| | | | |
Vietnamese
English
DANH MỤC MENU
LIÊN KẾT
THÔNG TIN CẦN BIẾT
BỘ ĐẾM TRUY CẬP
 
Hôm nay: 2,164
Tất cả: 99,755,117
 
 
Bản in
Tăng học phí, rồi sao nữa?!
Tin đăng ngày: 11/10/2015 - Xem: 3054
 

Mức tăng học phí theo Nghị định 86/NĐ-CP tạo thêm gánh nặng cho nhiều gia đình thu nhập thấp, nhất là những gia đình ở nông thôn, vùng xa

Theo Nghị định 86/2015/NĐ-CP quy định về mức thu học phí và chính sách miễn giảm học phí ở các trường công lập có hiệu lực thi hành từ ngày 1-12-2015, mức học phí ở khối trường này sẽ tăng dần hằng năm, từ năm học 2015-2016 đến 2020-2021.

Cần tính đến khả năng chi trả của người dân

Theo nghị định, mức học phí tăng tối đa ở các trường ĐH thí điểm tự chủ có thể hơn 44 triệu đồng/năm (khoảng 2.000 USD), tương đương 100% GNI (gross national income - tổng thu nhập quốc gia) bình quân đầu người của Việt Nam. Đối với những trường chưa thực hiện tự chủ tài chính, mức học phí cao nhất là 8,8 triệu đồng/năm (khoảng 400 USD), tương đương 20% GNI bình quân đầu người.

Học phí càng tăng, các trường công và tư càng cạnh tranh gay gắt. Trong ảnh: Sinh viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành trong giờ thực hành Ảnh: TẤN THẠNH
Học phí càng tăng, các trường công và tư càng cạnh tranh gay gắt. Trong ảnh: Sinh viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành trong giờ thực hành Ảnh: TẤN THẠNH

Mức học phí như vậy là cao hay thấp và sẽ dẫn tới những hệ quả xã hội như thế nào? Để trả lời câu hỏi này, thông thường có 3 cách tiếp cận. Về phía nhà trường, mức học phí được so sánh với chi phí đào tạo, bao gồm cả đầu tư phát triển. Về phía người học, mức học phí so sánh với triển vọng thu nhập trong tương lai. Về phía quản lý hệ thống, mức học phí so sánh với thu nhập trung bình đầu người và so sánh với các quốc gia khác.

Thực ra cả 3 cách tiếp cận này đều liên đới với nhau. Chúng ta không thể nói mức thu như vậy là cao hay thấp mà không đặt nó trong tương quan với chất lượng người thầy và điều kiện học tập, môi trường mà nhà trường mang lại. Hơn thế nữa, phải đặt nó trong tương quan với kết quả mà người học thụ đắc trong quá trình giáo dục bởi kỹ năng, tri thức, tầm nhìn, cách suy nghĩ mà người học gặt hái được trong 4 năm ĐH sẽ quyết định trực tiếp đến cơ hội phát triển nghề nghiệp và triển vọng thu nhập trong tương lai.

Từ góc độ quản lý hệ thống, nhà nước phải giải quyết bài toán cân bằng giữa mức thu học phí, khả năng chi trả của người dân và nhu cầu nhân lực cho tăng trưởng vì mức cân bằng này sẽ quyết định số người vào ĐH cũng như tỉ lệ nguồn nhân lực được đào tạo kỹ năng cao cho sự phát triển của nền kinh tế.

Tìm kiếm sự đồng thuận

Mức tăng học phí theo Nghị định 86/CP đang gây lo lắng cho nhiều gia đình thu nhập thấp, nhất là những gia đình ở nông thôn, vùng xa. Mối lo lắng càng tăng trong bối cảnh ngày càng nhiều cử nhân thất nghiệp khiến triển vọng việc làm của những người có bằng ĐH không mấy sáng sủa.

Tuy vậy, để giải quyết thất nghiệp, các trường buộc phải nâng cao chất lượng đào tạo mà nguồn lực tài chính lại là điều kiện cần để thực hiện việc này. Vì vậy, chủ trương tăng học phí là cần thiết nếu đặt đúng mục tiêu. Hơn nữa, mức học phí hiện nay dù sao cũng còn thấp so với các nước. Tính trung bình học phí 1 năm ở trường công của Mỹ là 9.804 USD, chiếm 17,7 % GNI đầu người; ở Malaysia là 8.500 USD, chiếm 79% GNI đầu người...

Vấn đề đặt ra là để chủ trương tăng học phí nhận được sự đồng thuận của người dân, cần cùng lúc thực hiện những cải cách cần thiết. Trên thực tế, một số gia đình không có khả năng chi trả mức học phí này. Nếu không có chính sách hỗ trợ, hệ quả sẽ là khoảng cách ngày càng nới rộng giữa các nhóm thu nhập khác nhau, tạo ra bất ổn xã hội. Vì vậy, mức học phí cao phải kèm theo chính sách học bổng, miễn giảm và chính sách cho vay đa dạng, linh hoạt.

