Theo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quy định này nhằm thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về giảm hình phạt tử hình nhằm bảo vệ quyền con người theo tinh thần Hiến pháp và Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp.

Một trong những quy định mới cũng được đưa ra tại Bộ luật Hình sự lầ này là tội phạm chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng sẽ thoát án tử hình. Cụ thể, tại điểm c, Điều 40 quy định không thi hành án tử hình đối với người bị kết án nếu “Người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn”.

Về quy định không áp dụng hình phạt tử hình và không thi hành án tử hình, Bộ luật sửa đổi quy định không tử hình đối với người từ 75 tuổi trở lên.

Cũng theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân là nội dung mới trong lần sửa đổi này. Đây là vấn đề đã được Chính phủ nghiên cứu cả về lý luận và thực tiễn. Việc bổ sung là cần thiết nhằm đáp ứng yêu cầu phòng, chống tội phạm trong tình hình mới, nhất là đối với các hành vi vi phạm nghiêm trọng pháp luật về kinh tế và môi trường của pháp nhân và để bảo đảm sự thống nhất của hệ thống pháp luật.

Theo đó, về phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân, Điều 76 Bộ luật quy định 31 tội danh mà pháp nhân bị xử lý hình sự thuộc Chương các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế (Chương XVIII) và Chương các tội phạm về môi trường (Chương XIX).

Với 26 chương, 426 điều, Bộ luật có hiệu lực thi hành từ 1/7/2016.

Nguồn: Báo lao động