2 thầy học họ Nguyễn của xứ Nghệ năm xưa

Nghệ An là nơi sinh ra nhiều bậc hiền tài cho đất nước, được người đời kính trọng và sử sách lưu danh.

Để có được vinh dự ấy, vai trò của những thầy đồ (thầy học xưa) và nhà giáo (thầy giáo ngày nay) là không nhỏ.
 

Thầy đồ, ông đồ Xứ Nghệ đã đi vào lịch sử với nhiều tên tuổi quen thuộc như: thầy Võ Duy Dương, Bùi Hữu Nhậm, Vương Thúc Quý... ở Nam Đàn; thầy Lê Duy Quỳnh, Hồ Sỹ Dương... ở Quỳnh Lưu; thầy Ngô Trí Tri, Ngô Trí Hoà ở Diễn Châu; thầy Phan Tất Thông ở Yên Thành; thầy Phan Duy Dung... ở Nghi Lộc; thầy Tôn Đức Tiến ở Thanh Chương...


Đền thờ Chu Văn An ở Chí Linh - Hải Dương

Hai thầy dạy học họ Nguyễn đã đào tạo nhiều học trò thành đạt mà chúng tôi giới thiệu ở đây là thầy Nguyễn Đức Đạt và thầy Nguyễn Thức Tự.

Nguyễn Đức Đạt (1823/1824 - 1887), quê ở xã Khánh Sơn, huyện Nam Đàn ngày nay, đỗ cử nhân năm 1847 và đỗ Thám hoa năm 1853, được người đời gọi là song nguyên. Cha là Nguyễn Đức Diệu đỗ cử nhân năm 1824, em ruột là Nguyễn Đức Huy đỗ năm 1864, con trai là Nguyễn Đức Hiêu đỗ năm 1912. Cũng như nhiều người khác, sau khi đỗ đạt, Nguyễn Đức Đạt được nhà vua vời giữ nhiều chức vụ quan trọng của triều đình. Nhưng chỉ làm quan một thời gian, ông xin về quê mở trường dạy học.

Nghe tiếng về học vấn và đức độ của ông, sĩ tử xa gần kéo đến rất đông. Trường học ở làng (khi đó là làng Hoành Sơn) không đủ chỗ ngồi, thầy Đạt phải chuyển trường lên núi Nam Sơn bên dòng sông Lam (cách nhà thầy khoảng 1km). Hàng trăm học trò xa gần đua nhau đến nghe thầy dạy chữ, bình văn, giảng sách tại núi Nam Sơn này, nên người ta gọi đó là “trường Nam Sơn”.

Tiếng đào tạo nhiều sĩ tử thành tài của thầy Đạt vang xa, năm 1873,  vua Tự Đức triệu ông vào Huế giảng dạy ở Quốc Tử Giám, sau đó còn thăng cho chức Án sát Thanh Hoá rồi Tuần phủ Hưng Yên. Được thời gian, ông lại cáo quan lui về núi Nam Sơn, tiếp tục nghiệp dạy học xưa.

Phương pháp dạy học của thầy Đạt có nhiều nét tiến bộ (giống của thầy Lê Văn Hưu khi dạy hoàng tử Trần Quang Khải), ít thấy trong nền giáo dục xưa, đó là theo lối hỏi - đáp (nay ta gọi là phát vấn) và so sánh nhằm phát huy trí não, rèn luyện khả năng đối đáp cho người học.

Để dạy học theo phương pháp này, ngoài nhiều sách khác do thầy tự soạn (như Nam Sơn song khoá phủ tuyển, Nam Sơn song khoá chế nghĩa, Đăng long văn tuyển, Việt sử thặng bình, Vịnh sử thi tập...), còn có bộ sách đồ sộ là Nam Sơn tùng thoại gồm 32 chương, viết theo lối vấn đáp, phát triển một số quan điểm như nhân hoà, đức trị,...

Ngoài việc chăm lo cho các lớp học trò, thầy còn theo dõi rèn luyện tính cách - đạo đức của từng người để các em phát triển cả tài lẫn đức. Trường học của thầy Đạt đã đào tạo thành tài cho nhiều người như: Cao Xuân Dục, Ngô Đức Kế, Đặng Nguyên Cẩn, Đặng Thái Thân...

Khi thầy Nguyễn Đức Đạt qua đời, học trò già trẻ, người làm to đến người làm nhỏ đều đến Hoành Sơn, tổ chức lễ an táng cho thầy. Họ quyết định chôn cất thầy Đạt trên núi Nam Sơn, dựng bia ghi công đức ngay giữa đỉnh núi - nơi thầy thường đứng giảng bài, truyền đạo lý làm người khi còn sống. Đoạn tang, họ lập từ đường để thờ ông tại mảnh vườn nhỏ ở làng Hoành Sơn. Trong ngôi từ đường này có 2 bức đại tự với 6 chữ: “Vạn thế trạch”, “Đại khoa môn” và nhiều câu đối.

