Tuần qua, Quốc hội đã thông qua nghị quyết về dự toán ngân sách năm 2016, trong đó dành hơn 11.000 tỷ đồng để điều chỉnh tăng lương 5% (60 nghìn đồng) cho cán bộ công chức từ ngày 1/5/2016. Trao đổi bên hành lang quốc hội, nhiều ĐBQH cho rằng, cần đẩy nhanh xã hội hóa, tách viên chức ra khỏi đối tượng hưởng lương từ ngân sách mới có thể cải cách tiền lương.
ĐB Trần Du Lịch (Phó trưởng Đoàn ĐBQH TP HCM):
Tinh giản bộ máy, đẩy mạnh xã hội hóa
Trong quá trình xây dựng Luật Tổ chức chính quyền địa phương, tôi đã đề nghị giảm bớt một cấp chính quyền để dưới địa phương chỉ có hai cấp. Vì khi giảm như vậy cả một hệ thống chính trị sẽ giảm theo. Nhưng với điều kiện của Việt Nam chưa làm được nên chúng ta vẫn duy trì như cũ. Như vậy, không những không giảm được biên chế mà năm tới, khi triển khai Luật Tổ chức chính quyền địa phương mới thì xu hướng biên chế còn tiếp tục tăng.
 |
Đại biểu Trần Du Lịch. |
Đối với khối sự nghiệp, tôi từng đề nghị thực hiện xã hội hóa nhưng không đạt được mục tiêu, nên trong khi người dân vẫn phải đóng tiền thì ngân sách Nhà nước lại đài thọ cho một đội ngũ viên chức không ngừng tăng. Trong điều kiện như vậy, không thể nào có cách để tăng lương cho công chức.
Theo thống kê, biên chế cán bộ, công chức từ cấp huyện trở lên (không kể công an, quân đội) tăng từ 346.379 năm 2007 lên 396.371 năm 2014 (tăng 49.992 người, tỷ lệ 14,43%). Trong khi đó, biên chế các đơn vị sự nghiệp công lập cũng tăng nhanh, từ 1,63 triệu người năm 2010 lên 2,31 triệu người năm 2014.
Vừa rồi Quốc hội quyết định tăng 5% lương cho cán bộ công chức nhưng thực chất mức tăng này chưa đủ bù trượt giá, tức là chưa thể cải thiện đời sống. 5% đó chỉ như một cách giải quyết tạm thời. Chúng ta phải tiến hành cải cách tiền lương gắn với cải cách biên chế một cách đồng bộ. Nếu từ năm 2016, chúng ta mạnh dạn cải cách biên chế thì mới có cơ sở để nâng lương.
Khối sự nghiệp như y tế, giáo dục, Nhà nước bao cấp nhiều nhưng dân vẫn phải trả phí cao, đó là vì chúng ta không thành công khi thực hiện xã hội hóa. Tôi cho rằng, mô hình tổ chức quản lý của nước ta phải thay đổi. Ví dụ: Y tế phải rạch ròi, Nhà nước bao cấp hoàn toàn và đầu tư thỏa đáng cho y tế dự phòng để giảm tải cho các bệnh viện. Về chữa bệnh, các bệnh viện chuyển thành những định chế công phi lợi nhuận, hoạt động tự quản, lấy theo giá thị trường, Nhà nước sẽ tài trợ thông qua bảo hiểm, người dùng bảo hiểm được hưởng dịch vụ như người có tiền, còn người có tiền thì tự mua bảo hiểm, tự trả viện phí theo cơ chế thị trường. Nếu làm được như thế tôi tin rằng tiền Nhà nước phải chi ra sẽ giảm, người dân được hưởng lợi nhiều hơn, có công bằng xã hội, người có tiền sẵn sàng trả viện phí cao, sử dụng dịch vụ chất lượng cao; Người nghèo, cận nghèo thì được Nhà nước hỗ trợ thông qua bảo hiểm. Tương tự, đối với giáo dục nếu cũng áp dụng như vậy sẽ giảm áp lực cho ngân sách.
