Nằm ở rẻo đất tận cùng của tỉnh Nghệ An, trung tâm huyện cách tỉnh lỵ hơn 200km, có 73km đường biên giới giáp nước bạn Lào, Quế Phong (Nghệ An) vốn là một huyện nghèo có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Với địa hình miền núi đá vôi, người dân nơi đây từ bao đời nay vẫn sống bằng nghề làm nương, phát rẫy.
Mấy năm gần đây, nhờ dự án xây dựng các công trình thuỷ điện được thành lập, nơi đây nhộn nhịp hẳn lên vì có những công nhân "dưới xuôi" lên làm việc. Nhưng cũng bắt đầu từ đó, những đối tượng buôn bán ma tuý mò lên, biến nơi đây thành địa bàn trung chuyển xuyên quốc gia.
Tiêu điều "bản không chồng" trên núi
"Huyện Quế Phong là điểm nóng về ma tuý với rất nhiều địa danh buồn nhưng bản Mường Mừn, xã Mương Nọc vẫn nổi tiếng hơn cả. Cả bản có 72 nóc nhà thì có tới hơn 40 hộ tham gia mua bán, vận chuyển trái phép chất ma tuý. Gần 30 người đang phải ngồi tù, một số khác hiện đang được ở nhà do vừa mãn hạn tù hoặc… chưa kịp vào tù. Cả bản tiêu điều, xơ xác, những bố mẹ già, vợ dại, con thơ không đủ sức lao động, ngày ngày cặm cụi nhặt nhạnh từ đá sỏi để kiếm cái ăn. Xã, huyện cũng đã cố gắng vận động, lực lượng Công an chúng tôi cũng đã làm ráo riết, nhưng kết quả vẫn chưa được bao lăm vì cái nghèo vẫn chưa được giải quyết", đồng chí Trung tá Hồ Trọng Sự, Công an huyện Quế Phong lắc đầu nói buồn khi giới thiệu chúng tôi về với Mường Mừn.
Đón chúng tôi là những đứa trẻ con nhem nhuốc gầy gò, thỏ lỏ mắt nhìn người lạ, những cụ già ngồi bên hiên ngơ ngác trong nắng chiều vàng vọt, úa nhàu. Anh Công an viên Lữ Hạt Nhân vừa cày xong thửa ruộng, quần ống cao ống thấp dẫn chúng tôi đi men theo con đường lớn trong bản.
Đoạn đường chưa đầy 100m, anh vừa đi vừa chỉ tay sang phải, sang trái, đằng trước đằng sau vừa cho biết: đây là nhà của phạm nhân Hà Văn Ân có ba cha con cùng vào tù vì xách thuê ma tuý, kia là nhà của Hà Văn Nhất đã chết từ năm 2008 vì dính HIV do tiêm chích ma tuý, bên phải là nhà của Vi Văn Thìn và con trai là Vi Văn Thịnh bị xử 15 năm tù, bên trái là nhà của Sầm Văn Hoàng và vợ là Lương Thị Dũng, cả hai cũng đang ngồi tù; phía trước là nhà của Lô Thị Liên và con trai là Hà Văn Đàn đã 2 lần đi tù vì tái phạm… Chỉ một vài nóc nhà lèo tèo nằm rải rác, nhưng đi đến đâu, chỉ đến nhà nào, nhà đó đều có người đi tù vì dính dáng đến ma tuý. Đất nghèo, ruộng đá, bản làng người Thái nơi miền Tây xứ Nghệ heo hút đó vốn đã quanh năm thiếu ăn, nay bị con bão ma tuý tràn qua, khiến cho đói nghèo càng dai dẳng.
Chúng tôi vào thăm gia đình bà Lô Thị Xoan, 55 tuổi, có chồng là Hà Văn Ân sinh năm 1954, bị bắt vì buôn bán ma tuý đã phát bệnh chết trong tù. Con trai Ân là Hà Văn Dùng và con dâu là Vi Thị Hà cũng dắt nhau vào tù vì cùng tội danh như bố. Bà Xoan một mình lọ mọ nuôi cháu và bố chồng năm nay đã ngoài 90 tuổi. Nhà chẳng có trâu, bà phải ngày ngày cuốc ruộng đồi để trồng lúa. 3 con người đó có gì ăn nấy, hôm nào không có ăn thì ngồi nhịn đói. Nhà sập, người trong bản thương tình dựng cho cái nhà xập xệ ở tạm.