Sinh sau thầy Nguyễn Đức Đạt gần 20 năm đó là thầy Nguyễn Thức Tự (1841 - 1923), quê làng Đông Chử, xã Thịnh Trường xưa (xã Nghi Trường, huyện Nghi Lộc nay). Bố là Nguyễn Huy Phước - một nhà nho thông minh - thầy thuốc giỏi. Lúc nhỏ, Nguyễn Thức Tự nổi tiếng là người “thích sách, mài chí vào nghiên bút” , từng theo học thầy Nguyễn Đức Đạt ở Nam Đàn và Tiến sĩ Phan Sĩ Thục ở Thanh Chương.

Sau khi đỗ cử nhân khoa thi năm 1868, Nguyễn Thức Tự được làm một số chức quan trọng ở huyện, ở Bộ Hình, rồi Chánh Sơn Phòng sứ Hà Tĩnh (về già người ta thường gọi ông là cụ Sơn).

Năm 1885, Hàm Nghi ra Sơn Phòng Hà Tĩnh hạ chiếu Cần Vương, ông có theo việc nghĩa, nhưng khi Hàm Nghi bị bắt, ông lui về làng Đông Chử mở trường dạy học. Vì tên hiệu của thầy Nguyễn Thức Tự là Đông Khê nên người đời cũng gọi trường học của thầy là trường Đông Khê.

Nổi tiếng là người có kiến thức uyên thâm, có đạo đức cao đẹp, lại có phương pháp giáo dục thích hợp, nên sĩ tử gần xa đến rất đông. Ngoài việc dạy chữ Hán trong thời Pháp thuộc, thầy còn đem những gương tốt, có lòng yêu nước trong sử sách xưa và cả trong lịch sử thời Cần Vương để giáo dục học sinh. Nguyễn Thức Tự cũng soạn một số sách cho học sinh tham khảo như Đông Khê hiên luật phú, Đông Khê thư tập, Đông Khê thi tập, Gia huấn ca,...

Hơn 30 năm dạy học, trường Đông Khê đào tạo trên 400 học trò thành đạt, trong đó có các Hoàng giáp Đinh Văn Chấp, Nguyễn Đức Lý; các Tiến sĩ Hoàng Kiêm, Nguyễn Mai, Lê Bá Hoan; các Phó bảng: Vương Đình Trân, Nguyễn Văn Chấn, Nguyễn Thúc Dinh, Nguyễn Thúc Hiên, Trần Tiến Kiệm... và đặc biệt là cụ Nguyễn Sinh Sắc - thân sinh của lãnh tụ Hồ Chí Minh. Một số yếu nhân trong phong trào Duy Tân, Đông Du như: Nguyễn Đức Công, Phạm Văn Thản, Đặng Văn Bá,... và đặc biệt là Phan Bội Châu.

Được tin thầy qua đời, từ nước Trung Hoa xa xôi, Phan Bội Châu gửi về bài điếu văn, trong có 4 câu: “Đạo thông thiên địa/ học bác cổ kim/ kinh sư dị đắc/ nhân sư nan tầm” (nghĩa là: Đạo thông cả trời đất/ học rộng cả xưa nay/ thầy dạy kinh điển thì dễ gặp/ thầy dạy làm người thì khó tìm). Các con trai của thầy đều hoạt động chống Pháp, có người hy sinh cho đất nước, có người vào tù ra tội: Nguyễn Thức Canh, Nguyễn Thức Đường, Nguyễn Thức Bao, Nguyễn Thức Độ, Nguyễn Thức Chín.

Do vậy mà trước cách mạng tháng Tám 1945, ở Nghệ An có một bài ca dao nói về thầy giáo Nguyễn Thức Tự với các con của ông:

“Ai về Nghi Lộc, Nghệ An

Hỏi thăm con cháu cụ Sơn thế nào

Hỏi Canh hoạt động bên Tàu

Hỏi Đường, Tây đã chém đầu năm nao

Dần dà hỏi đến Thức Bao

Côn Lôn tin bạt lần sau vượt vời

Cha con sau trước mấy người

Hiến thân cho nước, cho nòi Việt Nam.”

Ngày nay, sự học nói chung, việc dạy - học nói riêng đã có nhiều thay đổi khác trước, quan hệ thầy - trò cũng đa dạng, phức tạp hơn nhiều, nhưng một số chuẩn mực đạo đức, quan điểm dạy học của thầy Nguyễn Đức Đạt và thầy Nguyễn Thức Tự luôn là tấm gương sáng, là bài học bổ ích cho thầy giáo hôm nay làm điểm tựa khi đứng trước cơ chế thị trường.

Mai Hùng
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ THÀNH PHỐ VINH
Giấy phép số: 253/GP-TTĐT ngày 19/11/2010 do Bộ Thông tin và truyền thông cấp
Cơ quan chủ quản: UBND TP Vinh - Địa chỉ: Số 27 Đường Lê Mao – TP Vinh. 
Hotline: 02383.840.039; 02383. 842574    Mail: Vinhcity.ptth@gmail.com
Chịu trách nhiệm chính: Ông Trần Ngọc Tú – Chủ tịch UBND Thành phố Vinh