ĐB Nguyễn Đình Quyền (Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp):
Cần cương quyết loại bỏ đội ngũ "nuôi báo cô"
Trong cải cách hành chính 2001 - 2010, chúng ta đều đặt vấn đề tinh giản biên chế, nhưng tổng kết 10 năm cải cách hành chính thì việc đó dường như thất bại. Giai đoạn 2010 - 2020 đã đi quá nửa chặng đường nhưng tinh giản biên chế vẫn nằm trên giấy, dường như không thực hiện được. Việc này không chỉ liên quan đến Nhà nước mà còn liên quan đến cả hệ thống chính trị nên quá trình tinh giản biên chế phải đặt trong tổng thể. Thực tế hiện nay, bộ máy Nhà nước có số biên chế khổng lồ nhất, việc giảm biên chế rất khó khăn.
 |
Đại biểu Nguyễn Đình Quyền |
Theo quy trình hiện nay, tinh giản biên chế không dễ dàng chút nào. Tính tự chủ của mỗi đơn vị, cơ quan bị chi phối rất nhiều. Vì thế, muốn tinh giản biên chế trong tình hình hiện nay để cải thiện tiền lương thì có quá nhiều việc phải làm. Với kinh nghiệm làm quản lý, quan sát bộ máy Nhà nước bây giờ, tôi thấy chỉ có khoảng 60% cán bộ làm được việc, còn 40% có thể sa thải.
Cơ chế khuyến khích của chúng ta không rõ nên những người có năng lực vẫn vừa làm vừa chơi, thậm chí có chuyện người làm nhiều thì va chạm nhiều, khi bỏ phiếu, bình bầu lại mất phiếu. Quan trọng nhất hiện nay là phải tính được định biên, đặc biệt giao quyền tự chủ và phải chịu trách nhiệm cho người đứng đầu đơn vị trong việc quyết định số lượng cán bộ. Ngoài ra, phải có đề án khả thi trong việc sa thải cán bộ yếu kém.
Trong bộ máy Nhà nước, chúng ta đang trả lương, “nuôi báo cô” một bộ phận “không làm được tích sự gì”, như thế nghĩa là chúng ta có lỗi với những người làm được việc.
ĐB Bùi Đức Thụ (Ủy viên Ủy ban Tài chính ngân sách):
Không thể đi vay để trả lương
Vừa qua TP HCM thể hiện quyết tâm chính trị rất lớn là giảm gần 14 nghìn biên chế trong 6 năm tới, tôi đồng tình và đánh giá cao sự chỉ đạo quyết liệt đó. Chúng ta không tinh giản được, bộ máy cồng kềnh thì cân đối ngân sách và cải cách tiền lương sẽ rất khó khăn. Không thể đi vay để trả lương cho cán bộ công chức, nên vấn đề hiện nay là nâng cao chất lượng hoạt động và tinh gọn biên chế của cơ quan công quyền.
 |
Đại biểu Bùi Đức Thụ |
Để tinh giản biên chế, những đề án, giải pháp nêu ra cần tổ chức thực hiện và có kết quả trên thực tiễn, phải đảm bảo được chỉ tiêu giảm hàng năm cụ thể là bao nhiêu chứ không chỉ dừng trên văn bản nữa. Theo đó, trước mắt không tăng biên chế trong những năm tới. Với đội ngũ biên chế hiện hành phải giảm theo từng năm. Để làm được điều này phải phân loại, đánh giá chất lượng cán bộ một cách thực chất để có phương án sử dụng hiệu quả. Với người không đáp ứng được yêu cầu của nhiệm vụ mới thì có chính sách cho họ nghỉ trước tuổi, trước thời hạn hoặc có chế độ bố trí vào lĩnh vực dịch vụ, sản xuất kinh doanh phù hợp.
ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (Phó Bí thư Thành ủy TP HCM):
Vào biên chế rồi đưa ra rất khó
Chúng ta đã nhiều lần có quyết tâm chính trị, có nghị quyết thực hiện việc tinh giản biên chế nhưng chỉ đạt được những kết quả nhất định trong từng đợt chứ không thành công như mong đợi.
Rõ ràng, đến giờ, điều dễ nhận thấy là biên chế của chúng ta bị phình ra, nguyên nhân có cả chủ quan và khách quan. Trong đó, chủ yếu là do cách cơ cấu tổ chức bộ máy hiện nay, vào được biên chế rồi nhưng đưa ra thì rất khó. Bên cạnh đó, việc đánh giá cán bộ của chúng ta còn rất hình thức. Ở các nước, đánh giá công chức theo kiểu xếp hạng, phải có người đứng đầu và đứng cuối, nhưng ở chúng ta cứ A, B, C hay tiên tiến, xuất sắc, hoàn thành nhiệm vụ… kiểu chung chung, không rõ được việc người này có hoàn thành nhiệm vụ hay không, để từ đó đưa những người không hoàn thành nhiệm vụ vào diện tinh giản biên chế.
 |
Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm. |
Xuất phát từ những nguyên nhân ấy, để tinh giản biên chế, trước hết phải xem lại cách cơ cấu tổ chức bộ máy hành chính như hiện nay đã thực sự khoa học hay chưa. Nếu chưa thì cần tổ chức lại, đánh giá vì sao bộ máy cứ phình ra như vậy. Vấn đề thứ hai là cần chấn chỉnh việc thi tuyển cán bộ công chức đảm bảo minh bạch. Hiện, chúng ta có thi tuyển nhưng dường như “tuyển” vẫn mạnh hơn “thi” nên cần có sự thay đổi, đảm bảo sự minh bạch, công bằng, chọn được người tài. Thi tuyển đảm bảo chất lượng sẽ tạo sự ổn định trong đội ngũ bước đầu. Sau đó phải xác định cả “đầu ra” cho những người không đạt yêu cầu.
Vấn đề thứ ba chính là cơ chế tiền lương. Phải tính đến chuyện khoán quỹ lương mới có thể giải quyết được vấn đề này. Chẳng hạn, khoán cho đơn vị này một lượng công việc nhất định, với một quỹ lương nhất định, để đơn vị tự chủ về biên chế, miễn sao hoàn thành tốt lượng công việc được giao. Tức là phải tạo ra cơ chế mang tính chất là đòn bẩy kinh tế, làm tốt thì thu nhập tốt, làm không tốt thì sẽ bị loại ra khỏi đội ngũ cán bộ công chức. Việc tăng lương phải đi kèm với một bộ máy tinh gọn, làm được việc, vì lương là tiền thuế của dân để nuôi cán bộ công chức, nếu cứ để bộ máy thế này mà đặt vấn đề tăng lương thì không khả thi, dân không ủng hộ dù cho cán bộ công chức thấy bức xúc. Xã hội hóa cũng là một hướng đi tốt, chúng ta mở ra hướng hoạt động mang tính chất tự chủ nhưng đi kèm phải có quy định, chế tài, đảm bảo giá dịch vụ và chất lượng dịch vụ phải tương xứng với nhau. Có những quy định như vậy để Quốc hội, HĐND các cấp, mặt trận các đoàn thể giám sát, vì đó là quyền, lợi ích của người dân.
Theo thống kê, biên chế cán bộ, công chức từ cấp huyện trở lên (không kể công an, quân đội) tăng từ 346.379 năm 2007 lên 396.371 năm 2014 (tăng 49.992 người, tỷ lệ 14,43%). Trong khi đó, biên chế các đơn vị sự nghiệp công lập cũng tăng nhanh, từ 1,63 triệu người năm 2010 lên 2,31 triệu người năm 2014.
Theo Giao thông