“Người chiến sĩ ấy ai đã gặp anh không thể nào quên, không thể nào quên. Bao nhiều năm trường lên rừng xuống biển. Trên núi cao hay dưới đồng bằng. Không có nơi nào anh vắng mặt…”. Khi nghe những ca từ của bài hát "Người chiến sỹ ấy" - Nhạc sỹ Hoàng Vân, tôi chợt nghĩ đến anh - Thiếu tá, ca sỹ Tiến Lâm.
Ca sỹ... nông dân
Tiến Lâm (Vũ Tiến Lâm) tự nhận mình là nghệ sỹ nông dân. Bởi anh cho rằng toàn bộ tính cách, lối sống, suy nghĩ toát lên từ anh đều “nông dân chính hiệu”. Sinh ra từ một gia đình làm nông nghiệp ở làng quê ven biển Diễn Đoài (Diễn Châu), thuở nhỏ cậu út Tiến Lâm thường theo mẹ ra đồng bắt ốc, mò cua. 7, 8 tuổi đã có thể tra hạt, cấy lúa. Nhưng có điều ở cậu bé ốm nhách, đen nhẻm ấy là niềm say mê đối với đàn ca, sáo nhị.
Cha mẹ cậu chẳng lấy đó làm lạ, bởi họ cũng là những người rất yêu âm nhạc, ca hát. Chính vì vậy, nên gia đình dù đông con, cuộc sống nhiều toan lo chật vật nhưng trong ngôi nhà của cậu bé Lâm chưa bao giờ thiếu tiếng hát. Thuở ấy, mỗi khi ra đồng hay đi chăn trâu, cắt cỏ chưa bao giờ sau lưng quần vá chằng, vá đụp của Tiến Lâm thiếu cây sáo trúc.
Trong làng cũng có nhiều đứa tập tọe thổi sáo nhưng thổi một cách say sưa chỉ có Tiến Lâm. Thời gian ấy cậu bé Tiến Lâm và các anh chị của mình còn là những thành viên nòng cốt của đội văn nghệ thôn. Những tiết mục độc tấu sáo của Tiến Lâm cứ gọi là mê tơi, ai nấy đều khâm phục.
Biết con trai có năng khiếu nghệ thuật nên bố mẹ Tiến Lâm quyết định cho con thi vào Trường Cao đẳng văn hóa nghệ thuật của tỉnh. Đó là năm 1984, lúc ấy Tiến Lâm 11 tuổi. Cậu bé Lâm chọn bộ môn nhạc dân tộc để thi tuyển. Và Lâm cũng không thể hiện bài thi bằng nhạc cụ sáo trúc mà bằng… đàn bầu. Thựcra trước đó, Tiến Lâm đã có thể chơi được nhiều nhạc cụ như sáo, bầu, guitar.
Clip Tiến Lâm với cây đàn nguyệt.
Trực tiếp truyền đạt, bày vẽ cho Tiến Lâm từng ngón đàn, từng nốt, từng cung chính người anh trai Vũ Tiến Vinh. Lúc đó anh Vinh đang là sinh viên của Học viện âm nhạc quốc gia và việc kèm cặp, hướng nghiệp cho em trai anh Vinh thay cha mẹ một tay vun đắp. Tiến Lâm vào học văn hóa nghệ thuật của tỉnh, một chân trời mới mở ra.
Vào Thành phố Vinh, cậu bé mới 11 đã trải qua biết bao điều lạ lẫm. Kể cả khithời điểm ấy Vinh chỉ là 1 đô thị nhỏ, nghèo nàn thì so với mảnh đất Diễn Đoài vẫn là thứ gì đó đáng để mộng mơ. 7 năm trời liên tục theo đuổi lớp đàn bầu ởTrường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật là quãng thời gian khá dài với 1 cậu bé.
Tiếp cận môi trường đào tạo nghệ thuật khi mới bước vào tuổi thiếu niên, kếtthúc đã là 1 gã trai. Tiến Lâm nói rằng, ngày ấy cho dù anh được “ở phố” một hời gian rất dài nhưng cũng không thể giấu vào đâu được bản tính “nông dân”của mình. Học ở Vinh nhưng hễ có ngày nghỉ là tìm mọi cách về quê ra đồng bắtcua, cá. Rất nhiều lần cậu trai Tiến Lâm còn tham gia buôn lươn với mẹ.
