Với những gì đang xảy ra trong việc bố trí nhân sự ở cấp tỉnh, có lẽ đây là lần thay đổi mạnh mẽ nhất từ nhiều năm nay. Nhiều cán bộ rất trẻ so với thông lệ bố trí cán bộ của Đảng đã được đưa vào những vị trí rất cao ở nhiều địa phương.
Điều đáng chú ý là nhiều người trong số họ là người thân của những người hiện hoặc nguyên là cán bộ cao cấp quốc gia hay địa phương sở tại.
Đây là một dấu hiệu mang nhiều yếu tố tích cực vì ba lý do sau:
Thứ nhất, thay đổi cách nhìn của xã hội về nền tảng cho sự phát triển
Lý tưởng nhất là xã hội có nhiều người tài giỏi và thành công bất kể họ xuất thân như thế nào.
Sự phát triển của một quốc gia hay cộng đồng thường tương ứng với tỷ lệ thành công của những người có điều kiện hay cả xã hội tạo cho những người có điều kiện thành công hơn nữa. Tất cả cùng kéo nhau đi lên.
Điều đáng quan tâm là trong cách nhìn của rất nhiều người Việt chúng ta, những người xuất phát từ nghèo khó, từ bàn tay trắng học giỏi hay thành công mới là điều đáng nói. Nếu có bệ phóng thuận lợi mà thành công thì đâu có gì để nói.
Đây là cách nhìn cản trở sự phát triển của xã hội.
|
Ông Nguyễn Thanh Nghị, 39 tuổi, được tín nhiệm bầu làm Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang |
Trên thực tế, để có thể trở nên giỏi giang, giàu có hay thành công đều rất khó khăn đối với bất kỳ ai. Những điều kiện hay thuận lợi ban đầu chỉ là một phần nào đó ở điểm xuất phát.
Thêm vào đó, sự phát triển của mỗi xã hội cần số đông những người có khả năng và thành công chứ không phải thiểu số. Số đông này chỉ có thể có được từ đông đảo những người có điều kiện thuận lợi ban đầu.
Những người xuất phát từ điều kiện hết sức bất lợi mà thành công thường chiếm một tỷ lệ rất nhỏ. Nếu họ đóng vai trò cảm truyền hứng cho xã hội thì rất tốt nhưng vai trò làm nền tảng cho sự phát triển của xã hội ít có khả năng xảy ra vì đơn giản họ là những thiểu số.
Lịch sử phát triển của nhân loại đã cho thấy điều này.
Do vậy, con nhà nghèo học giỏi là điều cần khuyến khích, nhưng để trở nên phát triển hơn, chúng ta cần cổ vũ để nhiều người có lợi thế hay con nhà khá giả thành công hơn nữa.
Bất cứ điểm xuất phát nào thành công đều đáng được trân trọng chứ không nên thấy ai trở nên giàu có thì đặt dấu hỏi có gì khuất tất không, chừng nào sẽ sụp hay người trẻ nào được cất nhắc thì đặt dấu hỏi gốc gác từ đâu.
Nói một cách cụ thể, quan điểm kéo người khác thụt lùi cho bằng mình nên được thay đổi theo chiều ngược lại.
Đương nhiên, điều này chỉ có được khi sự công bằng trong xã hội được công chúng cảm nhận.
Thêm vào đó, một thực tế xảy ra hầu như trên tất cả các quốc gia trên thế giới là những thế hệ liên tiếp trong nhiều gia đình thường xuyên nắm những trọng trách quốc gia, như nhà Bush và nhà Kennedy ở Hoa Kỳ chẳng hạn.
Hay mới đây nhất là ở Canada, Justin Trudeau, con trai của cố tổng thổng Canada Pierre Trudeau sẽ trở thành thủ tướng của một trong những quốc gia có đời sống phúc lợi cao nhất thế giới ở tuổi 43.