Nghị định 86/NĐ-CP đã nêu những chính sách này nhưng chưa bao phủ hết các đối tượng cần hỗ trợ. Vì thế, để mở rộng cơ hội vào ĐH cho mọi người, ngoài nguồn ngân sách cấp, cần quy định một tỉ lệ nhất định nguồn thu học phí phải được dùng cho hỗ trợ học bổng, miễn giảm, thông qua nhiều cơ chế đa dạng để đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tượng. Nhưng kể cả khi đã có những chính sách như vậy, vẫn sẽ có những người không đủ giàu để đóng học phí và không đủ giỏi để được cấp học bổng, do đó cần có những nguồn cho vay để phục vụ đối tượng này. Với việc cho vay, người học sẽ cân nhắc việc theo đuổi tấm bằng ĐH với một món nợ không nhỏ và có trách nhiệm hơn với việc học tập của mình hoặc sẽ chọn theo học các trường cao đẳng, trung cấp nghề với thời gian ngắn hơn, chi phí thấp hơn và có thể tìm được việc ngay.

Việc tăng học phí cũng sẽ nhận được sự đồng thuận lớn hơn của xã hội nếu có một cơ chế tốt hơn để nhà trường thực hiện trách nhiệm giải trình của mình trước xã hội, chứ không chỉ là trước cơ quan quản lý nhà nước. Quy chế “3 công khai” phải được tăng cường và mọi hành động hướng về minh bạch, công khai đều cần được khích lệ.

Một cơ chế giúp nhà trường thực hiện trách nhiệm giải trình cũng như bao hàm được tiếng nói của các bên khác nhau trong quá trình ra quyết định chính là hội đồng trường. Cơ chế này cần được xây dựng và củng cố để có thể hoạt động một cách thực chất. Đó là điều cần làm để tăng cường ý nghĩa thiết yếu của nhà trường đối với xã hội. Một khi nhà trường chứng tỏ được sự thích đáng của mình trong việc đáp ứng nhu cầu của xã hội, sự ủng hộ đối với chủ trương tăng học phí sẽ trở thành tất yếu.

Trao quyền tự chủ cho các trường

Cũng theo Nghị định 86/NĐ-CP, mức học phí tăng cao nhất ở những trường thí điểm tự chủ tài chính ngang bằng với các trường tốp hiện nay của khu vực ngoài công lập. Điều này sẽ tạo ra một mặt bằng cạnh tranh mới, nhất là trong bối cảnh số người vào ĐH vốn thấp hơn tổng số chỉ tiêu của tất cả các trường.

Các trường công bắt đầu phải cạnh tranh để giành sinh viên. Trường mạnh, có uy tín lâu đời phải cạnh tranh để giành sinh viên giỏi. Trường nhỏ, ít uy tín hơn, thuộc nhóm dưới cũng phải tìm cách thu hút sinh viên để tồn tại. Đã bắt đầu xuất hiện một xu hướng tuyển chọn người thực sự giỏi để làm công tác quản lý ở những trường công tự chủ tài chính. Nói cách khác, cơ chế tự chủ tài chính đã đặt các trường vào một bối cảnh có tính chất thị trường hơn. Bàn tay vô hình của thị trường là một cơ chế “tưởng thưởng ta bằng những thành công và trừng phạt ta bằng những thất bại”, sẽ kích thích tư duy “dám làm dám chịu”, giúp các trường thay đổi mạnh mẽ theo hướng gắn bó với những nhu cầu của thị trường.

Chúng ta hy vọng việc giao quyền tự chủ tài chính cho các trường không có nghĩa là nhà nước đẩy giáo dục ĐH vào khu vực thị trường mà không có những can thiệp cần thiết. Nó chỉ có ý nghĩa như một cơ chế giúp tạo ra động lực thúc đẩy các trường cải thiện chất lượng đào tạo, bởi một khi giảm bớt phụ thuộc vào nguồn ngân sách, các trường sẽ phải hướng tới thị trường nhiều hơn và đáp ứng tốt hơn những đòi hỏi thực tế của xã hội.

Trong lúc đó, nhà nước có thể tập trung sức lực cho việc quản lý hệ thống, tập trung nguồn lực cho việc bù đắp những khiếm khuyết của thị trường; chẳng hạn như bảo đảm công bằng trong cơ hội tiếp cận ĐH và thúc đẩy phát triển những ngành cần thiết cho xã hội nhưng thị trường không có đủ động lực đáp ứng, ví dụ như ngành sử học, dân tộc học, khảo cổ học...

Ngoài ra, thay vì cấp kinh phí dàn trải cho các trường như trước đây, nhà nước có thể xây dựng các quỹ tài trợ nghiên cứu trên cơ sở cạnh tranh và không phân biệt công - tư. Nhà nước cũng có thể hỗ trợ các trường xây dựng kế hoạch phát triển dài hạn và quan trọng nhất là thúc đẩy những thiết chế nhằm bảo đảm trách nhiệm của các trường.

Bất bình đẳng với trường ngoài công lập

Quy định mới về tăng học phí khối trường công lập làm khoảng cách bất bình đẳng giữa trường công và trường tư thêm giãn rộng. Với mức học phí điều chỉnh ngang bằng, trường công vẫn có lợi thế hơn hẳn nhờ khoản bao cấp đất đai và trường sở. Các trường này cũng có thể trả lương giảng viên tốt hơn khiến ưu thế của trường ngoài công lập giảm đi.