|
Gian nan đường vào bản Mường Mừn. |
Dính vào ma tuý ở bản Mường Mừn, nhà nào đủ ăn mới là chuyện lạ. Chị Lữ Thị Hằng năm nay mới ngoài 30 tuổi nhưng trông như người đã ở tuổi ngũ tuần. Chồng chị là Vi Văn Thìn và con trai Vi Văn Thịnh bị bắt cùng một ngày vì tội xách lẻ ma tuý. Vào tù, Thịnh bị phát hiện có một khối u ở bụng nên được về nhà chữa trị. Nhà không có trâu bò, một mình chị ngày ngày đi xúc cát thuê để vừa nuôi thân, vừa chữa bệnh cho con. Hai mẹ con chui ra chui vào trong ngôi nhà dột nát, sàn thủng lỗ chỗ…
Anh Lữ Hạt Nhân cho biết: Cùng với 30 người đang phải đi tù vì tội danh mua bán, vận chuyển ma tuý, bản còn có hơn 20 người đi làm ăn xa, ngoài ra có 13 người nghi nghiện đang cai tại cộng đồng, trong đó có 9 người đi tù về lại tái nghiện, nên làng giờ chỉ còn người già và trẻ con. Bản Mường Mừn được người dân huyện Quế phong gọi buồn là bản không chồng cũng vì lý do đó. Số trẻ con trong bản học lên cấp 3 đếm trên đầu ngón tay. Bản gần như 100% hộ nghèo, thường xuyên đứt bữa…
Ổn định đời sống cho bà con
Trung tá Hồ Trọng Sự, Đội trưởng Đội Phòng chống ma tuý huyện Quế Phong là người đã gắn bó với mảnh đất này 17 năm cho biết: Ở Quế Phong có 6 địa bàn phức tạp về ma tuý gồm xã Trí Lễ, Châu Thôn, Căm Muộn, Châu Kim, Mường Nọc và cả thị trấn Kim Sơn. Ngoài ra, cả 14 xã, thị trấn, trong huyện đều có người nghiện. Ở bản Chổi, xã Kim Sơn, có gia đình cả 3 cha con đều nghiện: cha là Lô Văn Thái nghiện đã chục năm nay, "dạy" cho cả hai người con trai là Lô Văn Cả Thái và Lô Văn Tâm cùng nằm đèn bàn. Gia đình đó 6 con người chui rúc trong một căn nhà rách nát, tồi tàn, thường xuyên đứt bữa, con cái nheo nhóc, không được học hành…
Có "công" đưa ma tuý vào Quế Phong là những đối tượng buôn bán từ bên kia biên giới vượt biên vào nội địa. Những người này đi thành từng tốp từ 3-5 người, mang theo vũ khí nóng như súng AK, cac-bin, lựu đạn, tập trung ở Bù Pà Pùa, Con Cắng (Xã Mương Nọc), khe Cọ Hoà, Bù Chờ Nhằng, Bù Chờ Lớng, khe Cỏ Hạt thuộc xã Châu Kim, Bù Bản Bỏi, khu vực Na Ạp của Châu Thôn… Riêng tuyến từ Trí Lễ xuống có tới 2 đường dây buôn bán ma tuý lớn với 13 đối tượng. Số đối tượng này thường đi mua bán ở các các tỉnh phía Nam, Bắc. Không chỉ đầu độc, lôi kéo nam giới, các đối tượng này còn lợi dụng cả phụ nữ, trẻ em xách thuê ma tuý cho chúng.
|
Nhiều ngôi nhà ở Mường Mừn chỉ còn người già và trẻ con. |
Trước tình hình phức tạp về ma tuý trên địa bàn, Công an tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo Công an huyện Quế Phong triệt phá những tụ điểm ma tuý. Từ đầu năm 2009 đến nay, lực lượng chức năng đã xoá được 3 điểm phức tạp về ma tuý gồm bản Kim Khê ở xã Châu Kim, bản Tạng ở xã Tiền Phong, bản Na Ca ở xã Quế Sơn, có những gia đình bắt cả hai vợ chồng, gia đình khác lại bắt cả bố và con như gia đình Lương Văn Đại ở bản Na Ca, xã Quế Sơn. Nhiều gia đình do trình độ nhận thức, đã cố tình bao che cho tội phạm, nhưng cũng có những gia đình đích thân tìm đến gặp Công an, đề nghị họ bắt chồng, bắt bố để tránh tình trạng gây mâu thuẫn trong gia đình, mang bệnh tật xã hội cũng như lún sâu vào con đường phạm tội…
Cùng với việc "quét dọn" các tụ điểm ma tuý, lực lượng Công an cũng đang thực hiện công tác cai nghiện ma tuý tại cộng đồng. Trạm Y tế xã trở thành điểm cai nghiện chung cho cả xã. Về cơ bản, hình thức cai nghiện này đã đạt được kết quả rất khả quan. Các gia đình cũng đã phối hợp với Công an theo dõi sát sao quá trình cai nghiện. Tuy nhiên, một thực tế đáng lo ngại đó là hiện nay, kinh tế của Quế Phong vẫn còn giẫm chân tại chỗ, cuộc sống của người dân vẫn chỉ trông chờ mùa thu hoạch trên nương rẫy, nên cái đói cái nghèo vẫn còn lẩn quất, không thoát được.
"Dù lực lượng Công an chúng tôi có cố gắng đến mấy, công tác cai nghiện có đạt hiệu quả cao đến mấy thì nguy cơ tái nghiện trong cộng đồng cũng sẽ rất lớn bởi đa số những người nghiện đều không có công ăn việc làm, không có thu nhập nên họ vẫn rơi vào vòng luẩn quẩn. Ngoài sự phối hợp giữa lực lượng Công an với các đoàn thể, cơ quan chức năng, chúng tôi rất mong có những chiến lược đầu tư phát triển kinh tế cho Quế Phong như những nông trường trồng rừng, chế biến lâm sản… để tạo công ăn việc làm cho người sau cai nghiện, có như thế, may ra cuộc chiến chống ma tuý ở đây mới triệt để được", đồng chí Thượng tá Hồ Hữu Ngọc, Trưởng Công an huyện Quế Phong tâm sự