Mẹ con anh mua lươn của những người đi đặt trúm sau đó mang lên chợ huyện, mang xuống Vinh bán. Vì gia cảnh nông thôn khó khăn, thiếu thốn quá. Trong khi đó, học bổng mà Tiến Lâm nhận được ở trường là hơn 10 kg gạo mỗi tháng. Ấy vậy đã thấy sung sướng lắm. “Vì mình đi học mà vẫn có lương” – Tiến Lâm cười nhớ lại.
Nhưng con đường để trở thành ca sỹ đối với anh nông dân buôn lươn ấy còn dài. Sau 7 năm trời học đàn bầu, Tiến Lâm tiếp tục theo học lớp đàn guitar 4 năm. Xác định sẽ phấn đấu để trở thành nhạc công nên Tiến Lâm nỗ lực khôngngừng. Tiến Lâm nói rằng, anh nhớ những hôm luyện đàn đến ngón tay bật máu.Càng khó càng quyết tâm. Rồi anh cũng hoàn thành hệ trung cấp ngành biểu diễn nhạc cụ. Trong thời gian học tại Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Nghệ An, Tiến Lâm tham gia nhiều chương trình biểu diễn nghệ thuật phong trào, không chuyên.
Tuy nhiên, những lần như thế rất ít khi anh tham gia biểu diễn với vai trò nhạc công - sở trường được đào tạo của mình mà chủ yếu thể hiện bằng “sở đoản”. Đó là hát. Không biết giọng ca của Tiến Lâm thời điểm ấy hay cỡ nào nhưng anh đã được phát hiện bởi Đoàn Văn công Quân khu 4. Đoàn trưởng lúc đó là Thượng tá Ngô Quang Truyền. Đây chính là bước ngoặt thứ 2 của chàng.
Chàng lính giọng tenor thép
Tiến Lâm sở hữu giọng tenor thép, một giọng hiếm trong giới ca sỹ, nghệ sỹ thanh nhạc. Những ai đã từng được thưởng thức những: “Người chiến sỹ ấy”, “Tình ca”, “Đất nước trọn niềm vui”, “Gặp nhau trên đỉnh Trường Sơn”, “Chiến sỹ sông Lô”… sẽ không nguôi được hình ảnh một Tiến Lâm giòn giã, rực lửa trên sân khấu với một nội lực vô cùng mạnh mẽ.
Clip Tiến Lâm hát giữa đời thường.
Khi Tiến Lâm cất giọng, mỗi ca từ, lời hát như có lửa, rất đanh thép và hào sảng. Anh cuốn hút mọi người bằng tất cả sự say mê, chan chứa, dồn nén, rạo rực trong mỗi bài hát mà anh thể hiện. Tiến Lâm cho rằng, anh xuất thân là nông dân, là người ưa sống tình cảm, thậm chí trước đây còn nhút nhát và anh chỉ tìm thấy sự tự tin, vững chãi khi đứng trên sân khấu.
“Là môi trường quân đội rèn giũa, uốn ắn. Mình là người lính, mình yêu màu áo đang mặc và thể hiện tình yêu theo cách của lính, cháy hết mình với tất cả những gì đang có” - Tiến Lâm cười hiền. Anh cũng cho biết, nếu không có môi trường quân đội, không có Đoàn Văn công Quân khu 4 anh không được như ngày hôm nay.
Sau khi được nhận vào đoàn và làm việc tại đây 4 năm anh tiếp tục được cử đi đào tạo thanh nhạc tại Học viện Âm nhạc Quốc gia ở Hà Nội. Thời gian để hoàn thành 2 khóa học gồm: hệ cao đẳng và đại học là 7 năm. Chính thời gian này, khi đang là sinh viên Học viện Âm nhạc Tiến Lâm đã tham gia cuộc thi Sao mai năm 2001.
Đây cũng là năm đầu tiên cuộc thi âm nhạc Tiếng hát truyền hình được đổi thành giải Sao mai. Với cuộc thi chuyên nghiệp đầu tiên này, không chỉ ở Nghệ An quê nhà mà khán giả cả nước đã được chứng kiến một Tiến Lâm đầy nội lực và khát khao. Anh liên tiếp giành giải Nhất các vòng tuyển chọn ở tỉnh, tiếp đến giành giải Nhất khu vực miền Trung – Tây Nguyên.
Từng bước, từng bước một anh thuyết phục khán giả và hội đồng giám khảo bằng chất thép tenor trong huyết quản vút lên thành cao trào. Tại vòng chung kết với sự hội tụ của 52 danh ca, sau 3 vòng thi Tiến Lâm xuất sắc giành giải Nhì. Đây cũng là giải thưởng âm nhạc làm nên tên tuổi, phong cách của chàng ca sỹ đến từ vùng quê biển Châu Diễn.
