mức nào. Dù rất được kỳ vọng ở giải đấu cao nhất bóng đá Việt Nam, nhưng sau vòng đấu thứ 19, với thất bại 0-3 trên sân Cẩm Phả, đám trẻ nhà bầu Đức đã có được vị trí đúng với năng lực của họ - đội sổ. Với vị trí đáy bảng xếp hạng cũng như những gì đã thể hiện “đá đâu thua đó”, khi ấy các chuyên gia, người hậm mộ dù có tự tin đến mấy cũng không nghĩ họ sẽ trụ hạng thành công. Nhưng rồi con tạo “bỗng” xoay vần, một đội bóng mà hòa đã mừng như vô địch bỗng dưng ngược dòng thắng SLNA 3-1 dù đã bị dẫn trước.
Nếu ai xem trận đấu này hẳn còn nhớ một hàng thủ vốn nổi tiếng chắc chắn của SLNA bỗng chơi như mơ ngủ trước các cầu thủ không cùng đẳng cấp. Nhưng đây hẳn chưa phải là bất ngờ lớn nhất, bởi sau đó, đội bóng phố núi còn thắng được cả Hà Nội T&T với tỷ số 3-2. Ở trận đấu này, HAGL thậm chí còn bị Hà Nội T&T dẫn trước tới 2 bàn dễ như trở bàn tay. Thế nhưng sau đó, đội bóng Thủ đô “đánh mất chính mình” khi mắc vô số sai lầm sở đẳng nhất theo kiểu “mời” đối phương ghi bàn. Còn trước đó ở vòng 17, đội bóng mà cả V-League nể sợ là B.Bình Dương cũng đã thua sốc 1-2 trước HAGL. Tất nhiên không thể phủ nhận nỗ lực của Công Phượng và các đồng đội qua việc giành chiến thắng trước đối thủ trực tiếp Đồng Nai, nhưng nếu không có 9 điểm “từ trên trời rơi xuống” liệu đám trẻ nhà bầu Đức có trụ hạng?
Bên cạnh đó, vấn nạn bạo lực sân cỏ, vấn đề trọng tài hay như những phản ứng thiếu chuyên nghiệp từ băng ghế chỉ đạo… vẫn còn diễn ra thường xuyên. Vậy nhưng khi tổng kết mùa giải, cơ quan điều hành giải đấu vẫn cứ vô tư dùng những mỹ từ để mô tả về một giải đấu thành công. Đây rõ ràng là nghịch lý, và một khi BTC vẫn chưa thay đổi cách nhìn nhận thế nào là thành công thì chẳng biết bao giờ V-League mới thực sự chuyên nghiệp?
Cảnh Nam-Baonghean.vn