Trẻ em và người già nên được tiêm vaccine phòng cúm. (Ảnh minh họa) Dương Ngọc
Bùng phát mạnh vào thời điểm giao mùa
PGS-TS Trần Như Dương - Viện phó Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư nhận định, mùa đông xuân, thời tiết ẩm thấp, không khí lạnh khiến sức đề kháng của con người kém đi, chính là lúc bệnh cúm bùng phát. Cúm mùa là bệnh truyền nhiễm cấp tính, chủ yếu do các virus cúm A/H3N2, cúm A/H1N1, cúm B. Virus cúm rất dễ lây qua dịch đường hô hấp, khi người bệnh hắt hơi, ho khạc hoặc lây gián tiếp qua các đồ vật mà người bệnh đã tiếp xúc.
Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 1,5 -1,8 triệu ca nhiễm cúm. TS Dương cho biết, có đến 95% ca cúm là tự khỏi. Nhưng 5% biến chứng nặng gây viêm phổi, suy hô hấp, điều trị khá tốn kém. Cũng có một tỷ lệ không nhỏ người bệnh tử vong vì “hắt hơi, sổ mũi”.
Số liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, mỗi năm có khoảng 5-10% người trưởng thành và 20-30% trẻ em bị nhiễm cúm, trong đó có khoảng 3-5 triệu ca cúm nặng và khoảng 250.000 - 500.000 ca tử vong vì cúm.
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp – Trưởng khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư) cho biết: “Cúm tồn tại quanh năm nhưng vào thời điểm giao mùa dịch thường bùng phát mạnh hơn. Nguyên nhân là do thời tiết thay đổi đột ngột từ nóng sang lạnh khiến cơ thể không kịp thích ứng, giảm sức đề kháng, dễ bị virus cúm tấn công”. Theo bác sĩ Cấp, những người có nguy cơ cao mắc cúm là trẻ em, người già, phụ nữ mang thai, những người có bệnh mãn tính, hệ miễn dịch kém.
Dự phòng bằng tiêm vaccine
" Cúm mùa thường có triệu chứng chán ăn, mệt mỏi, đau người, đau đầu, hắt hơi, chảy nước mắt, nước mũi... sốt 38-39 độ C. Bệnh nhân chỉ cần nghỉ ngơi, ăn thức ăn mềm, dễ tiêu, uống nhiều nước, nếu sốt cao thì uống giảm sốt. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân sốt cao liên tục, khó thở, suy hô hấp thì cần đi bệnh viện để được điều trị kịp thời”. Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp |
Bác sĩ Cấp cho biết, sai lầm của nhiều người dân khi cúm, ho, sốt lại nghĩ mình bị viêm họng, vội vã mua kháng sinh uống. Thực tế, kháng sinh không diệt được virus cúm mà còn làm cơ thể mệt mỏi, suy yếu, khiến cho virus cúm càng tấn công mạnh hơn. “Hiện chưa có thuốc đặc trị virus cúm. Một số thuốc cảm cúm hiện hành cũng chỉ có tác dụng ức chế, kìm hãm sự phát triển của virus cúm. Người bệnh có thể nhanh khỏi bệnh hơn” – bác sĩ Cấp nhận định. Tuy nhiên, bác sĩ Cấp nhấn mạnh việc uống thuốc cảm cúm chỉ có tác dụng trong 2-3 ngày đầu mới bị cúm, cũng không nên uống quá liều, uống nhiều ngày. Nếu không virus cúm có thể kháng thuốc, cơ thể sẽ bị virus tấn công mạnh mẽ hơn.
Mới đây, các chuyên gia của Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư đã ghi nhận tình trạng virus cúm kháng lại thuốc kháng virus. Việc các virus cúm biến đổi, thích nghi với thuốc kháng virus khiến bệnh nhân có nguy cơ bị các triệu chứng nặng hơn, khó điều trị hơn.
PGS-TS Nguyễn Văn Kính – Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư cho biết, biện pháp duy nhất phòng cúm là tiêm vaccine. Người dân nên tiêm phòng cúm vào tháng 10-11”. Sau khi tiêm ngừa khoảng 2-3 tuần thì vaccine sẽ có hiệu quả bảo vệ. Việc tiêm phòng vaccine có thể phòng bệnh cúm tới 60%, giảm nguy cơ tử vong do cúm tới 70-80%. Tuy nhiên, các vaccine hiện nay mới chỉ ngừa được các loại cúm mùa như cúm A/H1N1, cúm B, cúm A/H3N2. Còn các loại cúm mới, cúm gia cầm như H5N1, H5N6, H7N9 thì vẫn “bó tay”.