Thành công liên tiếp đến với chàng “lính hát”. Liên tục trong nhiều năm Tiến Lâm gặt hái quả ngọt. Anh giành được rất nhiều giải thưởng sau hơn 20 năm theo đuổi con đường nghệ thuật. Có thể kể đến 2 Huy chương Vàng, 2 Huy chương Bạc tại các kỳ Liên hoan Ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc; 1 Huy chương Vàng Liên hoan tiếng hát Đường 9 xanh, 2 Huy chương Bạc nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quân, ngoài ra còn có rất nhiều giải thưởng âm nhạc uy tín.
|
Một số giải thưởng Thiếu tá - ca sỹ Tiến Lâm dành được trên con đường nghệ thuật |
Với Tiến Lâm tất cả không đến một cách tự nhiên và dễ dàng. Những thành công anh dành được nhờ vào một quá trình gian nan khổ luyện. Câu: “ngọc bất trác bất thành khí” rất đúng với con người Thiếu tá – ca sỹ Tiến Lâm. Anh nói rằng, từ khi dấn thân vào con đường nghệ thuật cho đến nay chưa có ngày nào anh ngừng rèn luyện. Nhưng giữ vai trò không kém phần quan trọng, thậm chí quyết định thành công trên con đường đi mà anh đã lựa chọn.
Đó là cô giáo tiểu học Nguyễn Thị Thoa. Cô là giáo viên môn Âm nhạc ở Trường Tiểu học Bến Thủy (TP Vinh), là người vợ hiền dịu, đảm đang của ca sỹ Tiến Lâm. Khi nói về người bạn đời của mình mắt anh sáng lên những tin yêu, ấm áp. Tiến Lâm kể rằng, anh lấy vợ cũng như một mối tiền duyên. Rằng, ngày đó Tiến Lâm đã 35 tuổi, anh được Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật tỉnh mời về thỉnh giảng.
Theo như Tiến Lâm nói thì từ sau 30 tuổi anh đã hoàn toàn không có khái niệm lấy vợ. Có rất nhiều người con gái yêu muốn trao gửi trái tim cho anh, nhưng trái tim anh không rung động trước cô gái nào, bản thân anh cũng nghĩ sẽ không muốn ràng buộc chuyện gia đình. Nhưng thật tình cờ, Tiến Lâm đã gặp cô sinh viên hiền lành, dễ mến chính tại ngôi trường nơi anh từng có thời gian dài học tập. Và cô gái ấy thay đổi mọi suy nghĩ trong anh, khiến mọi giá trị mà anh thiết lập cho mình đều “đảo lộn”. “Đó là tiếng sét” – Tiến Lâm kết luận vậy. Thế là có vợ.
Đại gia đình ca hát
Hiện nay vợ chồng anh đang sống trong căn phòng tập thể của Đoàn Văn công Quân khu 4. Họ đã có 2 con, con gái lớn năm nay 8 tuổi, cậu nhỏ mới hơn 2 tuổi. Tiến Lâm nói rằng, cô con gái dường như cũng thiên hướng theo nghiệp của bố mẹ. “Cháu tên là Thảo Vy, hát khá, liên tục tham gia các hoạt động văn hóa nghệ thuật của thiếu nhi thành phố, vừa rồi cháu đạt giải Ba cuộc thi Tiếng hát chim sơn ca thành phố Vinh” - Tiến Lâm khoe.
Anh cũng còn tỏ ra rất tự hào cho biết, cả đại gia đình anh hiện tại có trên 10 hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc. Ngoài anh trai là Vũ Tiến Vinh, đang là Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật tỉnh và chị dâu là Nghệ sỹ ưu tú Ngọc Hà còn có các anh, chị, dâu rể và các cháu cũng đang là giáo viên âm nhạc của các trường học phổ thông.
Hằng năm vào dịp ngày Quốc khánh 9/2 hoặc Tết, đại gia đình lại hội tụ về Diễn Đoài, cùng hát phục vụ bà con chòm xóm. Trước khi chia tay, tôi đã hỏi Tiến Lâm: Tại sao trước đây anh đã không nhận những lời mời hấp dẫn để ở lại Hà Nội hoặc Nha Trang, Sài Gòn. Sao lại cứ cố sống, cố chết về Nghệ An? Tiến Lâm cho biết, đã có rất nhiều người hỏi anh câu này. “Mình biết ơn mảnh đất này. Ở đây mới chính là con người mình. Ai cũng ra đi vậy ai ở lại phục vụ quê hương” –Tiến Lâm cười rạng rỡ.
Vân Nhi-Baonghean.vn