Tương quan mới này đòi hỏi các trường phải cải thiện môi trường làm việc, xây dựng bản sắc riêng của mình để có thể tồn tại. Một số trường tư có thể không tồn tại nổi phải sáp nhập hay đổi chủ và cuối cùng sẽ chỉ còn lại những trường có tiềm lực tài chính mạnh, có tầm nhìn xa, có thiết chế quản trị nội bộ hiệu quả và tạo dựng được thế mạnh riêng là có thể đứng vững.

Tăng học phí qua các năm

Theo Nghị định 86/NĐ-CP, mức thu học phí của các trường ĐH công lập như sau:

- Khối ngành, chuyên ngành đào tạo khoa học xã hội, kinh tế, luật; nông - lâm - thủy sản: từ năm học 2015-2016 đến 2017-2018 là 1,75 triệu đồng/tháng; từ năm học 2018-2019 đến 2019-2020: 1,85 triệu đồng đồng/tháng; năm học 2020-2021: 2,05 triệu đồng/tháng.

- Khối ngành, chuyên ngành khoa học tự nhiên; kỹ thuật, công nghệ; thể dục thể thao, nghệ thuật; khách sạn, du lịch: từ năm học 2015-2016 đến 2017-2018: 2,05 triệu đồng/tháng; từ năm học 2018-2019 đến 2019-2020: 2,2 triệu đồng/ tháng; năm học 2020-2021: 2,4 triệu đồng/tháng.

- Khối ngành, chuyên ngành đào tạo là y dược: từ năm học 2015-2016 đến 2017-2018: 4,4 triệu đồng/tháng; từ năm học 2018-2019 đến 2019-2020: 4,6 triệu đồng/tháng; năm học 2020-2021: 5,05 triệu đồng/tháng.

Nguồn: Phạm Ly/ Báo Người lao động

  Các bài mới:
Nghệ An tổ chức Đại hội Liên đoàn Quần vợt nhiệm kỳ 2023 - 2028(15/4/2023)
BHXH Việt Nam bổ sung tính năng hiển thị thời gian chưa đóng BHXH, BHTN trên ứng dụng “VssID - Bảo hiểm xã hội số”(16/3/2023)
Tham gia BHYT trước 01/7/2023: Người dân không phải đóng bù phần chênh lệch do tăng lương cơ sở(24/2/2023)
PHAN BỘI CHÂU - TẦM NHÌN VƯỢT THỜI ĐẠI(27/1/2023)
Diễn biến “nóng” vụ Xuân Bắc viết status "Cái tát của mẹ"(27/1/2023)
Lập xuân 2023 là ngày nào?(27/1/2023)
Lễ kỷ niệm 234 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa tại Nghệ An(27/1/2023)
Nghệ An: 129 lái xe vi phạm nồng độ cồn bị xử lý dịp Tết(27/1/2023)
  Chính sách:
Nghệ An: Điều chỉnh kế hoạch tuyển sinh vào lớp 10 THPT, năm học 2020 - 2021 (30/4/2020)
Bốn loại văn bằng giáo dục đại học (2/1/2020)
Nghệ An sẽ hạ bậc thi đua với hiệu trưởng nếu để xảy ra bạo lực học đường (5/4/2019)
Trường THPT chuyên Phan Bội Châu sẽ tuyển sinh thêm 2 lớp chuyên (31/3/2017)
TP Vinh chi ngân sách nhà nước trên 391 tỷ đồng cho giáo dục đào tạo (9/9/2016)
Sửa SGK Toán: Không chỉ cắt ghép cơ học (23/8/2016)
Nghệ An: 50% học sinh mầm non và tiểu học được uống sữa học đường (18/6/2016)
Sinh viên Sư phạm được miễn học phí đến năm 2021 (13/4/2016)
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT: Không có chuyện phân biệt sách miền Bắc hay miền Nam! (15/2/2016)
Tiếp tục hỗ trợ ăn trưa bán trú cho trẻ mầm non (17/1/2016)
THÔNG TIN CẦN BIẾT
Lịch công tác UBND
Văn bản pháp quy
Văn phòng điện tử
Dịch vụ công trực tuyến
Album ảnh Nghệ An
Truyền hình TP Vinh
Liên hệ - Góp ý
Phiên bản Mobile
TRUYỀN HÌNH TP VINH
Loading the player...
LIÊN KẾT WEBSITE
 
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ THÀNH PHỐ VINH
Giấy phép số: 253/GP-TTĐT ngày 19/11/2010 do Bộ Thông tin và truyền thông cấp
Cơ quan chủ quản: UBND TP Vinh - Địa chỉ: Số 27 Đường Lê Mao – TP Vinh. 
Hotline: 02383.840.039; 02383. 842574    Mail: Vinhcity.ptth@gmail.com
Chịu trách nhiệm chính: Ông Trần Ngọc Tú – Chủ tịch UBND Thành phố Vinh


Thiết kế Website