|
Máy bay chiến đấu Su-24 của Nga tại tỉnh Latakia, Syria tháng 10-2015 - Ảnh: AP |
Tuyên bố trên được Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter tuyên bố ngày hôm qua, 1-12. Lực lượng này sẽ thực hiện nhiệm vụ mở các chiến dịch đơn phương bên trong lãnh thổ Syria, đồng thời hỗ trợ quân đội Iraq trực tiếp chiến đấu với các nhóm phiến quân trong khu vực.
Phát biểu trong cuộc điều trần trước Ủy ban Quân lực Hạ viện, Bộ trưởng Carter cho biết đây là một lực lượng đặc biệt có khả năng “bố ráp quân địch, giải cứu con tin, thu thập thông tin tình báo và bắt giữ các thủ lĩnh IS bất kỳ lúc nào” tại Iraq cũng như bên trong lãnh thổ Syria.
Ông Carter cho rằng việc Mỹ triển khai lực lượng đặc nhiệm sẽ giúp cải thiện công tác thông tin tình báo, phát hiện nhiều mục tiêu tấn công hơn. Được triển khai theo đề nghị của chính quyền Baghdad, lực lượng này cũng có nhiệm vụ bảo vệ các đường biên giới của Iraq và xây dựng năng lực cho các lực lượng an ninh Iraq.
Bên cạnh đó, văn phòng Thủ tướng Đức Angela Merkel ngày 1-12 cũng cho biết nước này sẽ điều 1.200 binh sĩ cùng nhiều máy bay do thám Tornado đến hỗ trợ không kích chống lại IS ở Iraq.
Các cơ quan truyền thông Đức cho biết vào ngày 4-12, rất có thể Quốc hội Đức sẽ tổ chức bỏ phiếu thông qua kế hoạch hỗ trợ trị giá 134 triệu euro (tương đương 173 triệu USD) để quân đội nước này thực hiện nhiệm vụ chống IS ngay từ tháng 1-2016.
Bên cạnh việc tham gia cuộc chiến chống IS ở Syria, Đức cũng sẽ tăng cường hỗ trợ lực lượng chiến đấu của Pháp ở Mali, theo đó Berlin sẽ triển khai tối đa 650 binh sĩ tham gia Phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc ở Mali (MINUSMA).
Cùng ngày, theo cơ quan tình báo Mỹ ở Trung Đông, Nga đang xây thêm căn cứ không quân thứ 2 và một vài căn cứ quân sự khác ở Syria.
Theo tờ Al-Rai của Kuwait, căn cứ Nga đang xây dựng tại Shayrat có 45 nhà chứa máy bay đã được nâng cấp, cho phép bảo vệ máy bay trước các đợt bắn phá.
Bộ Quốc phòng Mỹ phản ứng khá gay gắt trước thông tin trên. Theo một quan chức giấu tên, đây rõ ràng là hành động “bành trướng” chứ không phải “phòng vệ”, thể hiện tham vọng quyền lực ngày càng tăng của Nga trong khu vực.
|
Libya được xem là một trong những nơi tốt nhất để IS triển khai hoạt động trong khu vực - Ảnh: CNN |
IS tuyên bố mở rộng hoạt động sang nhiều nước khác
Theo tuyên bố mới nhất từ IS, chúng sẽ mở rộng phạm vi hoạt động ra bên ngoài Iraq và Syria, lan sang cả Libya, Ấn Độ, Pakistan, Bangladesh và Afghanistan.
Tờ India Express ngày 2-12 dẫn tuyên bố từ IS cho biết trong tương lai, chúng sẽ tiến hành các cuộc thánh chiến ở nhiều nước, vì có đến hơn 1,5 tỉ người Hồi giáo đang có mặt ở khắp nơi trên thế giới.
Trong bản tuyên bố này, IS còn mô tả học thuyết của mình về việc làm thế nào để có thể thúc đẩy hoạt động nổi dậy chống lại chế độ đương nhiệm. Đồng thời, chúng cũng hướng dẫn chi tiết cách thức xây dựng mạng lưới, chế tạo chất nổ và duy trì hoạt động bí mật của các phiến quân để tránh sự theo dõi của cơ quan an ninh.
Cùng ngày, các chuyên gia Liên Hiệp Quốc cũng công bố báo cáo cho thấy IS đang mở rộng tầm ảnh hưởng ra Libya, nơi có từ 2.000-3.000 chiến binh đang hoạt động.
Thông tin trên đã được xác nhận bởi lực lượng tình báo Mỹ tại Trung Đông. Theo cơ quan này, IS đang xây dựng một căn cứ mới ở Libya để triển khai hoạt động khủng bố.
Là quốc gia án ngữ ngay vị trí trung chuyển giữa Trung Đông và Bắc Phi, IS xem Libya như là “một cơ hội tốt nhất” để mở rộng phạm vi kiểm soát từ Iraq và Syria, vì nơi này không chỉ giúp chúng liên lạc với mạng lưới al-Qaeda cùng các nhóm khủng bố khác, mà còn tạo điều kiện cho các phần tử khủng bố có một nơi trú ẩn mới bên ngoài Trung Đông.
|