Tuy nhiên, điều cốt yếu nằm ở cách thức lựa chọn và cạnh tranh vào các vị trí. Ví dụ, ít ai có điều tiếng với trường hợp của Singapore.
Thứ hai, quyết định táo bạo
Vinh quang và uy tín của Đảng Cộng sản Việt Nam có được là nhờ việc lãnh đạo nhân dân giành được độc lập và chiến thắng trong các cuộc chiến tranh xâm lược của các thế lực bên ngoài. Uy tín này cũng có được nhờ quyết định đổi mới để đưa Việt Nam thoát khỏi khủng hoảng và trở thành nước có thu nhập trung bình sau ba thập kỷ.
Tuy nhiên, so với các quốc gia trong khu vực có cùng điểm xuất phát từ thập niên 1950, Việt Nam vẫn đang tụt hậu xa. Đảng vẫn đang nợ lời hứa đưa toàn thể dân tộc Việt Nam đi đến bến bờ hạnh phúc ấm no.
Việc thay đổi cách thức bố trí cán bộ nêu trên là quyết định hết sức táo bạo của Đảng. Kỳ vọng những người được cất nhắc sẽ thực hiện bằng được lời hứa là rất lớn. Nếu không, uy tín của Đảng sẽ bị ảnh hưởng.
|
Ông Nguyễn Xuân Anh cùng độ tuổi với ông Nguyễn Thanh Nghị được tín nhiệm bầu làm Bí thư Thành ủy Đà Nẵng |
Việc chọn những cán bộ trẻ là người thân của những cán bộ cao cấp là một bước táo bạo hơn nhiều so với việc chọn thêm một số người có điều kiện tương tự nhưng xuất thân bình thường để tạo ra “nhóm đối chứng”.
Đối với trường hợp chọn “nhóm đối chứng”, nếu cả hai không thể gặt hái được thành công như kỳ vọng thì sẽ có cơ sở cho những cải cách mạnh mẽ hơn.
Hơn thế, “nhóm đối chứng” sẽ tạo thêm sức ép để những người được chọn hiện nay phải thể hiện tốt hơn khả năng của mình.
Thứ ba, những người được cất nhắc buộc phải thể hiện năng lực
Những trục trặc - trong việc tìm cách thức để Việt Nam trở nên phát triển hơn một phần là do các thế hệ lãnh đạo kinh tế trong mấy thập niên qua đều chuyển từ việc cầm súng sang chỉ đạo kinh tế khi chưa được trang bị những kiến thức nền tảng cũng như những vấn đề của lịch sử.
Do vậy, người dân có thể phần nào thấu hiểu và thông cảm với những điều chưa được như kỳ vọng.
Tuy nhiên, những cán bộ trẻ được cất nhắc lần này, nhất là người thân của những lãnh đạo cấp cao không thể viện dẫn lý do khách quan nêu trên. Gần như tất cả đều đã được thừa hưởng những nền giáo dục tiên tiến nhất nhì thế giới và tốt nghiệp những bậc học cao nhất.
Họ đang có được tất cả các điều kiện thuận lợi cũng như được trang bị những kiến thức, công cụ và sự hỗ trợ cần thiết ban đầu. Hơn thế, kỳ vọng cao và sự dõi theo sát sao của công chúng buộc những người này phải tạo ra những kết quả tốt cho toàn xã hội.
Không còn con đường nào khác, thế hệ lãnh đạo mới nêu trên của Việt Nam buộc phải chứng minh năng lực của mình. Ít nhất họ cũng phải minh chứng rằng vị trí của mình là xứng đáng, nhằm dẹp bỏ những dư luận không hay.
Muốn làm được điều này, mỗi cá nhân phải có khả năng biến mình thành những cục nam châm thu hút được nhiều người có khả năng có chí tiến thủ cùng thực hiện sứ mệnh rất khó khăn nhưng vinh quang phía trước.
Chúng ta cùng chờ xem!
Nguồn: Vietnamnet